"Mặt trận" mật mã đã giúp Liên Xô giành chiến thắng trong chiến tranh như thế nào?

Thứ Bảy, 12/06/2021, 12:23
Lực lượng mật mã đã giúp Liên Xô giành chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ 2, sau đó tạo ra lá chắn tên lửa hạt nhân bảo vệ đất nước. Giờ đây ở Nga, các phương pháp mã hóa đã trở thành cơ sở của việc số hóa nhiều lĩnh vực khác nhau…

Phe phát xít không phá nổi mật mã Liên Xô trong Thế chiến 2

Trong Chiến tranh thế giới 2, trùm phát xít Hitler ra lệnh cho cấp dưới ráo riết truy bắt sĩ quan mật mã của Liên Xô bằng cách treo thưởng lớn. Mục đích của Hitler là nhằm giải mã được những thông tin mật được mã hóa của Liên Xô.

Khi đó các nhân viên phá mã của phe phát xít không thể đọc nổi một thông điệp được mã hóa của Liên Xô mà chúng chặn được. Hệ thống mã hóa của Liên Xô trở nên dễ bị bẻ chỉ trong một tình huống: Nếu kẻ mã thám tiếp cận được thiết bị mã hóa và chìa khóa giải mã. Tuy nhiên các sĩ quan mật mã Liên Xô đã không bị suy chuyển trước kẻ thù.

Phía Đức đã phát động một cuộc truy lùng các sĩ quan mật mã Liên Xô, nhằm tiếp cận thiết bị và các bộ mật mã của họ. Kết quả là nhiều sĩ quan mật mã Liên Xô đã phải hy sinh.

Ngày 22-6-1941, các nhân viên mật mã của Đại sứ quán Liên Xô ở Đức là những người đầu tiên bị tấn công. Hôm đó, lực lượng SS đột kích vào tòa nhà Đại sứ quán Liên Xô ở Berlin. Nikolai Logachev, nhân viên mật mã của phái đoàn thương mại Liên Xô, cố gắng giam mình trong một căn phòng và đốt tất cả tài liệu mật mã, giữ tỉnh táo trong màn khói dày đặc. Khi lính SS phá cửa xông vào thì tất cả các đoạn mã đều đã bị tiêu hủy. Logachev bị bắt giữ nhưng sau đó đã được đem trao đổi lấy nhân viên ngoại giao Đức ở Moscow.

Để đảm bảo bí mật, một mã riêng được phát triển cho mỗi thông điệp trên mặt trận và các mã như thế không bao giờ được dùng lại. Việc mã hóa được áp dụng cho việc truyền mọi loại liên lạc bí mật trong chiến tranh. Tổng hành dinh quân đội Liên Xô nhận được tới 60 bức điện mỗi ngày, còn sở chỉ huy ở mặt trận thì nhận tới 400 bức điện mỗi ngày.

Nguyên soái Georgy Zhukov kiểm tra các bức điện mã hóa tại mặt trận phòng thủ Moscow.

Tại mặt trận, các máy mã hóa và điện thoại mật được sử dụng. Một máy mật mã mang mật danh M-101 Izumrud được Liên Xô chế tạo năm 1942. Máy này được xem là thiết bị mã hóa đáng tin cậy và được dùng để mã hóa các bức điện có tầm quan trọng đặc biệt. 

Ngoài máy Izumrud, các sĩ quan mã hóa Liên Xô ngoài mặt trận còn sử dụng một thiết bị có tên gọi Sobol-P. Theo sử gia Dmitry Larin, đây là chiếc máy tinh vi nhất dùng cho truyền thông tin mật và không có phiên bản ở nước ngoài. Chiếc máy đầu tiên của dòng máy này được gửi tới Stalingrad. Các máy Sobol-P đã hiện thực hóa việc liên lạc qua vô tuyến điện thay vì qua đường dây điện thoại. Dây điện thoại dễ bị quân thù phá hủy hoặc chặn nghe, còn việc bẻ hệ thống mã hóa lời nói dùng cho điện đài thì cực kỳ khó.

Nguyên soái Georgy Zhukov khẳng định, ông không thể có nhiều chiến thắng trong chiến tranh nếu thiếu các sĩ quan mật mã đáng tin cậy. Còn Nguyên soái Ivan Konev, người đã giải phóng Ukraine, Moldova, Romania, Ba Lan, Tiệp Khắc đã viết trong hồi ký của mình: “Chúng tôi phải tri ân các thiết bị mật mã và các đội liên lạc của chúng tôi, những người đảm bảo liên lạc thông suốt và luôn theo sát mọi bước của những người sử dụng hệ thống liên lạc đó”.

Phó tiến sỹ toán lý Boris Stolpakov, cũng là một nhà sử học về mật mã,  khẳng định rất khó để đánh giá hết sự đóng góp của các nhà mật mã học trong việc bảo mật thông tin trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2. Bởi "mặt trận" mật mã bắt đầu cách chiến tuyến hàng nghìn km. C

ác nhà mật mã của các bên đã thực hiện một công việc to lớn trong việc đảm bảo thông tin liên lạc hữu tuyến và vô tuyến cho các nhu cầu quân sự, dân sự trên một phần lớn thế giới. Và các nhà mật mã học Liên Xô, chắc chắn, đã chiến thắng trong lĩnh vực của mình trong mặt trận mật mã, cùng với các đồng minh.

Theo Stolpakov, ngay từ khi trong giai đoạn ban đầu khó khăn nhất của cuộc chiến, trước trận chiến bảo vệ Moscow, các chuyên gia Liên Xô đã có thể thành công giải mã các bức điện của Chính phủ Nhật Bản. Việc nắm được nội dung của chúng cho phép ban lãnh đạo Liên Xô đưa ra quyết định điều chuyển các lực lượng quân sự lớn về Moscow vào tháng 10-11 năm 1941.

Trong những điều kiện như vậy, rất khó để không đánh giá cao vai trò của các chuyên gia tình báo vô tuyến tiền phương - các sư đoàn vô tuyến OSNAZ (nhiệm vụ đặc biệt). Trong thành phần của họ cũng bao gồm các đơn vị giải mã. Chính họ là người đã kịp thời phát hiện sự điều chuyển các đơn vị quân đội Ý và Romania để thay thế quân Đức ở phía Tây Bắc và Nam Stalingrad, nơi bắt đầu cuộc phản công thắng lợi của Hồng quân vào ngày 19-11-1942, quyết định kết quả của trận chiến Stalingrad, và trở thành bước ngoặt trong toàn bộ cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2. Đến cuối tháng 11-1942, chỉ riêng qua việc phá mã, Liên Xô đã có thể đọc hơn 50.000 bức điện mã hóa của Đức.

"Chúng ta cũng nên đề cập đến thiết bị mã hóa các cuộc điện đàm, làm cho đối phương không thể tiếp cận giải mã và lần đầu tiên được sử dụng rộng rãi trên chiến trường trận Kursk năm 1943. Khi đó, các chỉ huy mặt trận và Tập đoàn quân đã có thể liên lạc trong điều kiện trong thực địa với nhau và với Tổng hành dinh, truyền phát các thông tin bí mật. Đó là một thành tựu khoa học kỹ thuật xuất sắc gắn liền với tên tuổi của Vladimir Kotelnikov", Stolpakov nói.

Một điện đài viên nhận tin tức từ Cục Thông tin Liên Xô.

Mật mã và lá chắn tên lửa hạt nhân

Theo Stolpakov, có sự tương đồng giữa sự phát triển ngành mật mã học ở Liên Xô sau chiến tranh và việc tạo ra lá chắn tên lửa hạt nhân của Liên Xô. Trong những năm sau chiến tranh, điều quan trọng là phải ưu tiên các vấn đề phát triển tên lửa hạt nhân và nhiệm vụ bảo mật thông tin.

"Xét cho cùng, nếu việc điều khiển lá chắn tên lửa hạt nhân có thể bị ai đó từ bên ngoài tiếp cận được, thì hệ thống này sẽ chẳng còn ích lợi gì. Vì vậy, nhiệm vụ quốc phòng chiến lược không thể được giải quyết nếu không có nhiệm vụ chiến lược thứ hai liên quan mật mã. Do đó, hình ảnh của Vladimir Alexandrovich Kotelnikov đúng ra có thể được coi là biểu tượng của ngành mật mã học, cũng như Igor Vasilyevich Kurchatov trong ngành nguyên tử, và Sergei Pavlovich Korolev là biểu tượng của lĩnh vực tên lửa, vũ trụ", Stolpakov nhấn mạnh.

Ngay sau chiến tranh, Liên Xô đã tích cực tạo ra các đường điện thoại được mã hóa tốc độ cao, có khả năng chống giải mã các cuộc điện đàm, và sau đó là sự vươn lên hàng đầu thế giới của ngành mật mã Liên Xô. 

Điều kiện cần thiết cho sự phát triển như vậy là "toán học hóa" ngành mật mã, với sự tham gia của các nhà toán học giỏi nhất từ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô và các trường đại học trong việc chế tạo và phân tích sâu công việc của các máy mật mã. Các nhà khoa học đã tích cực tham gia vào việc giảng dạy, cũng như đào tạo các nhà mật mã học trẻ tuổi.

Hồng quân Liên Xô bảo vệ Moscow, tháng 11-1941.

Mật mã trong lĩnh vực  số hóa

Theo nhà sử học, sự sụp đổ Liên Xô và xuất hiện nhà nước Nga mới đã thay đổi hoàn toàn trật tự hiện có trong hệ thống bảo vệ thông tin. Việc sử dụng mật mã đã vượt ra ngoài việc bảo vệ bí mật nhà nước. Khu vực tư nhân, chủ yếu là lĩnh vực tài chính, cũng rất cần được bảo mật dữ liệu.

"Nhiều người còn nhớ câu chuyện với những chứng từ giả mạo vào đầu những năm 90 thế kỷ trước, khi những kẻ lừa đảo thông đồng với nhân viên  ngân hàng in chứng từ thanh toán với số tiền nhất định và gửi đến Ngân hàng Trung ương, sau đó tất cả những gì chúng phải làm là nhận tiền và chuyển sang tài khoản các công ty một ngày”, Stolpakov nói.

Một thông cáo báo chí từ Ban Giám đốc Ngân hàng Trung ương Nga chi nhánh Moscow ngày 13-9-1995 cho biết "từ tháng 12-1992 đến tháng 9-1995, khoảng 2.900 chứng từ giả mạo với tổng trị giá hơn 800 tỷ rúp đã được phát hiện tại các trung tâm thanh toán ở Moscow. Chính việc triển khai nhanh chóng các phương tiện bảo vệ thông tin mật mã trong các trung tâm thanh toán của Ngân hàng Trung ương Nga đã giúp ngăn chặn dòng tài liệu giả.

"Các tiêu chuẩn đầu tiên về chữ ký điện tử và hàm băm (chức năng kiểm soát việc nhập dữ liệu) được tạo ra ở Nga, đặt cơ sở công nghệ cho dòng tài liệu điện tử và các dịch vụ điện tử ngày nay đã quen thuộc với chúng ta. Tôi phải nói Nga là một trong những nước đầu tiên trên thế giới, sau Hoa Kỳ, đã phát triển các tiêu chuẩn mật mã quốc gia", nhà sử học cho biết.

Theo Stolpakov, ngày nay, khi tổ chức việc bảo mật thông tin, vị trí trung tâm thuộc về mật mã. “Chúng ta thậm chí không nghĩ về điều đó, khi thực hiện các hành động thông thường như lướt mạng xã hội hoặc gửi tin nhắn, trong thời điểm này, toàn bộ các thuật toán và giao thức mật mã đang được thực thi, đảm bảo tính bảo mật. Cần lưu ý mật mã không ngừng phát triển theo sự phát triển của các công cụ xử lý thông tin. Và nếu trước đây, sự xuất hiện các hệ thống mật mã có khóa mở đã góp phần vào việc sử dụng rộng rãi các phương pháp mật mã để bảo mật thông tin trong nhiều lĩnh vực khác nhau của con người, chủ yếu là trong lĩnh vực tài chính, thì giờ đây mật mã là cơ sở để chuyển hoạt động của con người sang môi trường kỹ thuật số", Stolpakov cho biết.

Theo ông, về nguyên tắc, sự xuất hiện của các khái niệm được nói đến rộng rãi như tài liệu điện tử, bản sao kỹ thuật số, bệnh án điện tử và sổ lao động, về nguyên tắc là không thể nếu không có sự tồn tại của các phương pháp mật mã để bảo vệ thông tin.

“Có thể nói chắc chắn mật mã là cơ sở để xây dựng niềm tin trong thế giới kỹ thuật số”, Stolpakov nhấn mạnh.

Minh Trang (Theo Sputnik)
.
.