MIG 21 – Thanh gươm báu, huyền thoại bầu trời
Máy bay tiêm kích MiG-21 trở thành huyền thoại không chỉ vì tuổi thọ lâu kỷ lục (bay chuyến đầu tiên năm 1955) mà còn là vì dưới bàn tay điều khiển của phi công Việt Nam, các máy bay MIG-21 đã lập nên kỳ tích với một loạt các kỷ lục: phi công đầu tiên và duy nhất bắn rơi 9 máy bay Mỹ, lần đầu tiên và duy nhất bắn rơi máy bay ném bom chiến lược bất khả xâm phạm B-52 của Mỹ, lần đầu tiên trên thế giới bắn rơi máy bay tác chiến điện tử EB-66…
Máy bay tiêm kích mang tên cây đàn Balalaika
Dòng máy bay MiG huyền thoại bắt đầu bằng chữ cái đầu của hai cái tên, đó là Tổng công trình sư A.Mikoyan và Tổng công trình sư động cơ M.Gurevich. Hai ông đã lập nên văn phòng riêng (12-1939) mang tên hai ông và các sản phẩm tinh tú được ghép từ hai chữ cái đầu của tên hai ông.
Trong vòng hơn 30 năm, Văn phòng thiết kế MiG đã đưa ra hơn 50 mẫu máy bay chiến đấu các loại. Trong đó nổi tiếng nhất và đạt hiệu quả cao nhất chính là siêu tiêm kích MIG-21. Máy bay tiêm kích MiG-21 (ở Nga được gọi là Balalaika, vì nó có hình dáng cánh tam giác giống cây đàn dân tộc Nga), được sản xuất và đưa vào sử dụng đầu tiên ngày 14-2-1955, chính thức trang bị cho Không quân Liên xô năm 1959. Với 16 phiên bản và lập 17 kỷ lục, MiG-21 được coi là chiến đấu cơ thành công nhất trong Chiến tranh lạnh, có tới 50 quốc gia ở 4 châu lục sử dụng từ hơn 60 năm qua và hiện nay không quân một số nước vẫn đang sử dụng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với các anh hùng phi công tại sân bay Nội Bài sau chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, tháng 12-1972. Từ phải sang: Các anh hùng Phạm Tuân, Nguyễn Đức Soát, Đỗ Văn Lanh, Ngô Duy Thư, Nguyễn Hồng Nhị. |
Những chiếc MiG-21 đầu tiên vào Việt Nam
Tháng 2-1965, Liên Xô đã đồng ý viện trợ cho Việt Nam hai loại vũ khí có ý nghĩa chiến lược, thay đổi hẳn tương quan so sánh vũ khí, đó là tên lửa phòng không đất đối không SAM và may bay tiêm kích đánh chặn hiện đại MiG-21.
Để chuẩn bị tiếp nhận và đưa vào khai thác dòng máy bay MiG-21 hiện đại, tháng 4-1965, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không - không quân đã gửi đi đào tạo tại Liên Xô hai đoàn học viên phi công và thợ máy MiG-21. Đó chính là các phi công MiG-21 đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam, những tên tuổi sau này trở thành huyền thoại như Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Văn Cốc, Đặng Ngọc Ngự, Hà Văn Chúc... Đoàn thợ máy do ông Phạm Tâm và Mai Bá Quát dẫn đầu, với các tên tuổi nổi tiếng trong lực lượng kỹ thuật máy bay như Mai Bá Quát, Nguyễn Đức Cương, Nguyễn Đức Sánh,... Tháng 11-1965 các kỹ sư và thợ kỹ thuật máy bay MiG-21 đã về đến Việt Nam.
Lô hàng các linh kiện và thân máy bay MiG-21 đầu tiên đi theo đường biển về Việt Nam vào cuối năm 1965, những thùng gỗ thơm mùi gỗ thông Nga được đóng kín, phủ bạt trên các đoàn tàu và bí mật chạy ban đêm về ga Yên Viên, sau đó được chuyển sang xe chuyên dụng đưa về đầu đông sân bay Đa Phúc. Một kế hoạch lắp ráp thần tốc được Tư lệnh Quân chủng Phòng không - không quân phê chuẩn và các kỹ sư, thợ máy kỹ thuật Việt Nam dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô đã khẩn trương làm việc cả ngày, đêm, lắp ráp thành công những chiếc MiG-21 đầu tiên tại căn cứ không quân Đa Phúc.
Những chiếc MiG-21 lắp ráp đợt đầu là phiên bản MiG-21 F-76 với hai tên lửa K-13. Lúc này do máy bay Mỹ thường xuyên đánh phá các cơ sở sân bay, nhà xưởng của không quân, nên việc lắp ráp máy bay phải tiến hành ở nơi sơ tán và chủ yếu vào ban đêm. Lúc đầu tiến độ đặt ra là 1 tuần một chiếc, nhưng sau do yêu cầu nhanh chóng có máy bay đưa vào trực ban chiến đấu các kỹ sư và thợ kỹ thuật Việt Nam đã làm việc cả đêm dưới ánh đèn pin, và chỉ trong 2-3 đêm đã lắp xong một chiếc.
Sau khi lắp ráp và bay thử bởi các phi công chuyên gia Liên Xô thành công, những chiếc MiG-21 này được trang bị cho Trung đoàn không quân 921, đóng tại sân bay Nội Bài. Trong hơn 50 năm hoạt động, Không quân nhân dân Việt Nam đã tiếp thu và sử dụng 5 loại MiG-21 khác nhau. Đó là các phiên bản MiG-21PF/FL/PFM/MFL/BIS, với số lượng ước khoảng hơn 500 chiếc (bao gồm cả MiG-17/19).
Phi công Nguyễn Hồng Nhị và chiến công đầu
Không khí tại Trung đoàn 921 đầu năm 1966 rất phấn khởi, mọi người tập trung toàn bộ vào việc lắp ráp và chuẩn bị bay thử để đưa MiG-21 vào trực ban chiến đấu. Ngay sau khi lắp ráp xong, máy bay được kéo ra các ụ đất sát sân bay, sáng sớm kéo ra sân đậu để khi mặt trời vừa ló rạng là máy bay đã có thể cất cánh bay thử. Ngày 25-1-1966, những chiếc MiG-21 đầu tiên đã lắp tên lửa, kéo ra trực ban chiến đấu tại đầu tây sân bay Đa Phúc.
Các phi công MiG-17 ưu tú, đã có thành tích chiến đấu trên MiG-17 như Đào Đình Luyện, Trần Mạnh, Trần Hanh, Phạm Ngọc Lan… chuyển loại thành công và trở thành các cán bộ chỉ huy chủ chốt và các biên đội trưởng của Trung đoàn. Các phi công MiG-21 ưu tú thuộc đoàn bay khóa 1 như Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị, Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Đăng Kính,… nhanh chóng bay hồi phục làm quen địa hình Việt Nam và bước vào trực ban chiến đấu.
Chủ trương của lãnh đạo Quân chủng và Trung đoàn là chuẩn bị kỹ, ra quân xuất kích là phải chắc thắng để xây dựng lòng tin vào vũ khí mới. Mục tiêu được lựa chọn là các máy bay cường kích hoặc máy bay trinh sát. Các phương án tác chiến với từng loại máy bay được nghiên cứu và chuẩn bị kỹ. Phi công Nguyễn Hồng Nhị - người con của quê hương Bình Định, là Đoàn trưởng khóa 1 MiG-21 được chọn xuất kích đầu tiên, phi công Nguyễn Đăng Kính dự bị.
Thiếu tướng - phi công, AHLLVT Nguyễn Hồng Nhị. Phi công Việt Nam đầu tiên dùng MiG-21 bắn rơi máy bay Mỹ. Trong kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Hồng Nhị bắn rơi 8 máy bay Mỹ. |
Đầu tháng 3-1966, thời cơ đã đến, sau mấy tháng trời âm u, nhiều mây, thời tiết bắt đầu tốt lên. Tin tức từ mạng tình báo cho biết những ngày đầu tháng 3, không quân Mỹ sẽ tăng cường hoạt động trinh sát cao không bằng máy bay không người lái, với thủ đoạn dùng từ 2 đến 4 chiếc bay vào từ nhiều hướng, trinh sát khu vực Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, chuẩn bị cho các đợt đánh phá lớn.
Ngày 4-3-1966, từ sáng sớm, phi công Nguyễn Hồng Nhị và phi công trực dự bị Nguyễn Đăng Kính đã tiếp thu máy bay, mặc quần áo cao không, sẵn sàng cho phương án đánh máy bay trinh sát không người lái bay trên độ cao 18 nghìn mét. Sau 9 giờ sáng, mặt trời lên cao, thuận lợi cho các máy bay trinh sát hoạt động, Nguyễn Hồng Nhị hiểu rằng đây là lúc phải tập trung cao độ chuẩn bị các phương án tác chiến.
Lúc 13 giờ 53 phút, radar phát hiện tốp máy bay trinh sát tầng cao bay vào khu vực Việt Trì, Thái Nguyên, hướng ra phía Đông Bắc Bộ, Bộ Tư lệnh phán đoán đây là tốp không người lái nên đã quyết tâm đưa Nguyễn Hồng Nhị vào cấp 1, sẵn sàng cất cánh. Lúc 14 giờ 01 phút, Nhị cất cánh. Lúc này Nhị đã phát hiện chiếc máy bay không người lái, cánh dài và vểnh lên.
Mặc dù trên tầng cao, không khí loãng, rất khó điều khiển máy bay, nhưng Nguyễn Hồng Nhị đã tập trung cao độ, khéo léo điều khiển chiếc MiG-21 tiếp cận chiếc không người lái, đến cự ly 8km, anh bật radar bám sát, khi cự ly còn 3km, tiếng tín hiệu của tên lửa tốt, anh quyết định ấn nút phóng quả tên lửa thứ nhất, sau đó ấn tiếp quả thứ hai. Chiếc không người lái đang bay trên độ cao 18 nghìn mét trúng đạn tên lửa, rơi tại chỗ, Nhị nhanh chóng lật máy bay kéo xuống thoát ly. Thời khắc 14 giờ 21 phút ngày 4-3-1966 đã đi vào lịch sử khi phi công Nguyễn Hồng Nhị dùng MiG-21 lần đầu tiên bắn rơi máy bay trinh sát không người lái.
Con người - vũ khí và chiến thuật
Vũ khí mới với các tính năng ngang ngửa máy bay F-4/105/8 của Không quân và Hải quân Mỹ đã có, nhưng các phi công Việt Nam hiểu rằng đó chỉ là ưu thế kỹ thuật, điều quyết định chiến thắng còn là yếu tố con người là trí tuệ vận dụng sáng tạo các hình thức chiến thuật.
Sau chiến thắng đầu tiên, các phi công MiG-21 hiểu rằng đó mới chỉ là chiến thắng ban đầu, để chiến thắng không quân hùng mạnh của Mỹ với các loại máy bay hiện đại và phi công dày dạn kinh nghiệm, cần phải tăng cường huấn luyện, nhanh chóng làm chủ kỹ thuật điều khiển và chiến đấu trên MiG-21.
Các phi công Mỹ lúc đầu đánh giá không cao MiG-21 ,nhưng qua các trận không chiến trên bầu trời Bắc Việt Nam đã phải thay đổi nhận xét của họ. Thái độ coi trọng các phi công MiG-21 được thể hiện qua việc Tập đoàn Không quân số 7 phải tổ chức hẳn 1 chiến dịch Bolo (tháng 1-1967) với gần 200 máy bay để tìm diệt MiG-21.
Khi nhắc đến MiG-21 như huyền thoại bầu trời, mọi người thường quan tâm đến tên tuổi các phi công, số lượng các máy bay, mà ít người biết rằng thành tựu rất quan trọng làm nên huyền thoại MiG-21, đó chính là sáng tạo chiến thuật "nửa đánh chặn" của các phi công MiG-21 Việt Nam. Dưới sự chủ trì của Trung đoàn trưởng Trần Mạnh, các phi công MiG-21 đã sáng tạo ra lối đánh độc đáo Việt Nam, gọi là chìa khóa vàng giành thắng lợi, đó chính là chiến thuật "nửa đánh chặn", một trong những sáng tạo về lý luận và thực tiễn của Không quân nhân dân Việt Nam.
Qua gần 7 năm chiến tranh, với hàng trăm trận không chiến, các phi công MiG-21 đã bắn rơi 174 máy bay Mỹ các loại, (bao gồm cả B-52, EB-66) đã có 56 phi công MiG-21 bắn rơi máy bay Mỹ, trong đó có 18 người bắn rơi từ 4 chiếc trở lên, có 28 phi công MiG-21 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, trong đó phi công Nguyễn Văn Cốc trở thành người duy nhất trên thế giới dùng MiG-21 bắn rơi 9 chiếc máy bay Mỹ.
Có thể nói MiG-21 là "thanh gươm quý" trong tay các phi công quả cảm Việt Nam, giúp các phi công Việt Nam thực hiện thắng lợi các trận không chiến, đồng thời cũng chính các phi công Việt Nam bằng tài năng và lòng quả cảm đã viết nên câu chuyện huyền thoại bầu trời cho MiG-21, khiến nó trở thành loại chiến đấu cơ nổi tiếng, hiệu quả nhất thế giới trong giai đoạn Chiến tranh lạnh.
Hiện nay có 2 chiếc MIG-21 (số 5211 và 4324) được đưa vào danh sách bảo vật quốc gia. Một số chiếc đang được trưng bày tại các bảo tàng quân sự, như Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Phòng không không quân, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Phú Thọ, Bảo tàng chiến thắng B-52 (Hà Nội), thậm chí bảo tàng của một số quốc gia như Mỹ, Australia, Thái Lan, Ba Lan đã xin mua lại để trưng bày MIG-17 và MIG-21 tại các bảo tàng của họ.
Cuộc đối đầu với MiG-21 của Không quân và Hải quân Mỹ trong chiến tranh trên không ở Việt Nam không chỉ giúp các nhà thiết kế, sản xuất máy bay Mỹ rút ra nhiều điều để sản xuất thế hệ máy bay chiến đấu mới có tính năng cơ động tốt hơn, đó là dòng máy bay F-15/16/18 (đến nay vẫn là lực lượng chính của Không quân Mỹ và các nước phương Tây), mà còn là những bài học đầu tiên để các nhà nghiên cứu chiến lược và lý luận đề ra Học thuyết mới về sức mạnh Không quân (Air Power) trong chiến tranh hiện đại.