Mối lo sợ khủng khiếp từ rác vũ khí hóa học sau Chiến tranh thế giới lần 2

Thứ Sáu, 18/01/2019, 14:44
Sau khi Chiến tranh thế giới lần 2 kết thúc và theo đề nghị của các nhà khoa học, quân đội đồng minh đã tiến hành chôn vũ khí hóa học ở Đại Tây Dương, cách quần đảo Faroe khoảng 200 hải lý. Anh và Mỹ kiểm soát 260.000 tấn vũ khí hóa học của Đức Quốc xã; và khoảng 60.000 tấn khác được tìm thấy ở phần phía đông nước Đức.


Chất độc hóa học chôn giấu từ trên đất liền đến dưới đáy biển sâu

Một ủy ban bao gồm 3 nước cho phép Liên Xô chôn 35.000 tấn vũ khí hóa học xuống biển, trong đó một số được chôn ở đảo Bornholm của Đan Mạch, ngoài khơi Lithuania và Latvia. Ở biển Baltic - vùng biển rộng khoảng 422.000km vuông ở phía tây bắc châu Âu giáp với Thụy Điển, Phần Lan, Nga, Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Đức và Đan Mạch và là nơi quân đội đồng minh cũng như Xôviết vứt bỏ vũ khí hóa học sau Chiến tranh thế giới lần 2 - người ta cho rằng có ít nhất 40.000 tấn vũ khí, trong đó ít nhất 13.000 tấn chứa chất độc hóa học.

Bản đồ tiết lộ vũ khí hóa học được chôn cách bờ biển Lithuania và Latvia khoảng 10 hải lý.

Con số này đủ để giết chết mọi loài sống trong vùng biển Baltic trong vòng 100 năm! Sau Chiến tranh thế giới lần 2, hơn 1,5 triệu tấn đạn pháo bị vứt bỏ - 90 tấn trong số đó là vũ khí hóa học - gần quần đảo Wadden. Ở Skagerrak - nhánh của Bắc Hải, giữa Na Uy và bán đảo Jutland của Đan Mạch, dài 210km - quân đội đồng minh đánh chìm ít nhất 45 chiếc tàu chở vũ khí hóa học. Ở Địa Trung Hải, sự tập trung lượng "rác hóa học" độc hại được tìm thấy gần thành phố Bari của Italy.

Khi Chiến tranh thế giới lần 2 kết thúc, quân đội Mỹ đã tiến hành chương trình thu gom vũ khí hóa học của Đức Quốc xã và Nhật Bản cũng như từ các kho vũ khí của Anh và Mỹ. Khoảng 1 triệu quả bom chứa tác nhân hóa học được đánh dấu để cất giữ hay hủy bỏ được chất lên tàu chở Redstone Arsenal - đây cũng là nơi quân đội Mỹ sản xuất các loại vũ khí hóa học trong suốt Chiến tranh thế giới lần 2.

Một số vũ khí được thiêu hủy hay cho nổ, còn một số khác được đưa vào kho cất giữ. Căn cứ quân sự Redstone Arsenal, nằm trên vùng đất thấp phía bắc bang Alabama miền đông nước Mỹ, được coi là lớn nhất trong số 249 khu căn cứ nằm rải rác trong 40 bang và vùng lãnh thổ nước Mỹ được sử dụng để chôn ngầm các loại vũ khí hóa học đang chờ được xử lý với phí tổn lên đến hàng tỷ USD.

Từ thập niên 1970, ban chỉ huy Redstone Arsenal đã cố gắng thống kê xem có bao nhiêu vũ khí hóa học được chôn ngầm trong khu vực. Năm 2010, khu căn cứ bắt đầu một nỗ lực quy mô lập bản đồ các địa điểm chôn các tác nhân chết người để tiến hành xử lý. Báo cáo năm 2010 của Ủy ban Nghiên cứu Quốc gia Mỹ (NRC) xếp hạng Redstone Arsenal là "lớn nhất và thách thức nhất" trong số các địa điểm chôn ngầm vũ khí hóa học sau Chiến tranh thế giới lần 2. Người dân sống ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ cũng mù mờ về những hố chôn tử thần này.

Thùng thép chứa khí mù tạt bị rò rỉ ở vùng nước ngoài khơi nước Mỹ.

Cách thành phố Huntsville chừng vài km về phía nam là Camp Sibert, nằm sát cạnh vài khu công nghiệp. Camp Sibert trước đây là khu trung tâm xử lý vũ khí hóa học của quân đội Mỹ, nơi chôn cất ít nhất 13 kho tác nhân mustard và phosgene. Đội xử lý vũ khí hóa học ở Redstone Arsenal dự kiến công việc đào tìm các tác nhân chết người cho đến năm 2019 và hoàn tất công việc phá hủy vào năm 2042.

Các chuyên gia tính toán chỉ có khoảng 6 quả bom được xử lý an toàn trong một ngày. Đội của Jason Watson hy vọng sẽ moi lên mặt đất khoảng 388.000 các loại bom đạn hóa học từ bên dưới các đường hào sâu, trong đó 20.000 đến 25.000 vũ khí vẫn còn nguyên và ổn định dưới đất song chúng dễ bay hơi khi bị tác động đến. Các chuyên gia tin rằng có đến 600.000 thùng kim loại chứa vũ khí hóa học được chôn ở Redstone Arsenal.

Thật ra ngay từ năm 1990, tiến trình thiêu hủy vũ khí hóa học bắt đầu được tiến hành tại 8 địa điểm trên đất Mỹ và tại Đảo san hô Johnston ở Thái Bình Dương. Sau đó, gần 90% công việc được hoàn tất vào tháng 4-2012, ngoại trừ hai kho vũ khí hóa học ở Pueblo bang Colorado và Blue Grass bang Kentucky phải tạm dừng xử lý do lo ngại về vấn đề môi trường. Nhưng, mục tiêu đề ra là phải hoàn thành xử lý kho vũ khí ở Kentucky từ năm 2021 đến 2023.

Ngay đến quân đội Mỹ cũng vứt bỏ vũ khí hóa học ở biển khơi và người ta ước tính có chừng 72 hố chôn riêng biệt nằm rải rác ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và cả Địa Trung Hải. Việc chôn vũ khí hóa học dưới đáy biển bị Quốc hội Mỹ cấm vào năm 1972 song cho đến nay vẫn chưa có kế hoạch xử lý những địa điểm ngầm dưới biển này.

Mối lo sợ về rò rỉ chất độc hóa học

Người ta cho rằng không sớm thì muộn những hóa chất cực kỳ nguy hiểm - như khí mustard, chloropicrin, phosgene, diphosgene và hợp chất arsenic - sẽ tuôn chảy khỏi những thùng chứa rỉ sét. Các nhà khoa học dự đoán vào khoảng giữa các năm 2020 và 2060, các hóa chất độc hại sẽ bắt đầu rò rỉ mạnh ra môi trường nước biển và chỉ chừng 16% trong số đó cũng đủ để tiêu diệt toàn bộ sự sống ở biển Baltic.

Những thùng chứa vũ khí hóa học trong một chiếc tàu bị gỉ sét dưới đáy biển Baltic.

Jacek Beldowski cho biết: "Đó là sự thật, nhưng có lẽ không phải toàn bộ số vũ khí hóa học sẽ đồng loạt tuôn chảy ra môi trường. Nhưng, có một điều chắc chắn là trong tương lai sẽ xuất hiện một dạng ô nhiễm hoàn toàn mới ở vùng Baltic". Jacek Beldowski là chuyên gia Viện Hải dương học ở thành phố biển Sopot của Ba Lan và là điều phối viên cho Dự án nghiên cứu và xử lý vũ khí hóa học (gọi tắt là Chemsea - một dự án siêu quốc gia do Ba Lan lãnh đạo với sự tham gia của 11 viện nghiên cứu từ Ba Lan, Thụy Điển, Phần Lan, Lithuania và Đức).

Nhà khoa học Katja Broeg ở Viện Alfred Wegener - một trong những đối tác của dự án Chemsea và đặt trụ sở tại thành phố Bremerhaven (Đức) - nêu ý kiến các kết quả điều tra về Baltic cũng có thể cung cấp thông tin có giá trị về vùng Bắc Hải. Ông báo cáo: "Nghiên cứu độc chất học sẽ vào cuộc, chúng tôi tiến hành bắt cá và thả những lồng chứa loài trai xuống dưới đáy biển để đánh giá xem chúng có phát triển bệnh ung thư hay không". Tuy nhiên, Broeg cũng nhận định rằng Bắc Hải và vùng Baltic hoàn toàn khác nhau bởi vì "Bắc Hải có nhiều muối hơn Baltic".

Theo các nhà khoa học, khí mustard không thoát ra dưới dạng khí mà biến thành khối nhầy nhớt có thể trôi dạt quanh biển trong suốt nhiều năm. Khí mustard có thể nằm yên trong các thùng chứa dưới đáy biển trong suốt nhiều thập niên rồi sau đó chầm chậm rò rỉ ra môi trường gây ra nhiều hậu quả hết sức kinh khủng.

Các chuyên gia quân sự giỏi nhất cũng không thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra khi các tác nhân hóa học nhanh chóng thoát khỏi những thùng chứa bị ăn mòn. Một số chuyên gia cho rằng, những thùng chứa bằng thép bị ăn mòn chậm và bất cứ sự rò rỉ nào cũng chỉ làm thoát ra một lượng nhỏ hóa chất và sau đó nó sẽ bị thủy phân tương đối nhanh.

Song, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh rằng do nặng hơn nước cho nên bất cứ chất độc rò rỉ nào cũng sẽ nằm lại dưới đáy đại dương. Hơn nữa, Baltic không thuộc vùng có hoạt động địa chấn cao thế nên không có nguy cơ nhiều lắm trừ phi có sự tác động vật lý gây tổn hại đến những thùng chứa vũ khí hóa học. Vùng biển Baltic cũng được sử dụng làm "hố rác" chôn vùi mọi loại vũ khí thông thường - bao gồm đạn pháo, bom, ngư lôi… Nếu phát nổ, chúng sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền gây kinh hoàng cho vùng bờ biển với mức độ có thể so sánh với thảm họa Chernobyl.

Mạng sống con người bị đe dọa nghiêm trọng

Các nhà khoa học báo cáo vũ khí hóa học được chôn ở biển Baltic và eo biển Đan Mạch vào năm 1945 đang bắt đầu gây tác hại cho môi trường biển. Sau khi khảo sát các vùng chứa vũ khí hóa học ở eo biển Skagerrak bằng thiết bị thăm dò nước sâu đặc biệt, các nhà khoa học tìm thấy một chiếc tàu chứa vũ khí hóa học nằm ở độ sâu 208 mét cách cảng Lysekil của Thụy Điển 20 hải lý. Chiếc tàu đã hoàn toàn bị han cho nên hóa chất độc hại có thể tràn ra vùng nước bất cứ lúc nào.

Đảo san hô Johnstone ở Thái Bình Dương, nơi chôn cất vũ khí hóa học của Mỹ.

Cuộc khảo sát các mẫu đất đáy biển xung quanh cũng cho thấy bị nhiễm chất độc sarin. Nguy hiểm nhất là "nghĩa trang vũ khí hóa học" ở đảo Bornholm, nơi tìm thấy 5 chiếc tàu chở vũ khí hóa học đã bị han hoàn toàn ở độ sâu 92 mét. Các địa điểm chôn vũ khí hóa học được nghiên cứu bởi các nhà khoa học trên tàu Nga "Giáo sư Stockman" và tàu Ba Lan "Bác sĩ Liubecki". Một trong những yếu tố nguy hiểm nhất là vùng nước quanh đảo Bornholm đặc biệt có rất nhiều cá và là ngư trường chính của ngư dân Đan Mạch, Thụy Điển và các quốc gia phía đông Baltic.

Thông tin về vũ khí hóa học chôn ở vùng nước của Lithuania và Latvia không có nhiều, song có báo cáo cho biết nó nằm ở độ sâu từ 84 đến 126 mét. Tuy nhiên, vị trí chính xác của “nghĩa địa” vũ khí hóa học ở những nơi này không được báo cáo. Không lâu sau khi hóa chất độc hại bị vứt xuống biển trong thập niên 1950, những du khách đầu tiên nghỉ mát ở vùng bờ biển Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR) và Ba Lan báo cáo trường hợp khí mustard bốc cháy. Khoảng 24 sự cố nghiêm trọng đã xảy ra ở Ba Lan - trong đó vụ cuối cùng xảy ra vào năm 1997 - khi một lượng lớn khối mustard mắc vào lưới của ngư dân.

Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất là các công trình dưới đáy biển có thể dẫn đến thảm họa nếu như một lượng lớn những quả đạn pháo bị tổn hại. Mối nguy hiểm này được biết đến nhờ Northstream - đường ống dẫn khí  đốt chạy từ Nga đến Đức qua biển Baltic. Theo Jacek Beldowski, đường ống này chỉ là một trường hợp.

Ông nhận định: "Đáy biển sâu ngày càng bị xới tung bởi rất nhiều dự án xây dựng: những hệ thống đường dây cáp, các trại điện gió và đường ống dẫn khí đốt. Do đó, cần nhanh chóng thiết lập những thủ tục pháp lý cho vấn đề khai thác, xây dựng và khoan sâu trong các vùng nguy hiểm".

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.