Một gia đình giáo dân vẫn lưu giữ tấm Thẻ Cử tri Quốc hội Khóa I

Thứ Bảy, 21/05/2011, 11:35

Gia đình mà chúng tôi chọn đề cập dưới đây là gia đình cụ Phạm Sỹ Khang, cụ sinh năm 1890, trú tại 49 phố Ngõ Huyện, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, là giáo dân thuộc giáo xứ Nhà thờ Lớn - Hà Nội. Cụ Giuse Khang từng được thực dân đào tạo lính lái máy bay tầm thấp, cụ hiểu biết rộng về nhiều lĩnh vực, lại rất có tinh thần dân tộc, vì thế, tổ chức cách mạng đã cho người móc nối, truyền bá tư tưởng, giao thiệp thường xuyên với cụ.

Khi cụ đã giác ngộ, tổ chức cử cụ cùng vợ là bà Maria Trần Thị Thọ sang Vân Nam - Trung Quốc làm ăn dưới nhiều hình thức.

Trong thời kỳ này, hai cụ bí mật làm việc cho cách mạng, hay giao thiệp với ông giáo Đồi, người được cử đến với danh nghĩa dạy học tiếng Việt cho hai con của cụ Khang... Khi hòa bình lập lại, Trung tướng Vương Thừa Vũ về nhận nhiệm vụ trong Ban Quân quản Thủ đô đã đến số nhà 49 Ngõ Huyện thắp hương cho cụ ông Phạm Sỹ Khang, bấy giờ cụ bà mới hiểu nhiều hơn về ông giáo Đồi khi xưa là ai, và đặc biệt những việc làm âm thầm của cụ ông từ trước! Nhờ vào sự xác nhận của Trung tướng Vũ và bạn bè khi ấy nên gia đình cụ Khang mới được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng cấp cho gia đình tấm Bằng Có công với nước với hàng chữ nghiêng, đậm "Đã tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng, góp phần vào thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám".

Hai cụ có cả thảy 7 người con, nhưng có đến 5 người được sinh ra tại Vân Nam - Trung Quốc, tuy tuổi tác, nơi sinh, điều kiện... giữa các anh em có phần khác nhau nhưng ai cũng mộ đạo và tràn đầy lý tưởng cách mạng. Kể cả sau này đến thế hệ con cháu, nhiều người vẫn phấn đấu trở thành đảng viên, sĩ quan quân đội. Hai trong số bảy người con ấy, cống hiến nhiều nhất là ông Vân và ông Hải. Cả hai đều đã nhận Huy hiệu 50 và 60 năm tuổi Đảng.

Ông Phạm Sỹ Vân, sinh năm 1929, là người con thứ hai của cụ Phạm Sỹ Khang. Ngày 2/9/1945 không riêng gì gia đình ông Vân, hay bà con giáo dân Hà Nội mà toàn thể nhân dân Thủ đô và cả nước hân hoan  không kể xiết vì được chứng kiến Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày đó đã vui, song với ông Vân như được nhân lên bội phần khi đến đúng ngày 18/2/1946, ngày mà ông Vân đủ 18 tuổi để đi làm một việc thiêng liêng nhất với Tổ quốc, đó là đi bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên, khi đất nước vừa giành lại độc lập, người dân đứng lên làm chủ vận mệnh non sông đất nước. Kỳ bầu cử ấy, ông Vân chứng kiến một ngày hội non sông nô nức, già trẻ, gái trai, sư sãi, nam nữ tu sĩ, bà con giáo dân... tất cả cùng tự giác đi làm cái nghĩa vụ và quyền lợi thiêng liêng nhất của mình với Tổ quốc, đó là quyền bầu cử... Kể từ đó, chàng thanh niên Công giáo, giáo dân Nhà thờ Lớn như tăng thêm tinh thần yêu nước, hăng say hoạt động cả trong đạo ngoài đời; nhất là ý thức giữ gìn, bảo quản tấm thẻ cử tri ngày ấy.

Tấm thẻ cử tri của ông Phạm Sỹ Vân được gia đình bảo quản trên 60 năm nay vẫn còn nguyên vẹn.

Trong ông luôn vẹn nguyên cảm giác tự hào trở thành một công dân của một nước Việt Nam độc lập, có chủ quyền, tự cầm lá phiếu đi bầu người đại diện cho mình. Ông đã ghi danh xung phong Nam tiến nhưng đến ngày 19/12/1946 Đảng và Bác Hồ ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến nên ông đã ở lại nhận nhiệm vụ. Nhiệm vụ đầu tiên mà tổ chức giao cho ông đó là đứng đầu tổ Thiếu nhi cứu quốc hai khu Ngõ Huyện và Thọ Xương ngay bên phải Nhà thờ Chính tòa Hà Nội... Rồi tham gia đội Tự vệ cảm tử quân.

Trong trận giao tranh đối mặt với quân thù tại phố Hàng Gai, chúng đã bắn ông trọng thương ở mặt, may mà đồng đội đã kịp ứng chiến và đưa ông về Phú Thọ dưỡng thương. Khi đã lành, tổ chức điều ông về Nhật Tựu - Kim Bảng - Hà Nam tiếp tục hoạt động cách mạng; ngày 29/11/1948 ông được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Khi thực dân lấn lướt xuống tới Hà Nam, tổ chức lại rút ông về hoạt động tại Kim Tân - Thạch Thành - Thanh Hóa. Sau năm 1954, ông trở lại Hà Nội tham gia vào đội công tác thành phố; rồi Mặt trận Tổ quốc quận Đống Đa nhiều năm. Đến năm 1999, ông được Nhà nước cho nghỉ hưu.

Tuy đã nghỉ hưu song ông vẫn gương mẫu tham gia làm Trưởng ban đoàn kết khu dân cư. Tháng 2/2009 ông vinh dự được nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Sau 63 năm công tác, ông ra đi ở tuổi 81, cống hiến cho Đảng, Nhà nước và nhân dân đến giây phút cuối cùng, ông thật xứng đáng là một giáo dân, công dân Hà Nội!

Các danh hiệu khác của gia đình và Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng của ông Vân.

Một thành viên nữa trong gia đình cụ Phạm Sỹ Khang, đó là ông Phạm Sỹ Hải, sinh năm 1934 cũng tại Vân Nam - Trung Quốc, là em thứ tư của ông Phạm Sỹ Vân. Ông Hải vào Đảng năm 1967, năm nay cũng đã gần 50 năm tuổi Đảng. Ông Hải đã có một quá trình dài công tác tại Viện Thiết kế quy hoạch Hà Nội, chuyên trách quy hoạch đất lực lượng vũ trang.

Điều rất đáng tự hào ở một gia đình giáo dân này là, sau khi ông Phạm Sỹ Vân đã có trên 60 năm trân trọng, lưu giữ tấm thẻ cử tri của mình, khi ra đi thì người em (tức ông Hải) lại tiếp tục bảo quản tất cả những tấm huân, huy chương, các danh hiệu gia đình trong đó đặc biệt phải kể đến tấm thẻ cử tri đi bầu cử Quốc hội khóa I và tấm huy hiệu 60 năm tuổi Đảng của người anh trai mình. Ông Hải nói: "Mình là công dân, đặc biệt mình còn là giáo dân Hà Nội, mình muốn làm cái gì tốt cả cho đạo cho đời"

Vũ Thành Nam
.
.