Một tên lửa bắn rơi 2 máy bay Mỹ trên quê Bác

Thứ Ba, 02/01/2018, 11:15
Vào dịp kỉ niệm 45 năm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (tháng 12-2017), những cựu binh bộ đội tên lửa tổ chức nhiều hoạt động ôn lại những năm tháng hào hùng…

Trong số họ, có một kíp chiến đấu nổi tiếng của Tiểu đoàn tên lửa 61 với trận đánh lịch sử bắn rơi chiếc máy bay A4-E do thiếu tá John McCain (phi công hải quân Hoa Kỳ) điều khiển khi đánh phá nhà máy điện Yên Phụ (Hà Nội). Đơn vị này cũng từng có trận đánh lừng danh với 1 tên lửa diệt 2 máy bay Mỹ và góp phần xây dựng "Sách đỏ đánh B52".

Từ trận đánh hạ máy bay do phi công John McCain điều khiển

Hà Nội một ngày mưa rét đậm cuối năm Đinh Dậu, tôi đến thăm Đại tá Nguyễn Thanh Tân, trắc thủ góc tà trong trận đánh nổi tiếng 50 năm trước (26-10-1967). Căn nhà của ông nằm yên tĩnh trong một ngõ nhỏ phố Nguyễn Ngọc Vũ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) ven sông Tô Lịch. Khu vực này từng là một trận địa phòng không của Hà Nội thời chiến tranh, là trọng điểm oanh tạc của máy bay địch.

Vừa một tuần trà thì chuông cửa reo, khách là một người bạn chiến đấu của ông Tân, Đại tá Trịnh Văn Hưng. Ông Tân giới thiệu: "Ông bạn già chí cốt này cũng là trắc thủ góc tà. Chúng tôi cùng tham gia nhiều trận đánh với nhau, kể cả trận bắn rơi máy bay do phi công John McCain điều khiển!".

Nhớ về trận đánh lịch sử này, ông Tân kể: Thời điểm đó, Tiểu đoàn 61 bí mật triển khai trận địa tại Dương Tế (xã Yên Sở, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Sáng 26-10-1967, Hà Nội vào thu rất đẹp, nắng vàng và nền trời rất trong xanh; đây cũng là điều kiện thời tiết lý tưởng mà máy bay Mỹ lợi dụng đánh phá. Sau những trận đánh ác liệt, hôm đó Tiểu đoàn 61 chỉ còn 5 quả đạn tên lửa. Từ chỉ huy đến cán bộ, chiến sĩ đều băn khoăn nếu địch mở nhiều đợt tập kích thì rất khó được cấp đạn kịp thời. Đúng như dự đoán, hôm đó máy bay Mỹ ồ ạt đánh phá Hà Nội trong "Chiến dịch Sấm Rền 57".

Từ trái qua: Tác giả với Đại tá Nguyễn Thanh Tân và Đại tá Trịnh Văn Hưng.

Bầu trời Hà Nội xuất hiện hàng chục chiếc máy bay A4, F8, F4 điên cuồng đánh phá khu vực Nội Bài, Tổng kho Văn Điển… Nhiều chiếc máy bay đã bị đền tội bởi những loạt đạn tên lửa chính xác của các đơn vị.

Với Tiểu đoàn 61, việc bảo vệ Nhà máy điện Yên Phụ phải đảm bảo sự an toàn của khu vực Ba Đình, vì có trụ sở nhiều cơ quan đầu não của đất nước. Do vậy, có những quy định rất chặt chẽ về "góc cấm" tên lửa, đề phòng trường hợp quả đạn tên lửa (nặng tới hơn 2 tấn, có sức hủy diệt rất lớn) mất điều khiển rơi xuống…

Khi chiếc máy bay của John McCain xuất hiện, trong khoảng thời gian 20 giây, với sự mưu trí sáng tạo và tinh thần dám chịu trách nhiệm, kíp chiến đấu đã chọn đúng thời cơ nhấn nút phóng tên lửa ngay trước khi nó cắt bom, vừa bắn cháy máy bay, vừa đảm bảo an toàn Nhà máy điện Yên Phụ.

Chiếc A4-E trúng tên lửa bốc cháy ngùn ngụt và từ quầng lửa đó bắn ra một chiếc dù. Viên phi công đã rơi xuống giữa hồ Trúc Bạch và được vớt lên, chữa trị các vết thương rồi trở thành vị khách của "Khánh sạn Hilton Hà Nội" cho đến khi được trao trả về Mỹ năm 1973. Sau này, John McCain trở thành một chính khách nổi tiếng của Mỹ, năm 2008 là ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hoà nhưng thất cử trước ông Obama. Hiện  John McCain là Thượng nghị sĩ Mỹ; ông đã nhiều lần trở lại Việt Nam và tất nhiên không thể không đến thăm hồ Trúc Bạch.

Theo dòng kí ức của Đại tá Tân, Đại tá Trịnh Văn Hưng góp chuyện: "Trận đánh này là cả một tập thể thăng hoa! Hôm đó, chúng tôi phóng đạn khi máy bay ở độ cao 4,2 km; đạn gặp mục tiêu ở độ cao 1,8 km. Sỹ quan điều khiển là anh Nguyễn Xuân Đài, đã được phong Anh hùng… Quả đạn bám theo chiếc máy bay bổ nhào trong khoảng cách tới 2,4 km, là chuyện gần như không tưởng! Vậy mà chúng tôi đã thành công"…

Được gặp Bác Hồ sau trận 1 tên lửa hạ 2 máy bay

Muôn kí ức ùa về, ông Tân cho tôi xem những bức ảnh và kỉ vật lịch sử gắn của Tiểu đoàn 61, Bộ đội Tên lửa phòng không. Đến một bức ảnh đen trắng khá rõ nét, rõ cả tiêu đề "Kỉ niệm 35 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam", chụp Đoàn chủ tịch Lễ kỉ niệm; tôi nhận ra có Bác Hồ, Bác Tôn và nhiều vị lãnh đạo cấp cao.

Ông Tân chỉ vào một người đứng ở hàng ghế sau cùng (dưới tượng bán thân Hồ Chủ tịch), khoe: "Tôi đây. Năm ấy tôi trẻ măng, mới 23 tuổi!". Quá đỗi ngạc nhiên, tôi hỏi vị đại tá già: "Làm sao mà ông có được vinh dự góp mặt trong bức ảnh này?".

Đó là câu chuyện thú vị gắn liền với những chiến công nổi tiếng của Tiểu đoàn 61 mà ông Tân đã giữ vai trò trắc thủ của kíp chiến đấu "có duyên" hạ gục những "Thần sấm", "Con ma"… Sau trận "thử lửa" đầu tiên ngày 24-7-1965 của bộ đội tên lửa (do Tiểu đoàn 63 và 64 thực hiện, bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 400 trên bầu trời miền Bắc), Tiểu đoàn 61 được phân công cơ động về Xích Thổ (nay thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) phục kích máy bay địch. 

Theo hồi ức của ông Tân và đồng đội, ngày 11-8-1965, lúc 20h8', kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 61 phát hiện một tốp 3 máy bay địch. Đến cự li thích hợp, tiểu đoàn đã phóng 3 quả tên lửa trúng mục tiêu, một chiếc máy bay bốc cháy dữ dội và rơi tại chỗ; những chiếc còn lại vội bay ra hướng biển thì một chiếc nữa bị rơi… Chiếc máy bay còn lại cố hạ cánh xuống tàu sân bay Midway nhưng bị thương tích trầm trọng.

Theo tin tình báo của ta nắm được sau đó, chiếc máy bay bị thương này là loại A4-E số hiệu 114 do thiếu tá Robert Geor phải hai lần hạ cánh mới được. Ngay khi chiếc máy bay đáp được xuống đường băng, các nhân viên kĩ thuật đã xúm lại và xác định trên thân máy bay có tới 50 lỗ thủng do mảnh tên lửa của ta phá huỷ.

Hai tuần sau chiến công này (ngày 26-8-1965), Tiểu đoàn 61 vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm đơn vị khi đang đóng quân tại trận địa Phùng (nay thuộc huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Bác vào thẳng các nhà bạt ẩn dưới những rặng cây xoan. Mỗi nhà bạt thường kê 4-5 chiếc phản để anh em ngủ nghỉ. Thấy một nhà bạt không được ngụy trang kín đáo, Bác nhắc: "Tàu bay Mỹ trên trời, nhưng nó tinh mắt lắm đấy!".

Nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 61, sau khi biểu dương chiến công trận đầu ra quân đánh thắng, Bác nhắc nhở anh em không được thỏa mãn với thành tích, luôn luôn trau dồi học tập nâng cao trình độ chiến đấu, tiết kiệm khí tài… Người khích lệ: "Bắn rơi máy bay địch là chiến công lớn nhưng sẽ tốt hơn nếu tốn ít tên lửa mà vẫn bắn rơi nhiều máy bay địch".

Trong lịch sử Trung đoàn tên lửa 236, Tiểu đoàn 61 có những kíp chiến đấu rất "có duyên", hiệu quả chiến đấu thường đạt cao so với các đơn vị bạn. Đặc biệt, trong trận đánh ngày 7-3-1966, bằng 1 tên lửa đã bắn cháy 2 máy bay Mỹ. Đây là điều cực kỳ hãn hữu và có phần may mắn.

Lý giải kết quả này, ông Tân cho hay: Trận đánh diễn ra lúc 7h30' tại trận địa ở xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Khi mục tiêu đã vào vị trí thích hợp, chúng tôi được lệnh phóng quả thứ nhất nhưng đạn không rời bệ phóng. Lập tức, chúng tôi ấn nút phóng quả thứ hai. Đạn điều khiển tốt, bám sát mục tiêu 1 (máy bay 1) thì bất ngờ phát hiện 2 mục tiêu luôn cơ động đan chéo nhau (2 máy bay liên tục làm các động tác để tránh tên lửa). Khi khoảng cách tên lửa và mục tiêu cách 3 km thì 2 tín hiệu mục tiêu gần như trùng nhau, chúng tôi giữ nguyên chế độ bám sát… Đạn gặp mục tiêu nổ cách trận địa 19 km, ở độ cao 5 km; cả 2 mục tiêu bị xoá sạch trên màn hình.

Trên bầu trời xuân quê hương Bác, 2 chiếc máy bay bốc cháy dữ dội. Chúng tôi đến tận nơi kiểm tra 2 vị trí máy bay rơi, cách nhau chỉ 1 km, cùng là loại máy bay trinh sát kiểu RF101. Trong bản tin thắng trận hôm đó, Quân chủng đã điện khen ngợi và công nhận Tiểu đoàn 61 với 1 đạn tên lửa đã bắn rơi 2 chiếc máy bay Mỹ. Đó là chiếc thứ 900 và 901 của không quân Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. 

Sau những chiến công nổi bật, đầu năm 1967, Tiểu đoàn 61 vinh dự được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Riêng ông Tân còn có vinh dự đặc biệt thay mặt đơn vị về Thủ đô Hà Nội dự Lễ kỉ niệm 35 năm thành lập Đoàn (26-3-1931 – 26-3-1966).

Vị đại tá già xúc động nhớ lại: "Nhận được giấy mời, từ Nghệ An tôi đi cùng chiếc xe con của thủ trưởng đơn vị ra Hà Nội. Tối 25-3-1966, tôi có mặt ở nơi tổ chức lễ mít tinh. Tại phòng chờ, tôi và một số đại biểu đại diện tuổi trẻ các đơn vị lập nhiều thành tích vui vẻ uống trà, trò chuyện. Bất ngờ, Bác Hồ và nhiều vị lãnh đạo xuất hiện. Bác vui vẻ bắt tay từng người. Tôi run run, xúc động nắm chặt bàn tay ấm áp của Bác, trong lòng trào dâng những cảm xúc khó tả. Lát sau, Bác ra hiệu cho chúng tôi lên Đoàn chủ tịch (theo sự phân công từ trước của ban tổ chức buổi lễ). Đến nay đã gần nửa thế kỉ, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh, cử chỉ, giọng nói của Bác tại buổi lễ và còn giữ được tấm giấy mời của Trung ương Đoàn".

Trần Duy Hiển
.
.