Một xã hội nô lệ ở thế kỷ XX: "Điều chưa từng có trong lịch sử"

Chủ Nhật, 15/11/2009, 22:45
Đất đai khô cằn, điều kiện sống chật vật, thuốc men thiếu thốn. Nhiều người đã chết vì đói. Ở công xã Xăng cát Xamôrich, mỗi ngày có từ 4 đến 6 người chết. Mọi người ở đây ốm yếu đến nỗi có lúc họ không còn sức để chôn người chết nữa, vì thế họ đã chất xác chết lên xe bò và bỏ lại trong rừng.

Trong số các nạn nhân, có mẹ của Đít Munty. Bằng việc tả lại cái chết của bà, anh đã trình bày một cách hùng hồn, điều chắc chắn là số mệnh của hàng trăm ngàn đồng bào của mình: chết đói ngay trên mảnh đất vốn đã từng là một trong những vùng xuất khẩu lúa gạo hàng đầu ở châu Á.

“Mẹ tôi cũng bị chết đói. Bà là một phụ nữ dịu hiền, khiêm tốn và dễ thương. Bà mới 45 tuổi, nhưng bị tiều tụy bởi tâm trạng đau buồn, bởi lao động cưỡng bức, bởi suy dinh dưỡng và thiếu thuốc men, trông bà như một cụ già 80 tuổi. Tôi bị đưa đi đắp đê ở xa trong 5 tháng trời, và khi tôi trở về, mẹ tôi đang hấp hối. Bà kêu: “Cho mẹ chút gì để ăn đi. Mẹ chết đói mất thôi”. Liều thân, tôi lao bừa đi và cũng kiếm được một bát cơm. Bất hạnh thay, mẹ tôi không thể nuốt nổi nữa. Giọng bà nhỏ dần, đến khi lịm đi. Vừa khóc lóc, tôi vừa khẽ lay người bà và hỏi xem bà còn nhận ra tôi nữa không. Bà mở mắt, nhìn tôi, chớp chớp mắt ra điều nhận ra tôi – rồi chết”.

Lời chứng có tính thực tiễn, phân tích đầy xúc động của Đít Munty nằm trong số những lời chứng quan trọng nhất đã được trình bày tại phiên tòa xử tội diệt chủng. Đối với tôi, đó là sự tổng hợp của tất thảy những gì tôi đã phát hiện ra từ thực tế hàng trăm cuộc phỏng vấn, lúc đầu với những người tị nạn, rồi về sau với những “người trên đường” và những người cuối cùng đã trở về được làng quê mình hoặc nhà mình ở Phnôm Pênh.

Rõ ràng là một người quan sát sắc sảo có một trí nhớ tốt và một ý thức cân đối về giá trị con người, Đít Munty đã mô tả cuộc sống dưới thời Khơme Đỏ; đó là một trong những bản cáo trạng có hiệu quả nhất đối với chế độ này, và chẳng cần nói ra, đối với những ai – đặc biệt là những trí thức Tây phương – đã trở thành những kẻ biện hộ cho cái chế độ ấy. Trong lời chứng của anh, không có một câu chữ nào lại không được sự xác nhận của những người đã từng sống dưới ách Ăngka, trong cái xã hội mà Iêng Xary đã huênh hoang là “điều chưa từng có trong lịch sử”. Với câu này, người ta có thể hết sức sốt sắng nói thêm: “Và có lẽ chẳng bao giờ có lại nữa”.

“Chúng tôi được ăn uống rất tồi, ăn mặc rách rưới và bị giáng xuống thành nô lệ. Quyền con người bị chà đạp, quyền được ăn uống với gia đình và quyền tự do hôn nhân bị thay thế bằng “ăn tập thể” và hôn nhân cưỡng bức mỗi lần từ 30 đến 50 hoặc 60 cặp. Chúng tôi, những người “không ai cần đến”, không có quyền trở về quê hương và tái lập hạnh phúc và cuộc sống gia đình. Quyền cư trú, tự do đi lại trong nước, quyền tự do chính kiến, hội họp, tín ngưỡng, quyền làm việc, nghỉ ngơi hoặc học hành đều bị cấm đoán hoàn toàn.

Mọi công dân không được “tự do bình đẳng” một khi hầu hết mọi người bị giam cầm bằng vũ lực trong hợp tác xã và chết gục vì đói, trong khi Khơme Đỏ, đại diện Ăngka, có thể đi lại tự do và ngồi mát ăn bát vàng. Chúng đã thật sự phá hủy mọi cơ sở giáo dục, buộc trẻ em từ bỏ việc học hành. Trẻ em từ 13 đến 14 tuổi bị cưỡng bức tòng quân, còn các em từ 6 đến 12 tuổi thì chăn trâu bò và đi nhặt phân rơi.

Khơme Đỏ phỉ nhổ tất cả truyền thống, luân lý và tập quán của dân tộc. Chúng phá hủy chùa chiền, đền miếu hoặc biến những nơi này thành nhà tù, buộc các nhà sư phải bỏ áo cà sa.

Ăngka muốn phát triển nông nghiệp, nhưng chúng lại giết hết cán bộ kỹ thuật và cán bộ nông học; trong khi đó chúng phải đóng cửa hết nhà máy này đến nhà máy khác do thiếu nguyên liệu và công nhân.

Không có tiền tệ, cũng chẳng có chợ búa. Ăngka thực hiện một thứ “kinh tế đóng cửa”.

Nếu ở Campuchia đã xảy ra nạn đói, thì đó chẳng phải là do mất mùa. Sản lượng lúa vẫn cao, nhưng hoặc bị đưa vào kho dự trữ dùng cho quân đội, hoặc bị xuất khẩu. Lúa gạo, cùng gỗ, da cá sấu, cá khô và cá xông khói, hồng ngọc, xiricon, các loại đá quý khác, và một ít cao su, là những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Campuchia; dùng để đổi lấy số vũ khí mà bè lũ Pôn Pốt – Iêng Xary nhập.

Đít Munty trình bày tiếp:

“Các cuộc hành quyết thường xuyên xảy ra. Đêm nào cũng vậy, 2 hoặc 3 người dân “mới” bị triệu đi “họp” và biến mất không để lại chút vết tích. Không ai dám hỏi han gì về số mệnh của những người bất hạnh này; thân nhân cũng không dám khóc, vì sợ bị kết tội là “đồng lõa”. Nếu có ai đó bị gọi đi vào một thời điểm không bình thường – nhất là vào ban đêm – người đó chắc sẽ bị giết. Chúng tôi sống trong nỗi lo sợ bất tận, như cá trong chậu, chẳng biết bao giờ sẽ đến lượt mình bị giết. Để thoát chết, người ta phải hết sức thận trọng. Không ai dám tin ai, bởi mật thám trà trộn giữa chúng tôi. Khơme Đỏ đã lập nên một hệ thống do thám rất có hiệu quả – những đứa trẻ từ 6 đến 8 tuổi phải làm mật thám đối với cả cha mẹ chúng.

Các xã trưởng, được coi là cán bộ, được tuyển chọn trong số những người ít học nhất, và để duy trì quyền  lực của mình, chúng có thừa nhiệt huyết. Công lý luôn sẵn sàng ra tay. Bất kỳ ai không may làm vỡ một chiếc đĩa cũng sẽ có thể bị gán cho là tay chân của CIA và KGB hoặc của Việt Nam.

Cuộc thảm sát lớn nhất nổ ra tháng 6/1977. Bạn Xeng Meng Tếch của tôi là nạn nhân đầu tiên. Anh ấy vừa cùng gia đình bắt đầu ăn cơm trưa thì hai tên địa phương quân bước vào. Chúng bắt anh đi và đánh anh ấy đến chết dưới gốc một cây thốt nốt cách nhà một cây số. “Tội” duy nhất của anh ấy là đeo một cặp mắt kính dày!

Tháng 6/1977, đánh dấu sự khởi đầu của một làn sóng thần những cuộc hành quyết ở các tỉnh. Những đoàn xe bò, làm người ta nhớ lại những đoàn xe chở tù nhân ra máy chém hồi cách mạng Pháp lọc cọc lăn bánh tới pháp trường, lèn chặt những nạn nhân vô tội.

“Suốt thời kỳ này, người ta phổ biến bằng miệng ở khắp nơi chỉ thị rằng “vì thiếu đất trồng” Ăngka đang cho xây dựng hàng trăm ngôi nhà kiểu mẫu ở nơi khác cho “dân mới” tại những vùng nhiều đất trồng. Tối tối, người ta tập trung các gia đình lại để chuyển đến nơi mới. Những đoàn xe trâu bò kéo và một con thuyền được dùng để chở những gia đình bất hạnh này tới những “làng mới”. Từ nơi ấy, chẳng có ai trở lại bao giờ.

Chỉ riêng ở làng tôi, 36 gia đình với tổng số 202 người, đàn bà, người già, trẻ nhỏ, đã bị đưa đi bằng những đoàn xe như vậy, và từ đó đến nay vẫn biệt tăm. Tôi tin chắc rằng sẽ đến lượt mình – bị Ăngka đưa đi đến đó, nơi chưa có ai trở lại. Đêm nào cũng vậy, chúng tôi trông chừng chiếc thuyền và đoàn xe tới, và chúng tôi không thể nào ngủ nổi cho tới tận khi âm thanh ghê rợn của chúng xa dần khỏi làng. “Thế là lại thêm một lần thoát chết”, vợ tôi thì thầm.--PageBreak--

Chúng tôi sống trong tình trạng luôn luôn sợ hãi, vợ chồng tôi đã kiếm được và luôn thủ trong túi vài chục hạt quả độc có chứa độc tố stricnin. Nếu bị triệu đi chúng tôi sẽ tự đầu độc mình. Đó là cách duy nhất để khỏi phải chịu đau khổ hơn nữa. Tất cả những người dân “mới” do xe bò và thuyền chở đi đều bị đưa tới trường Staung – ngôi trường này đã bị biến thành một trung tâm tù đày và tra tấn. Tới đó, mọi dấu vết của những người bất hạnh này đều biến mất. Những cuộc giết chóc đều theo một mẫu có sẵn. Đầu tiên là những nhân viên quân đội và cảnh sát, rồi tới nhân viên dân sự, trí thức, nhân viên kỹ thuật, bác sĩ, giáo viên và giáo sư, tiếp đến là sinh viên và học sinh.

Đít Munty đã giấu được nghề nghiệp và nguồn gốc giai cấp của mình, bị đưa làm đủ kiểu lao động chân tay: “đốn gỗ, đánh cá, trồng rau, trộn phân”. Lời chứng của anh kết thúc bằng một thông báo não lòng là sau khi chế độ Pôn Pốt bị lật đổ, (thời gian đó, anh bị đưa đến một “đội đánh cá” ở Tôngle Sáp, tức “Hồ lớn”, anh trở lại xã Staung và thấy nơi đó lạnh tanh như sa mạc.

Pin Yathay, tác giả của cuốn sách  sởn gai ốc nhan đề L’UTOPIE MEURTRIÈRE (Cõi không tưởng chết chóc), đã dùng những gì bản thân và gia đình mình đã trải qua để cho thấy Khơme Đỏ đánh giá “tiến bộ” về mặt tư tưởng như thế nào. Trong vòng chưa đầy một năm sau khi cùng gia đình bị lưu đày khỏi Phnôm Pênh, ông đã mất 19 trong số 23 người ruột thịt của ông do bệnh tật và đói. Tại cái “hợp tác xã” mà gia đình ông được phân tới ở Đôn Êy, thuộc tỉnh Puốcxát, Pin Yathay đã tới ngưỡng cửa của tử thần sau một trận sốt rét khủng khiếp, tiếp đó một vết thương nhiễm trùng rất nặng ở chân, và cũng bị Pin Yathay cho hắn xem vết thương đã nhiễm trùng và van xin hắn cho phép con trai ông được nghỉ một hai ngày chờ cho vết thương lành.

Cậu bé Xađát bị lôi đi, và 5 ngày sau thì chết. Pin Yathay lại bị trách mắng thêm nữa vì đã xin mà chẳng được nhìn xác con.

Một lần khác, Pin Yathay bị bắt khi đang đưa đồ uống cho bà vợ góa của một người bạn từ ngày còn ở Phnôm Pênh, sau khi chồng và hầu hết gia đình bà đã chết ở Đôn Êy. Bà ta yếu đến nỗi không thể lê bước nổi khỏi giường vì thế Pin Yathay cùng vợ là Any cố hết  cách giúp bà. “Giúp đỡ bà ấy không phải là nhiệm vụ của các đồng chí”, tên Khơme Đỏ lên tiếng và ngăn ông lại. “Việc làm này chỉ chứng tỏ rằng các đồng chí vẫn chưa gột rửa sạch những tình cảm trắc ẩn, bạn bè. Các đồng chí phải thanh toán những thứ tình cảm như vậy và những xu hướng cá nhân chủ nghĩa “đi”. Còn bây giờ thì hãy quay về!”. Hai ngày sau, người đàn bà ấy - nguyên là một viên chức của Ngân hàng Thương mại Khơme ở Phnôm Pênh - qua đời. Hai đứa con của bà bị đưa đi biệt tăm.

Xác người ngổn ngang trên cánh đồng dưới thời Khơme Đỏ.

Một trong những cuộc thuyên chuyển thường xuyên xảy ra trong năm đầu lưu đày - gia đình Pin Yathay cùng những người khác sống cùng làng bị đưa tới Xrama Liếp thuộc tỉnh Tàkeo, nam Phnôm Pênh. Cuộc thuyên chuyển này được công bố một cách dối trá là để đưa dân về quê cũ. Đến khi họ vừa dỡ đồ đạc từ trên xe bò xuống, tên trùm Khơme Đỏ ở địa phương cho họ biết ngay rằng chuyến đi tiếp về quê đã bị hoãn lại. Khi đó là cao điểm của thời vụ nông nghiệp tháng 7/1975 và họ sẽ ở lại Xrama Liếp cho tới khi trồng cấy xong đã.

“Tất nhiên, Ăngka sẽ lo cho việc ăn ở của các đồng chí. Ăngka sẽ chăm lo mọi thứ. Về phần mình, các đồng chí phải tôn trọng kỷ luật, trật tự. Các đồng chí phải cố gắng tự làm trong sạch mình”.

Chủ đề thử thách và làm trong sạch cứ lặp đi lặp lại trong những bài giảng dạy tẻ ngắt của Khơme Đỏ (Pin Yathay trình bày). Gã hùng biện lớn tiếng thuyết trình cuốn kinh thánh về những ước vọng của Ăngka đối với chúng tôi. Lời lẽ tuôn chảy của hắn tâng bốc lên tận mây xanh việc cải tạo con người: “Ăngka muốn làm các đồng chí trở thành những người cách mạng chân chính”...

Những từ “đáp ứng nhu cầu của bản thân mình” chính là một phần trong một tổng thể những lời nói láo. Chẳng bao giờ những người lao động nô dịch được sử dụng những gì họ làm ra. Sản phẩm họ làm ra được chất vào những kho chứa của công xã, rồi từ đó lại đi đâu nữa thì ai mà biết được! Tôi chưa hề biết đến một trường hợp về sự liên quan giữa những gì được làm ra và được sử dụng của các thành viên các “hợp tác xã” hoặc “công xã”. Hình phạt đối với hành động tìm cách chiếm dụng thành quả lao động của chính mình tất yếu là việc bị đưa ra tố giác trước công chúng rồi bị giết một cách khủng khiếp.

Tuyển cử được coi là đã tiến hành hồi tháng 3/1976. Khi trịnh trọng công bố “kết quả”, ban lãnh đạo Khơme Đỏ cho hay dân số Campuchia khi đó là xấp xỉ 7-8 triệu người, trong đó nói rõ số “cử tri đã được đăng ký” và tỷ lệ người đã đi bỏ phiếu. Tôi chưa hề gặp được người nào đã từng tham gia vào cuộc tuyển cử này. Về cuộc tuyển cử đó, Pin Yathay viết:

“Chúng tôi trông chờ được người ta hỏi ý kiến, vô ích! Ở vùng tôi, không ai tham gia tuyển cử. Ở một số xã, người ta chỉ đưa ra một ứng cử viên duy nhất... Kết quả tuyển cử được công bố trong một bầu không khí chung thờ ơ, lãnh đạm...”.

(Còn tiếp)

Lược trích "Tam giác Trung Quốc - Campuchia - Việt Nam"
.
.