Mỹ-Triều Tiên hướng tới cuộc gặp thượng đỉnh

Thứ Tư, 09/05/2018, 15:34
Ngày 4-5-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố địa điểm và thời gian tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên đã được ấn định. Để có được cuộc gặp lịch sử này, Mỹ và Triều Tiên đã trải qua quá trình mấy chục năm đối đầu.

Có những lúc tưởng chừng hai bên đã hiểu nhau, tiến sát tới nhau để cùng xây dựng hòa bình, nhưng cơ hội cứ theo năm tháng trôi qua. Ngược dòng lịch sử mới thấy giá trị có ý nghĩa to lớn của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Bài 1: Chia ly

Chiến tranh Triều Tiên

Cuộc chiến Triều Tiên khởi nguồn từ lịch sử phức tạp của tình thế giới cũng như sự cạnh tranh giữa các nước lớn. Sau cuộc chiến 1904-1905, Nhật Bản giành thế áp đảo và chính thức đô hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 cho đến khi Thế chiến II kết thúc. Trước khi Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện năm 1945, Liên Xô đưa quân vào bán đảo Triều Tiên. Sau đó, Liên Xô và Mỹ đồng ý chia bán đảo này thành hai miền, với đường phân cách là vĩ tuyến 38. Liên Xô tiếp quản miền Bắc còn Mỹ quản lý miền Nam.

Tháng 5-1948, bất chấp sự tẩy chay của lực lượng cánh tả địa phương, cuộc bầu cử quốc hội đã diễn ra ở Nam Triều Tiên. Quốc hội này bầu ra Tổng thống vào tháng 7-1948 (Lý Thừa Vãn đắc cử vào vị trí này). Đến tháng 8-1948 thì Đại Hàn Dân quốc (Hàn Quốc) chính thức ra đời. 

Trước diễn biến trên, miền Bắc Triều Tiên đã đáp lại bằng một cuộc bầu cử quốc hội, và vào tháng 9-1948, CHDCND Triều Tiên tuyên bố thành lập, do lãnh tụ Kim Nhật Thành đứng đầu. Trong năm 1948, các lực lượng Liên Xô rút khỏi Triều Tiên. Sang năm 1949, Mỹ rút quân khỏi bán đảo này.

Tại thời điểm này, chính quyền cả hai miền đều muốn thống nhất bán đảo. Cả ông Lý Thừa Vãn và Kim Nhật Thành đều có mong muốn cháy bỏng thống nhất bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, ước muốn này đã không thành. Cũng tại thời điểm này, nhiều tài liệu từ các nguồn khác nhau đã đưa ra nhận định khác nhau về nguyên nhân và diễn biến cuộc chiến trên bán đảo này. Các xung đột vũ trang nhỏ lẻ đã diễn ra dọc giới tuyến quân sự giữa quân đội 2 miền.

Các khẩu pháo của Mỹ khai hỏa vào ngày 29-7-1950. Ảnh AP.

Nhiều tài liệu khác nhau về cuộc chiến giữa hai miền đã được tung ra. Theo tài liệu của phương Tây, ngày 25-6-1950, Quân đội Nhân dân Triều Tiên (tức quân đội của Triều Tiên) vượt vĩ tuyến 38 tiến đánh Hàn Quốc. Còn theo các tài liệu từ Triều Tiên, rạng sáng ngày 25-6-1950, Mỹ xúi giục quân Nam Triều Tiên bất ngờ gây chiến tranh chống nước CHDCND Triều Tiên. Chấp hành mệnh lệnh của Chủ tịch Kim Nhật Thành, quân đội miền Bắc Triều Tiên đã tiến công với khí thế như sóng dữ, tiến vào Seoul sáng 28-6-1950.

Với hỏa lực mạnh, sức cơ động cao, và lực lượng đông hơn, quân đội Triều Tiên đã nhanh chóng đột kích, chiếm gọn thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ sau vài ngày khai chiến. Đến ngày 10-9-1950, quân đội Triều Tiên đã gần như tràn ngập toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc và dồn quân đội Hàn Quốc cùng với một lực lượng của Mỹ về khu vực Busan nằm ở cực nam Bán đảo Triều Tiên.

Hàn Quốc nguy ngập, Mỹ đã can thiệp. Cũng trong ngày 25-6-1950, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 82 lên án Triều Tiên; kêu gọi Triều Tiên rút quân ngay lập tức. Tiếp đó, ngày 27-6-1950, HĐBA LHQ ra tiếp nghị quyết 83, cho phép hỗ trợ (bao gồm cả hỗ trợ quân sự) cho Hàn Quốc đẩy lui quân đội Triều Tiên.

Sang đầu tháng 7-1950, Nghị quyết 84 của Hội đồng Bảo an được ban ra, khuyến nghị tập hợp các lực lượng và nguồn lực trợ giúp Hàn Quốc dưới 1 bộ chỉ huy thống nhất do Mỹ lãnh đạo. Kết quả, dưới danh nghĩa LHQ, Mỹ đã lôi kéo được 21 nước khác tham gia tại chiến trường Triều Tiên. 15 nước gửi quân sang trực tiếp chiến đấu tại Triều Tiên, số còn lại cung cấp trợ giúp nhân đạo. Tuy nhiên quân số của Mỹ và Hàn Quốc vẫn là chủ đạo.

Sự tham chiến của lực lượng LHQ đã làm thay đổi cục diện chiến trường. Quân LHQ do Mỹ chỉ huy đã phản công đẩy lui quân đội Triều Tiên về phía Bắc vĩ tuyến 38 và gây thiệt hại nặng cho lực lượng quân sự Triều Tiên. Trước thắng lợi này, phía Hàn Quốc lại mơ về khả năng thống nhất toàn bán đảo Triều Tiên và đã cùng với quân đội Mỹ vượt vĩ tuyến 38 tiến đánh Triều Tiên.

Quân LHQ sau đó đã chiếm được thủ đô Bình Nhưỡng và đẩy quân đội Triều Tiên về sát sông Áp Lục, Ngày 24-11-1950, tướng MacArthur ra lệnh đưa binh sĩ tới tận sông Áp Lục (nơi đánh dấu biên giới giữa Triều Tiên và vùng Đông Bắc Trung Quốc). 10 ngày sau, quân đội Trung Quốc tham chiến. Hàng trăm ngàn "chí nguyện quân" Trung Quốc tham gia phản công. Tướng MacArthur ra lệnh rút quân trong điều kiện thời tiết dưới 0 độ, đưa binh sĩ về sau vĩ tuyến 38.

Triều Tiên và chí nguyện quân tập hợp lực lượng tiến hành một chiến dịch mới, đẩy lực lượng đồng minh tới phía nam Seoul vào tháng 1-1951. Lúc này Tổng thống Truman tuyên bố Liên Hợp Quốc sẵn sàng ký hiệp ước đình chiến. Tuy nhiên, tướng MacArthur không muốn nhượng bộ. Ông công khai quan điểm mở rộng chiến tranh với Trung Quốc. Tổng thống Truman đã sa thải tướng MacArthur vì bất tuân lệnh vào tháng 4-1951. MacArthur được thay thế bởi tướng Matthew Ridway.

Lúc này, thừa thắng, liên quân Trung-Triều đã vượt vĩ tuyến 38, tái chiếm Seoul. Cuộc chiến diễn ra với tốc độ nhanh chóng, với quyền kiểm soát lãnh thổ thay đổi liên tục giữa đôi bên để kiểm soát Seoul. Quân LHQ phải tăng cường thêm vũ khí mạnh, và nỗ lực cao để đẩy quân đội Triều Tiên và Trung Quốc trở lại vĩ tuyến 38.

Chiến sự sau đó giằng co quanh khu vực giới tuyến quân sự. Hiệp định đình chiến (chứ không phải hòa ước) đã được ký kết giữa các bên vào ngày 27-7-1953. Riêng Lý Thừa Vãn - tổng thống Hàn Quốc khi ấy đã khước từ ký vào Hiệp định này.

Điểm đáng chú ý, nhiều lần tướng lĩnh và Tổng thống Mỹ đã tính đến phương án sử dụng bom hạt nhân (cấp chiến thuật) để giáng trả quân đội Triều Tiên và Trung Quốc. Nhưng cuối cùng Mỹ đã không sử dụng vũ khí hạt nhân do lo ngại xảy ra chiến tranh tổng lực với Trung Quốc và chiến tranh hạt nhân với Liên Xô, cũng như lo sợ áp lực của quốc tế. Theo các số liệu còn gây tranh cãi, ít nhất hai triệu dân thường và gần 2 triệu binh sĩ các bên tham chiến thiệt mạng. Trong phần lớn thời gian chiến tranh diễn ra, hai bên từng tìm cách đàm phán hòa bình vài lần.

Khi thỏa thuận ngừng bắn được ký vào ngày 27-7-1953, không ai có thể tưởng tượng được rằng 65 năm sau, bán đảo Triều Tiên, về danh nghĩa, vẫn ở trong tình trạng chiến tranh. Hai miền không đạt được hiệp ước hòa bình và khu vực biên giới vẫn dày đặc mìn, pháo và binh sĩ.

Những cơ hội qua đi

Cùng với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, quan hệ quốc tế đã có nhiều thay đổi, thế giới bước vào thời kỳ bước ngoặt lịch sử: tổ chức và xác lập lại các nguyên tắc quan hệ quốc tế. Mỹ lấy việc thực hiện đơn cực hóa cục diện thế giới làm mục tiêu thực thi chiến lược toàn cầu... trong khi các nước lớn khác ra sức thúc đẩy đa cực hóa thế giới, phản đối chủ nghĩa đơn phương.

Một cô bé Hàn Quốc cõng trên lưng đứa em đứng ngay trước một chiếc xe tăng đã ngừng hoạt động. Hình ảnh được chụp ngày 9-6-1951 tại Haengju.

Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhưng thực trạng chia cắt trên bán đảo Triều Tiên chưa có được sự thay đổi căn bản. Quan hệ hai miền Triều Tiên với các nước lớn cũng như so sánh thực lực và quan hệ lẫn nhau giữa hai miền đã có sự thay đổi quan trọng.

Ngay từ đầu những năm 70 của thế kỉ XX, hai miền Triều Tiên đã bắt đầu làm hòa dịu căng thẳng, đạt được sự nhất trí về ba nguyên tắc thống nhất "tự chủ, hòa bình thống nhất và đại đoàn kết dân tộc"; đến giữa những năm 80 của thế kỉ XX, hai miền Nam, Bắc lần đầu tiên thực hiện việc đoàn tụ các gia đình ly tán. Nhưng do sự ràng buộc cơ cấu Chiến tranh Lạnh, vấn đề hòa giải giữa hai miền Triều Tiên đã không thể duy trì liên tục.

Cùng với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, Hàn Quốc bắt đầu cải thiện quan hệ với Triều Tiên và hai bên cùng nhau ký các văn kiện quan trọng như "Nghị định thư Nam-Bắc hòa giải, không xâm phạm lẫn nhau và tiến hành giao lưu hợp tác", "Tuyên ngôn chung phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên".

Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng nỗ lực làm hòa dịu quan hệ Bắc-Nam, cải thiện quan hệ với Mỹ và Nhật Bản. Nhưng Mỹ đã yêu cầu Triều Tiên trước hết phải làm rõ mọi nghi hoặc về vấn đề hạt nhân, điều này đã không chỉ ảnh hưởng đến việc cải thiện quan hệ Mỹ-Triều, mà còn hạn chế những nỗ lực của Triều Tiên trong cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Xét thấy ảnh hưởng của Mỹ đối với Hàn Quốc và Nhật Bản mang tính quyết định, Triều Tiên đã ngừng đối thoại với Hàn Quốc và Nhật Bản. Nắm lấy vấn đề mà Mỹ quan tâm nhất là vũ khí hạt nhân, buộc Mỹ phải ký "Tuyên bố chung về nguyên tắc quan hệ song phương" (tháng 6-1993) và "Hiệp định khung về vấn đề hạt nhân" (tháng 10-1994).

Những văn kiện này nêu rõ: Mỹ và Triều Tiên cùng tôn trọng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; Mỹ ủng hộ hoà bình thống nhất bán đảo Triều Tiên; hai bên phản đối cùng sử dụng vũ lực bao gồm sử dụng vũ khí hạt nhân; bảo đảm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng như hòa bình và an ninh cho bán đảo Triều Tiên; chấp hành nghiêm Hiệp định bảo đảm phi hạt nhân hóa. Để bồi thường cho việc Triều Tiên dỡ bỏ 3 lò phản ứng hạt nhân than chì, Mỹ chịu trách nhiệm tổ chức các tập đoàn tài chính quốc tế xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ cho Triều Tiên vào trước năm 2003.

Nhưng khi Triều Tiên vượt qua khó khăn kinh tế nghiêm trọng nhất vào thời kỳ giữa thập niên 1990, Chính phủ Mỹ bắt đầu tỏ thái độ tiêu cực đối với việc thực hiện "Hiệp định khung về vấn đề hạt nhân", Quốc hội Mỹ cũng chỉ trích "Hiệp định khung" không quy định rõ phạm vi khai thác hạt nhân của Triều Tiên, từ chối bỏ tiền cung cấp dầu nặng cho Triều Tiên. Trong tình hình đó, tháng 2-1996, Mỹ và Hàn Quốc đề nghị tổ chức "Đàm phán 4 bên" giữa Mỹ, Hàn Quốc với Triều Tiên và Trung Quốc, tham gia thảo luận vấn đề giải quyết vấn đề ổn định và thực hiện hoà bình ở bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên tuy đồng ý tham gia "Đàm phán 4 bên", nhưng tỏ ra nghi ngờ Mỹ thực hiện 'Hiệp định khung về vấn đề hạt nhân". Tháng 8-1998, sau khi Triều Tiên tuyên bố đã phóng thành công vệ tinh nhân tạo, Mỹ lo ngại Triều Tiên phát triển tên lửa hạt nhân, thừa nhận trách nhiệm trong thực hiện trì trệ "Hiệp định khung" và hứa sẽ cân nhắc việc bồi thường cho Triều Tiên.

Tiếp đó, Mỹ đề ra chính sách "tiếp xúc và mở rộng" đối với Triều Tiên, bày tỏ dưới tiền đề Triều Tiên xoá bỏ hoàn toàn các cơ sở hạt nhân và cơ sở phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa, đổi lại Mỹ sẽ cải thiện cơ bản quan hệ với Triều Tiên và tiến hành viện trợ kinh tế với số lượng lớn cho Triều Tiên. 

Tháng 9-1999, Triều Tiên và Mỹ đạt được "Hiệp định về vấn đề tên lửa", quy định việc Mỹ tiếp tục cải thiện quan hệ với Triều Tiên, còn Triều Tiên ngừng phóng tên lửa đạn đạo trong thời gian hai bên đối thoại. Hiệp định này đã quy định một vấn đề chủ yếu khác giữa Triều Tiên và Mỹ, trở thành một hiệp định quan trọng khác trong lịch sử quan hệ Mỹ - Triều Tiên.

Việc ký kết Hiệp định này đã "báo trước" giữa các nước lớn sau khi lần lượt thiết lập "quan hệ đối tác" lấy "không đối kháng, không liên minh, không nhằm vào nước thứ ba" làm cốt lõi, quan hệ hai miền bán đảo Triều Tiên sẽ có thay đổi lớn, vai trò chủ động của hai miền Nam - Bắc đối với tình hình bán đảo Triều Tiên đã tăng lên.

Trong khi đó, năm 1998, sau khi nhậm chức, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dea-jung đã đưa ra chính sách hoà giải, hợp tác với Triều Tiên nhằm nhanh chóng khắc phục cuộc khủng hoảng tiền tệ (năm 1997) và tạo môi trường hoà bình ổn định, có lợi cho phát triển liên tục của Hàn Quốc.

Tháng 9-1998, sau khi Triều Tiên xác lập thể chế lãnh đạo nhà nước do Kim Jong-il đứng đầu, đã đưa ra chiến lược phát triển quốc gia "xây dựng đất nước XHCN hùng mạnh", nhằm củng cố chính quyền hơn nữa và tái thiết kinh tế. Phối hợp đồng bộ với chiến lược này, Triều Tiên còn hệ thống hoá chính sách thống nhất, đưa ra chính sách nhanh chóng thực hiện thống nhất quan hệ Nam - Bắc.

Cuối năm 1999, sau khi Hàn Quốc tuyên bố đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng tiền tệ, một lần nữa đề nghị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nam - Bắc với điều kiện cung cấp viện trợ kinh tế quy mô lớn giúp đỡ Triều Tiên cải thiện cơ sở hạ tầng và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của Triều Tiên.

Hoa Huyền
.
.