Mỹ bồi thường người chịu án oan sai như thế nào?

Thứ Tư, 02/04/2008, 15:30
Sau khi án sai xảy ra, phải sửa sai, hệ thống tư pháp nhà nước sẽ phải thực hiện bồi thường đối với những người bị oan. Nhưng, trong thực tiễn ở nhiều nước, bồi thường án sai còn tồn tại nhiều vấn đề. Hiện nay, tại Mỹ đang còn tranh luận: nên hay không nên bồi thường, bồi thường thế nào, bồi thường bao nhiêu?

Nhất là sau khi áp dụng tiến bộ khoa học kiểm tra ADN để xác định tội phạm và xét xử, người vô tội được thả càng nhiều. Đối xử với họ thế nào sau những tháng năm bị tù oan và mất tự do trở thành một tiêu chí quan trọng về sự công bằng xã hội.

Mức bồi thường ở các bang không giống nhau

Cuối năm 2006, tại 2 bang ở Mỹ có 2 phạm nhân qua kiểm tra ADN được chứng minh vô tội và được thả; họ đã đề nghị chính quyền các bang sở tại bồi thường án sai vì bị oan và mất tự do. Tháng 5/2007, yêu cầu của 2 người này được xem xét bồi thường nhưng kết quả lại rất khác nhau.

Jemes Therman, người bang Connecticut, bị tù 18  năm vì xử sai về tội cưỡng dâm sau uống rượu. Nhưng qua kiểm tra ADN đã chứng minh hung thủ là kẻ khác. Trước yêu cầu bồi thường của Therman, các nghị sĩ bang Connecticut đã bỏ phiếu biểu quyết đồng ý bồi thường cho Therman 5 triệu USD vì 18 năm bị tù oan.

Trong khi đó, Elun Crozie, người bang Florida thì khác, bị tù 24 năm cũng vì tội cưỡng dâm người vị thành niên. Trong quá trình ở tù, anh ta còn phải lao động kiếm tiền để bồi thường người bị cưỡng dâm. Qua kiểm tra ADN cũng lại chứng minh anh hoàn toàn vô tội và được thả, chính quyền bang Florida đã đề nghị bồi thường là 1,25 triệu USD, nhưng các nghị sĩ của bang này đã biểu quyết từ chối. Trong khi đó họ lại biểu quyết đồng ý bồi thường cho người bị kẻ cưỡng dâm làm hại vì thai chết trong bụng.

Sở dĩ hiện nay ở Mỹ có tình trạng bồi thường cho án sai không giống nhau, vì luật bồi thường án sai ở các bang khác nhau. Theo báo Pháp chế, Mỹ, đến tháng 5-2007, nước Mỹ đã có khoảng 200 công dân do thực hiện kiểm tra ADN đã chứng minh vô tội và được thả, trong có khoảng 45 người được bồi thường; mức tiền bồi thường thấp nhất 2,5 vạn USD, cao nhất có thể tới 12,2 triệu USD.

Hiện nay, ở Mỹ có 21 bang, đã có văn bản chính thức định ra tiêu chuẩn bồi thường án sai. Mức tiền bồi thường có thể được từ 1,5 vạn đến 5 vạn USD cho mỗi năm bị giam. Có 13 bang từ giữa năm 2007 bắt đầu thực hiện “luật bồi thường án sai”.

Vấn đề không chỉ là được bồi thường

Bari Scheke, chủ nhiệm “kế hoạch vô tội”, Viện Luật, Đại học Jeshwwa, New York cho rằng, sửa sai án oan không phải chỉ là tiền bồi thường, mà vấn đề còn là đại đa số những người bị án sai sau khi rời khỏi nhà tù chỉ còn sự tuyệt vọng và hai bàn tay trắng.

Qua điều tra, Maiker Olinike, luật sư biện hộ vụ án Crozie cho biết, hiện nay ở Mỹ những người bị xử tù, sau đó được minh oan vô tội thả về, đã không được đối xử công bằng như những phạm nhân tạm tha. Ví như, tại bang Florida, phạm nhân tạm tha, có thể được phát 100USD và 1 vé xe ôtô công cộng để về nhà. Nhưng, Crozie bị oan khi được thả, ngoài lời xin lỗi không được một chút gì ngay cả vé ôtô. Không chỉ vậy, những người bị án sai được thả, khi trở về xã hội, họ phải đối mặt với hiện thực hà khắc, không hề được tư vấn và giúp đỡ tâm lý, không được giáo dục, an ủi tinh thần, chữa bệnh, làm việc... Những hành vi, thói quen trong tù của họ phải qua nhiều năm mới có thể thay đổi và quen được với cuộc sống bình thường.

Crozie cũng không hiểu vì sao anh lại bị từ chối đề nghị 1,25 triệu USD tiền bồi thường án sai. Chủ tịch Hạ viện bang Florida giải thích là, họ không có tiền (?). Đây có lẽ là lý do thường dùng của bang này. Hiện nay, Crozie đang phải rửa bát thuê cho cửa hàng ăn.

Luật sư Onilike, người biện hộ cho Crozie nói, năm 2008, ông sẽ tiếp tục đề nghị mở phiên tòa để đòi bồi thường án sai cho Crozie.

Số vụ bồi thường án sai sẽ ngày càng nhiều

Năm 2003, Mỹ đã thông qua “Dự luật bảo hộ người vô tội”. Dự luật này đã đưa ra phương án cải cách hình sự, yêu cầu giảm thiểu nguy hiểm cho người vô tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự; bảo đảm cho người định tội có cơ hội thông qua kiểm tra ADN để chứng minh mình vô tội, giúp đỡ các bang có trình tự chặt chẽ xét xử án tử hình, thực hiện bồi thường thích đáng đối với những người bị xử tù giam oan sai.

Theo điều tra của Giáo sư luật Ronader Haff và cộng sự thì, tỉ lệ án sai (hoặc sửa sai) ở Mỹ tới 0,5%; năm 2001 trong số các tội phạm nghiêm trọng ở Mỹ có khoảng 7.500 người bị xét xử sai. Như vậy, án oan sai hằng năm ở Mỹ là con số không nhỏ.

Ngay từ năm 1992, luật sư Scheke và New Fey, Viện Luật thuộc Đại học Jesheke đã sáng lập ra “kế hoạch vô tội” và “Ủy ban vô tội”. Đây là một kế hoạch thực hành về luật của sinh viên Viện Luật do các giáo sư luật quản lý giám sát. Những người tham gia điều tra nghiên cứu này mong muốn, thông qua kiểm định ADN của những vụ án xét xử nghi vấn, đưa ra sự hiệp trợ về luật (đương sự phải chi phí kiểm định).

Theo điều tra nghiên cứu của Giáo sư Haff, có một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những vụ án sai oan: 1- Sự sai sót nhầm lẫn của người chứng kiến. 2- Quan chức điều tra kiểm sát vô trách nhiệm hoặc không có đạo đức, bao gồm hành vi không đúng trên tòa án, can dự vào sự phán xét của bồi thẩm đoàn; xử lý tùy tiện đối với vật chứng, như che giấu, phá hủy hoặc bóp méo xuyên tạc chứng cứ, làm sai văn bản và ghi chép tại tòa án; uy hiếp, gây khó khăn cho nhân chứng; sử dụng những chứng cứ sai hoặc khiến người ta hiểu sai; luật sư giữ thái độ đối địch với bị cáo, khởi tố mang tính báo thù... 3- Cưỡng bức nhận tội. 4- Sử dụng không đúng nhân chứng. 5- Luật sư biện hộ bất lực. 6- Sai lầm của Tòa án tối cao. 7- Mô thức công tố kiểu đối kháng.

Người phân tích cho rằng, nếu như nói, trong xét xử tội phạm, tránh và giảm thiểu án oan sai là “phòng bệnh” thì thẩm tra đối chiếu phúc tra và sửa sai án oan sẽ là thực hiện “khám chữa bệnh”. Một trong những thuốc chữa bệnh ở đây, đó là đối với những người bị oan sai phải được bồi thường. Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ khó khăn lớn mà ngành tư pháp Mỹ phải đối mặt trong tương lai

Nguyễn Mau (theo Pháp chế)
.
.