Nếp gia phong và nguồn gốc thánh hiền tạo nên một nhân cách lớn?
- Tổng Bí thư Trường Chinh - Nhà lý luận xuất sắc, nhà lãnh đạo kiệt xuất
- Đồng chí Trường Chinh với lực lượng Công an nhân dân
Nhân cách đạo đức Trường Chinh được nuôi dưỡng từ gia phong, tiên tổ bề thế và tự rèn giũa...
Tại nhà ông nội cố TBT Trường Chinh, cụ tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (từng làm Tuần phủ tỉnh Hải Dương) là địa chỉ hy hữu của cả vùng Bắc kỳ xưa kia: Nơi có thư viện gia đình lớn nhất mang tên Hy Long nổi tiếng. Không chỉ ông nội của ông là người học rộng tài cao, làm quan nhưng nổi tiếng sống thanh liêm mà cả thân phụ ông là cụ Đặng Xuân Viện cũng rất thông thái và từng viết nhiều sách. Vì thế, nơi đây cũng là mảnh đất góp phần xây dựng nên nhân cách và trí tuệ cho chàng trai Đặng Xuân Khu có chí khí hơn người được mở thêm tầm mắt để dấn thân vì sự nghiệp lớn.
Nhân cách ấy, ngay từ thời thơ ấu đã dần dần hun đúc nên một con người yêu nước nồng nàn. Tham gia cách mạng thì trung thành tuyệt đối trước tổ chức Đảng, hết lòng phụng sự Tổ quốc và phụng sự nhân dân. Điều đó dựa trên một nền tảng tư tưởng xuyên suốt: "lấy dân làm gốc" cho đến tận hơi thở cuối cùng của đời mình. Cuộc đời của ông thực sự là một tấm gương ngời sáng về trí tuệ với kiến thức uyên thâm, về lòng trung thành với Tổ quốc, về sự trung thực trong công việc và đồng thời cũng là trung tâm của sự đoàn kết trong Đảng qua nhiều giai đoạn khác nhau. Ông luôn được mọi người nể trọng cũng là vậy. Thực sự, ông chính là một trong số ít các bậc tiền bối cách mạng điển hình để các thế hệ sau học tập...
Cố TBT Trường Chinh, nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất của Đảng. |
Cố Nhà giáo nhân dân Đặng Xuân Đỉnh (tức Đĩnh), nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất (ông mất năm 2016, thọ 97 tuổi) là một người em trai gần gũi, lại có cùng chí hướng với anh trai Đặng Xuân Khu, lúc còn minh mẫn đã kể cho tôi nghe về dòng tộc nhà mình: Anh em ông Trường Chinh thuộc đời thứ 11 của cụ Đặng Chính Pháp, người thuộc dòng tộc Đặng Trần Lâm (tức Trần Lâm) ở Chương Mỹ, Hà Nội.
Tìm hiểu thêm thì được biết, cụ Đặng Trần Lâm là con trai của tiến sĩ Trần Văn Huy, cháu Trần Quốc Hiệu (tức Hưng Trí Vương) là người con trai thứ tư của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (theo cuốn "Trường Chinh, tiểu sử", NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, trang 23).
Với Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, một nhân cách được coi là vĩ đại của lịch sử dân tộc đã để lại cho hậu thế những di sản thật tự hào, đó là tư tưởng được coi như một chủ thuyết quan trọng: luôn vì dân và nghĩ đến dân. Ông từng trăng trối với nhà vua: "Khoan thư sức dân là kế sâu rễ bền gốc, là thượng sách để giữ nước!".
Và rồi, hậu duệ của ông, vào khoảng hơn 600 năm sau đã có thêm một nhân vật đi vào lịch sử hiện đại của nước nhà, đó là cố TBT Trường Chinh. Ông cũng là con người có nhân cách lớn, mà nhân cách đó gắn với tư tưởng yêu nước, thương dân. Bài học "lấy dân làm gốc" của TBT Trường Chinh phải chăng chính là việc ông học được từ các bậc thánh hiền?
Có một chuyện rất ít người biết và báo chí cũng chưa thấy đề cập. Ngày cố TBT Trường Chinh trở về với tiên tổ cũng chính là ngày Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn mất (20 tháng Tám âm lịch). Thật kỳ lạ!
Có lẽ cũng xin được chú giải thêm: Lý do họ Trần trong hai lần phải bí mật đổi họ thì có một lần, một nhánh phải đổi họ Trần thành Đặng vào năm 1511 do bị khép tội phản loạn. Tuy nhiên, những người phải đổi họ đó luôn đau đáu nghĩ về nguồn gốc của tổ tông nhà Trần một thời đầy oanh liệt, đáng tự hào...
Tuy nhiên, khi nhánh cụ Trần Lâm đổi họ rồi về làng Hành Thiện lập nghiệp thì chính ngôi làng mang đặc trưng rất riêng, hiếm có ấy lại là nơi hướng tâm, hướng thiện, gần gũi với giáo lý đạo Phật. Họ dù có đi đâu, làm gì thì cũng luôn đề cao truyền thống hiếu học và nghĩa khí của làng mình, luôn làm việc thiện và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Chính ngôi làng này, vào thời hiện đại, nối tiếp truyền thống xa xưa, Hành Thiện không chỉ sản sinh ra cố TBT Trường Chinh, nhà lãnh đạo có trí tuệ kiệt xuất của đất nước mà còn sinh ra 6 vị là Ủy viên Trung ương Đảng, là Bộ trưởng và tương đương trở lên qua các thời kì; từng là nguồn cội sinh ra 192 GS, PGS, tiến sĩ trong đó có 72 GS, PGS; có tới 11 vị tướng mà chủ yếu là tướng lĩnh trong lĩnh vực y học và khoa học quân sự...
Nói đến thời của các anh em ông Trường Chinh thì ông Đặng Xuân Đỉnh kể: Vào năm 1931, Đặng Xuân Khu bị thực dân Pháp bắt và kết án 12 năm tù vì tội làm chính trị, chống lại chính quyền bảo hộ ở nhà lao Hỏa Lò (Hà Nội) rồi bị đày đi cấm cố tại nhà tù Sơn La..., ông tỏ rõ là người gan dạ và có chí khí mạnh mẽ.
Khi được ra tù (do Mặt trận Bình dân Pháp thắng lợi nên ông được trả tự do sớm) ông Đặng Xuân Khu vẫn không chịu từ bỏ con đường mà mình đã chọn, tiếp tục bắt liên lạc với tổ chức để tìm đường cứu nước, quyết chống lại ách đô hộ của chế độ thực dân. Từ đây, những phẩm chất cách mạng với trí tuệ vượt trội của ông đã được tôi luyện và thử thách cao độ, nhất là khi được bầu làm TBT Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1941...
Nhân cách lớn hun đúc nên một lãnh tụ luôn cầu thị, nhận trách nhiệm để sửa sai...
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một thành công vang dội của Đảng ta, trong đó có vai trò đóng góp không nhỏ của TBT Trường Chinh. Ông là người "đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng, vai trò của ông nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất, đã đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám đến thành công" (trích điếu văn của TBT Nguyễn Văn Linh đọc tại lễ truy điệu).
Năm 1954, do nóng vội, chủ quan và có cả việc chịu sức ép của phía Trung Quốc khi thực hiện cải cách ruộng đất dù Bác Hồ và TBT Trường Chinh lúc đó đều không muốn, Đảng ta đã mắc sai lầm nghiêm trọng. Một số vị trong Bộ Chính trị và Trung ương đã phải xin từ chức hoặc chịu kỉ luật trước Đảng. TBT Trường Chinh đã tự nguyện xin rút khỏi cương vị này và công khai nhận sai lầm trước Đảng, trước dân.
Dù ở cương vị lãnh đạo nào của Đảng, Nhà nước hay Quốc hội, đồng chí Trường Chinh luôn là hạt nhân quan trọng giữ mối đoàn kết trong Đảng, được mọi người đặc biệt nể trọng. |
Thấy sai thì tự sửa và chủ động nhận khuyết điểm về mình với tư cách là người chịu trách nhiệm cao nhất trước Đảng trong cải cách ruộng đất. Đó là nhân cách rất đáng nể trọng ở nhà lãnh đạo Trường Chinh. Ngày 25-10-1956, tại Hội nghị Trung ương 10, Khóa 2, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chủ động nhận sai lầm này cũng là trách nhiệm của Bác trước BCH Trung ương Đảng và trước quốc dân đồng bào... Người chỉ rõ: "Vì ta thiếu dân chủ nên nghe ít, thấy ít, nên bây giờ ta phải dân chủ. Tôi nhận trách nhiệm trong lúc sóng gió này...".
Ngay cả giai đoạn khó khăn cực kỳ của đất nước về kinh tế sau giai đoạn đất nước thống nhất (1975-1986), ông cũng để lại một dấu son chói lọi về thái độ tự phê bình và phê bình: Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật..., chủ động kiểm điểm những mặt yếu kém, phân tích sâu sắc những sai lầm và khuyết điểm, vạch rõ nguyên nhân có tính chất "tử huyệt" và nêu ra những biện pháp khắc phục rất thuyết phục... giúp cho đường lối Đổi mới của Đảng ta năm 1986 giành được thắng lợi rất to lớn...
Tính trung thực của một nhà cách mạng chân chính là vậy!
Được biết, trong một cuộc thăm dò dư luận xã hội gần đây mà Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành điều tra thì có đến 56% số phiếu thu về cho rằng mức độ suy thoái, tự chuyển hóa và tự chuyển biến trong Đảng hiện đã rất nghiêm trọng. Đó là một vấn đề quá hệ trọng đối với sự tồn vong của chế độ, cần sớm hóa giải.
Với 27 biểu hiện của sự suy thoái trong cán bộ, đảng viên gần đây đã được Đảng nghiêm túc chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa 12) cũng là để nhằm chỉnh đốn Đảng và tiếp tục hướng về phía trước, nếu Đảng không muốn đứng trước nguy cơ tự đánh mất vai trò lãnh đạo của mình...
Cũng từ 30 năm trước, TBT Trường Chinh đã sớm chỉ ra những biểu hiện lệch lạc trong lối sống và đạo đức của người cán bộ cách mạng. Lý tưởng cao đẹp của ông, theo tôi, đó là hết lòng phụng sự đất nước, dám dấn thân vào những chỗ nguy hiểm nhất của cuộc chiến đấu chống quân xâm lược (1930-1945) và không màng danh lợi, tư lợi khi đã hòa bình. Đó là một hình mẫu của người chiến sĩ cách mạng. Ông Trường Chinh từng lên án thói khoa trương, thổi phồng thành tích. Ông cũng căm ghét kẻ xu nịnh, vụ lợi và kiên quyết chống lại sự đặc quyền đặc lợi trong Đảng ngày đó... Và đây cũng chính là nhân cách về đạo đức, lối sống, trí tuệ... của người làm cách mạng như Bác Hồ kính yêu, như các vị lãnh đạo tiền bối của Đảng và Nhà nước mà cố TBT Trường Chinh là một điển hình trong số đó, rất xứng đáng để học theo dù biết không hề dễ dàng.