Nga giải mật một vài danh tính điệp viên

Thứ Bảy, 21/03/2020, 13:43
Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR) nhân dịp kỷ niệm 100 năm lịch sử, đã lần đầu tiên cho công bố danh tính của 7 điệp viên mật xuất sắc của mình và cả dưới thời Liên Xô trước đây, vốn được xếp vào loại “lực lượng hậu bị đặc biệt”.


Tất cả những điệp viên này trong suốt hàng chục năm qua đã hoạt động trong điều kiện bí mật nghiêm ngặt, gần như không có mối quan hệ tiếp xúc nào với các cơ quan đại diện nước ngoài của Liên Xô và nước Nga sau này. 

Một số chiến công của những điệp viên trên được đánh giá có vai trò quan trọng trong tiến trình của lịch sử, nên ngay cả khi được tiết lộ tên tuổi nhưng vẫn chưa thể giải mật những sứ mạng do họ trực tiếp tiến hành…

“Điệp viên mật trên thực tế là ai? Đó là con người có thể nói là phải núp sâu trong vỏ bọc của một nhân vật hoàn toàn khác. Khi bạn hoạt động bí mật, bạn phải làm việc dưới một cái tên giả, có thể trở thành một người Anh, người Mỹ hay người Pháp. Bạn cần phải luôn sống trong vỏ bọc như vậy mọi lúc mọi nơi – nắm rõ văn hóa và thành thạo ngôn ngữ của nhân vật đó” – điệp viên huyền thoại của tình báo Xôviết  Gevork Vartanian đã từng trả lời phỏng vấn như vậy. 

Cần nhớ chính ông cùng người vợ Goar của mình đã giúp đập tan âm mưu ám sát của mật vụ Đức nhằm vào lãnh tụ phe Đồng minh là Stalin, Roosevelt và Churchill tại Tehran vào năm 1943.

Thuật ngữ “tình báo bí mật” trên thực tế bắt nguồn từ Liên Xô, trong bối cảnh nhà nước Xôviết non trẻ ngay sau khi thành lập đã phải đương đầu với tình trạng bị cô lập gần như hoàn toàn trên trường quốc tế. Giới lãnh đạo Liên Xô khi đó đã đặc biệt cần đến những thông tin về kế hoạch của các quốc gia bên ngoài để có thể sẵn sàng đối đầu với những âm mưu chống phá.

Dần với thời gian, hình ảnh một điệp viên mật đã trở thành một thành phần của nền văn hóa Xôviết với những hào quang mang đậm tính người hùng trước mắt công chúng, được thể hiện rõ nhất trong những bộ phim bất hủ như “17 khoảnh khắc mùa xuân” hay “Chiến công của điệp viên”. 

Còn trên thực tế, cuộc sống của các điệp viên này khác xa rất nhiều so với phim ảnh. Họ buộc phải quên đi tên thật của mình, cũng như bạn bè và cả người yêu; đồng thời phải tự xác định rằng, cuộc sống và cái chết của mình cũng luôn là bí mật với cả những người thân cận nhất.

Bảy điệp viên được SVR giải mật trong dịp này được coi là một ngoại lệ đặc biệt, trong đó có cả những người đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Anh hùng nước Nga.

Đại tá tình báo gốc Triều Tiên

Yevgeni Kim sinh năm 1932 tại Triều Tiên, trước khi cùng gia đình chuyển tới Liên Xô. Ông là người thành thạo nhiều thứ tiếng như Nhật, Triều Tiên, Anh, Tây Ban Nha; nhờ đó trở thành nhân viên Tổng cục I – KGB từ năm 1962. Năm 1966, Kim được điều tới hoạt động tại một quốc gia châu Á với nhiệm vụ đặc biệt, nội dung cụ thể cho tới giờ vẫn chưa được giải mật.

Đại tá tình báo Yevgeni Kim.

Ngay khi vừa bước chân tới một quốc gia lạ lẫm, công cụ hỗ trợ đầu tiên cho Kim chỉ là một bộ quần áo nông dân và giấy tờ cá nhân đã được các đồng nghiệp theo qui ước cất giấu dưới chân một tảng đá. Chỉ với hành trang ban đầu như vậy, Kim trong suốt 15 năm sau đó đã tạo dựng cho mình một tiểu sử hoàn toàn khác. Ông thậm chí còn leo lên được cương vị cao trong bộ máy nhà nước tại đây, nhờ đó đã chuyển về Liên Xô nhiều thông tin giá trị. 

Trong suốt quá trình này, trung tâm cũng tạo điều kiện vài lần cho Kim về gặp vợ con, khi đó vẫn buộc phải ở lại Moscow, do ngoại hình gốc châu Âu của vợ ông có thể gây nguy hiểm cho sứ mạng hoạt động. Tuy nhiên, những chuyến nghỉ phép đặc biệt như vậy cũng rất hiếm hoi.

Một trong những chuyến đi hiếm hoi như vậy lại là một trường hợp bất hạnh trong cuộc đời của ông, khi cậu con trai bị chết đuối ở tuổi thiếu niên. Kim bay trở về Moscow chỉ trong một ngày, chôn cất con trai rồi quay trở lại vào tối hôm sau. 

Hoạt động của Kim kéo dài cho tới tận năm 1989, vào thời điểm ông không chỉ hoạt động đơn lẻ mà còn trực tiếp điều hành cả một mạng lưới tình báo của riêng mình. Sau khi nghỉ hưu, điệp viên kỳ cựu này bất ngờ qua đời sau một tai nạn giao thông. Ông được chôn cất tại nghĩa trang Troyekurovo (Moscow). Kim – khi đó là đại tá KGB – đã được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì những công lao to lớn trong suốt nhiều năm hoạt động tình báo ở nước ngoài.

Vợ chồng Nuikin

Vitaly Nuikin phục vụ tại KGB từ năm 1960 và trở thành nhân viên “lực lượng hậu bị đặc biệt” tương tự như bà vợ Ludmila của mình. 

Cả hai đã cùng sát cánh hoạt động bí mật tại hơn 18 quốc gia khác nhau cho đến tận năm 1986, cho tới khi vai trò của họ có nguy cơ bị bại lộ vì sự phản bội của tay đại tá KGB Oleg Gordievski – kẻ đã đầu hàng tình báo Anh và khai ra rất nhiều điệp viên mật của Liên Xô. Vitaly qua đời vào năm 1998. Còn bà vợ Ludmila giữ im lặng trong một thời gian dài, trước khi đồng ý tham gia cuộc phỏng vấn đầu tiên vào năm 2018.

Nhà tình báo Vitaly Nuikin.

Theo lời Ludmila, bà đã trở thành điệp viên là nhờ theo chồng của mình. Cho tới thời điểm đó, cả hai đã có cậu con trai 4 tuổi Ura, sau đó buộc phải gửi lại ở Liên Xô để ông bà chăm sóc. 

Bản thân cậu bé và họ hàng của vợ chồng Nuikin suốt một thời gian dài vẫn cho rằng, họ chỉ là những quan chức ngoại giao thuần túy. Phải đến khi trên màn ảnh xuất hiện bộ phim “17 khoảnh khắc mùa xuân”, những người thân mới bắt đầu nghi ngờ và lờ mờ nhận ra công việc khác thường của họ tại Bộ Ngoại giao.

Tại nước ngoài, vợ chồng họ có thêm đứa con nữa mang tên Andre. Cậu bé cũng không thể biết được cha mẹ mình đang thực sự làm gì. Hai vợ chồng không bao giờ cho phép mình được giao tiếp bằng ngôn ngữ ruột thịt tại nhà. 

Đôi lúc nhớ tiếng Nga quá, hai vợ chồng lại ra sân bay để nghe hội thoại của các công dân Xôviết vừa ra khỏi máy bay. Rắc rối chính của cặp vợ chồng điệp viên này không phải là rào cản ngôn ngữ, mà phải tập trung vào những chi tiết sinh hoạt nhỏ nhặt nhất tại những nước đang hoạt động. 

Chẳng hạn như trong một chuyến công tác, bà Ludmila đã mua đầy cả một giỏ giấy vệ sinh – loại hàng thường khan hiếm tại Liên Xô nhưng rất sẵn tại quốc gia sở tại. May mắn là bà đã được chồng nhắc nhở kịp thời và thói quen dự trữ hàng cũng không được người dân để ý tới.

Nhưng mối lo ngại đáng sợ hơn của các điệp viên mật chính là việc gặp gỡ bất ngờ với người quen cũ tại quốc gia đang hoạt động. Có lần Vitaly chạm trán với một bạn học cũ tại sân bay, người đã chạy theo ông để chào hỏi. Không thể tránh được chuyện này, Vitaly đã phải nói bằng tiếng Pháp một lúc lâu để thuyết phục bạn rằng anh ta đã nhầm người.

May mắn cho hai vợ chồng Nuikin là vào thời điểm tên phản bội Gordievski khai báo về họ cho tình báo Anh, cả hai lại đang về Liên Xô nghỉ phép. Khi đó sự phản bội của Gordievski đã gây thiệt hại nặng nề cho tình báo Xôviết, làm sụp đổ một trong những chiến dịch lớn nhất của KGB nhằm mở rộng mạng lưới điệp viên của mình.

Nhân vật quan trọng trong vụ bê bối gián điệp Nga – Mỹ

Còn phải kể tới một điệp viên khác cũng bị ảnh hưởng của trò phản bội của đồng đội trong đợt giải mật này là Mikhail Vasenkov. 

Vào năm 2010, Vasenkov là một nhân vật trong vụ bê bối gián điệp lớn nhất hồi hậu Xôviết xảy ra trong quan hệ Nga với Mỹ. Cụ thể ông là một trong 9 điệp viên bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ trên lãnh thổ nước này từ lời khai của cựu trung tá Alexander Poteev của Cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR).

Mikhail Vasenkov sinh năm 1943 tại Moscow. Vào đầu những năm 1970, ông vào phục vụ tại KGB, sau một thời gian đào tạo (đã hoàn thiện tiếng Anh và Tây Ban Nha) được cử sang hoạt động tại Tây Ban Nha. Vasenkov bắt đầu hoạt động trong “những điều kiện đặc biệt” vào năm 1975, sau khi xây dựng và điều hành một mạng lưới tình báo chuyên khai thác những thông tin có giá trị cho Moscow. Tại Tây Ban Nha, điệp viên này hoạt động dưới vỏ bọc một công dân Uruguay có tên Juan Jose Lazaro.

Năm 1976, Vasenkov đặt chân tới Peru vào thời điểm tình báo Xôviết đang rất quan tâm tới quốc gia này, khi chính quyền đang thuộc về giới chức quân sự do Mỹ ủng hộ. Tại đây, ông bắt đầu say mê học nghề ảnh và nhanh chóng trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. 

Công việc mới này đã giúp cho Vasenkov có được một vỏ bọc tuyệt vời, giúp cho ông có thể đi lại khắp Peru mà không gây nghi ngờ. Sau 3 năm sống tại đây, Vasenkov đã có được căn cước công dân, đồng thời cặp kè với nữ nhà báo địa phương Vicky Pelaez. Cả hai sau đó đã kết hôn, sau khi Vasenkov đã thuyết phục được Pelaez cộng tác với KGB.

Vài năm sau, vợ chồng Vasenkov, khi đó đã chắc chắn với vỏ bọc của một cặp vợ chồng từ Mỹ Latinh, cùng với cậu con trai Vicky chuyển sang Mỹ. Tại New York, Vasenkov thi vào học tại khoa Triết ở trường đại học địa phương, nơi có không ít đại diện trong giới chính trị gia tương lai của Mỹ đang học tập. Rất nhanh chóng, ông kết nối được những mối quan hệ có lợi tại đảng Dân chủ cũng như giới quan chức quân sự. Vasenkov trở thành giáo sư của Trường đại học tổng hợp Manhattan, ngoài việc giảng dạy còn thường xuyên đi lại khắp nơi, tiếp tục sở thích chụp ảnh, đôi khi còn tham gia vào các cuộc triển lãm.

Nhờ mối quan hệ khá đa dạng, Vasenkov đã khai thác được nhiều thông tin được đánh giá rất có giá trị tại Liên Xô trước đây và nước Nga sau này. Cụ thể theo một số quan chức, những thông tin tình báo do Vasenkov khai thác được đã giúp cho giới lãnh đạo Nga đạt được thành công trong một loạt các cuộc đàm phán với phía Mỹ.

Trong thời gian hoạt động bí mật tại nước ngoài, Vasenkov đã được thăng tới quân hàm Trung tá của SVR. Sau khi bị FBI bắt giữ vào năm 2010, Vasenkov đã phủ nhận hoàn toàn những cáo buộc nhằm vào mình. Ông chỉ thừa nhận tên thật của mình, sau khi được xem cặp tài liệu về hồ sơ cá nhân do kẻ phản bội đánh cắp mang sang Mỹ.

Cũng rất nhanh chóng ngay trong năm 2010, Vasenkov đã được trao trả cho phía Nga để đổi lấy một vài điệp viên Mỹ bị Moscow bắt giữ trước đó. Điệp viên nổi tiếng này giờ đây đã chính thức nghỉ hưu.

Những chiến công thầm lặng

Một số tên tuổi điệp viên khác được giám đốc SVR Sergey Naryskin nhắc tới trong cuộc họp báo vào ngày 28/1/2020 vừa qua nhưng với thông tin phần lớn vẫn được bảo mật. Các phóng viên chỉ được biết tới một vài sự kiện sơ bộ ban đầu liên quan tới họ. 

Chẳng hạn như về cặp vợ chồng điệp viên Vitali và Tamara Netyska từng hoạt động tại châu Mỹ Latinh trong suốt 20 năm (từ 1978 đến 1998), hoàn thành nhiều nhiệm vụ mạo hiểm trong những điều kiện đặc biệt. Vitali đã qua đời vào năm 2011, còn bà vợ của ông vẫn tiếp tục hoạt động, chỉ thực sự nghỉ hưu vào tháng Giêng năm 2014.

Nhà tình báo Yuri Shevchenko.

Tiếp đó là Yuri Shevchenko, người đã vào phục vụ cho cơ quan tình báo từ năm 1963, khi mới 23 tuổi. Theo thông tin của SVR, Shevchenko từ năm 1969 đã liên tục hoạt động tại nước ngoài với nhiệm vụ liên lạc và tuyển mộ nhiều nguồn tin quan trọng. Hoạt động cho tới năm 2001, Shevchenko (giờ đây 80 tuổi) đã nghỉ hưu, nhưng vẫn thường xuyên gặp gỡ và truyền đạt những kinh nghiệm quý báu của mình cho các thế hệ điệp viên trẻ.

Một đồng nghiệp khác của Shevchenko là đại tá Vladimir Lokhov từng tham gia vào nhiều sứ mạng đặc biệt tại hàng chục quốc gia tại châu Á, châu Âu… Dưới vỏ bọc một thương gia, Lokhov cũng đã tự tay xây dựng được một mạng lưới tình báo hoạt động rất hiệu quả cho Moscow trong nhiều năm liền.

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.