Người anh hùng của Lực lượng An ninh miền Nam
Lịch sử Công an nhân dân vô cùng vẻ vang với những chiến công vang dội trên mọi mặt trận, mọi nhiệm vụ công tác. Trong đó, có nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam của những chiến sĩ an ninh vũ trang quả cảm, mưu lược đã không tiếc máu xương, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cuộc đời của Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Kim Vang đã trải qua rất nhiều dấu ấn, gắn với lịch sử cách mạng, lịch sử của lực lượng Công an nói chung và an ninh vũ trang miền Nam nói riêng.
Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Kim Vang. |
Những tháng ngày luyện rèn sôi nổi
Càng tìm hiểu sâu về ông, tôi thực sự thấm thía những gian lao, thử thách mà Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Kim Vang đã trải qua. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng, có cha là đồng chí Nguyễn Lưu, từng tham gia đội du kích Ba Tơ năm 1945 rồi gia nhập lực lượng vũ trang Quân khu 5, nên ngay từ nhỏ, cậu bé Kim Vang đã luôn mơ ước được trở thành Giải phóng quân. Năm 1954, khi mới 10 tuổi, Nguyễn Kim Vang cùng gia đình tập kết ra Bắc và được theo học tại Trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng.
Ngày 22-1-1962, khi Bác Hồ về thăm Hải Phòng, với vai trò là Bí thư Đoàn thanh niên, Nguyễn Kim Vang được Ban Giám hiệu cử đứng đầu đoàn học sinh đón Bác. Bác đã đến ôm hôn cậu và ân cần hỏi: “Các cháu ăn có no không? Kết quả học tập của các cháu như thế nào?”. Nguyễn Kim Vang dõng dạc báo cáo với Bác: “Dạ thưa Bác, chúng cháu ăn no ạ! Và tất cả chúng cháu đều quyết tâm học tập thật giỏi, để sau này trở về chiến đấu cùng đồng bào, giải phóng miền Nam!”
Năm 1963, cuộc kháng chiến chống Mỹ đi vào hồi cam go, ác liệt, Bộ Công an triển khai tăng cường cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam, trong đó đặt chỉ tiêu tuyển chọn 100 con em học sinh miền Nam để đào tạo. Kim Vang liền đăng ký và trúng tuyển, được biên chế vào Tiểu đội 9, Đại đội 1, tham gia lớp huấn luyện tại thị xã Kiến An, thành phố Hải Phòng. Được học tập, rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp, cộng với sự dìu dắt tận tình của các lớp đàn anh đi trước, Nguyễn Kim Vang nhanh chóng trở thành cánh chim đầu đàn trong các phong trào học tập của Đại đội. Sau thời gian huấn luyện, Nguyễn Kim Vang được biên chế về Đồn 149, Tiểu khu 78, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Nghệ An và được chỉ huy đơn vị trìu mến gọi bằng biệt danh "cậu bé thép".
Những năm tháng ấy, vùng biên giới Kỳ Sơn vô cùng hoang vu, hiểm trở và đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây còn chưa được giác ngộ cách mạng. Lợi dụng điều đó, phỉ Vàng Pao, do tên Già Xay Xua, kẻ tự xưng là Châu Phà - tức “Vua trời” - cầm đầu, hoạt động ráo riết. Chúng ra sức dụ dỗ, lôi kéo và ép buộc đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia vào tổ chức để chống lại chính quyền. Nguyễn Kim Vang nhớ tới lời dạy của Bác Hồ, rằng: “Muốn thắng được Châu Phà thì phải cảm hóa được đồng bào, làm cho họ biết cái tốt, cái xấu, nói cho họ thấy sai lầm, rõ được chân tướng của kẻ thù và bè lũ cướp nước”, Nguyễn Kim Vang cùng với đồng đội của mình nhiều lần chặn đánh phỉ, từng bước chiêu hàng lính Vàng Pao, cô lập rồi dần dần chế ngự được “Vua trời”.
Khi phỉ Vàng Pao đã tan rã, bà con các dân tộc trên miền Tây xứ Nghệ phấn khởi bắt tay xây dựng đời sống mới, Nguyễn Kim Vang quay ra Bắc để theo học nghiệp vụ. Tháng 7 năm 1966, tốt nghiệp ra trường, đồng chí nhận nhiệm vụ Chính trị viên Đồn công an vũ trang Cốc Lếu, Lào Cai. Thực tiễn công tác ở Kỳ Sơn và những kiến thức đã học được tại trường đã giúp người chính trị viên trẻ ấy được đồng bào các dân tộc tin yêu chỉ trong một thời gian ngắn. Đồng chí cũng đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa đồng bào hai bên biên giới Việt - Trung và đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia giáo dục chính trị đối với các đối tượng có ý đồ chống phá cách mạng và câu móc, làm tay sai cho các đối tượng ở ngoại biên.
Những kỷ vật của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Nguyễn Kim Vang tại Phòng truyền thống Công an tỉnh Phú Yên. |
Lên đường về quê hương chiến đấu
Chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân, mùa hè năm 1967, đồng chí Nguyễn Kim Vang cùng đồng đội lên đường vào Nam chiến đấu. Hơn 3 tháng vượt Trường Sơn, người chiến sĩ an ninh vũ trang miền Nam tuổi đời mới đôi mươi đã về đến vùng đất Phú Yên và được Ban An ninh tỉnh giao nhiệm vụ làm Chính trị viên Đại đội An ninh vũ trang. Đơn vị anh được giao nhiệm vụ bảo vệ cán bộ cấp trên tuyệt đối an toàn trong khi đi công tác cũng như những lúc làm việc ở căn cứ; đồng thời, phối hợp với các lực lượng khác chiến đấu bảo vệ an ninh và giữ vững khu căn cứ, phục vụ cho phong trào đấu tranh của nhân dân trong tỉnh.
Vượt qua nhiều cam go, nhiều trận đánh vang dội "diệt ác, phá kìm" bảo vệ cho Khu ủy, Tỉnh ủy vượt qua nhiều trận càn quét của địch. Điển hình như trận đánh vào Tết Mậu Thân, đồng chí Nguyễn Kim Vang chỉ huy Đại đội An ninh vũ trang phối hợp với các lực lượng khác, tấn công đồn địch tại thị xã Tuy Hòa tiêu diệt hơn 250 tên tề ngụy ác ôn, giải cứu các cán bộ, Đảng viên và nhân dân ta bị giam cầm. Đến tháng 9-1968, Nguyễn Kim Vang phụ trách một tổ trực tiếp bảo vệ đoàn cán bộ của Trung ương Cục miền Nam và một đoàn của địa phương đi công tác từ Vân Hòa đến Hòa Thuận, Suốt Tre...
Trong thời gian các đoàn đi và về, phải vượt qua nhiều đoạn đường địch thường hay gài mìn, phục kích, bắt sống cán bộ, Nguyễn Kim Vang luôn đi đầu, vừa nắm tình hình địch, vừa cùng đồng đội phá gỡ bom, mìn địch gài và dọn đường để cán bộ đi địa bàn, đảm bảo an toàn tuyệt đối, được cấp trên khen ngợi.
Tháng 4-1969, Hội nghị an ninh toàn tỉnh Phú Yên tổ chức tại khu vực Hòn Giang, huyện Sơn Hòa thì có nội gián báo cho địch biết. Chúng phái 2 tiểu đoàn lính Nam Triều Tiên dùng trực thăng đổ bộ, bao vây cả khu vực này, đồng thời dùng pháo bắn yểm trợ hòng tiêu diệt và bắt sống lực lượng của ta. Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Kim Vang phân công một phân đội bảo vệ và đưa đại biểu sơ tán ra ngoài.
Thầy và trò Trường THCS Nguyễn Kim Vang chụp ảnh lưu niệm trước tượng đài Anh hùng, liệt sỹ Nguyễn Kim Vang. |
Còn anh ở lại, chỉ huy 7 đồng chí, dùng súng và lựu đạn đánh chặn địch không cho chúng vào được căn cứ. Với chiến thuật lấy ít đánh nhiều, nghi binh, phân đội do anh phụ trách làm thất bại nhiều đợt tấn công của địch. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt, giằng co suốt 3 ngày đêm, bọn địch phải rút lui, bị tiêu hao nhiều sinh lực. Bộ phận đưa cán bộ dự hội nghị sơ tán đã kết hợp đưa gần 100 người dân đi cùng tránh vòng vây của địch, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Tiếp đó, giữa năm 1971, đồng chí Nguyễn Kim Vang phụ trách Đại đội an ninh vũ trang kết hợp các lực lượng khác vào thị trấn tiêu diệt những tên ác ôn, gián điệp, vận động quần chúng ủng hộ cách mạng. Vừa chiếm lĩnh địa bàn thì địch điều xe tăng và bộ binh phản kích lại và bao vây đại đội an ninh, dùng phi pháo nã đạn ồ ạt vào trận địa của ta và dùng loa gọi các anh chiêu hồi. Khi ấy, dù tình thế cam go, nguy hiểm, song người chiến sĩ an ninh vũ trang ấy vẫn bình tĩnh động viên đồng đội giữ vững khí tiết cách mạng, tận dụng mọi vũ khí đánh trả địch quyết liệt, làm cho địch bị nhiều thương vong và chúng không dám tiến vào gần. Và chính đồng chí Nguyễn Kim Vang, bằng sự mưu lược của mình đã mở đường máu đưa đại đội và nhiều cán bộ về căn cứ an toàn.
Nhắc đến người anh hùng ấy, không thể không nhắc tới trí tuệ và trái tim của một con người tràn đầy khí phách, đạo đức cách mạng, là tấm gương để tuổi trẻ hôm nay không ngừng học tập, noi theo. Trong phong trào thi đua phát triển vũ khí tự tạo, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Kim Vang, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tìm kiếm các loại bom, mìn “lép” để sản xuất hàng ngàn quả mìn mới, góp phần tiêu diệt địch rất hiệu quả. Nguyễn Kim Vang luôn đi đầu về phát minh, sáng chế kỹ thuật, sản phẩm làm ra có hiệu quả sát thương và tấn công cao, được sử dụng rộng rãi.
Trong ký ức của những người đồng chí năm ấy, Nguyễn Kim Vang là một người luôn thương yêu đồng đội, đồng chí và đồng bào. Trong bất cứ nhiệm vụ, hoàn cảnh nào, anh luôn luôn nhận những việc nguy hiểm, nặng nhọc về phần mình. Nhiều lúc, đơn vị thiếu lương thực, thực phẩm, anh vào rừng kiếm rau, quả về cho anh em ăn, thậm chí có nhiều lần xuống cơ sở gùi 50 - 60kg gạo vượt đèo, lội suối suốt mấy ngày đường về đơn vị. Dù công tác, chiến đấu trong lòng địch, thường xuyên phải di chuyển địa bàn đóng quân, anh vẫn tranh thủ tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ về tinh thần yêu nước và lý tưởng cộng sản. Đại đội An ninh vũ trang khi mới thành lập chỉ có 3 đảng viên và hơn 10 đoàn viên, tới năm 1971 đã có hơn 30 đảng viên và hàng trăm đoàn viên, tham gia hoạt động, chiến đấu anh dũng khắp các tỉnh Nam Trung Bộ.
Tên anh sáng mãi cùng đất nước
Điều khiến tôi xúc động nhất là khi được bà Nguyễn Thị Lý ở thôn Liên Trì, xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên kể: "Tôi nhỏ hơn anh Vang 5 tuổi, được giao nhiệm vụ truyền tín hiệu cho quân giải phóng về làng. Xác định tình hình an toàn, tôi mặc áo màu xanh đi lượm củi ven quốc lộ. May mắn nhiệm vụ hoàn thành, các đồng chí an toàn về căn cứ của ta. Ngày đó, tai mắt của quân địch dày đặc, chỉ sơ suất nhỏ là bị báo ngay. Chúng tôi quý trọng anh Vang vì anh ấy đẹp trai, đánh giặc giỏi và rất quan tâm đến mọi người”.
Theo ký ức của bà Lý, tháng 1-1972, trên đường đi công tác xuống thôn Liên Trì, xã Bình Kiến, thị xã Tuy Hòa để xử lý một cơ sở bị vỡ khiến nhiều cán bộ của ta bị địch bắt giam, tù đày, đồng chí Nguyễn Kim Vang và đồng đội bị địch phục kích bắn bị thương. Anh đã ở lại yểm trợ cho đồng đội thoát hiểm, kẹp súng AK vào nách bắn xối xả vào đội hình địch nhưng vẫn không quên để dành một viên cho chính mình, quyết không để sa vào tay giặc. Khi đồng đội đến giải vây, đồng chí Nguyễn Kim Vang đã anh dũng hy sinh.
Nhận được tin con trai hi sinh, ông bà Nguyễn Lưu khi đó đang công tác ở Hải Phòng chết lặng. Càng thương cảm hơn, do địch kéo lê thi thể của đồng chí Nguyễn Kim Vang, đồng chí Trần Đặng khắp các xóm làng để thị uy, phơi xác dưới nắng, mưa nhiều ngày. Do có sự nhầm lẫn, nên địch đã cho chôn hai liệt sĩ và dựng bia đề tên Trần Đặng và Trịnh Tấn Lực. Ngày 6-6-1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Nguyễn Kim Vang. Song phần mộ của người anh hùng ấy ở nơi đâu thì vẫn còn là dấu chấm hỏi.
Khi đó, người em trai út của đồng chí Nguyễn Kim Vang là đồng chí Nguyễn Hòa Bình vẫn còn rất nhỏ, song đã luôn nhìn vào tấm gương anh trai để phấn đấu, rèn luyện. Ký ức của ông nguyên vẹn hình ảnh người anh tầm thước trong bộ quân phục từ Lào Cai về thăm nhà trước lúc đi B và phong kẹo lạc ngọt bùi mà anh trìu mến làm quà cho em trai. Tiếp bước anh trở thành một chiến sĩ an ninh công tác trong lực lượng Công an, đồng chí Nguyễn Hòa Bình đã bỏ nhiều công sức để tìm nơi anh trai mình an nghỉ. Mãi đến năm 1983, ngôi mộ đề tên Trịnh Tấn Lực đã được trả lại tên cho người anh hùng nằm dưới lòng đất lạnh và được đưa về nghĩa trang liệt sĩ huyện Núi Bút, thành phố Quảng Ngãi quê hương.
Nhìn những em học sinh của trưởng THCS Nguyễn Kim Vang (huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) hồn nhiên chơi đùa bên tượng đài người Anh hùng Nguyễn Kim Vang trong khoảng sân trường đầy nắng và gió, tôi thấy được sự hi sinh của biết bao người vì hòa bình, hạnh phúc. Tôi hiểu sâu sắc rằng, tên tuổi của người anh hùng, liệt sĩ ấy vẫn còn sống mãi với Tổ quốc, là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an hôm nay.