Người bác sĩ quân y trong đoàn quân tiếp quản thủ đô năm 1954

Thứ Hai, 13/10/2008, 10:45

Trước ngày giải phóng thủ đô gần hai tháng có một số cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam đã về Hà Nội thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt; một trong số ấy có người bác sĩ đã hai lần được Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao làm Trưởng đoàn trao trả thương phế binh cho quân đội viễn chinh Pháp; người cũng là Phó trưởng ban Quân y của chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; đó là cố Thiếu tướng Giáo sư Nguyễn Thúc Mậu - nguyên Giám đốc Học viện Quân y.

Sau chiến thắng vang dội của quân và dân ta ở Điện Biên Phủ, để nghiên cứu giải quyết các vấn đề quân sự liên quan đến việc chuẩn bị thực hiện lệnh ngừng bắn; hai chính phủ Pháp và Việt Nam đã đi đến thống nhất tổ chức đàm phán giữa 2 đoàn đại biểu quân sự Việt Nam và Pháp. Ngày 4/7/1954, trên một quả đồi ở xã Trung Giã (Thái Nguyên) hai đoàn đại biểu quân sự Việt Nam và Pháp bắt đầu họp. Đoàn đại biểu Bộ Tổng tư lệnh quân đội Pháp do Đại tá Lenuyơ làm trưởng đoàn. Đoàn đại biểu Bộ Tổng tư lệnh quân đội Việt Nam do Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng làm trưởng đoàn; đoàn gồm có Đại tá Song Hào, Chính ủy Sư đoàn 308, Phó trưởng đoàn và các thành viên: Đại tá Lê Quang Đạo, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Trung tá Nguyễn Văn Long, đại diện Cục Tác chiến, Trung tá Lê Minh Nghĩa, đại diện Cục Quân huấn; bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu, đại diện Cục Quân y. Qua 2 tuần đàm phán, 2 bên chỉ thống nhất được một số vấn đề xung quanh việc trao trả tù binh.

Các sĩ quan quân đội ta tham gia Hội nghị Trung Giã và một số cán bộ bổ sung thêm được giao những nhiệm vụ mới. Chúng ta gấp rút thành lập các đoàn tham gia Ban Liên hợp quân sự đình chiến ở Việt Nam, Lào, Campuchia (2 nước có quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trước đây) và cử đại diện về dự buổi chiêu đãi đón Ủy ban Giám sát ngừng bắn quốc tế đến Hà Nội. Trung tuần tháng 8/1954, các sĩ quan quân đội Việt Nam đi trên hai chiếc xe quân sự của quân đội Pháp, có cắm cờ đỏ sao vàng, từ Trung Giã về Hà Nội, trong số đó có bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu. Lần trở về này khiến bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu không khỏi xúc động vì Hà Nội không chỉ có ba mẹ anh đang sống, còn là nơi anh học tập và nhận tấm bằng bác sĩ khóa đầu tiên do Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cấp.

Ngay sau khi nhận bằng, 30 trong tổng số 50 bác sĩ khóa 1 đã tình nguyện nhập ngũ và ngày 4/6/1946 bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu đã có mặt ở Lạng Sơn với cương vị là Trưởng ban Quân y Trung đoàn 28. Trung đoàn là đơn vị đầu tiên (ở phía Bắc) đánh quân Pháp khi chúng nổ súng chiếm thị xã vào đêm ngày 18/11/1946 và trong trận chiến đấu này do lập thành tích xuất sắc, bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu đã được Tổng tư lệnh Vệ quốc đoàn Võ Nguyên Giáp gửi thư khen – đây là bác sĩ đầu tiên được khen thưởng ở mặt trận.

Dường như có chỉ đạo từ trước, xe vừa đến đầu cầu Long Biên, viên sĩ quan Pháp đã cẩn thận buông bạt che kín mui các xe ôtô, không để nhân dân nhìn thấy các sĩ quan quân đội ta trở về Hà Nội. Qua cửa kính phía trước xe các anh quan sát thấy nhân dân bên đường đều đứng lại, nhìn chăm chăm vào 2 chiếc xe có cắm cờ đỏ sao vàng chỉ trỏ bàn tán, ai nấy đều rất vui vẫy tay chào đón. Xe cắm cờ đỏ sao vàng về thủ đô sáng ấy là một sự kiện chính trị quan trọng, chắc chắn sẽ lan truyền rất nhanh trong nhân dân Hà Nội. Đặc biệt bằng vốn tiếng Pháp phong phú, cả trong Hội nghị quân sự Trung Giã cũng như trong buổi đón tiếp Ủy ban Giám sát quốc tế, bác sĩ Mậu đã trao đổi một cách cởi mở với thành viên các đoàn, qua đó nêu cao vị thế người chiến thắng của quân đội và nhân dân Việt Nam...

Tất cả những điều này quân Pháp không hề muốn, cho nên từ chỗ ở của đoàn cán bộ quân đội chúng ta, đến khi lên xe đến khách sạn Mettropole dự chiêu đãi đón Ủy ban Giám sát ngừng bắn quốc tế, chúng đều cố tình bưng bít không cho bất kỳ ai trong đoàn được tiếp xúc với nhân dân thủ đô, không cho chụp ảnh. Thế mà những cán bộ trong quân phục Bộ đội Cụ Hồ, tư thế đĩnh đạc của người chiến thắng, bắt tay nói tiếng Pháp thông thạo với các đoàn trong buổi chiêu đãi đã làm cho nhân viên phục vụ người Việt ở khách sạn vô cùng kính phục.

Kể về những giây phút ấy, bác sĩ Mậu – một trong số những sĩ quan quân đội ta được về thủ đô trước ngày 10/10/1954 đã viết: “Xa Hà Nội đã gần 9 năm, biết bao nhiêu nhớ nhung, tuy bị ngăn cách, nhưng chúng tôi đã có lúc được nhìn thấy những dãy phố, những con đường thân quen và những người dân Hà Nội; mình chỉ còn cách nhà chừng 2 km, nơi có ba mẹ và người thân ở, nhưng mà không có cách gì có thể về thăm được; chỉ thầm hứa là làm thật tốt nhiệm vụ được giao và khi trong đoàn quân chiến thắng trở về sẽ nguyện đem hết khả năng và trí tuệ góp phần xây dựng ngành y tế phục vụ quân đội và nhân dân!”.

Lời hứa đó bác sĩ Mậu sau này đã hoàn thành xuất sắc; ông là một trong số cán bộ quân y đã có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đào tạo cán bộ quân y nói riêng và cán bộ y tế nói chung; ông chính là người đặt nền móng cho một môn khoa học mới là tổ chức chỉ huy quân y và ông đã vận dụng sáng tạo lý luận đó vào thực tiễn, để đưa lên thành nghệ thuật tổ chức chỉ huy đảm bảo quân y trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, mà đỉnh cao là trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975

Hoàng Ngọc Vân
.
.