Người con ưu tú của đất Phò Ninh (tiếp theo và hết)

Thứ Bảy, 02/02/2013, 15:10

Từ A Lưới, tổ của ông Mãn quay trở lại Hương Trà để cùng với Đại đội An ninh vũ trang đánh địch, mở đường cho Tỉnh ủy chuyển từ Khe Trái, Hương Trà về khu vực Khê Đầy, Hương Thủy để trú ẩn. Thời kỳ này, ở Khe Trái máy bay B52 của địch oanh kích một ngày không biết bao nhiêu lần, đạn từ máy bay rót xuống dày đặc, rừng núi trơ trụi, hố bom chồng lên hố bom. Chỉ có các cơ quan đầu não như Thành ủy, Tỉnh ủy, Ty Công an là di chuyển an toàn, còn lại những đơn vị chưa di chuyển được, nhất là kho tàng thì bị thiệt hại rất nặng nề sau nhiều ngày rải thảm của địch.
>> Anh hùng LLVTND Hồ Xuân Mãn: Người con ưu tú của đất Phò Ninh

Năm 1969, ông Mãn được đơn vị bầu là Chiến sĩ thi đua và giữa năm 1969, được Ban An ninh khu cử đi học lớp nghiệp vụ 3 tháng ở Quảng Bình. Đầu năm 1970, ông Mãn được ông Lê Sáu - Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy - Bí thư Huyện ủy xin về địa bàn Phong Điền làm thư ký và bảo vệ.

Khi trở lại vùng đất Phong Điền - Quảng Điền thì cán bộ cơ sở không còn nhiều nữa vì bị phản kích. Lúc bấy giờ, lãnh đạo quyết định trưng dụng quân của Đại đội 1, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 6 do ông Vũ Thắng (sau này là Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư tỉnh ủy Bình Trị Thiên - NV) làm Chính ủy về tăng cường cho các địa phương để bổ sung vào lực lượng du kích. Có những người đang là đại đội trưởng, đại đội phó một đơn vị chủ lực, tăng cường làm xã đội trưởng. Như trường hợp của đồng chí Tăng Văn Phả, đại đội trưởng được tăng cường làm xã đội trưởng xã Phong Sơn (sau này đồng chí Phả là Bí thư tỉnh ủy Hà Nam - NV) .

Là người dân địa phương, ông Mãn thấy rằng nếu thực hiện chính sách đưa quân chủ lực về tăng cường địa phương sẽ vô cùng nguy hiểm, hơn nữa phương án này anh em sẽ hy sinh nhiều. Thứ nhất vì quân chủ lực về ở địa phương không ai rành đường sá; thứ hai anh em không rành các phương án xây dựng cơ sở bí mật tại địa phương. Vì lẽ đó, ông Mãn đã xin ý kiến lãnh đạo để được chuyển hướng hoạt động, tức là không nằm vùng ở dọc tuyến phía ngoài (đồi rú, bờ ruộng, ao bàu) mà chuyển hẳn vào nằm vùng bí mật trong dân. Tổ chức xây dựng nên một vùng căn cứ lỏm ở ngay trong địa bàn các thôn xóm. Ở đó, ông đã cùng với các đồng chí của mình bám trụ, xây dựng các đơn vị du kích, chi bộ mật. Thời điểm này, cả Phong An, Phong Điền có gần 2 trung đội du kích mật và 3 chi bộ, chi đoàn mật.

Năm 1971, ông đã cùng với lực lượng du kích ở xã Phong An luồn sâu vào vùng địch hậu, tấn công tiêu diệt nhiều lực lượng phòng vệ dân sự của địch. Đưa hơn 40 thanh niên lên hậu cứ bổ sung thêm lực lượng. Có lực lượng trong tay, ông cùng những đồng chí của mình tổ chức những trận đánh nhỏ lẻ để dằn mặt địch, hồi ấy chủ yếu là đánh bằng bom mìn, mục tiêu là bọn nghĩa quân, địa phương quân, dân vệ…

Có lần, ông cùng với hai người đồng chí tên Minh (sau này ông Minh làm Phó giám đốc Sở Nội vụ của tỉnh Thừa Thiên Huế - NV) và Hùng (nay sinh sống ở Vĩnh Hưởng - NV) đánh một trận chí mạng làm lực lượng địch ở địa bàn Phong An hoảng loạn.

Ông nhớ lại, hồi đó, ở vị trí cổng vào làng Phò Ninh quê ông, địch thành lập nên một cái chốt và bố trí ở đó một trung đội để canh chừng. Sau một thời gian điều nghiên quy luật hoạt động của địch, ông quyết định đánh. Hôm ấy là ngày 14 âm lịch nên trăng rất sáng. Tổ công tác của ông bí mật tiếp cận vị trí chiến đấu để đặt 1 quả mìn Claymo nằm chờ.

Khoảng 20 giờ 15 phút, cả trung đội địch bước ra đi tuần tra, ông Mãn lấy chân đá vào chân đồng chí Minh ra lệnh khai hỏa. Quả Claymo trước điểm phục kích địch vang lên một tiếng nổ chát chúa, tiếp đó ông Mãn rút chốt trái lựu đạn ném về phía địch, rồi nhanh chóng rút quân một cách an toàn. Trận đó, toàn trung đội địch có 28 tên thì chỉ còn 1 tên sống sót do lúc anh Minh điểm hỏa tên này đang ghé vào một ngôi nhà bên đường để uống nước.

Ông Hồ Xuân Mãn (người đội mũ thứ hai - từ phải sang) ở chiến khu Khe Trái.

Một lần khác, ông phát hiện thấy một trung đội địa phương quân của địch hàng ngày đóng chốt ở trên Động Hóc gần làng Phò Ninh. Qua theo dõi, ông đã nắm được hành trình tuần tra của chúng, sau mỗi lần đi tuần về thường là chúng bắt gà, bắt vịt của người dân trong làng mang lên Động Hóc để nướng ăn. Hồi đó là tháng 11 nên thời tiết rất lạnh, địch thường tận dụng việc nướng gà, vịt để cùng nhau ngồi sưởi ấm. Vậy là ông cùng với một đồng chí tên Công đi kiếm 1 quả pháo 155 ly, đục phần đầu để cài kíp mìn vào trong đó.

Lợi dụng thời điểm địch đi tuần tra, ông cùng với người đồng chí của mình đột nhập lên Động Hóc, bí mật đào lỗ ngay dưới đống tro mà địch hay đốt lửa để cài quả đạn, rồi ra ngoài trèo lên một ngọn cây để quan sát. Sau khi địch đi tuần tra về, đúng như nhận định của ông, chúng gom củi để đốt lửa sưởi ấm. Khi cả trung đội lính ngụy đang xúm lại bên đống lửa thì một tiếng nổ vang lên, khói và đất đá tung lên mù mịt. Lần ấy, cả trung đội 29 tên cũng chỉ còn 1 tên sống sót vì đang đi lấy củi từ xa.

Ông Mãn kể rằng, thời buổi đó anh em hầu như tuần nào cũng đánh vài trận, tuy rằng chỉ đánh nhỏ lẻ nhưng hiệu quả rất cao. Có những lần ông còn phối hợp cùng xã đội với 3 đồng chí đột nhập ban ngày vào khu tập trung để tiêu diệt những tên ác ôn khét tiếng làm cho bọn chúng hết sức hoang mang, lo sợ. Ngoài chuyện đánh để tiêu diệt sinh lực địch, ông Mãn còn cùng với anh em trong lực lượng của mình tổ chức tháo gỡ các loại mìn do địch gài dày đặc, nhất là loại mìn địch gài bằng điện gọi là mìn Căng - Chùng - Nổ, để phục kích cán bộ của ta vào ấp ban đêm. Hồi ấy, ông gỡ mìn thiện nghệ đến mức anh em trong đơn vị mệnh danh là "ông vua gỡ mìn".

Năm 1973, sau gần một tháng rời địa bàn để ra vùng Cồn Tiên - Quảng Trị dự Đại hội Chiến sĩ thi đua 18 về tổng kết công tác chống Mỹ. Khi trở về đến địa bàn huyện A Lưới, ông nhận được hung tin là hầu hết các cán bộ chủ chốt ở địa bàn đã hy sinh trong những trận phục kích của địch. Trong số đó có chị Hạnh - Huyện ủy viên, Bí thư xã Phong An; anh Đời - Bí thư xã Phong Sơn; anh Thuận - Xã đội trưởng Phong An; anh Đàm, anh Anh - du kích và nhiều đồng chí khác…

Về đến A Lưới hôm trước, thì hôm sau được ông Lê Tư Sơn - Bí thư huyện ủy, ông Luyện - Huyện đội trưởng, ông Phạm Văn Danh - Trưởng Công an huyện gọi ông đến để thông báo tình hình và đề nghị ông tìm mọi cách phải về xã Phong An để kết nối lại liên lạc chứ không thể để trống địa bàn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phong trào. Ông Lê Tư Sơn vỗ vai ông nói: "Tình hình như vậy đó, bây giờ cháu có yêu cầu gì cháu cứ đề xuất từ chuyện con người đến vấn đề vũ khí…".

Sau khi thống nhất kế hoạch, ông xin 5 kg lương khô, 4 hộp đạn AK và chọn đồng chí Hùng vì anh này rất rành đường sá mà lại khá gan dạ. Ông Luyện đưa Trung đội trinh sát của anh Quyết, anh Thiều thuộc Huyện đội bố trí yểm trợ cho ông vượt tuyến. Sau khi vượt tuyến, ông được anh Châu giao liên dẫn đường để trở lại địa bàn. Khi chia tay ở địa bàn thôn Vĩnh Hưởng thì anh Châu không chịu quay về mà cứ nắm tay ông đứng khóc vì biết được rằng khả năng sống sót sau chuyến trở về này của ông là quá đỗi mong manh. Ông an ủi Châu rằng: "Đừng khóc, vì mày cứ khóc thế này tao đi không được, thôi thì Châu về, nếu đêm nào Châu không nghe mìn nổ vậy là tao còn sống…".

Ông Hồ Xuân Mãn tặng học bổng cho học sinh nghèo.

Chia tay với anh Châu, ông cùng đồng chí Hùng lần mò về Phò Ninh và quyết định náu mình dưới một bàu nước rất lớn để che mắt địch. Hồi ấy là tháng 5 nên trời rất nóng, cứ 5 giờ sáng hai anh em lội xuống bàu để lấy cỏ lác, cỏ lùm trùm lên người để ẩn nấp là bắt đầu bị đỉa tấn công. Ông kể, từ tai trở xuống đến chân chỗ nào cũng có đỉa bám. Chịu đựng vấn nạn đỉa đã khổ, nhưng cứ tầm 9 giờ trở về chiều khi trời nắng to, nước dưới bàu cũng nóng mới là cực hình. Phải đến sau 6 giờ chiều hai anh em mới mò lên khỏi mặt nước, lúc đó cơ thể của ai cũng tấy đỏ như màu sơn của những chiếc máy cày MTZ.

Thoát khỏi vị trí ẩn nấp bên bàu nước, ông quyết định tìm về trên cánh đồng mà theo nhận định của ông kiểu gì cũng sẽ gặp các gia đình cơ sở ra đó để sản xuất. Một hôm, khi đang nằm bên bờ ruộng gần đám khoai lang thì ông phát hiện một chị cơ sở tên là Nguyệt ra hái rau. Ông gọi tên thì chị này quay lại, khi chị Nguyệt nhận ra ông thì nét mặt chị tái đi, chị hốt hoảng thông báo cho ông biết địa bàn này bây giờ ở bất cứ nơi đâu cũng có địch dò xét nên vô cùng nguy hiểm. Ông động viên chị Nguyệt là "cô hãy yên tâm, vấn đề quan trọng là làm sao Nguyệt phải liên lạc được với chị Hoa - Chi ủy và chị Bơi - Bí thư chi bộ để thông báo là anh đang ở đây, bằng mọi giá ngày mai ra đây cho anh gặp và cố gắng mai cho anh xin một ít cơm…".

Hôm sau, chị Hoa, chị Bơi cải trang thành người đi làm ruộng để mang cơm ra cho ông, mới đến nơi, vừa vứt chiếc ấm nước bên trong có cơm với muối mè là các chị nói ngay: "Không được, không thể ở đây được vì địch xung quanh đây quá nhiều, ở đây trước sau gì cũng chết…". Thế rồi, ông chọn một lùm cây gai gần với cánh đồng sát quốc lộ 1A làm nơi ẩn náu để tìm thời cơ liên lạc gây dựng cơ sở. Qua gần một tháng ở trong lùm cây gai đó, hai người cứ lần mò bắt được liên lạc và củng cố cơ sở ở làng Phò Ninh, một số cơ sở ở làng Thượng An và một cơ sở ở làng Bồ Điền. Nhưng lúc đó, ông xuất hiện ở cơ sở nào cũng bị các đồng chí ở đó van nài, xua đuổi vì tình hình quá nguy hiểm cho ông…

Một hôm khi ông cùng cơ sở của mình ở làng Bồ Điền đang làm một căn hầm bí mật thì có một giao liên mang thư mật của Huyện ủy đến bảo rằng ông phải thu xếp để trở về hậu cứ báo cáo tình hình cho ông Lê Tư Sơn - Bí thư Huyện ủy. Ông nhấn mạnh: Vào thời kỳ chiến tranh ác liệt đó, cán bộ của ta ai đã về được đồng bằng là được xem như một lần thoát chết nhưng từ đồng bằng mà trở lại hậu cứ thì còn nan giải hơn rất nhiều lần. Nguy hiểm là thế nhưng mệnh lệnh là phải thi hành.

Trở về hậu cứ, ông gặp lại người đồng đội là Trần Văn Minh vừa đi học trường Đảng của tỉnh về. Từ đó, ông tập trung lực lượng, bổ sung thêm một số cán bộ có kinh nghiệm đánh địch để tạo dựng phong trào trở lại địa bàn các xã Phong An, Phong Sơn để vừa hoạt động vừa đánh địch. Những năm tháng đó, Hồ Xuân Mãn đã cùng với đồng đội của mình tổ chức nhiều trận đánh "vô tiền khoáng hậu", đặc biệt có 2 vụ diệt 2 tên ác ôn khét tiếng mà Huyện ủy phát động nhiều năm chưa diệt được... Cứ thế, ông đã cùng đồng đội đánh địch cho đến ngày Huế được giải phóng 26/3/1975.

Sau ngày thống nhất, ông nhận nhiệm vụ mới là khai thác hồ sơ hậu chiến, rồi chuyển sang làm Đại đội phó - Đại đội tháo gỡ bom mìn để đưa dân trở về làng cũ. Năm 1976, tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên sát nhập thành một đơn vị hành chính là tỉnh Bình Trị Thiên. Ông chuyển ngành và đi học Trường Nguyễn Ái Quốc, sau khi ra trường ông về làm Bí thư Huyện đoàn Phong Điền lúc ấy ông tròn 30 tuổi. Từ đó, ông lần lượt giữ các chức vụ: Chánh Văn phòng Huyện ủy, Thường vụ huyện ủy - Trưởng ban Tuyên giáo, năm 1990 tham gia Tỉnh ủy với chức vụ Bí thư Huyện ủy Phong Điền, 1993 là Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy, năm 1995 là Phó bí thư Tỉnh ủy, năm 2000 là Bí thư Tỉnh ủy 2 nhiệm kỳ cho đến ngày nghỉ hưu.

Trong thời gian sau này, ông đã vinh dự được nhận thêm 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì và 1 Huân chương Chuyên án An ninh tôn giáo, 1 Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng 3 Huân chương gồm 1 Huân chương Hữu nghị, 1 Huân chương Itxala hạng 2, 1 Huân chương Lao động hạng 2. Năm 2010, xét thành tích cả thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Giờ đây, ông nghỉ ngơi sau nhiều thập niên đã cống hiến sức mình và kể cả một phần máu thịt cho quê hương, đất nước… ngày ngày ông vui vầy bên bè bạn, cháu con. Đôi ba bữa ông lại trở về ngôi nhà cũ ở làng Phò Ninh để hương khói cho tổ tiên, ông bà, chăm sóc cây kiểng, hàn huyên với bạn bè, đồng đội cũ. Ông bảo rằng, ở đời làm người có danh phận cũng lắm thị phi, nhưng mình phải rộng lòng hỉ xả, bởi vì với những hạng người vô tâm hèn hạ thì họ vẫn đáng thương nhiều hơn là đáng trách…

Phan Bùi Bảo Thy
.
.