Người cựu binh 30 năm làm từ thiện

Thứ Tư, 01/01/2020, 10:28
Tháng mười hai là những ngày tháng bận rộn của cựu chiến binh Ngô Xuân Tự. 30 năm trở về sau chiến tranh ông luôn trăn trở một điều, làm thế nào để gặp lại những người đã từng cưu mang mình trong những năm tháng làm anh bộ đội đi khắp chiến trường Nam Bắc, làm sao để giúp đỡ được những mảnh đời bất hạnh, những cháu nhỏ lang thang cơ nhỡ đủ cái ăn cái mặc và hướng nghiệp lo cho tương lai.


Ông đã có những hoạt động "đền ơn đáp nghĩa" và từ thiện trong 30 năm qua khắp ba miền Nam - Trung - Bắc...

Người viết đơn nhập ngũ bằng máu

Đại tá Ngô Xuân Tự sinh năm 1946 tại thôn Thạch Cầu, xã Long Biên nay là tổ 1, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội. Năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt. Khi ấy, cậu học sinh Tự vừa mới học xong cấp 3 nên vẫn chưa đủ tuổi đi bộ đội. 

Nhưng những cánh thư từ trận tuyến của bạn bè, người quen gửi về, trong thư họ kể chuyện đời lính, về những trận đánh sinh tử với quân thù và những lần hành quân qua các chặng đường hiểm nguy đã khiến tâm hồn ông sục sôi ý chí lên đường chiến đấu. Ông thầm nghĩ, ngoài kia giặc thù đang hoành hành, tàn phá quê hương, còn mình thì chưa đủ tuổi đi bộ đội. 

Vậy là ngay lúc ấy, trong đầu ông nảy ra ý nghĩ chích máu viết đơn xin nhập ngũ may ra sẽ được cán bộ châm chước. Và rồi, ý chí sục sôi ấy đã trở thành hiện thực. 

Ông Ngô Xuân Tự trong một chuyến từ thiện.

Cuối tháng 5-1965, tại trụ sở Huyện đội Gia Lâm, thanh niên đến khám tuyển đông như trẩy hội. Thanh niên Ngô Xuân Tự cũng mạnh mẽ và đầy bản lĩnh vào đăng ký khám tuyển. Nhưng khi ông vừa đưa giấy tờ ra, một cán bộ khám tuyển nói: "Em  chưa đủ tuổi nhập ngũ, mà gầy thế này thì chưa thể đi đợt này đâu. Thôi, em cứ về thi nếu đỗ đại học thì học xong hãy đi cũng được". 

Không còn cách nào khác, ông liền đặt ngón tay trỏ bên bàn tay trái lên bàn rồi rút con dao nhỏ sắc lẹm mang theo dắt sau lưng, bình thản hạ dao chém đứt đốt đầu tiên. Máu tuôn chảy, ông bỏ dao xuống rồi rút chiếc khăn trắng trong túi quần đưa ngón tay lên viết đơn.

Vừa mới viết được 3 chữ "Đơn tình nguyện", máu đã chảy ướt đẫm hết khăn. Cả Huyện đội kinh hãi, hàng nghìn con mắt dồn về chàng thanh niên Ngô Xuân Tự. Với hành động gan dạ, và liều lĩnh ấy, lập tức ông được huyện đội Gia Lâm đặc cách cho trúng tuyển nghĩa vụ. 

Ngay trong và sau buổi lễ tuyển quân ấy, câu chuyện cậu tân binh Ngô Xuân Tự chặt ngón tay lấy máu viết đơn đã được tuyên truyền rộng rãi đến khắp các làng xã mỗi khi vào đợt tuyển quân để các thanh niên khác thời ấy noi theo ý chí quyết tâm ra trận chiến đấu bảo vệ quê hương, giữ gìn độc lập tự do của Tổ quốc.

Thoát khỏi... thần chết và cuộc trở về của Đại tá Ngô Xuân Tự

Chàng thanh niên ấy chính thức trở thành lính bộ binh tại Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu V. Ông Tự kể lại: "Tôi mang trong mình dòng máu hừng hực khí thế ra trận. Trong những năm đầu, khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh Cục bộ, chiến trường vô cùng ác liệt, trong khi đó phía ta lại rất thiếu thốn vũ khí, đạn dược, thực hiện chiến thuật "nắm thắt lưng địch mà đánh", đồng thời phải giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ khi đánh trong lòng địch, tôi đã nghĩ ra cách đánh địch sáng tạo bằng súng cao su, một trò chơi từ thuở ấu thơ, thu được hiệu quả bất ngờ".

Nhưng rồi có một biến cố xảy ra với ông Ngô Xuân Tự. Năm 1969, trong một trận càn của địch tại chiến trường Duy Xuyên, Quảng Nam, ông đã bị thương nặng. Lần ấy, ông bị mảnh đạn đâm xuyên vào sườn, một mảnh găm vào chân, một mảnh găm vào đầu, tưởng không thể qua khỏi, phải chuyển ra Bắc điều trị.

Gần một năm sau, số phận đã mang ông lành lặn trở về, nhưng ông là người không thể ngồi yên một chỗ. Đến tháng 4-1970, ông lại hành quân vào Nam và chuyển về Tiểu đoàn 54 tên lửa. Năm 1985, ông về quê nghỉ hưu sau nhiều năm đi khắp các chiến trường. Ông được Nhà nước trao tặng nhiều huân huy chương như: Huân chương Chiến công hạng 2, Huân chương Chiến sĩ giải phóng, Dũng sĩ diệt Mỹ…

Là thương binh 2/4, mất 78% sức khỏe, khắp cơ thể ông mang rất nhiều thương tích như mất xương đầu gối, bánh chè. Cựu chiến binh Ngô Xuân Tự chia sẻ, thực sự những vết thương mỗi khi trái gió trở trời cũng làm ông đau nhức toàn thân, nhưng ông không cho đó là điều khủng khiếp mà coi đó là động lực vì đã được sống trở về quê hương. 

Ông nói rằng, mình vẫn là người may mắn hơn nhiều đồng đội khác vì giờ đây, nhiều người vẫn chưa được trở về đoàn tụ với quê hương, gia đình, họ vẫn nằm đâu đó bên con suối, khe đá hay trong rừng sâu.

Làm từ thiện để trả ơn đồng đội, nhân dân

Từ sau khi trở về quê hương, Đại tá Ngô Xuân Tự đã luôn canh cánh bên lòng những nghĩa cử của đồng đội, của nhân dân trong chiến tranh đã giành cho mình. Có lẽ chính vì thế, gần 30 năm qua, từ năm 1991 đến nay, ông đã nỗ lực để làm từ thiện, cứu giúp những mảnh đời bất hạnh. 

Đại tá Ngô Xuân Tự trao quà từ thiện cho các cháu học sinh tại Bắc Giang.

Ông kể lại: "Tôi vẫn nhớ như in, năm 1991, vào một buổi chiều cuối năm, từ Long Biên, tôi đạp xe vào nội đô sắm Tết, tới Hồ Gươm, tôi chứng kiến một nhóm thanh niên đang đánh đập thương tâm một cháu bé.

Thấy chuyện bất bình, tôi đến can ngăn, hỏi ra thì biết được cháu bé tên Nguyễn Văn Tuấn (12 tuổi), quê ở Nghệ An, do nhà nghèo đói nên phải ra Hà Nội kiếm sống. Chỉ vì 10.000 đồng nợ mà Tuấn bị đánh đập, đòi nợ. Thấy vậy, ông trả nợ cho Tuấn và mang cháu về nhà nuôi dưỡng, sau đó cho đi học nghề sửa chữa xe máy. Cậu bé Tuấn ngày ấy đã lớn lên, lập gia đình, có cuộc sống riêng, Giờ đây, anh đã là chủ một doanh nghiệp tại Vũng Tàu.

Một trường hợp khác khiến ông rơi nước mắt khi nhắc đến, đó là năm 2007, cũng vào dịp gần tết, ông ra nghĩa trang thắp hương cho tổ tiên thì nghe thấy một tiếng kêu yếu ớt từ một ngôi mộ gió. Kéo tấm bê tông lên thì ông phát hiện bên trong có một cô gái đầu tóc rũ rượi, cơ thể run rẩy, mụn nhọt lở loét toàn thân nằm trên một đám lá khô. 

Ông định đưa tay kéo thì cô gái sợ hãi nói: "Bác đừng động vào con, con bị bệnh truyền nhiễm đấy". Không ngần ngại, ông trả lời: "Bệnh gì thì bệnh, cứ lên đây với bố!". Vậy là ông nhanh chóng đưa cô gái về nhà mình, chăm sóc cho cô. 

Cô là Loan, quê Phú Thọ, từng là sinh viên  đại học ở Hà Nội. Vài năm về trước chủ nhà trọ có tổ chức một bữa tiệc sinh nhật cho người con trai có mời Loan sang dự và giúp nấu ăn. Trong bữa tiệc, Loan bị cậu con trai chủ nhà chúc uống rượu say rồi hắn giở trò hãm hiếp. Tới mấy tháng sau khi đi khám thai, Loan phát hiện mình bị mắc bệnh HIV. Cô đau đớn gục ngã và đành phải bỏ học giữa chừng. 

Nghe tin này, chủ nhà đuổi cô đi. Không nơi nương tựa, cô trở về nhà kể cho gia đình nghe mọi chuyện nhưng không ngờ, bố mẹ chỉ vì muốn giữ danh tiếng khi đang công tác tại ủy ban xã cũng nhẫn tâm đuổi cô ra đi. 

Ông Ngô Xuân Tự được nhận lại những tình cảm tinh thần từ các cháu học sinh.

Do bệnh quá nặng, sức yếu nên sau hơn 3 tháng được ông Tự chăm sóc, ngày 28-3-2008, Loan trút hơi thở cuối cùng. Trước khi qua đời, cô mong muốn được mang họ của ông Ngô Xuân Tự ghi trên bia mộ và xin nhận làm con của ông. Sau đó, ông Tự cũng đã hỏa thiêu và xây mộ cho Loan nằm trong khu mộ của gia đình mình.

Có một dịp gia đình của Loan tìm đến và xin biếu ông 50 triệu đồng và xin đưa tro của Loan về quê. Nhưng ông giận giữ mà nói rằng, ông cưu mang và chôn cất Loan là vì cái tâm chứ không phải vì tiền. Ông cảm thấy xấu hổ thay vì gia đình Loan đã thấy con mình bị như vậy đã không chăm lo động viên lại còn hắt hủi, đuổi đi, làm bố mẹ như vậy liệu có xứng đáng không?

Còn nhiều người, nhiều câu chuyện nữa xảy ra với cuộc đời ông như định mệnh và ông vẫn tiếp tục cưu mang, chăm sóc những người cơ nhỡ trên đường đời ông gặp, không nề hà bất cứ hoàn cảnh nào. 

Gần 30 năm qua, ông đã nuôi dưỡng và cưu mang hơn 400 mảnh đời có số phận khác nhau. Nhiều cháu đã trưởng thành khôn lớn trở về muốn báo hiếu nhưng ông nói với chúng: "Bố không cần các con báo hiếu gì cho mình, nếu có thì hãy giúp đỡ các em con đang ở đây này".

Để giúp các cháu sớm hòa nhập với xã hội và có cái nghề mai sau tự kiếm sống, năm 2014, ông đã phải bán đất để mở một xưởng dạy nghề in cho họ. Đầu năm nay đã có 100 cháu ra nghề và được nhận vào làm tại các công ty. Hiện tại ông đang cưu mang 60 người cơ nhỡ. Hàng năm, ông đều đi làm từ thiện tặng xe, tặng máy tính, tặng quà, sách vở, bánh trái tại các trường học vùng sâu vùng xa. Ông tâm niệm rằng, làm việc thiện là giúp cái tâm thanh thản và bao dung, đó là cách ông sống vui và an nhiên mỗi ngày.

Chiến tranh đã kết thúc mấy chục năm qua, nhưng ông Tự vẫn luôn trăn trở khi có nhiều đồng đội hy sinh chưa tìm thấy phần mộ, vẫn bơ vơ nơi đất khách quê người. Ðó cũng là lý do mà ông cùng các đơn vị bộ đội đi tìm khắp các chiến trường xưa, kể cả sang chiến trường Lào, Campuchia... tham gia tìm kiếm, quy tập đồng đội đã hy sinh được trở về với gia đình, mái nhà chung cùng anh em. Ông tâm sự, làm được nhiều việc có ích cho đồng đội, cho xã hội là ông cảm thấy rất vui, thanh thản.

Trong năm 2019 vừa qua ông cùng Hội bạn chiến đấu của Trung đoàn 267 và đoàn từ thiện Hà Nội tổ chức 3 đợt thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách và các cháu học sinh của các nhà trường trên địa bàn các đơn vị của Trung đoàn 267 - Sư đoàn PK 365 - Quân chủng Phòng không - Không quân đóng quân. Hàng nghìn suất quà đã được phát ra, như cho đi tình yêu thương mà cả một đời người lính bộ đội cụ Hồ đã dành dụm, sẻ chia và cống hiến...

Huy Tuấn
.
.