Kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2009)

Người sáng chế máy phát điện phục vụ Đại hội Đảng II, năm 1951

Thứ Tư, 04/02/2009, 10:00
Mùa xuân năm 1951, sau 6 năm hoạt động bí mật dưới tên gọi Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác, Đảng Cộng sản Đông Dương chính thức hoạt động trở lại với Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ hai đồng thời đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam.

6 tháng trước khi diễn ra đại hội, đồng chí Trường Chinh đã giao cho Giám đốc Trại thiết kế (tiền thân của Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo) nghiên cứu chạy máy phát điện phục vụ Đại hội nhưng mãi vẫn không thể tìm được nguồn điện chiếu sáng. Giữa lúc đó có tin báo về, tại Nhà máy In Hồng Phong thuộc Ban Tài chính Trung ương Đảng do đồng chí Sao Đỏ (đồng chí Nguyễn Lương Bằng) làm Trưởng ban, vừa hoàn thành một nhà máy thủy điện cỡ nhỏ. Công nhân ở đó ngày có điện làm khô giấy, đêm có điện thắp sáng sinh hoạt. Người sáng chế ra Nhà máy thủy điện nhỏ đó có tên là Vũ An Biên.

Nghe tên Vũ An Biên, đồng chí Trường Chinh nhớ ngay tới người thanh niên trẻ đã thiết kế hội trường Quốc dân Đại hội tại đình Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) ngày 16/8/1945. Được biết Vũ An Biên, tên khai sinh là Vũ Hán Thăng, đồng chí Hoàng Quốc Việt nhận ra anh là con trai thầy Vũ Túc, tự Trác Ngọc, Tổng giám thị Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, nơi đồng chí đã từng học với tên gọi Hạ Bá Cang.

Suốt 6 tháng mà không nghiên cứu để chạy được máy phát điện nên "nhà sáng chế" Vũ An Biên được gọi về cấp tốc không kể ngày đêm, đi xuyên rừng từ Bắc Kạn đến Tuyên Quang. Đêm về tới nơi, sáng hôm sau đồng chí Trường Chinh giao nhiệm vụ: "Trong 15 ngày nữa sẽ tổ chức Đại hội, đồng chí nghiên cứu để có điện phục vụ Đại hội. Cần những vật liệu gì, ở đâu đồng chí cứ  yêu cầu để tôi làm giấy tờ cấp tốc".

“Đã 6 tháng không làm nổi bây giờ cho tôi 15 hôm thì căng quá - Vũ An Biên băn khoăn - Anh cho tôi xin 1 tháng tôi sẽ cố gắng làm được”. Đồng chí Trường Chinh bàn bạc rồi đồng ý 1 tháng.

Tôi có may mắn được trực tiếp nghe câu chuyện của người đem ánh sáng điện tới Đại hội Đảng II (2/1951). Sắp bước sang tuổi 89, biết bao sự việc quên dần theo năm tháng. Ký ức như những mảng màu của bức tranh sơn dầu khi ẩn khi hiện, nhưng sáng chế về máy phát điện phục vụ Đại hội Đảng II không bao giờ phai nhạt.  Học xong bậc tiểu học ở Tu viện Saint Dominique Hải Phòng, ông Phiulô - Giám đốc Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng giới thiệu Vũ An Biên lên học Trường Anbe Xarô (Hà Nội). Học sinh trong lớp này về sau có nhiều người thành công như nhà giáo Nguyễn Như Kim (giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, mới mất tháng 10/2008); bác sĩ Nguyễn Hanh, liệt sĩ Vũ Đình Tuân (con cụ Vũ Đình Tụng - cố Bộ trưởng Bộ Y tế); ông Bùi Xuân Oánh công chức chính quyền miền Nam, sau sang Pháp; hai anh em cậu ấm con quan Tổng đốc là Bùi Thượng Chi, Bùi Thượng Trưng, hiện cũng đang ở Pháp...

Học xong lớp tú tài, Vũ An Biên định thi vào Đại học Đông Dương, Ban Tự nhiên thì anh bạn học cùng lớp là Vũ Đăng Thông (tức Trần Quang Lê, đã mất), rỉ tai khuyên bỏ thi đại học để làm việc gì có ích cho nhân dân, phục vụ cho cách mạng. Thì ra Vũ Đăng Thông đã bí mật tham gia tổ chức. Vũ An Biên vào học Trường Bách nghệ Hà Nội đào tạo chuyên viên loại 1 đi tàu biển để có điều kiện liên lạc với các nước trên thế giới, đồng thời nắm bắt các thông tin bên ngoài để báo về tổ chức cũng như học hỏi kỹ nghệ.

Thời gian học tập, ông nắm bắt rất nhanh các nguyên lý vật lý về từ trường và kỹ thuật điện. Gần đến ngày Tổng khởi nghĩa, đồng chí Lê Trọng Nghĩa tổ chức cho ông lên chiến khu làm nhiệm vụ chuyên trách thông tin điện đài. Những kiến thức học được tại Trường Kỹ nghệ Hà Nội và óc sáng tạo của người say mê tìm tòi phát minh đã giúp Vũ An Biên sáng chế ra máy phát điện trên cơ sở cải tiến động cơ cũ.

- Nói thực, làm điện ở Đại hội Đảng II là cả một kỳ công. Ông Trường Chinh rất tự hào có nhà máy điện. Ông ấy đưa các đại biểu đến để tham quan. Từ đó cái máy phát điện này đã đem ánh sáng điện cho tất cả các Đại hội: Đại hội Đảng II, Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt, Đại hội Liên hiệp Phụ nữ... mà không xảy ra một sự cố nhỏ nào. Chỉ có hai lần tôi mất 5 phút căng dây cua-roa thôi, kỳ lạ thế.

Trong tổ làm điện với tôi còn có hai anh nữa. Một anh công nhân máy nổ tên là Toàn, một anh tên là Chữ phụ giúp tôi. Khu vực Đại hội được bộ đội gác nghiêm ngặt. Nhưng chúng tôi đi kiểm tra điện nên được ưu tiên đi lại các nơi, kể cả nơi họp của Trung ương. Vì thế tôi mới được nghe, được thấy, được biết nhiều chuyện và cả được gặp Bác Hồ. Cái đặc biệt của Bác khi đến Đại hội, Bác nghỉ ngơi rồi, việc đầu tiên là Bác đi xuống dưới chỗ khu vực những người phục vụ để thăm anh em. Hai lần Bác đến thăm chỗ nhà máy điện của tôi. Cuộc sống của Bác thật sự vô cùng giản dị. Và cảnh giác của Bác cũng cao độ biết bao. Có những câu chuyện rất đỗi bình thường thôi nhưng tôi cứ nhớ mãi.

Có một lần tôi chứng kiến Bác đến, anh bộ đội người dân tộc thiểu số đứng gác hỏi giấy tờ. Đây là Bác Hồ đi vào Đại hội - Anh cận vệ của Bác giải thích. Bác cũng ôn tồn: Bác đây mà, không phải người ngoài đâu mà chú hỏi giấy tờ. Anh bảo vệ nhất định từ chối: Bác mà không mang giấy tờ có chữ ký của đồng chí Định thì vẫn không được đi vào. Thế là anh ấy cứ giữ lại. Các anh ở trong nghe tin báo cùng nhau ra đón Bác vào. Ngồi một lát, rồi rất thoải mái Bác mời anh bộ đội ấy vào và khen: Chú làm tròn trách nhiệm, như thế mới là cảnh giác. Bác nói với anh Định phải khen thưởng cho anh bộ đội này.

Một lần khác, các anh bộ đội bảo vệ muốn chụp ảnh với Bác mà xoay sở mãi vẫn thấy không thể chụp được hết tất cả đội. Các anh xin Bác cho lên trên dốc ngồi từ trên xuống. Bác đồng ý. Bác quay sang bảo tôi: Chú nhớ nhé, làm Chủ tịch nước là khó lắm đấy. Làm Chủ tịch nước là phải biết nghe dân và làm theo ý của dân. Bác nói những câu như thế, bình thường như chuyện trò vậy thôi mà như là lời giáo dục, dạy bảo mọi người.

Kết thúc Đại hội Đảng II và Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt, khi bình chọn người phục vụ có công nhất ở Đại hội, mọi người đều nhất trí vị trí xứng đáng nhất là đồng chí Vũ An Biên. Lần sau ở Đại hội Phụ nữ, lại bình công, Bác hỏi ai là người phục vụ có công nhất, đồng chí Định cho Bác biết, vẫn là đồng chí Vũ An Biên.

Ông Lê Viết Hường kỹ sư cầu đường Trường đại học Quốc gia Cầu đường năm 1939 - trường đại học danh tiếng xếp thứ 5 của nước Pháp; kỹ sư hàng không Trường đại học Quốc gia Hàng không năm 1943; từng làm kỹ sư Hãng Renault; Giám đốc chi nhánh nghiên cứu tại Hãng Nghiên cứu Hàng không Pháp; Giám đốc kỹ thuật Hãng sản xuất vật liệu composit. Năm 1950, theo tiếng gọi của đất nước, sau 17 năm xa quê hương ông vượt vạn dặm về tham gia kháng chiến. Chính phủ cử ông phụ trách Trại kiến thiết - tiền thân của Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Giám đốc Viện Kỹ thuật tại Thái Nguyên - tiền thân của Bộ Công nghiệp. Biết được người sáng chế phát minh về máy phát điện ở Đại hội II như vậy, giữa lúc rất hiếm cán bộ kỹ thuật có khả năng, ông Lê Viết Hường đặt vấn đề với đồng chí Nguyễn Lương Bằng giao ông Vũ An Biên về Trại kiến thiết. Tại cơ quan mới, ông Vũ An Biên cùng làm việc với hai kỹ sư nổi tiếng, hai thủ trưởng, là ông Lê Viết Hường và ông Trần Đại Nghĩa.

Sau nhiều năm công tác ở Tổng cục Bưu điện, Tổng cục Thông tin, Ủy ban Phát thanh - Truyền hình, ông Vũ An Biên về nghỉ hưu và được công nhận là lão thành cách mạng, là chuyên viên cao cấp của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Thông tin - Truyền thông). Đời một người trí thức theo cách mạng dù ở cương vị nào ông vẫn là một nhà khoa học chân chính

Kiều Mai Trang
.
.