“Người thổi còi” Edward Snowden xuất bản hồi ký

Thứ Ba, 24/09/2019, 10:19
Từ ngày 17-9-2019, tại một số quốc gia đã chính thức phát hành cuốn hồi ký của “Người thổi còi” Edward Snowden, một cựu nhân viên mật vụ Mỹ, người từng khiến cả thế giới phải đặc biệt quan tâm với việc công khai vạch trần hệ thống do thám và gián điệp điện tử toàn cầu của Mỹ.

Từ nội dung của cuốn sách, độc giả sẽ được tìm hiểu rõ hơn về động cơ của Snowden, những chi tiết về cuộc trốn chạy của anh ta trước sự truy lùng gắt gao của chính quyền Mỹ…

Edward Snowden từng là một điệp viên và chuyên gia kỹ thuật của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan An ninh quốc gia (NSA). Vào năm 2013, anh ta đã công bố một loạt tài liệu mật liên quan đến hoạt động của các cơ quan mật vụ Mỹ và Anh (chủ yếu tập trung vào mạng lưới do thám bí mật trên toàn thế giới). Chính vì hành động này, Snowden đã bị Washington truy tố vì tội hoạt động gián điệp, còn đối với các nhà hoạt động xã hội, anh ta lại được coi là một người hùng.

Edward Snowden và cô vợ Lindsay Mills.

Trong cuốn hồi ký nhan đề “Permanent Record” dày hơn 300 trang, cựu nhân viên CIA và NSA đã kể khá chi tiết về cuộc sống của mình, về động cơ đã khiến anh ta lấy trộm và chuyển giao cho các nhà báo hàng ngàn tài liệu mật về hệ thống do thám và gián điệp điện tử toàn cầu của Mỹ và các đồng minh của họ.

Cụ thể là NSA có một hệ thống tìm kiếm đặc biệt có tên XKEYSCORE, nhờ đó có thể tiếp cận được thư từ, tin tán gẫu và hình ảnh của bất cứ người nào có kết nối sử dụng Internet, trong đó có cả những nhân vật nổi tiếng.

Tiếp đó là chương trình PRISM cho phép mật vụ Mỹ có thể truy cập trực tiếp vào các tài khoản của người dùng trên Google và Yahoo. Snowden cho rằng, việc mật vụ Mỹ can thiệp thô bạo vào cuộc sống riêng tư của các công dân, các chính phủ nước ngoài và công việc của các tổ chức quốc tế dưới vỏ bọc vì an ninh của nước Mỹ là điều phi nghĩa và trái pháp luật.

Snowden đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc chạy trốn của mình. Anh ta rút hết tiền từ các tài khoản ngân hàng, báo với chỉ huy mình phải nghỉ phép gấp vì công việc cá nhân. Tháng 6-2013, Snowden mang theo một số lượng lớn tài liệu mật bay sang Hong Kong, chuyển các tập tin lấy được cho phóng viên một số tờ báo phương Tây.

Tác giả mô tả cụ thể những ngày tháng của mình tại Hong Kong, lúc đang chờ đợi các phóng viên tác nghiệp, quá trình hợp tác để có những bài báo đầu tiên, cũng như cả một bộ phim tài liệu về hoạt động của các cơ quan mật vụ Mỹ.

Theo lời Snowden, ban đầu anh ta hy vọng chính quyền Hong Kong sẽ không chuyển giao mình cho phía Mỹ. Nhưng sau khi những bài báo vạch trần đầu tiên được tung ra, anh ta đã được nhắc nhở rằng, mình sẽ không có chốn dung thân tại đây.

Theo như hồi ký, Snowden cùng các luật sư địa phương của mình đã gửi yêu cầu xin cư trú tới 27 quốc gia, trong đó có một loạt nước châu Âu. Tuy nhiên  chỉ có Ecuador đồng ý với đề nghị trên, giúp cho Snowden có thể đặt chân lên đất nước này qua lộ trình Moscow và Cuba.

Tuy nhiên khi bay tới Moscow, Snowden đã không thể đi tiếp theo lộ trình đã định tới Cuba, do chính quyền Mỹ đã tìm mọi cách để ngăn cản. Anh ta phải buộc phải ở tại sân bay trong khoảng 1 tháng, trước khi nhận được quyết định cho phép cư trú của chính phủ Nga. Cũng theo tiết lộ của Snowden trong cuốn sách, đại diện cơ quan mật vụ Nga trong thời gian này đã tiếp cận với lời mời hợp tác, nhưng anh ta đã chối từ. Trước đó, những người ủng hộ cho Snowden trên Wikileaks lại khẳng định, không hề có nỗ lực nào của mật vụ Nga để tuyển mộ anh ta.

Còn một chi tiết thực tế nữa không hề được nhắc tới trong cuốn hồi ký. Trước khi lên chiếc máy bay của hãng Aeroflot để bay tới Moscow, Snowden đã tới Cơ quan tổng lãnh sự Nga tại Hong Kong để đề nghị được giúp đỡ.

Chi tiết này đã được Tổng thống Vladimir Putin xác nhận trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin AP vào ngày 4-9-2013. Khi nhận được báo cáo từ Hong Kong về trường hợp này, ông Putin đã chỉ thị có thể giúp đỡ, nhưng với điều kiện Snowden không được làm gì gây ảnh hưởng đến mối quan hệ Nga - Mỹ.

Nước Nga đối với Snowden được đánh giá là an toàn nhất, khi anh ta không lo ngại phải bị dẫn độ về Mỹ. Sau thời gian ban đầu còn lo ngại nguy cơ bị mật vụ Mỹ bắt cóc, Snowden giờ đây thường xuyên đi lại tự do bằng tàu điện ngầm, gặp gỡ bạn bè tại quán cà phê và đi thăm thú nhiều thành phố khác ngoài Moscow.

Cũng tại Nga, Snowden đã cưới người bạn gái từ lâu năm của mình là Lindsay Mills vào năm 2017. Trước đó, anh ta đã tỉnh táo không thông báo cho bạn gái về quyết định chạy trốn của mình, do lo ngại cô có thể bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) buộc tội là đồng phạm.

Ngay sau khi “Permanent Record” của Snowden được ra mắt, hãng tin Reuters vào ngày 17-8-2019 đã cho biết, chính quyền Mỹ đã chính thức nộp đơn kiện cựu nhân viên của NSA vì cuốn hồi ký trên. Thông báo chính thức từ Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định, Snowden đã cho xuất bản cuốn hồi ký “Permanent Record” của mình mà không tuân thủ qui định phải nộp bản sao cho các cơ quan tình báo xem xét từ trước.

Điều này, theo lời đại diện Bộ Tư pháp, đã vi phạm thỏa thuận về việc không tiết lộ thông tin mật mà Snowden đã cam kết sau khi được nhận vào làm việc tại CIA và NSA. Phía Mỹ còn dự kiến tịch thu những khoản thu nhập mà Snowden có thể nhận được từ việc xuất bản cuốn hồi ký.

Trong đơn kiện của Mỹ cũng nêu rõ những tư cách pháp nhân đứng đằng sau việc xuất bản cuốn sách như là những bị cáo trên danh nghĩa, trong đó có cả nhà xuất bản Macmillan của Anh.

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.