Hồi ức về Cục trưởng Cục Quân y đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam

Người trọn đời vì sức khỏe quân – dân

Thứ Ba, 03/03/2020, 17:10
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bác sĩ Vũ Văn Cẩn là Cục Trưởng Cục Quân Y đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông nguyên là Bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Quốc hội khoá III đến khoá VII.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và cứu chữa, điều trị cho thương binh, bệnh binh. Đặc biệt, ông trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm quân y cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những ngày đầu năm Canh Tý, chúng tôi có cuộc gặp với Đại tá, TS, PGS Vũ Điện Biên - Nguyên Viện Trưởng Viện Tim Mạch (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), nghe ông kể hồi ức về người cha thân yêu - bác sĩ Vũ Văn Cẩn.

Ông nội tôi người ở xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, sau này ông ra Hà Đông lập nghiệp, làm đủ các nghề từ dệt lụa, viết sớ chữ Nho,  rồi lấy bà nội tôi. Ông bà tôi sinh được 5 người con, cha tôi là thứ hai.

Năm 1930, ông nội tôi mất, bà tôi ngày đêm nhớ thương nên sức khoẻ yếu dần, mọi việc trong nhà đều trông vào cô con gái đầu lòng. Bác gái tôi làm nghề dạy học, tiền lương chỉ dành dụm nuôi đàn em ăn học, trong đó có cha tôi. Mãi sau này bác cũng không đi lấy chồng mà phụng dưỡng mẹ già.

Cha tôi tốt nghiệp tú tài Trường Bưởi (nay là Trường cấp III Chu Văn An) rồi thi đỗ vào Đại học Y khoa Hà Nội. Năm 1943, sau khi cha tôi ra trường, bác tôi mở cho cha tôi một phòng mạch riêng. Nạn đói năm 1945 kéo đi sinh mạng của hàng triệu người dân miền Bắc Việt Nam. Những dòng người từ các tỉnh kéo lên Hà Nội xin ăn. Rất nhiều người đã chết. Phòng mạch của cha tôi liên tục cấp cứu những người dân quê cùng cực đói khổ ấy.

Cục trưởng Cục Quân y đầu tiên của Việt Nam, Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Vũ Văn Cẩn.

Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 9/1945, cha tôi tình nguyện gia nhập Quân đội cách mạng và được cử làm Giám đốc Ban Y tế Giải phóng quân, rồi Giám đốc Ban Y tế Vệ quốc đoàn toàn quốc.

Ngày 25/3/1946, cha tôi được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Quân y. Người Pháp vẫn có mưu đồ tái chiếm Việt Nam. Chính quyền Việt Nam đã cố gắng hòa hoãn, nhưng cục diện càng lúc càng căng thẳng. Phòng mạch của cha tôi được lấy để xây dựng cho quân y Vệ quốc đoàn.

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Những ngày cao điểm cuối năm 1946, quân đội Pháp liên tiếp đẩy mạnh các cuộc xung đột vũ trang, xả súng vào dân thường trên đường phố Hà Nội. Máu của những người tự vệ thành và cả dân thường đã đổ xuống. Người dân rục rịch tản cư, đội Tự vệ thành đã sẵn sàng cho tình huống chiến tranh xảy ra. Và Quân y Vệ quốc đoàn phải đảm bảo được dược liệu, thuốc men, cũng như tay nghề chuyên môn.

Cả gia đình, bà nội, bố mẹ tôi, cùng cô dì, chú, bác tất cả gồng gánh hoà nhập cùng đoàn người ở thủ đô  tản cư lên căn cứ địa Việt Bắc. Mẹ tôi trước khi lấy bố, làm phụ trách y tế của Trường Đồng Khánh (nay là Trường Trưng Vương, Hà Nội). Bác gái tôi vốn làm nghề dạy học, nên lên chiến khu bác tiếp tục làm nghề. Chú tôi lúc đấy tham gia vào đơn vị vận tải bộ đội. Hai cô tôi mới 17, 18 tuổi sau khi lên chiến khu đăng kí vào lớp học y tế. Mẹ tôi ở nhà chăm lo trồng rau, chăn nuôi, quán xuyến việc gia đình và chăm sóc bà nội.

Sau khi thành lập Chính phủ Liên hiệp, ngày 25/3/1946, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 34/SL tổ chức lại Bộ Quốc phòng, trong đó có Cục Quân y và cử bác sĩ Vũ Văn Cẩn - cha tôi làm Cục trưởng Cục Quân y, với nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội, cứu chữa thương binh, bệnh binh, tham gia bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chỉ sau 2 tháng, tháng 6/1946, Cục Quân y tổ chức Hội nghị Quân y lần thứ nhất.

Ngày 9/3/1948, tổ chức Hội nghị Quân y lần thứ VI. Hội nghị Quân y VI đề ra khẩu hiệu "Phòng bệnh hơn chữa bệnh". Trong 20 ngày cuối tháng 6 và đầu tháng 7/1949, Cục Quân y triệu tập hội nghị y tá đại đội, đề cập đến một số vấn đề cơ bản, như: "Người quân y phải nêu cao tinh thần vì bộ đội, vì người binh nhì, vì nhân dân".

Hai cha con Thiếu tướng Vũ Văn Cẩn và Đại tá Vũ Điện Biên năm 1974.

Trong suốt cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ, ở cương vị Cục trưởng Cục Quân y - cha gánh trách nhiệm rất cao về sức khoẻ của toàn quân, hạn chế thương vong, bệnh tật cho các chiến sĩ. Ngày mở màn trong chiến dịch Điện Biên Phủ là trận đánh đồi Him Lam cũng là ngày tôi cất tiếng khóc chào đời. Cha đặt tên cho tôi là Vũ Điện Biên để nhớ về kỉ niệm đẹp của một thời khói lửa, gian khổ nhưng rất hào hùng của dân tộc.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cả gia đình tôi quay về thủ đô Hà Nội. Lúc này với cương vị Cục trưởng Cục Quân y, cha tôi thấy cần thiết đưa các bác sĩ của ta sang các nước xã hội chủ nghĩa Trung Quốc, Liên Xô, Bungari học nâng cao về quản lý ngành cũng như chuyên sâu về chuyên môn y tế.

Năm 1971, tôi tốt nghiệp cấp 3, cha tôi được điều động làm Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, sau đó năm 1974 ông giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đang rất cam go và quyết liệt, những mặt trận luôn vang lên tiếng súng; ở hậu phương tiếng còi báo động vốn quen thuộc với người dân Hà Nội trong chiến tranh và mọi người thì từng phút giây tất cả cho tiền tuyến. Cha tôi muốn tôi theo ngành y nhưng cùng với các bạn học tôi thi đỗ vào Trường Kỹ thuật Quân sự ở Vĩnh Yên cách nhà tôi chừng hơn 40km.

Năm 1971, mới vào học được 3 tháng thì tôi bị ốm phải nghỉ cả tuần. Nhà trường báo về, cha tôi lên thăm rồi nói với tôi: "Con ở trên này xa quá, bố không đi lại được, con về trường Quân y học đi…".

Tiễn cha tôi về, đêm đấy tôi trằn trọc không ngủ được khi nhớ đến lời nói và ánh mắt mong mỏi của cha tôi. Tôi nghĩ cha tôi hay đi khảo sát thực tế ở các chiến trường ác liệt nhất, chứng kiến những mất mát hi sinh của các chiến sĩ nên ông luôn kì vọng tôi học ngành y.

Đại tá, PGS, TS Bác sĩ Vũ Điện Biên với những hồi ức về cha.

Ông bảo với tôi: "Trước kẻ địch có tiềm lực mạnh về kinh tế, quân sự, trình độ kỹ thuật hiện đại, các chiến sĩ quân giải phóng lại phải hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn ở chiến trường miền núi, trong môi trường có nhiều ổ bệnh thiên nhiên, chủ yếu là sốt rét. Cục Quân y đã chỉ huy, chỉ đạo toàn ngành phấn đấu đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển kỹ thuật, bảo đảm cấp cứu điều trị một số lượng lớn thương binh, bệnh binh để bảo vệ sức khoẻ cho bộ đội chiến đấu trên các chiến trường. Ngành y giờ rất cần cho đất nước". 

Hôm sau tôi quyết định thu dọn hành lý, từ giã Trường Kỹ thuật Quân sự sang học Đại học Quân y Hà Nội.

Tôi cũng không ngờ ngay từ những bài học đầu tiên ở trường y đã khiến tôi thích thú. Tôi thấy mình đi đúng đường, càng học tôi càng thấy hay. Năm 1975, kết thúc chiến tranh, đất nước ta độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Một khó khăn và vấn đề rất lớn được đặt ra với ngành y là làm sao phải thống nhất ngành y trong toàn quốc. Trước giải phóng, y tế trong Nam là do chính quyền Việt Nam cộng hòa quản lý, có cấu trúc khác. Sau giải phóng hầu hết các viên chức làm trong ngành y tế ở lại làm việc.

Vậy thì làm thế nào để nhanh chóng ổn định tổ chức, phát huy sức mạnh phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân?

Vấn đề thứ hai là cán bộ trong ngành y còn thiếu. Đó là những cán bộ đảng viên đã tập kết ra Bắc rồi quay trở lại, hệ thống nhân viên ở miền Nam trước đây thì mình phải vận động để họ hiểu và quan trọng nhất là thống nhất được hệ thống ngành y trong cả nước. Cha tôi luôn trăn trở, toàn tâm toàn ý vào điều này.

Cha tôi vẫn nói việc đọc mang đến cho con người nhiều kiến thức. Ông đọc rất nhiều, thậm chí có những tài liệu riêng gửi đến. Tôi nhớ hình ảnh của cha tôi mỗi khi về đến nhà, ngoài lúc ăn còn bao giờ cha tôi cũng mải mê nghiên cứu. Đó là những cuốn sách bổ ích giúp ông tìm hiểu thêm những kiến thức về công tác quản lý ngành. Hà Nội lúc đấy không phải lúc nào cũng có điện, nhiều khi mẹ tôi châm ngọn đèn dầu để cho cha tôi đọc.

Cha tôi đọc những cuốn sách bằng tiếng Pháp, tự soạn thảo văn bản, cẩn thận, tỉ mỉ ghi chép, chỉnh lý từng câu chữ chứ không để việc này cho thư ký. Ngay cả khi thư ký trình lên ông cũng đọc lại rất kỹ càng. Để nắm vững tình hình thực tế, cha tôi thường đến những cơ sở để khảo sát nhưng đi đột xuất chứ không bao giờ báo trước.   

Những năm sau giải phóng thỉnh thoảng bệnh dịch vẫn còn, miền Bắc số ca nhiễm bệnh sốt xuất huyết ít nhưng ở miền Nam lại rất nhiều. Bệnh sốt rét rừng nhiều người nhiễm phải. Lúc đấy, dịch tiêu chảy do vi khuẩn tả cũng là vấn đề nhức nhối.

Cha tôi tìm biện pháp làm thế nào để bệnh dịch không xảy ra nữa. Ông đề cao phòng bệnh hơn chữa bệnh. Lúc ấy điều kiện kinh tế không như bây giờ nên việc phòng chống dịch chỉ bằng cách hướng dẫn mọi người ăn chín uống sôi, làm hố xí hai ngăn, vệ sinh tránh lây nhiễm. Đơn giản vậy thôi nhưng rất có hiệu quả. 

Năm 1978 tôi tốt nghiệp Đại học Quân y Hà Nội rồi về Bệnh viện Quân y 108 công tác tại khoa Tim - Thận - Khớp - Nội Tiết (Khoa A2) (hồi đó chưa phân khoa như bây giờ). Ra trường tôi khá bỡ ngỡ, lo lắng không biết mình có thể xử trí được hay không? Trong mắt của cha mẹ, con cái dù ở lứa tuổi nào cũng chỉ là những đứa trẻ.

Cha tôi luôn theo sát và câu mà cha tôi căn dặn tôi luôn ghi nhớ và lấy làm kim chỉ nam cho mình. Cha tôi bảo: "Bây giờ con là bác sĩ mới ra trường, đi làm đừng như là cái anh công chức sáng cắp ô đi chiều cắp ô về…".  Cha tôi muốn truyền cho tôi tình yêu với ngành y. Và điều cần thiết của một người bác sĩ là luôn năng động, tìm tòi, sáng tạo nâng cao chuyên môn và vấn đề y đức.

Năm 1982, khi đang đương chức Bộ trưởng Bộ Y tế thì cha đột nhiên ốm rồi mất vì căn bệnh ung thư. Cha tôi mất khi 67 tuổi.

Trần Mỹ Hiền (Ghi theo lời kể của Đại tá, PGS, TS Vũ Điện Biên).
.
.