Người tù binh phi công Mỹ đặc biệt nhất của “Khách sạn vỡ tim”

Thứ Bảy, 21/01/2017, 09:00
Theo các tài liệu hiện tại thì mặc dù trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Chính phủ Việt Nam đã sử dụng nhiều địa điểm để tạm giam giữ phi công Mỹ: khu vực Fafim ở đường Nguyễn Trãi ngày nay, số nhà 17 phố Lý Nam Đế, tuy nhiên nhà tù Hỏa Lò là nơi thường xuyên có số lượng phi công Mỹ bị tạm giam nhiều nhất.

Đại tá quân đội Trần Trọng Duyệt, nguyên Trại trưởng Trại tù binh phi công Mỹ ở nhà tù Hỏa Lò, người thường được các tù binh phi công Mỹ thời bấy giờ (và cả sau này khi quay trở lại thăm Việt Nam) gọi một cách hài hước là “Ngài Giám đốc Khách sạn vỡ tim - Hanoi”, năm nay đã ngoại 80 nhưng vẫn đầy mẫn tiệp. Ký ức về những “phi công mặc áo ngủ” ngày ấy, dường như vẫn còn vẹn nguyên trong ông...

“Khách sạn vỡ tim” là tên gọi do chính những tù binh phi công Mỹ đặt cho nhà tù Hỏa Lò. Một cách gọi hài hước và chua chát theo ý tưởng của bài hát “Heartbrek Hotel” của vua nhạc rock and roll nổi tiếng người Mỹ.

Everett Akvarez thăm lại Hỏa Lò cùng đoàn làm phim (năm 1993).

Nhưng ấy là về sau, khi số lượng phi công Mỹ bị bắt giam đã đông, trở thành một cộng đồng nhỏ ở nhà tù Hỏa Lò, biết cách giao tiếp cùng nhau theo cách của những phi công bất đắc dĩ phải trút bỏ bộ đồ bay tối tân hiện đại kiểu Mỹ để “mặc áo ngủ” (là những áo đồng phục kẻ sọc của Hỏa Lò) và cùng nhau nghĩ ra những cái tên chua chát đến hài hước kiểu ấy.

Còn thời điểm tháng 8-1964, khi bước chân vào nhà tù Hỏa Lò, trung úy phi công Mỹ Everett Alvarez, chắc chẳng bao giờ biết được, anh ta không bao giờ bị lẫn đi trong cộng đồng hơn 400 viên phi công “mặc áo ngủ” ở “Khách sạn vỡ tim” này. Như một sự tình cờ của số phận, Everett Alvarez trở thành người có thân phận đặc biệt: là phi công đầu tiên bị bắn hạ ở miền Bắc Việt Nam (Hòn Gai, Quảng Ninh).

Ông cũng là tù binh phi công Mỹ bị giam lâu nhất tại Hỏa Lò (8 năm 7 tháng) và là người có thời gian bị giam giữ như một tù binh chiến tranh dài thứ hai trong lịch sử quân đội Mỹ (người đứng đầu là đại tá Floyd James Thompson); là phi công Mỹ đầu tiên “khai trương” “Khách sạn vỡ tim”.

Bởi vậy cái tên Everett Alvarez luôn được gắn với nhà tù trăm tuổi này, kể cả khi nó đã trở thành khu di tích giữa lòng Hà Nội như bây giờ.

Alvarez sinh năm 1937, tại Salinas, California, Mỹ. Năm 1960, Alvarez nhập ngũ và được chọn làm phi công. Vào ngày 5/8/1964, trong chiến dịch Mũi tên nhọn, chiếc máy bay Douglas A-4 Skyhawk của ông bị bắn hạ. Sau đó ông bị giam 8 năm 7 tháng tại nhà tù Hỏa Lò. Sau khi được trao trả về Mỹ, ông đã được trao vô số huân chương vì thành tích phục vụ cho quân đội Mỹ.

Ông cũng là tác giả của cuốn sách “Chim ưng bị xiềng”, trong đó kể về cuộc sống của ông trong những ngày bị tạm giam ở Hỏa Lò và những tình cảm trân trọng ông dành cho những người quản giáo tại đây thời ông là tù binh... Ở Salinas, California, quê hương ông có một ngôi trường trung học phổ thông thành lập năm 1995 được đặt theo tên ông. Đồng thời, ở Montgomery, Maryland cũng có một bưu điện tên Alvarez.

Everett Akvarez trên tàu sân bay năm 1964, trước khi bị bắn rơi tại Quảng Ninh.

Khi bị bắt, Everett Alvarez mới 27 tuổi. Phi vụ đánh phá Hòn Gai - Bãi Cháy - cảng Cửa Ông (Bắc Việt Nam), phi đội của Everett Alvarez xuất phát từ tàu sân bay Constellation. Chiếc máy bay được không lực Mỹ kiêu hãnh gọi là “Chim ưng nhà trời” bị trúng đạn của Tiểu đoàn phòng không 217 lúc 14 giờ 45 phút sau chưa đầy 15 phút oanh tạc. “Chim ưng nhà trời” bị bốc cháy, lao đầu xuống biển, Alvarez chỉ kịp bấm dù, thoát ra khỏi “cục lửa”, còn đang loay hoay cùng chiếc phao chưa kịp cả gọi cấp cứu thì đã bị bắt sống.

Theo nhà báo Xuân Ba trong bài viết “Lần gặp E. Alvarez ở Hỏa Lò” đã đăng trên Báo Tiền phong thì ngay khi Alvarez bung dù tiếp đất và bị bắt sống thì “người đầu tiên dùng tiếng Anh để hỏi chuyện Alvarez là một người đàn ông đã đứng tuổi có nước da nâu. Ở ông toát lên vẻ sang trọng lịch lãm mà sau này E Alvarez mới biết đó là Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng, thời điểm ấy đang đi kinh lý mạn Đông Bắc.

Còn người chụp ảnh đầu tiên mà Alvarez không biết được là nhà nhiếp ảnh Công Vượng, một phóng viên của vùng mỏ” và E. Alvarez chính là người trong bức ảnh viên phi công Mỹ bị bắt đầu tiên trong tư thế cụp mắt ngày 5-8-1964 đã truyền đi khắp thế giới.

Đại tá QĐNDVN Phan Mạc Lâm, một trong những sỹ quan thuộc Tổ khai cung tù binh phi công Mỹ, người từng được tổ chức phân công trực tiếp tiếp xúc, khai thác viên phi công này, 45 năm sau, vào năm 2009 đã tiết lộ: “Sau khi nhận được tin ta bắt được tù binh phi công Mỹ, tướng Phùng Thế Tài chỉ thị địa phương chuyển ngay tù binh lên Hà Nội... Việc khai thác thông tin lúc đầu gặp không ít khó khăn. Mỗi lần tiếp xúc với Alvarez, anh ta luôn có biểu hiện lo lắng, do đó lời khai của viên phi công này thiếu độ tin cậy”.

Cũng bởi vậy mà cấp trên đã chỉ đạo tổ khai cung thay đổi chiến thuật, xác định mục tiêu đầu tiên là phải làm sao để viên phi công này hiểu về Việt Nam trước đã. Thái độ thân thiện, sự quan tâm chu đáo đến các chế độ ăn, ở, khám chữa bệnh của ta với Alvarez dần dần khiến tâm lý anh ta ổn định, trở nên cởi mở hơn và sẵn sàng chia sẻ những thông tin mà anh ta đang nắm giữ.

Alvarez kể rằng, với anh ta, đánh phá Hòn Gai - Bãi Cháy - cảng Cửa Ông là phi vụ bay đầu tiên của đời phi công. Ngay sau khi tốt nghiệp khóa huấn luyện bay, ngày 4-8-1964, khi giao ban tác chiến, viên chỉ huy đã nói với anh ta và một số phi công khác đại ý rằng, họ sắp thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt. Với những “Mũi tên nhọn” (tên của cuộc hành quân đồng thời ám chỉ những máy bay Mỹ) của không lực Hải quân Mỹ, sẽ làm tê liệt căn cứ hải quân của đối phương (tức là của Bắc Việt Nam) và đánh tan những đoàn tàu chở vũ khí đạn dược vào nam Vĩ tuyến 17 ngay từ nơi xuất phát của nó.

Viên chỉ huy cũng phủ nhận chuyện dưới mặt đất, nơi mục tiêu đánh phá, là khu dân cư khi một phi công tỏ ra băn khoăn. Thậm chí các phi công còn được tận mắt xem kỹ những bức không ảnh chụp khu vực Bãi Cháy - Cửa Ông do máy bay trinh sát Hải quân Mỹ cung cấp. Nhưng, Alvarez kể rằng, cho dù vậy thì anh ta và đồng đội là những viên phi công bay cùng phi vụ vẫn tin rằng, trên đó không thể không có vùng dân cư.

Everett Akvarez (trái) về đến sân bay quân sự Clark (Philippines) ngày 12-2-1973, sau gần 9 năm làm tù binh chiến tranh tại miền Bắc Việt Nam.

Bay đến Bắc Việt Nam oanh tạc, trên những máy bay tốt tân hiện đại được ví như những “mũi tên nhọn’, những con “chim ưng nhà trời” của Mỹ, Alvarez không bao giờ ngờ được, rốt cuộc anh ta phải ở lại mặt đất, nơi những tấm không ảnh mà anh ta từng xem rất kỹ trước giờ xuất kích. Cũng giống như nhiều phi công Mỹ khác, Alvarez thú nhận rằng, anh ta chưa từng nghe đến nhiều về Việt Nam, chưa biết đến đất nước này và chỉ biết hành động thực thi nhiệm vụ của một quân nhân trung thành với nước Mỹ.

Thậm chí, quá tin tưởng vào tính năng kỹ, chiến thuật của những con “Chim ưng nhà trời”, Alvarez còn đinh ninh rằng, khi gặp rủi ro sẽ lao ra biển nhảy dù và chắc chắn sẽ được cứu thoát.

Đại tá Phan Mạc Lâm tiết lộ trong một bài báo: “Cũng trong tháng 8 năm 1964, Alvarez được đưa về Hỏa Lò và trở thành “vị khách đầu tiên” ở đây”. Buổi tiếp nhận tù binh phi công Mỹ có thân phận đặc biệt này được Đại tá Phan Mạc Lâm miêu tả là “diễn ra lặng lẽ”. “Các chiến sỹ cảnh vệ dẫn anh ta vào phòng” và theo quan sát của Đại tá Phan Mạc Lâm thì “dường như lúc này anh ta mới cảm thấy đây chính là nơi giam giữ”.

Cũng theo Đại tá Phan Mạc Lâm thì “không lâu sau, khi tiếp xúc với các chiến sỹ trẻ Việt Nam, nhìn ánh mắt tự tin và nhận ở họ sự chia sẻ, viên phi công “độc thân” yên tâm hơn. Anh ta dần quên đi nỗi nhớ nhà và tìm cách thích nghi với hoàn cảnh”.

Có một chi tiết khá thú vị, 6 tháng sau, Alvarez đã không còn cô đơn. Đó là khi thiếu tá hải quân phi công vũ trụ, lái máy bay tiêm kích F8 thuộc tàu sân bay Coran Sea bị bắt ở Quảng Bình về nhập trại. “Khi biết có thêm người Mỹ bị bắt, Alvarez kêu lên: “Chiến tranh rồi ư, thế là hết hy vọng” - Đại tá Phan Mạc Lâm nhớ lại - thật tội nghiệp, cho đến tận lúc ấy, anh ta vẫn nghĩ rằng cuộc chiến sẽ kết thúc trong một ngày không xa”.

Quả là vậy!

Alvarez đã phải chờ đợi quãng thời gian dài hơn anh ta tưởng. Khi xuất kích anh ta chắc chưa bao giờ hình dung được rằng, rốt cuộc anh ta đã phải ở lại mảnh đất này, trở thành vị khách bất đắc dĩ của “Khách sạn vỡ tim” lâu đến thế - tận 8 năm 7 tháng! Cũng bởi vậy mà Alvarez không chỉ là tù nhân phi công Mỹ đầu tiên ở nhà tù Hỏa Lò mà còn là tù binh phi công Mỹ bị giam lâu nhất tại Hỏa Lò và là người có thời gian bị giam giữ như một tù binh chiến tranh dài thứ 2 trong lịch sử quân đội Mỹ (người đứng đầu là đại tá Floyd James Thompson).

Ngày 12-2-1973, cuộc trao trả tù binh phi công Mỹ của Chính phủ Việt Nam bắt đầu. Đại tá Trần Trọng Duyệt nhớ lại, trước khi tiến hành việc trao trả tù binh giữa hai bên, ban lãnh đạo trại giam đã tổ chức một bữa cơm thân mật với các món ăn đặc trưng của Việt Nam cho tù binh phi công Mỹ, đồng thời cũng chuẩn bị những món quà rất Việt Nam: nón bài thơ và điếu cày để họ mang về nước làm kỉ niệm.

Alvarez đã lên máy bay về với nước Mỹ và dường như người tù binh phi công có thân phận đặc biệt này không quên được Hà Nội với “Khách sạn vỡ tim” và tấm lòng của những người tốt ở phía “đối phương”. Giống như lúc đến, trong số những cựu tù binh phi công Mỹ quay trở lại Hà Nội sau chiến tranh, Alvarez hình như cũng là người sớm nhất. Theo thông tin mà chúng tôi có được thì năm 1993, Alvarez đã thăm lại Hỏa Lò cùng với một đoàn làm phim Mỹ.

*Ảnh trong bài từ nguồn tư liệu.

Đặng Huyền
.
.