Nguồn gốc của địa danh Chu Lai từ “truyền kỳ” đến hiện thực

Thứ Tư, 28/01/2009, 09:30
Hầu hết các tác giả đều cho rằng nguyên từ (etymon) của địa danh Chu Lai chính là họ của Victor Krulak, Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ tại Thái Bình Dương và rằng cái tên này ra đời vào giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, theo nhu cầu của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Lúc bấy giờ, Mỹ cần mở một sân bay ở phía bắc của miền Nam, tướng Krulak đã đi thị sát thực địa để chọn đất và đã chọn được một vùng chưa có tên chính thức trên bản đồ, mà ngày nay ta gọi là Chu Lai.

Trong tâm thức của rất nhiều người, đầu tiên là người Mỹ, rồi người Việt Nam "đồng minh" của Mỹ và ngày nay, cả những người dân của nước Việt Nam thống nhất và độc lập, thì Chu Lai là một cái tên gốc... Mỹ.

Trước hết, xin chép hiến bạn đọc một đoạn bằng tiếng Việt như sau:

"Lý do vì sao căn cứ này có tên là Chu Lai được Đại tướng Westmoreland giải thích như sau: Trong thời gian này (cuối năm 1964) Bộ trưởng Quốc phòng McNamara đã chấp nhận lời yêu cầu xây dựng một sân bay mới tại các tỉnh phía bắc miền Trung dọc theo vùng duyên hải phía nam Đà Nẵng: đó là Chu Lai. Sở dĩ có tên này là do một sự kiện hy hữu. Chu Lai không phải là tên Việt Nam nhưng đó là cách đọc tên của vị Tư lệnh Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương: tướng Victor Krulak.

Khi các viên chức Hoa Kỳ hướng dẫn vị tướng này đến quan sát khu vực để mở sân bay mới, người Việt Nam đọc tên ông ta trại ra thành Chu Lai, từ đó được dùng làm tên cho sân bay" (Vương Hồng Anh) Sư đoàn 3 Tqlc Mỹ - Sđ1bb Vnch. Trận chiến Cam Lộ 7-8/66",  Việt Báo, thứ tư 10/7/1999. In lại trên Việt Báo Daily News online, 9/12/2008).

Chuyện mà Vương Hồng Anh chép trên đây chỉ mới "hy hữu" thôi chứ chưa ly kỳ bằng chuyện mà chính một vài tác giả người Mỹ đã chép.

G.William Koon, Giáo sư thuộc Đại học Clemson, chú giải một số từ, ngữ trong quyển truyện “The Things They Carried” (Những thứ mà họ mang theo) của Jim O'Brien, đã ghi về hai tiếng Chu Lai nguyên văn như sau:

"Chu Lai is not a Vietnamese word. It is the Chinese Mandarin pronunciation of the last name of Marine General Krulak". (Chu Lai không phải là một từ tiếng Việt. Nó là cách phát âm Quan thoại của Hán ngữ cho họ của tướng hải quân Krulak).

Còn James F.Humphries thì đã viết trong “Through the Valley” (Dọc theo thung lũng): "Tradition holds that the name Chu Lai was an alteration into Vietnamese from the Chinese characters meaning Krulak". (Theo truyền miệng thì cái tên Chu Lai là một cách phát âm trại sang tiếng Việt từ những chữ Hán có nghĩa là Krulak).

Cuối cùng, ta có thể đọc được tại Tripatlas.com chẳng hạn, như sau: "Chu Lai was a United States Navy base in Dung Quat Bay, Vietnam (...). Krulak observed this base in July, then it was called July in Vietnamese Chu Lai". (Chu Lai là một căn cứ hải quân của Mỹ ở vịnh Dung Quất, Việt Nam (...). Krulak đã quan sát căn cứ này trong tháng July (tháng bảy), sau đó nó được chuyển (từ July) sang tiếng Việt thành Chu Lai).

Trên đây là những lời giải thích về từ nguyên của địa danh Chu Lai liên quan đến họ của tướng Mỹ Victor Krulak. Dĩ nhiên đó chỉ là những lời giải thích hoang đường mà hồn nhiên nhất vì quá thật thà là cái ý của Westmoreland, thấy được trong đoạn văn của Vương Hồng Anh: "Người Việt Nam đọc tên ông ta - thực ra Krulak là họ - trại ra thành Chu Lai". Làm sao mà tiếng Mỹ “Krulak” lại có thể chuyển âm sang tiếng Việt thành "Chu Lai" cho được? Nó có thể thành "Cu lắc, Câu lắc, Cu léc, Câu léc, Cơ-râu-lắc, Cơ-râu-léc, Râu lắc, Râu léc" v.v... chứ không thể nào thành "Chu Lai", nhất là vì k/kr không thể trở thành ch.

Ý kiến của G.William Koon nghe ra có vẻ bác học hơn nhiều nhưng chỉ cần đọc đến thôi thì cũng đã thấy ngay là vô lý. Âm tiết Kru - trong Krulak và trong những từ khác của tiếng nước ngoài thường được phiên âm sang tiếng Hán hiện đại bằng hai âm tiết Kè Lũ (cách viết pìnyìn) ghi bằng hai chữ Hán, đọc theo âm Hán Việt là Khắc Lỗ chứ tuyệt đối chẳng có dây mơ rễ má gì với hai tiếng "Chu Lai" (mà G.William Koon cho là âm Quan thoại dùng để phiên danh xưng Krulak).

James F.Humphries lại càng vô lý hơn nữa khi cho rằng Chu Lai là cách phát âm trại đi của những chữ Hán có nghĩa là Krulak. Đến người Mỹ còn không biết Krulak có nghĩa là gì thì làm sao người Trung Quốc có thể biết được mà diễn đạt nó thành tiếng Hán!

Cuối cùng, có thể vì cũng thoáng thấy được sự phi lý của mấy cách giải thích trên đây nên tác giả của mục "Chu Lai" trong Trinatlas mới gán ghép hai tiếng Chu Lai với tên của tháng bảy trong tiếng Anh là July cho có vẻ như thực sự... bà con với nhau về mặt ngữ âm mà không ngờ rằng đây cũng chỉ là một cách giải thích... hú họa.

Tất cả bốn cách giải thích trên đây đều ngớ ngẩn, còn trong thực chất của nó thì hai tiếng Chu Lai là một địa danh Việt Nam chính tông. Tác giả Nguyễn Q.Thắng đã kể lại trong bài "Châu Lai (Chu Lai) một địa danh cổ Hán - Việt" (*) lời giải thích của sử gia Phan Khoang như sau:

"Châu Lai (Chu Lai) là bến thuyền đến (châu: thuyền lớn; lai: đến) (...). Từ thế kỷ XV, tiền nhân ta trên đường Nam tiến, nhất là trong các cuộc chinh phạt lớn có hải quân tham dự thì các hải thuyền phát xuất từ miền Bắc xuôi Nam đều phải ghé Châu Lai để nghỉ sức một thời gian. Các hải thuyền này không thể ghé Đà Nẵng, Hội An... vì hai cửa biển này thụt sâu vào đất liền, do đó tàu phải chạy dọc theo bờ biển để vào Nam.

Đến Châu Lai, đường cũng đã xa kinh kỳ - Đàng ngoài. Vả lại, Châu Lai lại gần Châu Ổ (nơi tàu núp chở thuyền tránh giặc cướp (...) dễ liên lạc, thông tin hơn. Kể từ đời Lê Thánh Tông đến chúa Nguyễn (thế kỷ XV-XIX), Châu Lai là một bến chiến thuyền của quốc gia Đại Việt" (Tìm tòi & cảm nhận, NXB Văn hóa Thông tin, 2001, tr.44, 46).

Trên đây là lời của sử gia. Còn dưới đây là lời của gia phả. Cũng theo Nguyễn Q. Thắng thì gia phả tộc Nguyễn Thanh Hóa ở Quảng Nam có chép như sau:

"Ông Chánh là bậc khai quốc công thần đời nhà Hồ. Gia đình, con cháu vốn ở ngoại thành Thanh Hóa (...). Đến đời Chúa Thái Vương Gia Dũ chuyển vảo cư trú xứ Quảng Nam, phủ Thăng Hoa, huyện Hà Đông. Cháu ngài là Nguyễn Công Ánh, cố Ánh là cháu của Thái bảo Quận công Nguyễn Đức Trung, ngài (Nguyễn Đức Trung) cho lập làng Ngọc Thọ và cư ngụ ấp Thọ Tân, làng Ngọc Thọ, tổng Phước Lợi Trung, huyện Lệ Dương, phủ Thăng Hoa, trấn Quảng Nam (…).

Đến đời Nguyễn Tấn Phước cùng con cháu vâng lệnh trên đến khai khẩn và cư ngụ ở Châu Lai (Chúng tôi nhấn mạnh - An Chi), Sơn Thành (tức Núi Thành), vì cha mẹ trước đây đều cư trú ở huyện Lệ Dương, phủ Thăng Hoa, sau đổi là phủ Tam Kỳ" (Sđđ, tr. 48-49).

Nhưng ta đâu chỉ có lời của sử gia và lời của gia phả. Ta còn có cả lời của văn học dân gian địa phương nữa. Cũng theo Nguyễn Q Thắng, "Bài vè về thủy trình" từ Huế vào Sài Gòn có đoạn:

Ngó về Cửa Đợi thương ôi!
Hòn Nồm nằm dưới mồ côi một mình.
Tam Ấp, Hà Bứa có rạn trời sinh,
Bàng Than, Cửa Lở luôn kinh An Hòa
Châu Lai, Châu Ổ bao xa,
Trước mũi Vũng Quýt, thiệt là Thống Binh
(Sđđ, tr. 50-51)

Lời của sử gia, lời của gia phả và lời của văn học dân gian địa phương đã hòa quyện với nhau một cách ngoạn mục và duyệt nhĩ như thế để cùng "công chứng" cho cái nguồn gốc rất Việt Nam của địa danh Chu Lai thì ta nỡ lòng nghe theo ba cái anh Mỹ Westmoreland, Koon Humphries, v.v… mà tin rằng Chu Lai là hóa thân của Krulak! Đã thế, lại còn "ăn theo" lời giải thích của mấy ảnh mà đi truyền tụng rằng cái tên Chu Lai là do Mỹ đặt ra thì sao đặng, nghe sao được?

Nhân tiện, trong cái câu trích từ Tripatlas, ta thấy nguồn này có nhắc tới vịnh Dung Quất nên cũng xin nói rõ thêm đôi chút về cái tên này. Trước kia, ông bà ta không gọi cái vùng biển ăn sâu vào đất liền này là "vịnh Dung Quất" như ngày nay mà gọi nó là Vũng Quýt. Cái tên này đã được ghi nhận trong “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn (Xin xem bản dịch của Phạm Trọng Điềm, tr.2, NXB Thuận Hóa, Huế, 1992, tr. 429). Vậy nếu ta cứ khăng khăng giữ lấy cái tên "Dung Quất" thì ít nhất ta cũng nên biết rằng tiền thân của nó chính là Vũng Quýt.

(*) Thực ra, "cổ Hán - Việt" mà tác giả Nguyễn Q. Thắng dùng ở đây là một khái niệm không xác đáng về mặt ngữ âm học lịch sử

An Chi
.
.