Nguy cơ bùng nổ cuộc chiến chống Iran: Chỉ vì khát thèm dầu lửa

Thứ Hai, 05/12/2011, 11:10

Trong thập kỷ tới, Iran sẽ trở thành quốc gia Trung Đông có trữ lượng dầu và khí gas lớn nhất chưa được khai thác. 70 năm nữa, vựa dầu lớn nhất thế giới hiện nay của Arập xêút, một đồng minh của Mỹ sẽ cạn kiệt.

Sau khi Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đổ xô tìm tới Iran để giành được các hợp đồng mua dầu lửa và khí đốt lên tới hàng trăm tỉ USD bất chấp những đe dọa trừng phạt của Mỹ, thì cách đây không lâu, tờ "Thời báo Tài chính Anh" đã đăng bài viết của tác giả Michael Klare với tựa đề: "Đổ máu vì dầu lửa ở Iran" trích từ bài “Máu và dầu: Những nguy hiểm và kết cục trong độc lập của Mỹ trên bình diện dầu mỏ nhập khẩu”. Bài viết nhận định, cho dù nội các của ông Bush trước đây khi đe dọa Iran không đề cập tới chuyện dầu lửa, nhưng đi xa hơn, Washington đã nghĩ tới lá bài "an toàn cho chiến lược năng lượng của nước Mỹ về lâu về dài" ở Trung Đông. Và cũng như Iraq, chuyện hạt nhân của Iran chẳng có gì ghê gớm mà người Mỹ phải làm um lên. Năng lượng chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc chiến Iraq thì tại Iran cũng tương tự. Mục tiêu chính của Mỹ giờ vẫn chỉ là dầu lửa mà thôi.

Tiềm năng dầu mỏ và khí đốt với trữ lượng lớn nhất thế giới

Hiện nay, Iran chiếm một phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề về khúc mắc dầu lửa trong tương lai của Mỹ. Ngoài ra, Washington cũng không muốn một nước tẩy chay Mỹ lại án ngữ ở phía Bắc của vùng Vịnh Persian, nơi mà Mỹ cho rằng, sẽ đe dọa tới các giếng dầu chiến lược của Arập Xêút, Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Kuwait, Iraq - các quốc gia được biết tới là sở hữu 1/2 trữ lượng dầu của thế giới. Iran cũng được biết tới là nơi nằm xiên qua eo biển Hormuz, con đường trung chuyển 40% lượng dầu mỏ xuất khẩu của thế giới mỗi ngày. Hơn nữa, Iran cũng là nước xuất khẩu dầu mỏ chính tới Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Tiềm năng trên làm hoa mắt cả nước Mỹ trong việc hoạch định chiến lược dầu mỏ.

Theo thông tin của tờ nhật báo "Khí gas và Dầu mỏ" mới đây thì Iran hiện là quốc gia sở hữu 125,8 tỉ thùng dầu chưa được khai thác so với Iraq là 115 tỉ thùng và Arập Xêút là 260 tỉ thùng. Với lượng dầu lớn trên, Iran là quốc gia cung cấp 1/10 lượng dầu của thế giới và đang là chìa khóa cho nguồn dầu khí toàn cầu. Cho dù Arập Xêút là quốc gia có lượng dầu dự trữ lớn nhất thế giới nhưng với khả năng khai thác 10 triệu thùng/ngày đã bắt đầu từ nhiều năm nay thì trữ lượng đó hiện không còn dồi dào như của Iran và về lâu về dài nước này không còn là đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ, trong khi đó, Iran hiện sản xuất trên 6 triệu thùng dầu/ngày và sẽ tăng thêm 3 triệu thùng/ngày vào thời gian tới. 

Cũng theo tờ nhật báo "Khí gas và Dầu mỏ" thì hiện nay Iran có dự trữ lượng khí gas lên tới  940 ngàn tỉ feet khối so với Nga, nước có lượng khí lớn nhất thế giới là 1.680 ngàn tỉ feet khối. Với trữ lượng trên cho thấy, lượng khí gas có tại Iran hiện chiếm 16% lượng dự trữ của thế giới (mỗi feet = 0,30 m). Nếu tính cả các mỏ khí hydrocarbon mà chuyển ra năng lượng dầu khí thì Iran có khoảng 270 tỉ thùng dầu. Vì điều kiện công nghệ nên hiện nay, mỗi năm Iran chỉ sản xuất được 2,7 ngàn tỉ feet khối khí.

Eo biển Hormuz, một vị trí đắc địa của Iran về kinh tế và quân sự mà Mỹ luôn thèm muốn.

Bài toán Iran là chìa khóa quan trọng cho nước Mỹ

Mỹ hiện là quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới với hơn 20 triệu thùng mỗi ngày, những nước xuất khẩu dầu lớn như  Arập Xêút, Venlezuela... ngày càng muốn độc lập với Mỹ ngoại trừ chính quyền mới ở Iraq hiện nay. Như phân tích ở trên, Mỹ đã xác định Iran hứa hẹn một triển vọng cung cấp khí trong những năm tới. Với mức tăng trưởng kinh tế cao trong những năm tới, nhu cầu dầu tiêu thụ mạnh ở các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ ngày càng lớn, tăng khoảng 50% mỗi năm thì vị trí của Iran ngày càng trở nên quan trọng hơn lúc nào hết.

Trước mắt, từ năm 2012, nhu cầu khí gas và dầu mỏ càng trở thành một nguồn năng lượng thiết yếu với bất cứ quốc gia nào, đặc biệt là đối với Mỹ. Từ nhiều năm nay, rất nhiều các công ty dầu khí của Mỹ muốn ký các hợp đồng béo bở với Iran trong lĩnh vực dầu khí nhưng bị cấm bởi một quy định mang tên Executive Order (EO) 12959 do cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton ký năm 1995 và đã được cựu Tổng thống Bush tái ký lại vào năm 2004. Theo đó, những công ty Mỹ, kể cả các công ty nước ngoài nào vào làm ăn ở Iran cũng sẽ bị trừng phạt. Nhưng vì lợi nhuận nên công việc kinh doanh với Iran vẫn được tiến hành từ nhiều nước khác.

Trung Quốc nằm trong số trên, mỗi năm Iran cung cấp cho nước này 14% lượng khí nhập khẩu và con số này sẽ tăng trong tương lai gần. Trung Quốc cũng muốn nhập khẩu nhiều hơn nữa khí gas từ Iran. Cách đây không lâu, Sinopec, Công ty năng lượng lớn của Trung Quốc đã ký một hợp đồng trị giá 100 tỉ USD trong vòng 25 năm với đối tác Iran để cung cấp khí gas hóa lỏng cho Trung Quốc. Đây được xem như một hợp đồng hợp tác quốc tế lớn nhất của Iran.

Một nhà máy lọc dầu ở Iran.

Công ty gas quốc gia Ấn Độ cũng đã ký kết với Tổng công ty Xuất khẩu gas Iran và hợp đồng kéo dài trong 30 năm, theo đó, mỗi năm Ấn Độ sẽ nhập khẩu 7 triệu tấn gas hóa lỏng từ Iran. Các quan chức Ấn Độ, Pakistan, Iran cũng đã thỏa thuận xây dựng một đường ống gas hóa lỏng chiến lược kéo dài từ Iran-Pakistan sang Ấn Độ trị giá khoảng 3 tỉ USD. Khi hợp đồng hoàn tất, mỗi năm Pakistan sẽ nhập khẩu khoảng 300-500 triệu USD tiền gas. Cựu Thủ tướng Pakistan Shaukat Aziz từng tung hô rằng, ống gas này sẽ tăng cường thắt chặt quan hệ tay ba. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Ấn Độ trước đây của cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice, bà đã ca ngợi mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước láng giềng song cũng cảnh báo, không muốn cho nước này hợp tác với Iran.

Nhật Bản thấy nguồn lợi năng lượng lớn từ Iran cũng không chịu đứng ngoài nhìn. Năm 2010, nước này cũng đã mua 20% cổ phần của Công ty dầu khí ngoài khơi Iran mỗi năm sản xuất khoảng 1 tỉ thùng dầu. Công ty này cũng đã ký hợp đồng cung cấp gas cho Tổng công ty JGC của Nhật với trị giá 1,26 tỉ USD, mục đích là để phục hồi lại các nguồn khí gas tự nhiên ở vùng Soroush-Nowruz.

Và cuộc tấn công Iran là chắc chắn?

Nhận thấy tầm quan trọng của Iran trong chiến lược năng lượng toàn cầu, khi lên nắm quyền, cựu Tổng thống Bush đã từng quan tâm tới hai vấn đề: khao khát mở cửa bằng được các giếng dầu và gas của Iran cho các công ty Mỹ; muốn chính quyền Iran phải thắt chặt quan hệ với Washington. Thời gian qua, Chính phủ Mỹ ngoài thực hiện quyết định EO 12959 không đạt được kết quả gì, trong khi Iran vẫn tăng cường quan hệ với các bạn hàng tiêu thụ dầu được hiệu quả thì Mỹ cũng không ngăn ngừa được tình trạng làm giàu uranium ở Iran khiến Washington đang tìm mọi cớ để thay đổi chế độ hiện nay ở Iran bằng một chế độ mới đảm bảo quyền lợi của Mỹ ở khu vực. Theo tướng Mỹ Wesley Clark, Mỹ tấn công Iran cũng không có gì lạ, vì nó đã nằm trong kế hoạch từ thời ông Bush lên cầm quyền. Nhưng khi nhiệm kỳ của ông ta kết thúc, câu chuyện chiến tranh không xảy ra. Hiện nay, không gì là đảm bảo tuyệt đối cho Iran khi mà chính sách của ông Obama mang đậm trò chơi "Cây gậy-củ cà rốt".

Nhắm vào các lò phản ứng hạt nhân

Báo chí của Mỹ và Israel thời gian gần đây đều cho đăng tải thông tin việc Mỹ sẽ tấn công Iran, tập trung chủ yếu vào các lò phản ứng hạt nhân. Tờ Washington Post đã từng nhiều lần thông tin, máy bay Mỹ xâm phạm không phận Iran, và Mỹ đang sử dụng nhiều máy bay không người lái ở đây. Tờ Seymour Hersh mới đây cũng đã thông tin, lực lượng đặc nhiệm Mỹ bao gồm cả các nhân viên người Kurd đã ra vào Iran thường xuyên để chuẩn bị cho cuộc tấn công trong tương lai. Asia Times thì thông tin, Israel và Mỹ cùng nhau bàn lợi ích để tấn công Iran.

Chính quyền Iran cũng từng ý thức được mối nguy hiểm từ các Tổng thống Mỹ và đã từng bước ngăn chặn các đòn tấn công. Họ cũng đã hiểu dầu mỏ nằm trong sự tính toán của Washington. Để ngăn chặn các cuộc đột kích xảy ra, Iran cũng đã đe dọa thắt chặt eo biển Hormuz, mặt khác cản trở các tàu chở dầu ở vùng Vịnh đi các nơi khác. "Tấn công vào Iran chẳng khác nào tấn công vào Arập XêútKuwait và sẽ lan ra cả vùng Vịnh" - Thư ký Hội đồng lợi ích của Iran Mohsen Rezai nói ra mới đây. Nhiều động thái đe dọa đang được tiến hành rất rõ ràng, tuy nhiên Iran sẽ chống lại bằng việc thắt chặt eo biển Hormuz thông qua việc sử dụng cả lực lượng thủy quân, đánh bộ và không quân - đây là lời nhận định của Phó sĩ quan cao cấp Hải quân, Giám đốc của Cơ quan Tình báo quốc phòng đã trình bày tại Ủy ban tình báo Thượng viện Iran.

Việc tấn công Iran quả là không có gì đáng nghi ngờ khi mà mới đây, Seymour Hersh, phóng viên của tờ Người New York đã viết một bài cho rằng, Bộ Quốc phòng Mỹ đang cho máy bay do thám các lò hạt nhân được giấu ở Iran để tấn công bất ngờ bằng tên lửa. Cũng trong một lần trả lời phỏng vấn trên báo trên, Hersh đã cho biết, các mục tiêu đang đổ dồn vào Iran.

Trong một lần trả lời phỏng vấn tờ Washington Post, thì phóng viên này cho rằng, Lầu Năm Góc đang theo sát từng bước đi trong lĩnh vực vũ khí, không lực của Iran. Khi tấn công, chủ yếu Mỹ sẽ sử dụng không lực có sự trợ giúp của phía Israel. Thực sự, hiện nay, Washington cũng rất quan tâm tới vũ khí hủy diệt hàng loạt, tên lửa đạn đạo của Iran và rất quan ngại về sự an toàn của các giếng dầu ở Iraq, Kuwait, Arập Xêút, Israel hơn cả việc Washington lo ngại Iran tấn công sang Mỹ. Iran hiện là nước duy nhất có lực lượng quân đội có thể đe dọa tới nhiều nước ở khu vực cũng như an ninh vùng Vịnh. Mối lo ngại của Mỹ thực sự là, các tên lửa đạn đạo tầm xa của Iran. Mỹ cũng cho rằng, Iran muốn có tham vọng hạt nhân để làm bá chủ khu vực Trung Đông...

Tính toán những lợi ích dầu mỏ từ Iran từ lâu nên năm 2003, Mỹ đã tấn công Iraq để tiến tới việc tạo gọng kìm thúc vào sườn Iran sau này. Tất nhiên, khi tấn công lật đổ chính quyền Hussein, Phó tổng thống Mỹ Dick Cheney cũng gán cho nước này sở hữu nhiều loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Sau khi bình định xong Iraq, là Iran, tiến tới là toàn bộ Trung Đông, mỏ dầu trù phú lớn nhất thế giới. Vậy, Mỹ tập trung chú trọng vào nguồn vũ khí hạt nhân của Iran chính là cái cớ để  Mỹ xâm chiếm toàn bộ mỏ dầu của nước này. Cuộc chiến chống Iran không nằm ngoài chiến lược vì nguồn lợi dầu mỏ của Mỹ

Nguyễn Hoàng - Hùng Văn (theo MoscowTimes, Gulf News)
.
.