Nhà tù Lao Bảo: Huyền thoại sống, một thời để nhớ

Thứ Sáu, 02/05/2014, 10:10

Câu nói nổi tiếng trong cuốn hồi ký "Bước qua đầu thù" của Trần Hữu Dực, một cựu chính khách Việt Nam, ông đã kinh qua những chức vụ lãnh đạo cao cấp: Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Phủ thủ tướng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao…: "Của cải như không khí/ Cảnh vật như thần tiên/ Con người như thánh hiền/ Mới xây dựng được lý tưởng Cộng sản"…

Con người ấy đã nhiều lần bị giặc bắt giam và hôm nay vào những ngày cuối tháng 4 chúng tôi vào thăm nhà tù Lao Bảo, khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Nơi đây - một chứng tích hào hùng của dân tộc bất khuất và kiên cường chống giặc ngoại xâm.

Ông cùng với nhiều nhà hoạt động cách mạng khác như: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà thơ Tố Hữu, Lê Thế Tiết, Lê Chương, Đoàn Lân, Liêu Thanh, Trần Công Ái, Hồ Bá Kiện, Lê Thế Hiếu… đã bị kẻ thù giam giữ tại nơi này. Từ đó, mới thấu hiểu được tại sao trong gian khổ máu chảy, đầu rơi, những người chiến sĩ cộng sản đã sống và viết như thế.

Nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Cùng với Sơn La, Buôn Mê Thuật, Côn Đảo, nhà đày Lao Bảo là một nhà tù nổi tiếng ác độc, được xây dựng ở vùng rừng núi heo hút, đầy muỗi sốt rét ác tính, ở miền Tây Quảng Trị, thực tế đã là mồ chôn hàng nghìn người cách mạng bất khuất. Song với tinh thần "biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng" nhà tù Lao Bảo đã trở thành nơi nung nấu lòng yêu nước thiết tha, rèn luyện ý chí kiên cường của các chiến sĩ cộng sản".

Trên bản đồ nước ta, tỉnh Quảng Trị là một trong những địa danh có nhiều di tích lịch sử cách mạng hào hùng và đầy bi tráng, như một bản anh hùng ca bất diệt gắn với cuộc trường chinh của dân tộc Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Ngược dòng lịch sử cũng trên mảnh đất này, để đến với nhà tù Lao Bảo, một trong năm nhà tù lớn nhất của Đông Dương, nơi giam giữ những chiến sĩ cộng sản đầu tiên và sau này trở thành những nhà lãnh đạo cốt cán như nhà thơ Tố Hữu, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Phó thủ tướng Trần Hữu Dực, đồng chí Lê Thế Tiết...

Để đối phó với phong trào yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đang dâng cao, năm 1908 thực dân Pháp đã cho xây dựng nhà tù Lao Bảo để giam giữ những nhà ái quốc chống Pháp. Tại đây chúng đã thiết lập những nơi giam cầm, đày ải và tra tấn dã man như thời Trung cổ để dập tắt ý chí của những nhà hoạt động cách mạng yêu nước.

Nhưng với tinh thần thép, quật cường, có biết bao chiến sĩ vẫn hiên ngang không cúi đầu làm nô lệ và nhà tù lại biến thành trường học cách mạng của những người Cộng sản kiên trung. Và ngày hôm nay, trên con đường hành hương trở về nguồn, chúng tôi đến nơi đây để chứng kiến dấu tích một thời oanh liệt và quá khứ hào hùng bất khuất của ông cha, trên mảnh đất Lao Bảo.

Từ thị trấn Khe Sanh, chúng tôi đến nhà tù Lao Bảo trên chuyến xe ôtô lọc xọc của vợ chồng bác tài già. Họ thu mỗi người 50 nghìn cho chuyến đường dài hơn 20km cho cả đi và về. Nếu đến Quảng Trị mà chưa thăm nhà tù Lao Bảo là coi như thiếu hẳn một chứng tích huyền thoại trong chuyến đi. Bởi vì đơn giản, nơi đây còn là nơi giam cầm những chí sĩ yêu nước của phong trào khởi nghĩa: Cần Vương, Văn Thân.

Khi mới xây dựng, nhà tù Lao Bảo chỉ có hai dãy nhà giam bằng gỗ lợp ngói, khu nhà A và B. Mỗi dãy nhà dài 15m rộng 5m, cao 2m, có thể giam giữ 60 tù nhân.

Đài tưởng niệm các liệt sĩ trong Nhà tù Lao Bảo.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhiều phong trào cách mạng nổ ra khắp nơi, đặc biệt là ở Trung Kỳ. Để thực hiện việc khai thác thuộc địa, dập tắt các cuộc khởi nghĩa, thực dân Pháp điên cuồng truy quét, bắt bớ, đàn áp và giam giữ các chiến sĩ cộng sản của ta. Năm 1930, chúng cho mở rộng nhà tù để giam giữ những chiến sĩ cộng sản.

Phong trào khởi nghĩa của những chiến sĩ cách mạng ngày càng cao, năm 1934 chúng cho xây dựng nhà lao bằng bê tông cốt thép kiên cố với nhà lao C, nhà lao D, hầm E. Diện tích chiều dài của mỗi nhà lao được tăng gấp đôi so với nhà lao trước đây. Mỗi nhà lao dài 30m, rộng 6m. Và con số tù nhân cũng tăng lên rất nhiều, mỗi gian nhà lao giam giữ 180 tù nhân. Và còn có khu biệt giam 13 buồng. Mỗi buồng rộng 1m, cao 2m14. Toàn bộ các nhà giam giữ  được bao quanh bởi hệ thống tường  kiên cố 3,5m.

Tháng 6/1938, khi bị giam giữ tại đây, nhà thơ Tố Hữu  đã viết lên tường những câu thơ thể hiện ý chí hiên ngang quật cường của một chiến sĩ ôm ấp lý tưởng cộng sản: "Cho tôi hưởng tinh thần hăng chiến đấu/ Cho da tôi dày dạn với ngày mai/ Cho tôi hiến đến cuối cùng suối máu/ Để nhuộm hồng bao cảnh xám bi ai".

Bên kia cửa khẩu Lao Bảo là nước bạn Lào, dãy núi cao uốn lượn ôm trong mình mảnh đất Lao Bảo bé nhỏ nằm lọt trong dãy núi mờ sương, xa xa những rừng phi lao xào xạc gọi nắng. Chúng tôi đến nhà tù Lao Bảo vào giữa trưa, không người soát vé, họ đã đi đâu?! Trước mắt là bãi đất rộng và khung cảnh đổ nát hoang tàn. Chỉ có khu đài tưởng niệm với những bức tượng được đắp xi măng sơn màu đỏ là có quy mô ngay ngắn. Và những hầm nhà lụt móng, những bức tường bong tróc, những hầm giam loang lổ vỡ vụn, chỉ còn lại dấu tích qua những ô cửa song sắt của phòng giam.

Trong dãy hầm giam những người tù cộng sản, thực dân Pháp thiết kế nền của phòng giam thấp xuống so với nền của mặt đất để những tù nhân chỉ có thể nhìn lên trời chứ không nhìn được xung quanh. Mảnh đất nơi đây, mảnh đất anh hùng, mỗi bờ cây, ngọn cỏ, tấc đất đã thấm đẫm máu ông cha. Nơi chúng tôi đang đứng nhìn xuống buồng giam khi xưa là nơi bọn lính đi lại tuần tra canh chừng những người tù cộng sản. Từ trên này chúng có thể bao quát toàn bộ các hoạt động của những người tù ở dưới hầm giam.

Cảnh đổ nát trong nhà tù Lao Bảo.

12 giờ trưa, nắng vàng chiếu xuống lung linh mặt đất, bãi cỏ xanh và rừng cây xào xạc lá. Tiếng ve kêu râm ran khắp cả khoảng sân rộng. Tháng này trở đi đã có gió Lào, nóng, vậy mà đứng trên bờ tường nhìn xuống hầm giam, chẳng hiểu sao chúng tôi cảm thấy nổi da gà. Vì lạnh chăng?! Lạnh làm sao được khi thời tiết đang là đầu hè ở địa ranh giáp với gió Lào như thế này?! Chúng tôi đã tìm ra câu trả lời. Ngay gần nhà giam thực dân Pháp cho xây nhà tra tấn.

Nhà tra tấn có hình tròn trông như một lô cốt nhỏ, bên trong hình tròn giặc cho xây một bệ xi măng hình chữ L để buộc những người tù cộng sản lên và tại đây chúng đã dùng những đòn cực hình tàn bạo nhất, xiềng xích, đóng đinh, cùm kẹp, tra tấn… Đã có biết bao chiến sĩ cách mạng kiên trung đã ra đi bởi những trận đòn thù của thực dân.

Có một cây cầu nhỏ để đi lên bờ thành của phòng tra tấn, khi đã đi hết cây cầu nhìn xuống bên dưới hình tròn là quá khứ như một thước phim sống động chầm chậm quay về. Cả thế kỷ đã qua đi, mà sao cảnh cũ người xưa như vẫn gần đâu đây.

Suốt những năm tháng chiến tranh, Mỹ đã cho không quân và pháo binh dội bom bắn phá  cho nên nhà đày Lao Bảo giờ đây chỉ còn lại cảnh hoang phế với vết tích bom đạn loang lổ.

Trong lịch sử của nhà tù Lao Bảo còn có nhà đồn trưởng, nhà tra tấn, hỏi cung, trại lính, kho, xưởng mộc, xưởng rèn… Nhưng nay chỉ còn lại cảnh hoang tàn đổ nát ngoại trừ Đài tưởng niệm Anh hùng - Liệt sĩ tại nhà giam Lao Bảo, nhà bia tưởng niệm Hồ Bá Kiện, quê tại Nghệ An, người chỉ huy cuộc bạo động  năm 1915, và những người đã hy sinh được xây dựng vào năm 1995. Nghĩa là sau 4 năm kể từ năm 1991 nhà tù Lao Bảo được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Cách vết tích của nhà hỏi cung khoảng 20m là nhà bia ghi danh các liệt sĩ, có một lư hương lớn bằng đồng, hương khói nghi ngút, trên ban thờ Tổ quốc Ghi công ấy có mười chén cơm nhỏ gạo trắng trên mỗi bát cơm là một miếng thịt và bên cạnh bát cơm là một đôi đũa, cúng những vong hồn liệt sĩ.

Hơn 40 năm tồn tại, nhà tù Lao Bảo có hàng trăm, hàng nghìn chiến sĩ đã hy sinh và nơi đây cũng thấm đẫm máu xương của các anh hùng liệt sĩ trong hai cuộc trường chinh của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Khung cảnh hiện nay tan hoang đổ nát điêu tàn, chỉ còn lại chút vết tích của một thời oanh liệt của cha ông trong lao khổ và kiên cường. Những lô cốt tra tấn, những ô vuông cửa sổ song sắt gỉ sét, những bờ tường nứt vỡ, những hầm giam sụt lở… Mỗi bờ cây, ngọn cỏ, tấc đất nơi đây đã thấm đẫm máu cha ông, những người chiến sĩ cộng sản kiên trung. Những đòn tra tấn cùm kẹp dã man nhất của kẻ thù đã không ngăn nổi tinh thần ấy, ý chí ấy, lý tưởng ấy, sự bất khuất của những người cộng sản.

Những người hành hương đến đây, trên con đường trở về nguồn cội không khỏi xót xa, nuối tiếc ngậm ngùi cho một di tích lịch sử hào hùng và bi tráng giờ tan hoang và nếu không khẩn trương để trùng tu tôn tạo sẽ trở thành phế tích.

Được biết tháng 8/2009, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt dự án trùng tu tôn tạo khu di tích này, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2011 song đến nay 2014 chúng tôi đến vẫn chưa khởi công. Nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo di tích gần như nhỏ giọt vì chỉ trông mong vào tiền bán vé mà tiền bán vé lại rất ít. Chợt nhớ ra khi đoàn chúng tôi đến đây, đi tìm người soát vé không thấy đâu cả. Trước khi ra về, chúng tôi có ý muốn gửi ít tiền nhờ bác soát vé mua hoa thắp hương trên đài tưởng niệm nhưng tìm mãi không thấy bác đâu.

Rời xa thị trấn Lao Bảo, xa nhà tù Lao Bảo, để lại đằng sau những câu thơ gan ruột của người tù cách mạng Trần Hữu Dực: "Của cải như không khí/ Cảnh vật như thần tiên/ Con người như thánh hiền/ Mới xây dựng được lý tưởng Cộng sản". Lời thơ của ông, cùng với những chứng tích lịch sử nơi đây đã làm nên một huyền thoại về Người Chiến Sĩ Cộng Sản

Trần Mỹ Hiền
.
.