Nhân cách lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 03/09/2007, 14:00
Nhiều học giả đã nghiên cứu về Cụ Hồ-Nhà lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, nhà sáng tạo tư tưởng, nhà văn hoá lớn của thế giới. Bài viết này chỉ xin đề cập đến một phạm vi hẹp hơn, đó là nhân cách Cụ Hồ, ngõ hầu góp phần nghiên cứu Cụ như một con người vĩ đại.

Trước hết, phải cắt nghĩa nhân cách là gì? Từ điển tiếng Việt ghi là “phẩm chất con người”. Theo sách “Đường Kách mệnh”, do chính Cụ viết thì nhân cách là “tư cách của người cách mạng”; được Cụ khái quát trong 23 điều ngắn gọn, thuộc về ba cách ứng xử của người cách mạng với: chính bản thân, với người khác và với công việc.

Về nhân cách Cụ Hồ, theo tôi, kết tụ trong 7 điểm cơ bản, cũng là 7 phẩm chất được con dân nước Việt và thế giới ngợi ca.

1. Ưu tiên đạo đức

Tôi cho rằng quan tâm thật nhiều đến đạo đức, nhân cách là  đặc điểm nổi bật nhất của Cụ Hồ, làm cho Cụ khác biệt hẳn với hầu hết các nhà lãnh đạo cách mạng khác ở cả ta và Tây.

Nhiều nhà sử học phương Tây đã sớm để ý đến điều khác biệt ấy và họ cứ đinh ninh rằng, đó là do ảnh hưởng của Khổng giáo. Đương nhiên, không thể phủ nhận ảnh hưởng lâu đời của Khổng giáo đến văn hóa Việt Nam.

Cá nhân tôi cho đó trước hết thuộc về truyền thống dân tộc – một đất nước chỉ trong vòng 2.000 năm – hai thiên niên kỷ đã phải hàng chục lần tiến hành kháng chiến chống lại kẻ thù xâm lược mạnh hơn ta gấp bội; muốn tồn tại không thể trông cậy vào số kiếp, mà phải dựa vào chất con người chiến đấu, lâu ngày thành nếp tư tưởng, quý trọng bậc nhất đạo đức, nhân cách, tính kiên trì bất khuất, đức quên mình vì nước, vì dân.

Nếu đặt nhân cách, đạo đức lên hàng đầu là duy tâm (như có người nói) thì việc sùng bái tiền hàng, chạy cuồng theo lợi nhuận là duy vật hay sao?

Bởi vậy, khi Lênin từ trần vào năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định rằng: Các dân tộc phương Đông sở dĩ kính mến Lênin vì vị thầy của cách mạng giải phóng sinh tiền là một “người khinh thường xa hoa, yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị”.

Khi mở lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên vào năm 1925 (Cụ Hồ lúc này lấy tên là Vương) đã đặt ra 23 điều thuộc về tư cách người cách mạng lên trang đầu của cuốn sách “Đường Kách mệnh”.

Cho nên, khi bàn về các tiêu chuẩn bầu chọn anh hùng quân đội trong kháng chiến, thì tiêu chuẩn đạo đức, nhân cách được Cụ đặt lên hàng đầu, trên cả những thành tích xuất sắc.

Tựa như trong “Luận ngữ”, sách tổ của đạo Nho, chữ “nhân” được nói đi nói lại nhiều nhất. Người đời sau quả có lý để nhận xét, đánh giá: đạo của Khổng phu tử là đạo nhân. Còn trong các bài viết của Cụ Hồ, chữ đạo đức cách mạng được sử dụng nhiều nhất. Con dân Việt Nam xem Cụ Hồ như bậc tái tạo lương tri, xây dựng phẩm chất, nhân cách cho các thế hệ cách mạng, cho kháng chiến và xây dựng hòa bình.

2. Tận tụy quên mình

Đạo đức của Cụ Hồ được cấu thành từ ba mệnh đề, trong đó, mệnh đề thứ nhất là: Trung với nước, Hiếu với dân. Nếu như ngày xưa “trung quân vương và hiếu phụ mẫu” (trung thành với vua, hiếu thảo với cha mẹ), đòi hỏi những gì thì ngày nay nội dung trung với nước, hiếu với dân cũng đòi hỏi như vậy; thậm chí còn cao hơn nữa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bà con nông dân Thái Nguyên -1954

Bởi thế, nếu đã trung với nước, hiếu với dân thì suốt đời phải tận tụy, quên mình phục vụ nước nhà, phục vụ nhân dân. Đây là cái đức lớn nhất, cái gốc của nhân cách Cụ Hồ, là điều mà đồng bào ta và nhân dân thế giới ngợi ca.

Cụ viết: “Bài học chính trong đời tôi là tuyệt đối và hoàn toàn cống hiến đời mình cho sự nghiệp giải phóng và thống nhất Tổ quốc, giải phóng giai cấp công nhân và dân tộc bị áp bức, cho sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, cho sự hợp tác anh em và hòa bình giữa các dân tộc”. Và Cụ đã làm đúng như vậy.

Quên mình vì nước, vì dân đã hiếm; mà tận tụy quên mình suốt đời phục vụ thì vô cùng hiếm hoi, chỉ có bậc thánh nhân và tông đồ của dân mới làm được trọn vẹn.

Học trò, vừa là bạn chiến đấu của Cụ – Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Cụ Hồ không có cái gì riêng; cái gì của nước, của dân là của Người; quyền lợi tối cao của nước, lợi ích hàng ngày của dân là sự lo lắng hàng ngày của Người; gia đình của Người là đại gia đình Việt Nam”.

Nhà báo Úc nổi tiếng thế giới là Búc-sét có dịp tiếp xúc với Người, đã nhận xét: “Nói tới một người mà cả cuộc đời mình để lại ân tình sâu nặng cho nhân dân thì không có một ai khác ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

3. Kiên trì, bất khuất

Có lẽ đoạn văn sau đây của nhà báo La-cót-tơ là tiêu biểu cho công luận quốc tế nhận xét một cách khách quan rằng:

“Trong ngót nửa thế kỷ, ông Hồ Chí Minh lãnh đạo một cuộc chiến đấu chưa từng có, về biến chuyển của chiến thuật và tình huống, về tính đa dạng của cách xử trí, về những hy sinh phải chấp nhận, về sức mạnh yếu khác nhau một trời một vực ở mặt vũ khí.

Bị tòa án thực dân xử tử hình, mươi lần thoát khỏi lưu đày và máy chém, khi thì mặc áo vàng nhà sư Thái Lan, khi thì mặc quân phục đệ bát lộ quân Trung Quốc. Và giành được chính quyền rồi, ông Hồ phải liên tiếp đương đầu với hai đế quốc phương Tây.

Thời nay có nhà cách mạng nào đủ gan lớn mật đầy để chống đối trật tự của các liệt cường với một quyết tâm bền bỉ đến thế? Ông Hồ đã hồi sinh một dân tộc, tái tạo một quốc gia, lãnh đạo hai cuộc chiến tranh, về cơ bản là chiến tranh của  những người bị áp bức.

Cuộc chiến đấu của ông chống Mỹ tỏ rõ các giới hạn của sức mạnh kỹ thuật khi đương đầu với con người”.

Dũng cảm, quyết tâm, bền bỉ, bất khuất  - Cụ Hồ là như vậy. Tờ Thế giới của Pháp đã có lần viết: “Người Mỹ có thể tàn phá hết đất nước này, nhưng đất nước này thậm chí sau khi bị tàn phá hết, cũng không cúi đầu khuất phục”.

Báo Quốc gia của Ấn Độ đã viết: “Đằng sau cái cốt cách dịu dàng của Cụ Hồ là một ý chí sắt thép. Dưới cái bề ngoài giản dị là một tinh thần quật khởi anh hùng  không có gì uy hiếp nổi”.

Điều đáng chú ý là phẩm chất, nhân cách đó của Cụ Hồ cũng là nhân cách, phẩm chất của các môn đệ của Cụ, và cũng là phẩm chất, nhân cách của đại đa số nhân dân Việt Nam. Cho nên cái hy vọng của Mỹ, hễ Cụ Hồ mất thì  kháng chiến tất sụp đổ, hy vọng đó trở thành tuyệt vọng.

4- Khiêm tốn, giản dị

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Cụ Hồ rất sôi nổi, long trời, lở đất đến như vậy, tiếng thơm lan khắp năm châu bốn bể, trong Đảng và Chính phủ (Nhà nước và đoàn thể) Việt Nam; Cụ Hồ là người lãnh đạo tối cao được kính mến như vậy; nhưng đời sống của Cụ rất bình thường, vô cùng giản dị, khiêm tốn. Tính giản dị, khiêm tốn của Cụ được ca tụng hết lời, cũng như đức quên mình vì mọi người.

Chủ tịch An-len-dơ của Chilê nhận xét: “Không bao giờ chúng ta thấy sự giản dị và sự vĩ đại đi liền với nhau như vậy”.

Ông M.Kha Li của Cộng hòa Arập thống nhất khẳng định: “Thiên thần thoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc sống giản dị, khiêm tốn”.

Cả Việt Nam, toàn thế giới đều biết đến bộ quần áo kaki sờn, đôi dép cao su mòn, ngôi nhà sàn gỗ đơn sơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chẳng phải từ những ngày đầu đào tạo cán bộ cách mạng (1925), Cụ Hồ với danh xưng là đồng chí Vương đã khuyên cán bộ phải “ít lòng ham muốn vật chất”, “không háo danh kiêu ngạo”.  Và Cụ đã sống như những gì Cụ dạy cán bộ. Tính khiêm tốn, giản dị còn thể hiện rõ trong Di chúc năm 1969: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân.

Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”...

Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam Đảo và Ba Vì...  Trên mộ nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi” (Hồ Chí Minh - Toàn tập - Tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, H,2002. tr.499).

Khó kiếm thay một người  công lao đã đạt đến đỉnh cao nhất của vinh quang mà vẫn giữ tính khiêm tốn, giản dị y như thuở hàn vi hoạt động trong vòng vây dày đặc của kẻ thù. Gương sáng chói ấy không một hạt bụi nào có thể bám được.

(Xem tiếp ANTG số 684, thứ Tư ra ngày 29/8/2007)

Giáo sư Trần Văn Giàu
.
.