Nhìn lại những đại dịch khủng khiếp trong lịch sử
- Tây Ban Nha có ngày bi thảm nhất lịch sử vì đại dịch COVID-19
- Thế giới cần đoàn kết chống đại dịch COVID-19
- Iran và lời khẩn cầu giữa đại dịch
Cho đến nay, Y học đã tổng kết những đại dịch lớn nhất lịch sử, gồm dịch hạch, dịch tả, đậu mùa, cúm… mà mỗi trận dịch, con số người chết không dưới 200.000, chưa kể đến dịch HIV, Ebola, SARS, MERS và COVID-19 đã và đang diễn ra…
Bệnh dịch hạch – Không còn ai để chết
Khởi phát từ Ai Cập năm 541 sau Công nguyên, vi trùng gây bệnh dịch hạch theo chân loài chuột đen, sống trong các tàu buôn đến Constantinople, thủ đô của Đế quốc Byzantine - lúc này do Hoàng đế Justinian cai trị nên vì thế, nó được gọi là Đại dịch Justinian.
Chỉ 6 tháng sau khi một nhà buôn ngũ cốc ở Constantinople nhiễm bệnh, cả thành phố hầu như "không còn ai để chết". Sau đó, như một đám cháy rừng mùa khô, nó lan qua châu Âu, châu Á, Bắc Phi và bán đảo Arab, giết chết khoảng 50 triệu người (bằng 1/2 dân số thế giới lúc ấy).
Thoạt đầu, người ta không hiểu dịch bệnh đến từ đâu, nhưng dần dà họ nhận thấy ở nơi nào có loài chuột đen thì nơi đó có bệnh (vì thế nó còn có một cái tên khác là "cái chết đen").
Biện pháp đầu tiên của con người khi ấy là tìm đủ mọi cách giết sạch loài chuột nhưng có nhiều thành phố, làng mạc…, giết hết chuột rồi mà vẫn nhiễm, vẫn chết. Đại dịch chỉ tạm kết thúc khi cơ thể những người may mắn sống sót sản sinh ra kháng thể chống lại vi trùng gây bệnh dịch hạch.
Tranh vẽ mô tả người chết vì dịch hạch ở Constantinople. |
800 năm sau - năm 1347 - "cái chết đen" quay lại châu Âu. Lần này nó giết chết 200 triệu người. Trận đại dịch cuối cùng xảy ra vào năm 1665, giết chết 100.000 người ở London, Anh sau 7 tháng.
Chỉ đến khi nhà bác học Yersin tìm thấy mầm bệnh phát xuất từ loài bọ chét sống ký sinh trên cơ thể chuột rồi khi chuột chết, bọ chét phải tìm vật chủ khác để tồn tại - mà vật chủ ấy không gì lý tưởng hơn là cơ thể con người - cộng với việc bác sĩ Fleming tìm ra thuốc kháng sinh Penicilline thì nhân loại mới từng bước tiêu diệt dịch bệnh này.
Cũng cần phải nói thêm rằng Đế quốc La Mã (Italy ngày nay) là quốc gia đầu tiên trên thế giới đề ra biện pháp cách ly. Năm 545 sau Công nguyên, tất cả mọi thủy thủ trên các con tàu buôn khi cập bến Venice đều phải ở yên trên tàu 40 ngày để chứng minh rằng họ không bị bệnh.
Dịch đậu mùa và những nốt rỗ
Đậu mùa có lẽ là dịch bệnh cổ xưa nhất, nó xuất hiện khoảng 10.000 năm trước Công nguyên. Khi khai quật xác ướp của Pharaon Ramses thời Ai Cập cổ đại, các nhà khoa học đã nhìn thấy dấu vết các mụn mủ do virus Variola gây bệnh đậu mùa trên da mặt ông này.
Nhiều thế kỷ sau Công nguyên, đậu mùa vẫn là căn bệnh đặc hữu của bán đảo Arab và một phần châu Phi, châu Á. Đến thế kỷ 15, khi các nhà thám hiểm châu Âu đặt chân đến các vùng đất này thì bệnh đậu mùa bắt đầu lan rộng ra.
Tranh vẽ minh họa cảnh bác sĩ Edward Jenner tiêm chất lỏng lấy từ mụn đậu mùa cho cậu bé Phillip. |
Ở Bắc Mỹ, 90 đến 95% dân bản địa bị xóa sổ bởi bệnh đậu mùa trong thế kỷ 16. Ở Mexico - Nam Mỹ - 11 triệu dân nước này biến mất khỏi các thành phố, làng mạc. Người nhiễm bệnh thường xuất hiện những mụn nước nhỏ trên da hoặc mụn mủ nếu bị nhiễm trùng. Nếu may mắn sống sót, các mụn vỡ ra, đóng vảy rồi để lại sẹo rỗ.
Những năm cuối thế kỷ 18, 400.000 dân châu Âu chết vì đậu mùa. Những người sống sót thì 1/3 bị mù. Cũng thời điểm này, một bác sĩ người Anh là Edward Jenner nhận thấy những người vắt sữa những con bò bị bệnh đậu mùa thì họ cũng nhiễm nhưng rất nhẹ. Do các triệu chứng bệnh tương tự như nhau nên Jenner gọi nó là "bệnh đậu bò".
Tìm gặp rồi thuyết phục một cô gái trẻ là Sarah Nelms, làm nghề vắt sữa bò và đang bị bệnh đậu bò, bác sĩ Jenner lấy vài giọt chất lỏng từ các vết loét mới phát triển trên bàn tay và cánh tay Sarah Nelms. Sau đó, ông tiêm chất lỏng này vào tay cậu bé James Phillip, 8 tuổi, con của người làm vườn cho ông.
Vài ngày sau khi tiêm, Phipps sốt nhẹ. 9 ngày tiếp theo, cậu bé cảm thấy ớn lạnh và ăn không ngon nhưng tất cả những triệu chứng ấy nhanh chóng biến mất vào ngày kế tiếp. 2 tháng sau Jenner tiến hành kiểm tra bằng cách tiêm chất lỏng chứa mầm bệnh đậu mùa của người đang bị bệnh vào người Phillip nhưng cậu bé không nhiễm. Hơn thế nữa, Phillip còn miễn dịch với bệnh này cho đến suốt đời.
Phương pháp "tiêm ngừa" của Jenner đã giúp châu Âu đẩy lùi đại dịch đậu mùa. Năm 1800, việc tiêm chủng trở nên phổ biến ở hầu hết các nước châu Âu rồi sau đó lan rộng ra toàn thế giới. Tuy nhiên do nơi tiêm nơi không nên trong thế kỷ 20, vẫn có từ 300 đến 500 triệu người chết vì đậu mùa mặc dù năm 1980, Tổ chức Y tế Thế giới chính thức tuyên bố bệnh đậu mùa đã hoàn toàn bị xóa sổ.
Dịch “thời khí” (dịch tả)
Có nguồn gốc từ tiểu lục địa Ấn Độ, vùng châu thổ sông Hằng thời cổ đại, bệnh tả được chính thức ghi nhận tại Trung Quốc khoảng 600 năm trước Công nguyên và được gọi là "bệnh thời khí" vì nó xuất hiện trong mùa nóng, người nhiễm bệnh "miệng nôn, trôn tháo" rồi tử vong.
Y học Trung Quốc lúc ấy quan niệm rằng người mắc "bệnh thời khí" không nên uống nước vì càng uống nhiều, đi ngoài càng... ra nước! Hậu quả là bệnh nhân chết rất nhanh do mất nước, dẫn đến rối loạn điện giải, trụy tim mạch.
Năm 1563, đại dịch tả tàn phá đất nước Ấn Độ với số người chết ước khoảng 250.000. Sau đó, theo các tuyến đường bộ và đường biển, nó lan đến nước Nga và phần còn lại của châu Âu khiến hơn 600.000 người thiệt mạng. Năm 1832, bệnh tả giết chết 40.000 người dân Paris còn với nước Anh, trong 2 năm 1848-1849, đã có 70.000 người chết. 5 năm sau, dịch quay lại, 1/8 dân thành phố London qua đời.
Thời điểm ấy, các bác sĩ Anh tin rằng bệnh tả lây lan qua không khí. Họ gọi nó là "Miasma" nhưng bác sĩ John Snow nghi ngờ căn bệnh bí ẩn giết chết nạn nhân trong vài ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, có thể nằm trong nước uống của thành phố London.
Bằng cách cập nhật hồ sơ bệnh án, báo cáo tử vong của 500 bệnh nhân, John Snow đã tạo ra một bản đồ địa lý, cho thấy cả 500 người này đều uống trực tiếp nước máy ở trạm bơm Broad Street - là 1 trong 4 trạm bơm chính của thành phố.
Để chứng minh cho nghi ngờ của mình, bác sĩ John Snow thuyết phục các quan chức địa phương tháo bỏ tay bơm của trạm bơm Broad Street khiến nó không sử dụng được. Kết quả là số cư dân sống xung quanh trạm bơm Broad Street nhiễm bệnh giảm hẳn nhưng cùng lúc với phát kiến của bác sĩ John Snow, đã có thêm 23.000 người London chết vì chứng bệnh này.
Tại miền Bắc Việt Nam, thời Pháp thuộc - năm 1937 - dịch tả bùng phát giết chết 75.000 người. Gần đây nhất - năm 1991 - dịch tả xuất hiện ở Peru rồi nhanh chóng lan sang Ecuador, Colombia, Mexico và Nicaragua theo con đường vận chuyển hải sản, hậu quả là 12.000 người chết.
Đến nay, mặc dù vắc xin ngừa tả đã trở nên phổ biến nhưng theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm toàn cầu vẫn có từ 3 đến 5 triệu người nhiễm vi trùng tả và số tử vong ước tính khoảng 58.000 - 130.000 trường hợp, chủ yếu ở các quốc gia đang phát triển mà nguyên nhân là một số nước không công bố số liệu chính xác do e ngại ảnh hưởng đến ngành du lịch.
Dịch cúm Tây Ban Nha – “Mẹ” của các đại dịch
Theo các nhà dịch tễ học, Thế chiến I từ khi bùng nổ đến lúc kết thúc (1914-1918), giết chết gần 30 triệu người nhưng dịch cúm Tây Ban Nha (1918-1920) đã giết chết khoảng 50 triệu người trong tổng số 500 triệu người nhiễm bệnh (1/4 dân số thế giới lúc ấy). Nó được xem là thảm họa toàn cầu, là dịch bệnh kinh hoàng nhất thế giới cho đến ngày nay và được gọi là "mẹ của các đại dịch".
Bệnh nhân nhiễm cúm tây Ban Nha trong một bệnh viện ở Mỹ. |
Nguồn gốc của dịch cúm Tây Ban Nha được cho là từ châu Á nhưng những người lan truyền mầm bệnh lại là người Mỹ. Thời điểm ấy, Thế chiến I đã ở giai đoạn kết thúc và hơn 1 triệu lính Mỹ tham gia lực lượng Đồng Minh chống lại người Đức đã mơ tưởng đến ngày về nhà. Tuy nhiên, đùng một cái, họ nhiễm cúm. 43.000 lính chết trong những tháng đầu tiên.
Những người còn lại mang mầm bệnh về Mỹ. Từ thành phố Boston, virus cúm lan đến đến New York, Philadelphia, St Louis, San Francisco cùng nhiều thành phố khác, dẫn đến cái chết của 675.000 người Mỹ, phần lớn đều ở độ tuổi từ 20 đến 40. Sau đó, nó tràn xuống Nam Mỹ, qua châu Âu, châu Á, châu Phi và nam Thái Bình Dương. Tại Tây Ban Nha, chỉ trong tháng 5/1918, quốc gia này đã có 8 triệu người chết.
Theo các nhà dịch tễ học, việc che giấu thông tin cũng được coi là nguyên nhân khiến dịch bệnh lan từ châu Âu ra những nơi khác trên thế giới. Tại Ấn Độ và Trung Quốc, ước tính có khoảng 6 triệu người chết nhưng ở châu Phi, do không có con số thống kê nên nhà sử học Alfred Crosby, Đại học Harvard chỉ phỏng đoán số người chết vào khoảng 18,5 triệu người, phần lớn ở các cộng đồng dân cư nghèo khó.
Cũng chính vì che giấu thông tin dịch bệnh nên việc phổ biến kiến thức trong phòng tránh cũng như các kinh nghiệm trị liệu không được phổ cập, dẫn đến hệ quả là ở một số quốc gia, người ta điều trị cúm Tây Ban Nhà bằng các loại thuốc như Aspirine, Quinin, Iodine…, thậm chí là cả hun khói và tắm lạnh nữa! Mãi đến thập niên 1930, khi các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm phân lập được virus cúm Tây Ban Nha thì cái nhìn về cách phòng ngừa, điều trị mới thay đổi.
Sau đại dịch cúm Tây Ban Nha, năm 1921, các chính trị gia quốc tế nói chung đã nhìn ra thảm họa nên họ đề nghị thành lập Cơ quan Y tế của Hội Quốc Liên, tiền thân của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện nay với chức năng chính là kiểm soát dịch bệnh, thông tin về dịch bệnh, điều phối sự hợp tác quốc tế.
Về mặt xã hội, trình độ phát triển kinh tế, hệ thống y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật…, nếu so sánh vào thời xảy ra đại dịch cúm Tây Ban Nha và dịch COVID-19 hiện nay thì rõ ràng có rất nhiều điểm khác nhau, thậm chí khác nhau một trời một vực.
Các xã hội đương đại - đặc biệt là các quốc gia phát triển - có nhiều tiềm năng để đối phó hơn. Tuy nhiên, bài học căn bản mà đại dịch cúm Tây Ban Nha để lại chính là việc theo dõi sát dịch bệnh, minh bạch thông tin, phối hợp tổ chức các biện pháp can thiệp để ngăn chặn ngay từ đầu, hạn chế tác hại của dịch bệnh.
Điều này đặc biệt quan trọng đối với những cộng đồng nghèo khổ, vốn thường là nạn nhân đầu tiên của dịch bệnh.
Cuối cùng, sẽ không thừa khi kể thêm một số dịch bệnh khác cũng đã từng làm nhân loại điêu đứng: Đó là HIV, khởi phát từ 1981 và kéo dài đến tận ngày nay với 36 triệu người chết. Đó là Hội chứng suy hô hấp cấp SARS với 774 trường hợp tử vong. Đó là Hội chứng suy hô hấp cấp vùng Trung Đông MERS với 450 người chết và đó là dịch Ebola với 14.650 người lìa đời…