Kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2019):

Nhớ Bác Hồ trồng cây năm xưa

Thứ Hai, 04/02/2019, 09:44
Xuân Kỷ Dậu 1969, sức khỏe của Bác Hồ đã yếu đi nhiều, những triệu chứng đáng lo ngại về bệnh tim của Người ngày càng xuất hiện rõ ràng. Hội đồng bác sĩ đưa ra một số yêu cầu đề nghị Người phải tránh xúc động mạnh, tránh đi lại nhiều và làm việc căng thẳng. Từ đầu tháng Chạp, Người đã bị lạc giọng, dù các bác sĩ tích cực chữa trị nhưng chỉ đỡ được phần nào.

Vì muốn lời chúc mừng năm mới gửi tới đồng bào chiến sĩ cả nước qua máy thu thanh đêm giao thừa được rõ ràng, khỏe khoắn, Người đã luyện tiếng bằng cách đọc thơ Kiều một tuần liền. Ngày 6-2-1969 (20 tháng Chạp), lúc 10h15 sáng tại phòng khách nhỏ trong Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đọc to lời chúc mừng năm mới vào máy ghi âm để phát vào đêm 30 tết tới nhân dân cả nước. Sau khi đọc xong, Người ngồi nghỉ một lúc rồi mới quay về nhà sàn.

Bác Hồ trồng cây tại đồi Vật Lại, Hà Tây, ngày 16-2-1969.

Chiều 12-2-1969 (26 tháng Chạp), Bác Hồ gặp một số con em cán bộ đang công tác ở miền Nam, mời các cháu ăn bánh chưng, mứt tết, hỏi thăm việc học hành của các cháu và chúc các cháu mau tiến bộ để cha mẹ yên tâm công tác. Sáng 13-2-1969, Bác Hồ tiếp thân mật đoàn thiếu nhi dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc. Buổi chiều, Người cùng các cháu tiếp đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Cu Ba - Việt Nam.

Đồng chí Melba Heznades, Trưởng đoàn viết trong hồi ký: “Sau khi hỏi tên từng người trong đoàn đại biểu Cu Ba, Bác vui vẻ kể cho đoàn nghe về thành tích của từng cháu thiếu nhi miền Nam từ 11 đến 14 tuổi. Bác khẳng định bây giờ Việt Nam đang phải chống Mỹ nhưng sau này chắc chắn là Cu Ba cũng sẽ phải đương đầu với Mỹ và đó sẽ là một cuộc chiến trường kỳ. Người còn kể khi trẻ đã làm việc trên một con tàu có dịp đi qua các nước Mỹ Latinh nhưng chưa dừng chân ở Cu Ba nên khi nào kết thúc chiến tranh Việt Nam, Người sẽ đến thăm đất nước Cu Ba. Hôm đó, Bác dẫn đoàn ra thăm vườn hồng do chính tay Người chăm sóc và hái tặng mỗi thành viên nữ một bông hồng. Đến giờ tôi vẫn giữ những cánh bông hồng đó của Bác, ép trong một cuốn sách”.

Ngày 14-2-1969, từ 10h đến 11h15 tại Phủ Chủ tịch, Bác Hồ tiếp các đại biểu trong Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam ra thăm miền Bắc. Ngày 15-2-1969 (29 tết, năm đó không có ngày 30 tết), Bác Hồ gửi tặng lẵng hoa cho một số cơ quan, đơn vị ở Hà Nội như khối 30 khu phố Đống Đa, phân đội 5 Đoàn công an vũ trang bảo vệ Thủ đô.

Tối tất niên, Người tham dự chương trình liên hoan văn nghệ mừng xuân do các đơn vị: Đội nữ Mai Hoa quyền của Cục Cảnh vệ, câu lạc bộ thiếu nhi quận Ba Đình, Đoàn văn công giải phóng, Đoàn ca múa nhạc Trung ương, Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, Đoàn nghệ thuật công an vũ trang cùng một số ca sĩ, nghệ sĩ tham gia biểu diễn.

Trong không khí sôi nổi, vui vẻ, đầm ấm, Người tặng hoa cho các diễn viên sau mỗi tiết mục biểu diễn. Sau khi đội nữ Mai Hoa quyền biểu diễn kết thúc chương trình, Người đứng dậy tặng hoa cho đội và nói: “Bác cảm ơn các cháu đã biểu diễn cho Bác xem một chương trình mừng xuân rất hấp dẫn. Bác thấy mình trẻ lại. Nhân dịp chuẩn bị bước sang năm mới, Bác chúc các cháu mạnh khỏe, cố gắng hơn nữa trong công tác!”.

Trong tiếng hoan hô vang dậy, Bác - cháu cùng chụp ảnh kỷ niệm và Người bắt nhịp cho tất cả hát vang bài “Kết đoàn” trước khi chia tay... Đúng giao thừa, thơ chúc tết của Bác Hồ âm vang trên đài phát thanh: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.../ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn!”.

Bác Hồ cùng các cháu thiếu nhi miền Nam chụp ảnh kỷ niệm với đoàn Viện hữu nghị Cu Ba ngày 13-2-1969 (Đoàn đại biểu Hội hữu nghị Cu Ba - Việt Nam).

Về kế hoạch chúc tết, ngay từ đầu tháng Chạp, Người đã nói với đồng chí thư ký Vũ Kỳ về một chương trình đi chúc tết rất phong phú: Thăm địa phương có phong trào trồng cây tốt ở Sơn Tây; chúc tết Trung đoàn Thông tin, trên đường đi sẽ ghé vào trại chăn nuôi bò giống, thăm một hợp tác xã nông nghiệp điển hình rồi đến Trường miền Nam Nguyễn Văn Trỗi để thăm các cháu học sinh và Người còn dặn thêm chuẩn bị trồng một cây đa ở đồi Vật Lại (Ba Vì).

Đồng chí thư ký Vũ Kỳ lo lắng bàn bạc với bác sĩ Nhữ Thế Bảo, người trực tiếp phụ trách chăm sóc sức khỏe cho Bác. Cả hai nhất trí cùng báo cáo sự việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhờ Thủ tướng khuyên can Bác thay đổi chương trình chúc tết quá nặng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của Người. Hôm sau, khi cùng ăn trưa với Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng xin phép đi chúc tết công nhân mỏ than Hòn Gai và nhân đó đề nghị Người giảm bớt một số địa điểm đi thăm trong dịp tết để đảm bảo sức khỏe.

Bác Hồ trầm ngâm trả lời: “Các chú phải hiểu cho Bác. Tết đến Bác đi thăm nhân dân mà các chú lại ngăn Bác sao? Vừa chưa đi đã ngại mệt thì làm được việc gì?”.

Đồng chí Vũ Kỳ biết không thể thay đổi quyết tâm của Người nên đã chủ động gặp đồng chí Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng, phụ trách Quân chủng phòng không không quân (PK-KQ) đề xuất việc Bác Hồ sẽ đi thăm quân chủng ở sân bay Bạch Mai và đề nghị đồng chí thu xếp chương trình gặp gỡ, chúc tết để sau đó Bác Hồ lên Sơn Tây trồng cây. Sau khi thống nhất kế hoạch, đồng chí Vũ Kỳ báo cáo lại với Bác Hồ là mới có thêm chương trình chúc tết quân chủng PK-KQ, tin này làm Người vui hẳn lên...

Đúng 6h30 ngày 16-2-1969 (mùng 1 tết Kỷ Dậu), Bác Hồ cùng các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng xuất hành từ nhà sàn đến sân bay Bạch Mai. Tại hội trường lớn, Người đã gặp gỡ, nói chuyện với các đại biểu anh hùng, chiến sĩ thi đua, đại biểu các đơn vị có thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Người vui vẻ lần lượt bắt tay, chuyện trò, thăm hỏi từ phi công Nguyễn Văn Cốc đến chiến sĩ nuôi quân Tạ Thị Nhung. Biết anh Cốc đã bắn rơi 9 máy bay địch, Người chúc năm mới binh chủng sẽ có nhiều người như đồng chí Cốc hơn nữa...

Đến 9h30, Bác Hồ chia tay bộ đội PK-KQ, lên xe tiếp tục chương trình chúc tết. Đồng chí Vũ Kỳ báo cáo với Người là nhân dân và cán bộ Hà Tây đã tập trung ở thị xã Sơn Tây để đón Bác nên nếu đi thăm các nơi khác nữa thì không kịp thời gian, Người đành đồng ý lên thẳng Vật Lại. Đúng 11h, xe của Người đến nơi.

Các cụ phụ lão, các đồng chí cán bộ lãnh đạo và nhân dân địa phương, các cháu thiếu nhi đã chờ sẵn, vui mừng đón Bác Hồ ngày đầu năm mới. Người vui vẻ chúc tết các cụ cao niên, hỏi thăm phong trào trồng cây gây rừng ở xã và việc trả thù lao cho các cụ trồng cây. Người chia kẹo cho các cháu thiếu nhi và căn dặn các cháu tùy sức tham gia lao động giúp đỡ cha mẹ.

Các đồng chí Bạch Thành Phong, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây và Phạm Kiệt, Tư lệnh Bộ đội biên phòng mời Bác trồng cây. Khi đến hố trồng cây, Người vừa cầm xẻng xúc đất đổ vào gốc cây, vừa hỏi xem khi chuẩn bị cây có còn nguyên rễ cái để cây phát triển không. Vun đất xong, Người cầm bình nước tưới cho cây. Trồng cây xong, Bác Hồ cùng mọi người vui vẻ quây quần dưới tán bạch đàn trò chuyện. Chị Đỗ Thị Soạn, Bí thư Đảng ủy xã Tòng Bạt báo cáo với Người về tình hình nhân dân trong xã. Nghe xong, Người căn dặn: “Phải dân chủ với dân. Phải để cho dân phê bình cán bộ, đảng viên”.

Bác Hồ trồng cây tại đồi Vật Lại, nói chuyện với nhân dân, cán bộ và thiếu nhi Hà Tây ngày 16-2-1969.

Nghe đồng chí Chủ nhiệm hợp tác xã Hợp Thịnh báo cáo hợp tác xã đã không tổ chức ăn uống hoang phí, biết tiết kiệm cho xã viên, Người hài lòng khen ngợi. Câu chuyện ngày càng đậm đà, sôi nổi hơn, Người nói thêm: “Đất nước bây giờ là của ta, cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”.

Thấy thời gian đã muộn, đồng chí Bí thư mời Bác về cơ quan Tỉnh ủy dùng cơm và nghỉ trưa nhưng Người nói: “Bác đã chuẩn bị thức ăn trưa rồi, mời chú Phong, chú Kiệt và các cô, các chú có mặt ở đây cùng ăn tết với Bác”. Mọi người phấn khởi, vui vẻ ngồi quây quần xung quanh Bác, vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả.

Bữa cơm tết dã ngoại có bánh chưng, giò, thịt, dưa hành và canh nóng. Sau bữa cơm, thấy đồng chí Bí thư vẫn còn tỏ vẻ băn khoăn, Bác hiểu ý liền bảo: “Đi chơi xuân nơi đồi núi thơ mộng thì phải lấy trời làm màn, đất làm chiếu. Thảm cỏ sạch thế này tôi nằm nghỉ ngay đây có khoái không?”. Mặc dù anh em đã chuẩn bị giường bạt nhưng Người cởi áo làm gối, ngả lưng giữa đồi cỏ.

Buổi chiều, khi Người ra về, đồng bào chờ tiễn rất đông dưới chân đồi. Anh em lo Người đang mệt, không muốn cho mọi người nhìn thấy nên đề nghị Người cứ ngồi trong xe vẫy chào tạm biệt nhưng Người không đồng ý: “Nhân dân yêu quý Bác nên mới chờ để tiễn Bác. Bây giờ Bác lại ngồi trên xe để vẫy chào nhân dân thì không phải với dân!”. Và Người đã cố gắng chống gậy đi bộ, tươi cười vẫy tay chào lại đồng bào rồi mới lên xe về Hà Nội.

Chiều hôm đó, Người cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời Anh hùng Tạ Thị Kiều vào cùng ăn cơm. 6h sáng ngày 19-2-1969, Bác Hồ đau tức ngực. Các bác sĩ đến làm điện tâm đồ thấy vùng tim bên trái có hiện tượng cung cấp thiếu máu nên cho Người thở thêm ôxy. Ngày hôm đó, Người vẫn gửi tặng huy hiệu cho 3 cán bộ tỉnh Hà Tây có thành tích về chăn nuôi, trồng cây và cải tiến kỹ thuật.

Người còn gửi điện chúc mừng năm mới phái đoàn ngoại giao của ta đang công tác ở Paris và các bạn Pháp bằng bài thơ: “Xuân gà túc tác đến nơi/ Gửi người thân thiết mấy lời mừng xuân/ Gà xuân túc tác rạng đông/ Đưa tin thắng lợi cờ hồng bay cao”.

Đỗ Hoàng Linh (PGĐ Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)
.
.