Nhớ Liên Xô và những người thầy Xô Viết

Thứ Năm, 02/11/2017, 12:53
Vào một ngày đầu tháng 10 năm 1985, tám anh em chúng tôi được Bộ Nội vụ cử sang Thủ đô Matxcơva, Liên Xô học nghiên cứu sinh. Trời mùa đông nên Matxcova khá lạnh. Tôi đã từng ở châu Âu rồi nên cũng đã quen với mùa đông châu Âu. Tuy nhiên Liên Xô rét hơn CHDC Đức rất nhiều.

Đón anh em chúng tôi ở sân bay quốc tế Seremetrevo 2 là đồng chí Trung tá V.Secbacop, người phụ trách nghiên cứu sinh quốc tế của Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô và một số anh chị nghiên cứu sinh hai khóa trên.

Cùng khóa nghiên cứu sinh với tôi năm ấy có anh Nguyễn Văn Cảnh, sau là Thiếu tướng GS.TS, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân; anh Nguyễn Huy Thuật, nay là Thiếu tướng, GS.TS, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân. Ngoài ra còn có các anh Phạm Đức Chấn, Trưởng phòng của Cục Cảnh sát trại giam, về sau là Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ Tư pháp, Bộ Công an; anh Nguyễn Phương, sau là Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Công an; anh Lưu Vinh, sau là Đại tá, Phó Tổng biên tập Báo Công an nhân dân; anh Đỗ Ngọc Quang, sau là Giáo sư, Tiến sỹ, đại biểu Quốc hội và là Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội; anh Phạm Văn Tỉnh, sau là Phó Giáo sư, Tiến sỹ, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Năm đầu tiên sang Liên Xô, chúng tôi được bạn bố trí học Tiếng Nga. Tôi và 3 anh em trong đoàn được một cô giáo người gốc Uzbekistan dạy. Bố cô là Bộ trưởng Nội vụ nước Cộng hòa, vì vậy cô luôn coi trọng tình đoàn kết giữa các dân tộc trong Liên bang Xô viết. Mỗi khi chúng tôi lỡ nói người Nga thì cô sửa ngay là người Xô viết. Kết thúc khóa học tôi và một số anh em được 5 điểm và bước vào 3 năm nghiên cứu sinh.

Do kết quả học tập tốt nhất khóa nên tôi được Học viện bạn bố trí Giáo sư G.G.Zuicop, Phó Giám đốc thứ nhất, Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô làm người hướng dẫn khoa học. Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên đến gặp thầy G.G.Zuicop. Lúc này thầy đã gần 70 tuổi, sức khỏe yếu nhưng vẫn rất minh mẫn và say mê khoa học. Thầy ân cần hỏi thăm gia đình tôi, bản thân tôi. Khi nghe tôi nói đã từng học ở CHDC Đức, thầy hỏi ngay có biết Giáo sư E.Stelzer, Chủ nhiệm Khoa hình sự Trường ĐHTH Humbolt, Berlin không? Thầy xem và đồng ý với đề tài Luận án Phó tiến sỹ của tôi “Thực nghiệm điều tra trong điều tra vụ án hình sự (qua thực tiễn Bộ Nội vụ nước CHXXHCN Việt Nam)” và kế hoạch nghiên cứu.

Bộ trưởng Trần Đại Quang tiếp Đoàn các thầy giáo Xô Viết năm 2014.

Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô là một trung tâm đào tạo lớn của Liên Xô và ngành Nội vụ Xô viết. Nơi đây tập trung nhiều nhà khoa học lớn như GS.TS R.S Belkin, GS.TS G.G.Zuicop, GS.TS E.Mincopxki, GS.TS. E.Igosev,… Chủ nhiệm Khoa Khoa học hình sự của chúng tôi là Đại tá PGS.TS G.Kolomatxki, rất quý các nghiên cứu sinh Việt Nam nhưng cũng rất nghiêm khắc về khoa học. Tôi đã đọc nhiều sách về Khoa học hình sự, Khoa học quản lý, Khoa học Trinh sát, v.v. và luôn mơ tưởng đến một ngày sẽ cùng đồng nghiệp viết được những công trình khoa học như thế này. Và quả thật chỉ ngay sau khi về nước, anh Nguyễn Huy Thuật, một bạn nghiên cứu sinh cùng đoàn với tôi khi được Bộ điều động về Trường Đại học CSND (nay là Học viện CSND) làm giảng viên, anh đã miệt mài nghiên cứu, tham khảo sách, tài liệu của các thầy Xô viết và viết nhiều giáo trình về Khoa học hình sự đào tạo bậc đại học, sau đại học.

GS.TS Zuicop, thầy hướng dẫn khoa học của tôi là một nhà khoa học viết rất nhiều sách về Tham mưu, quản lý, lãnh đạo, chỉ huy. Tôi đã dịch cuốn sách “Công tác Tham mưu trong hoạt động Bộ Nội vụ” của ông và sau này qua tham khảo cuốn sách chuyên khảo nổi tiếng này, cộng với các kinh nghiệm thực tế Việt Nam, tôi đã biên soạn cuốn sách chuyên khảo “Công tác tham mưu Công an nhân dân” và in tại Nhà xuất bản Công an nhân dân năm 1999.

Năm 1987, sau hai năm ở Liên Xô, chúng tôi được về nước thực tập. Sau thời gian về nước thực tập, tháng 10 năm 1987, chúng tôi quay trở lại Liên Xô, không khí 70 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại rộn ràng và náo nức. Nhưng có ai biết đâu rằng, chỉ hai năm sau thôi, vào năm 1989, Liên Xô bắt đầu đối mặt với muôn vàn khó khăn, mà trước tiên là khó khăn về kinh tế. Hàng hóa trong các cửa hàng hầu như không có, kể cả thực phẩm thiết yếu. Đi chợ xếp hàng hàng tiếng đồng hồ mới mua được 1 con gà “quàng khăn đỏ”.

Quay trở lại Liên Xô thì anh em chúng tôi gặp hàng loạt khó khăn, trắc trở. Do cao trào cải tổ, công khai nên Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô bắt đầu cuộc cải cách. Hàng loạt nhà lãnh đạo kỳ cựu, trong đó có GS.TS Zuicop, Phó Giám đốc thứ nhất Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô, thầy hướng dẫn khoa học của tôi bị buộc thôi giữ chức vụ lãnh đạo và chuyển xuống làm chuyên gia. Thầy bị sốc và do sức khỏe yếu nên thầy đã mất đột ngột.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm cùng người bạn đời thăm lại trường xưa - Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô (nay là Học viện quản lý, lãnh đạo Bộ Nội vụ Liên bang Nga) vào mùa đông năm 2013.

Thật may mắn, do tôi còn 2 năm nghiên cứu sinh nữa nên Học viện bạn đã tìm cho tôi một thầy giáo mới là Đại tá PGS.TS E. Lipsit, đã về hưu làm người hướng dẫn khoa học. Ông vốn gốc người Do Thái nên rất thông minh và có cá tính. Ông nói, chỉ sau khi gặp tôi mới quyết định có nhận tôi làm hướng dẫn khoa học hay không. Và may mắn cho tôi, sau khi gặp, thầy đã vui vẻ nhận tôi để hướng dẫn khoa học. Dưới sự giúp đỡ, hướng dẫn của thầy E.Lipsit và các thầy cô giáo Khoa Khoa học hình sự Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô, tôi đã từng bước trải qua các khâu Hội thảo luận án cấp Khoa, bảo vệ cấp cơ sở và hoàn chỉnh các thủ tục bảo vệ Luận án Phó Tiến sỹ cấp Nhà nước. Vào giai đoạn này, Học viện Bộ Nội vụ Liên xô cử một Thiếu tá trẻ S.Mukhin phụ trách nghiên cứu sinh. Đồng chí S.Mukhin rất tích cực trong hỗ trợ các thủ tục nghiên cứu sinh và luôn sẵn lòng giúp đỡ các nghiên cứu sinh Việt Nam trong cuộc sống.

Và một ngày cuối tháng 11 năm 1989, tôi được Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô tổ chức bảo vệ Luận án Phó Tiến sỹ Luật học. Các nhà khoa học phản biện, Trường Cao đẳng Cảnh sát Matxcova Bộ Nội vụ Liên Xô (nay là Trường ĐHTH Matxcova Bộ Nội vụ Liên bang Nga) là Cơ quan phản biện luận án của tôi đều đánh giá rất cao kết quả luận án. Hôm đó bạn bè tới dự khá đông. Các thầy cô giáo Liên Xô cũng vậy. PGS.TS E.Lipsit, người hướng dẫn khoa học của tôi đặc biệt vui mừng. Trên bục bảo vệ luận án, tôi đã phát biểu cảm ơn Đảng, Nhà nước, nhân dân Liên Xô, cảm ơn Bộ Nội vụ và Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô cùng các thầy cô giáo Xô viết. Rất tiếc sau đó do Liên Xô tan vỡ, trong dòng chảy máu chất xám ra nước ngoài, gia đình thầy E.Lipsit đã sang định cư ở Hoa Kỳ với cậu con trai cả vốn là một nhà khoa học trẻ có tài năng.

Tôi lúc đó và về sau này cũng nhiều lần mong muốn được quay lại Liên Bang Nga và nhà trường cũ để làm tiếp Luận án Tiến sỹ Luật học. Và đến 25 năm sau, mùa xuân năm 2013, khi dẫn đầu đoàn đại biểu Học viện Cảnh sát nhân dân Việt Nam sang thăm và làm việc tại Liên bang Nga, tôi mới có dịp quay về thăm Trường cũ. Nhà trường vẫn như xưa và đổi tên là Học viện lãnh đạo, quản lý Bộ Nội vụ Liên bang Nga. Tôi đã quay lại và chụp ảnh kỷ niệm tại căn phòng 25 năm trước đây tôi đã bảo vệ Luận án Phó Tiến sỹ của mình. Liên Xô vĩ đại không còn nữa, nên đồng chí Thượng tướng, Giám đốc Học viện bạn sau khi tiếp tôi và đoàn đã tặng tôi chai rượu vodka có in hình Quốc huy Liên Xô rất lớn làm kỷ niệm.

Bốn năm học tập ở Liên Xô, tôi và các bạn đồng nghiệp đã được nghiên cứu, học tập rất nhiều kinh nghiệm quý báu của ngành An ninh, Cảnh sát Xô viết. Thời gian qua đi nhưng có lẽ có ba điều tôi tâm đắc nhất sau 4 năm học tập trên đất nước của Lênin vĩ đại.

Lễ khánh thành Tượng nhà cách mạng Ph.E.Dgieczinxki tại Học viện Cảnh sát nhân dân Việt Nam ngày 20-01-2017

Đó là tình người, tình đồng chí. Người Xô viết, người Nga rất đôn hậu, đôn hậu đến mức nhiều khi chúng tôi phải ngạc nhiên vì họ thật thà quá. Các thầy cô giáo đối với chúng tôi như con cháu trong gia đình. Dù ở bất cứ nơi đâu, nếu được đề nghị, người dân Liên Xô rất sẵn lòng giúp đỡ, hỗ trợ. Về sau này trong quá trình công tác tôi càng nghiệm ra điều này là đặc biệt cần thiết. Dù làm gì, ở đâu, nếu mình đối xử tốt với đồng chí, bạn bè thì mọi người cũng sẽ đối xử với mình như vậy. Mỗi lúc gặp khó khăn, kể cả khi gặp những người có ác ý với mình, nhưng nghĩ tới những nụ cười đôn hậu của các thầy cô giáo Xô viết, tôi luôn tự nhủ: Cần phải đối xử tốt với đồng đội, bạn bè và sẽ đến một lúc nào đó, mọi người sẽ nghĩ lại và đối xử tốt với mình. Và cho đến bây giờ tôi vẫn thấy điều này là hoàn toàn đúng.

Đó là sự say mê khoa học và xây dựng một trường phái khoa học mang tên Khoa học hình sự Xô viết, Khoa học Trinh sát Xô viết, Tội phạm học Xô viết, v.v. Ngày nay Liên Xô không còn nhưng điều này vẫn giữ nguyên tính thời sự. Nếu như trong thời gian học giám định ở CHDC Đức, tôi đã được biết đến một trường phái Khoa học hình sự xã hội chủ nghĩa do Giáo sư Tiến sỹ E.Stelzer làm đại diện, thì những ngày học tập trên đất nước của V.I.Lê nin, tôi và các bạn đồng nghiệp được biết đến các trường phái Khoa học hình sự Xô viết, Tội phạm học Xô viết, Khoa học Trinh sát Xô viết, v.v. Thật may mắn là tôi và các anh chị em nghiên cứu sinh Bộ Nội vụ Việt Nam được học tập ngay tại Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô, nơi Thiếu tướng GS.TS R.S Belkin làm việc.

Các nhà Khoa học hình sự Xô viết rất quan tâm tới các vấn đề hiện đại của thế giới và đất nước Liên Xô trong thời kỳ cải tổ. Vào giai đoạn 1988-1989, ở Liên Xô tranh luận rất nhiều về tội phạm có tổ chức, maphia, tội phạm chuyên nghiệp,v.v.. Trên phim ảnh Xô viết lúc đó chiếu bộ phim gây nhiều tranh cãi “Những tên trộm trong vòng pháp luật”. Các nhà Khoa học hình sự Xô viết đã công bố nhiều bài viết nghiên cứu về điều tra các tội phạm mới này và về sau khái niệm “nghề tội phạm” hay “tội phạm chuyên nghiệp” đã được đưa vào các sách giáo khoa Tội phạm học, Khoa học hình sự.

Cũng vào năm 1988, GS.TS R.S.Belkin công bố sách chuyên khảo “Điều khiển học hình sự”, hiểu theo nghĩa như hiện nay là Điều tra các tội phạm có sử dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin viễn thông. Trong các thành tựu khoa học phải kể đến Tội phạm học Xô viết. Trong Tội phạm học Xô viết, lý luận Phòng ngừa tội phạm đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Chính vì tiếp thu các lý luận và thực tiễn phòng ngừa tội phạm của Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa, sau này tôi và các bạn đồng nghiệp đã đề xuất Bộ Công an, Chính phủ xây dựng và ban hành Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm vào năm 1998.

Sau này khi được giao nhiệm vụ Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, tôi và các đồng nghiệp trong và ngoài Học viện dưới sự chỉ đạo của Đại tướng GS.TS Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an (nay là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam) đã hệ thống hóa và biên soạn những công trình đặt nền móng cho một trường phái khoa học Việt Nam như: Khoa học hình sự Việt Nam, Tội phạm học Việt Nam, Khoa học Trinh sát Việt Nam, Khoa học Công an Việt Nam,v.v.

Đó là hệ thống giáo dục đào tạo An ninh, Cảnh sát Xô viết. Điều này luôn ấp ủ trong chúng tôi về xây dựng một nền giáo dục đào tạo Công an Việt Nam theo mô hình Xô viết. Mặc dù những năm 1985-1989 học tập ở Liên Xô, tôi không có được những thông tin về các mô hình đào tạo Công an, An ninh, Cảnh sát thế giới, nhưng một nền giáo dục đào tạo cơ bản được dựa trên những hệ thống lý luận vững chắc của ngành An ninh, Nội vụ Xô viết, đã góp phần tạo ra những sỹ quan, hạ sỹ quan An ninh, Cảnh sát vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ…

Hướng tới kỷ niệm 100 cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và kỷ niệm 100 năm ra đời Cơ quan Công an XHCN đầu tiên trên thế giới, Học viện Cảnh sát nhân dân đã đúc và dựng tượng “nhà cách mạng sắt” Ph.E.Dgieczinxki, người có câu nói nổi tiếng: “Người cán bộ Công an cần có cái đầu lạnh, trái tim nóng và đôi bàn tay sạch” đặt ở Quảng trường trung tâm của nhà trường để giáo dục truyền thống. Đại diện Đại sứ quán Liên bang Nga và Trung tâm văn hóa Nga tại Việt Nam đã tham dự Lễ khánh thành.

Tục ngữ Việt Nam có câu “ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”. Chúng tôi có được như ngày hôm nay, ngoài sự chăm lo, đào tạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, ngoài sự nỗ lực cố gắng của bản thân, còn có một phần rất quan trọng là công lao dạy dỗ, đào tạo của Liên Xô và những người thầy Xô viết. Và điều này không bao giờ được lãng quên.

            Hà Nội, tháng 10 năm 2017

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện CSND
.
.