Nhớ những ngày được phục vụ Bác Hồ

Thứ Tư, 23/05/2007, 13:00
...Nay, tuy đã nghỉ hưu, nhiều năm thôi cầm bút, nhưng nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 117 của Bác, học tập đạo đức cách mạng sáng ngời của Người, tôi lại viết những dòng này, rưng rưng nhớ Bác, biết ơn sự quan tâm của Bác đối với tôi, cũng như đối với mọi người dân của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Mặc dù đã qua hơn nửa thế kỷ, nhưng tôi vẫn nhớ như in những ngày được vinh dự đánh máy phục vụ Bác Hồ  trên chiến khu Việt Bắc và những lời dạy bảo ân cần của Người.

Một buổi tối đầu năm 1952, nhân đến dự một cuộc họp ở bản bên cạnh nơi cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đóng tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ ghé thăm cơ quan Hội. Thấy Bác, ai cũng tranh đến gần Bác. Tôi cũng cố len vào nhưng vẫn bị bật ra vòng ngoài.

Năm đó tôi còn rất trẻ, chưa tới 20 tuổi.

Trò chuyện với mọi người được một lúc, Bác chợt hỏi: “Cô Oanh đâu?”.

Tôi vội len vào, lễ phép khoanh tay: “Thưa Bác, cháu đây ạ”.

Tôi thật bất ngờ và quá xúc động bởi vì không nghĩ Bác lại biết đến mình mà hỏi thăm. Mấy hôm trước, các cô, các chị lãnh đạo Trung ương Hội cho biết, Bác Hồ đang cần một người đánh máy giỏi đến giúp việc Bác nên có thể các chị đã giới thiệu tôi với Bác chăng?

Bác nhìn tôi, hỏi: “Cháu biết đánh máy mười ngón chứ?”. Tôi ấp a ấp úng chưa kịp trả lời thì cô Hoàng Thị Ái, thủ trưởng cơ quan Hội, vội thưa với Bác: “Thưa bác, cháu Oanh là người đánh máy chính của Văn phòng chúng cháu đấy ạ”.

Sau khi Bác về, cô Hoàng Thị Ái gọi tôi đến, giao nhiệm vụ: “Từ sáng ngày mai, cháu đến chỗ Bác Hồ đánh máy tài liệu cho Bác”.

Sáng hôm sau, tôi lên đường theo một đồng chí giao liên đặc biệt đến đón. Chiều đến nơi, Bác dẫn tôi đi xem căn nhà của Người. Đó là một căn nhà lá ba gian dựng trong một cánh rừng có nhiều cây to um tùm che khuất.

Thời gian tôi đến đánh máy cho Bác, Bác đang dịch cuốn “Tỉnh ủy bí mật” của một nhà văn Liên Xô.

Bác đã dịch xong tập 1, đang dịch tiếp tập 2 để gửi đi  theo yêu cầu của các ngành và các địa phương.

Bác giao cho tôi đánh máy các bản dịch của Bác. Bác dịch tác phẩm từ bản tiếng Pháp, được trang nào là giao cho tôi đánh máy ngay. Có những đoạn văn Bác hỏi tôi đọc có hiểu không, nếu tôi nói chưa hiểu thì Bác dịch lại, cho đến khi đọc lại thấy tôi hiểu Bác mới giao đánh máy tiếp.

Tôi có hai lần được điều lên đánh máy phục vụ Bác. Lần đầu đến đánh máy cho Bác là khoảng một tháng. Tôi cùng ăn uống, sinh hoạt với nhân viên phục vụ và bảo vệ của Bác.

Một buổi sáng, tôi đang ngồi bên bếp lửa ăn sắn nướng và uống nước chè tươi với anh em bảo vệ, phục vụ, thì Bác từ nhà sàn bước xuống bảo:

- Hôm nay là ngày 8/3, nhà ta có chị em, các chú phải làm gì chứ?

Lúc đó, tôi chưa biết ngày 8/3 là ngày gì, phải hỏi nhỏ một anh ngồi bên cạnh  mới biết ý nghĩa của ngày đó. Thế là chiều hôm đó, mấy Bác cháu có một bữa ăn “tươi” để mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3!

Những ngày phục vụ Bác, tôi hay bị sốt rét. Mỗi lần tôi bị sốt, Bác đều quan tâm, chăm sóc chu đáo. Bác dặn mỗi lần lên cơn sốt thì cố dựa vào cái cột nhà cạnh bếp lửa, đừng nằm, chứ nằm là càng rét, càng ốm lâu.

Một hôm, đang đánh máy, tôi lên cơn sốt, không tài nào đánh máy được. Tôi xin phép Bác ngừng tay, ra ngồi cạnh bếp lửa, dựa vào cột nhà sưởi. Bác ân cần, tự tay rót một bát nước chè xanh nóng đưa cho tôi, nói tôi cố uống cho đỡ rét. Bác còn cho bác sĩ riêng của Bác thăm bệnh và cho tôi thuốc uống.

Sau trận ốm ấy, Bác cho tôi ăn cơm cùng Người. Bữa ăn chỉ có ít thịt, nhưng Bác đều gắp cho tôi. Bác bảo tôi vừa ốm dậy nên cố ăn cho mau khỏe. Bác ăn rất ít, mỗi bữa chỉ lưng bát cơm với ít rau luộc hoặc ít cá kho.

Bác kể hồi còn ở Pác Bó, Cao Bằng và Tân Trào, Tuyên Quang có được chút thịt mỡ là Bác và mọi người đều rang với cả một bát muối rồi đổ vào ống tre để dành ăn dần!

Mỗi buổi chiều đánh máy xong, Bác lại bảo tôi đi cùng Bác ra vườn tưới rau. Mảnh vườn của Bác gần lán,  ngay bên cạnh một con suối, trồng đủ các loại rau. Hai Bác cháu ra suối múc nước.

Bác bảo cháu mới ốm dậy còn yếu, để Bác xuống suối múc nước, còn cháu đỡ ống bương đầy nước cho Bác, hai Bác cháu cùng  tưới rau.

Một buổi tối, sau bữa cơm hai Bác cháu đốt lửa sưởi. Ngồi bên bếp lửa hồng, Bác ân cần hỏi thăm gia đình tôi. Vì ông nội, ông ngoại tôi đều là Tổng đốc dưới thời Pháp, tưởng Bác không biết nên tôi giấu biệt. Không ngờ, Bác bảo tôi:

- Bác biết ông nội cháu. Năm 1947, Bác có mời Cụ (lúc đó ông nội tôi đang tham gia công tác Mặt trận Liên Việt ở tỉnh Vĩnh Yên), lên Việt Bắc để Bác giao nhiệm vụ mới. Hôm Cụ lên, Bác có việc bận, giao cho chú Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) gặp Cụ”.

Tôi bàng hoàng, sung sướng. Bấy lâu nay tôi vẫn nghĩ gia đình tôi thành phần quan lại như thế dễ bị phân biệt đối xử, nếu Bác biết chắc gì tôi còn được đánh máy phục vụ Bác.

Tôi thật không ngờ. Chẳng những Bác biết ông nội tôi, Bác lại còn mời ông tôi lên chiến khu để giao nhiệm vụ, còn gọi ông tôi là Cụ một cách trân trọng như thế!

Sau hai lần được điều động lên đánh máy cho Bác, khi đánh máy xong tập 2 của bản dịch truyện “Tỉnh ủy bí mật”, tôi xin phép Bác về lại cơ quan cũ. Lúc chào Bác ra về, tôi cứ nhìn chằm chằm vào chiếc hộp sắt đựng thuốc lá Cravena của Pháp, là chiến lợi phẩm bộ đội tặng Bác, đang để trên bàn. Như hiểu được ý nghĩ của tôi, Bác hỏi:

- Cháu thích hộp thuốc này phải không?

Tôi vội thưa:

- Dạ, cháu rất thích vì cháu chưa có cái hộp nào đẹp như thế để đựng kim chỉ.

Thế là Bác lấy mấy điếu thuốc lá còn lại để ra bàn,  đưa cho tôi cái hộp mà tôi rất thích và căn dặn:

- Cháu về cơ quan phải cố gắng làm việc tiến bộ nhé!

Một năm sau, tôi lập gia đình và sinh cháu đầu lòng. Bác biết tin, gửi cho mẹ con tôi ba vuông lụa màu mỡ gà. Đọc lá thư đồng chí thư ký riêng của Bác viết cho tôi, chỉ có mấy dòng mà tôi cứ rưng rưng: “Cô Oanh, nghe tin cô sinh cháu, Bác gửi cho cháu bé mấy vuông lụa”.

Từ đó, chiếc hộp thuốc lá và ba vuông lụa màu mỡ gà Bác cho luôn luôn ở trong ba lô của tôi. Mỗi khi khó khăn, tôi lại giở ra xem và nhớ từng lời khuyên bảo và dạy dỗ của Bác.

Đầu năm 1960, tôi được kết nạp vào Đảng, sau đó một thời gian trở thành phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam. Có thời gian tôi là phóng viên chính trị, ngoại giao của Thông tấn xã, lại được vinh dự gặp Bác.

Lần ấy là ngày 1/1/1968, tôi được cơ quan cử đi viết tin Bác tiếp Hoàng thân Nô-rô-đôm Phu-rít Xa-ra, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương quốc Campuchia sang thăm Việt Nam.

Sau khi Bác tiễn khách ra về, tôi nán lại thưa chuyện với Bác, Bác nhận ra ngay “cháu Oanh đánh máy cho Bác”. Biết tôi là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam, Bác ân cần căn dặn: “Cháu viết tin ngoại giao phải hết sức cẩn thận, sai một ly là đi một dặm đấy!”.

Từ đó về sau, khi viết tin, dù chỉ là một tin ngắn vài dòng, tôi vẫn luôn chú ý từng câu, từng chữ, không để sai sót, được các đồng chí phụ trách cơ quan tin cậy.

Nhìn lại nửa thế kỷ qua, được các cơ quan đào tạo, rèn luyện, nhất là được Bác Hồ quan tâm dạy dỗ, từ một nhân viên đánh máy tôi đã trở thành một phóng viên của cơ quan Thông tấn chính thức của Nhà nước, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Nay, tuy đã nghỉ hưu, nhiều năm thôi cầm bút, nhưng nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 117 của Bác, học tập đạo đức cách mạng sáng ngời của Người, tôi lại viết những dòng này, rưng rưng nhớ Bác, biết ơn sự quan tâm của Bác đối với tôi, cũng như đối với mọi người dân của Tổ quốc Việt Nam thân yêu

Phan Thị Oanh
.
.