Nhớ về “Quảng Tây Nam Ninh Dục tài học hiệu”

Thứ Tư, 20/01/2010, 16:45

“Quảng Tây Nam Ninh Dục tài học hiệu” là tên gọi Khu học xá Trung ương của Việt Nam đóng trên đất Quảng Tây từ năm 1951 đến 1958, với ý nghĩa là trường giáo dục, đào tạo nhân tài. Sáu mươi năm về trước, trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp còn đang diễn ra ác liệt, Bác hồ và Trung ương Đảng đã xác định phải khẩn trương đào tạo cán bộ cho sự nghiệp xây dựng đất nước sau này.

Vườn ươm đỏ

Thực hiện cam kết của Chủ tịch Mao Trạch Đông với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi hai vị lãnh tụ gặp nhau tại Mátxcơva (Liên Xô) đầu tháng 2/1950: "Tỉnh Quảng Tây sẽ là hậu phương trực tiếp của Việt Nam", việc thành lập Khu học xá Trung ương được các bạn Trung Quốc nhiệt tình ủng hộ, giúp đỡ về cơ sở vật chất, hậu cần, giáo viên. Hồ Chủ tịch cũng đề nghị phía bạn giúp đặt trụ sở tại một nơi có điều kiện, hoàn cảnh tương đồng với Việt Nam lúc đó, nhằm tạo ra môi trường giáo dục thiết thực, hiệu quả.

Một trong những cựu học sinh Khu học xá Trung ương năm xưa là Thiếu tướng Phạm Văn Dần, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng - CAND (Bộ Công an). Bồi hồi nhớ lại những năm tháng học tập, rèn luyện ở nước bạn, ông kể: Đường từ Việt Bắc sang Trung Quốc khi đó đi lại rất khó khăn. Nước bạn cũng mới được giải phóng, quân phiến loạn còn nhiều và vẫn lén lút hoạt động ở vùng rừng núi.

Ban chấp hành khu đoàn sinh viên học sinh khu học xá trung ương năm 1952-1953.

Khoảng giữa năm 1951, từ Việt Bắc, chúng tôi đi bộ, rồi đi bằng ôtô tải có phủ bạt kín và được bộ đội Trung Quốc bảo vệ trong suốt quá trình di chuyển tới làng Tâm Hư, nơi đặt trụ sở ban đầu của Khu học xá Trung ương. Làng Tâm Hư cách thành phố Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây) chừng 10 km, là nơi sinh sống của người dân tộc Choang, đời sống của nhân dân còn rất khó khăn, lạc hậu. Trung Quốc cũng mới ra khỏi cuộc nội chiến đẫm máu, đất nước còn vô vàn khó khăn...

Ban đầu, các học viên học trong những nhà tranh vách đất, ở trong những lều bạt mới được dựng lên tạm bợ. Lớp học không có bàn ghế, mỗi học viên được phát một tấm bảng con làm bàn (kê lên đầu gối để viết) và một chiếc ghế đẩu nhỏ vừa để ngồi học, vừa để ăn cơm, hội họp hoặc xem phim... Bảng viết của giáo viên thì được ghép từ những tấm ván rồi phết sơn đen. Khó khăn là thế, song tinh thần học tập anh chị em học viên đều nghiêm túc, với quyết tâm thu nhận, tích lũy kiến thức để phụng sự Tổ quốc.

Một vinh dự đặc biệt với cán bộ, giáo viên, học viên Khu học xá Việt Nam, năm 1956, Bác Hồ đã đến thăm. "Chúng tôi chạy ùa tới bên Bác, chào Bác rồi ngắm nhìn Bác cho thỏa lòng mong ước. Trông Bác khỏe mạnh, ai nấy đều vui mừng. Bác hỏi thăm việc học tập, tổ chức của nhà trường; căn dặn chúng tôi chăm chỉ học tập, rèn luyện và nhất là giữ gìn tình đoàn kết với nhân dân địa phương..." - ông Phạm Văn Dần nhớ lại. Hơn 5 thập niên đã qua, lời dạy của Bác Hồ "Đoàn kết - Học tập - Phục vụ - Tiến bộ" vẫn được các cựu học sinh Khu học xá Việt Nam ghi nhớ, thực hiện và truyền lại cho các thế hệ sau...

Người được giao nhiệm vụ Tổng giám đốc Khu học xá Trung ương là đồng chí Võ Thuần Nho (em ruột của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Sinh thời, đồng chí Võ Thuần Nho nhớ lại: "Khi tôi đến Tâm Hư vào thượng tuần tháng 12/1951 thì ở đó có cán bộ giảng dạy và học sinh các trường Khoa học cơ bản, Sư phạm cao cấp, Sư phạm Việt Bắc chuyển sang và một số công nhân Việt Nam. Sau này, lần lượt thành lập Sư phạm sơ cấp (1952), Sư phạm trung cấp (1952); rồi tách Sư phạm trung cấp thành hai hệ: Sư phạm trung cấp khoa học xã hội và Sư phạm trung cấp khoa học tự nhiên. Năm 1952 thành lập trường phổ thông, nhà trẻ và mẫu giáo cũng sớm được tổ chức... Số lượng cán bộ, giáo viên học sinh Khu học xá lúc đông nhất vào khoảng 2.500 người, lớp học sinh này tốt nghiệp về nước, lại có lớp khác sang. Đến năm 1956, chuyển toàn bộ hệ Sư phạm về nước, Khu học xá Trung ương chỉ còn lại học sinh phổ thông; cho đến năm 1958 tôi trở về nước nhận công tác khác".

Trong gần 10 năm tồn tại, "Quảng Tây Nam Ninh Dục tài học hiệu" đã đào tạo cho Việt Nam khoảng 4.000 cán bộ, giáo viên, phiên dịch viên... và 3.000 học sinh, sinh viên. Hầu hết trong số họ đều trở thành những cốt cán trong các bộ, ngành, các nhà khoa học, sư phạm có nhiều đóng góp với sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước. --PageBreak--

Những kỷ niệm không phai

Năm tháng qua đi, quan hệ Việt - Trung cũng trải qua thăng trầm, song những cựu cán bộ, học sinh Khu học xá Trung ương và các thầy cô giáo, cán bộ phục vụ người Trung Quốc vẫn giữ nguyên tình cảm tốt đẹp của một thời "Quảng Tây Nam Ninh Dục tài học hiệu".

Năm 1988, trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ, với sự đồng ý của các cơ quan chức năng Việt Nam, một số cán bộ phụ trách và giáo sư Khu học xá Trung ương đã nhóm họp, bàn việc chuẩn bị các hoạt động hướng tới kỷ niệm 40 năm Khu học xá Trung ương (1991).

Cùng chung tâm nguyện giữ gìn, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước anh em, các bạn Trung Quốc tại Đại học Quảng Tây cũng xúc tiến tìm kiếm cựu cán bộ, giáo viên từng giảng dạy, giúp đỡ các bạn Việt Nam năm xưa, để thành lập "Hội Dục tài học hiệu" vào năm 1993.

Hai cô giáo Trung Quốc Lưu Thiếu Minh và Hùng Đệ Minh nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.

Khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1991, một đoàn tự phát của cựu học sinh Khu học xá Việt Nam đem theo cả vợ con sang Trung Quốc với một "tấm hộ chiếu đặc biệt" là bức ảnh vợ chồng cô giáo Lưu Thiếu Minh trong ngày cưới. Bức ảnh này đã được tặng cho Tổng giám đốc Khu học xá Việt Nam Võ Thuần Nho khi ông về nước năm 1958, phía sau có ký tên vợ chồng cô giáo Lưu Thiếu Minh. Chính nhờ tấm ảnh này mà thầy trò "Quảng Tây Nam Ninh Dục tài học hiệu" mới tìm lại được nhau sau mấy chục năm xa cách. Từ đó, các đoàn của hai nước thường xuyên duy trì mối quan hệ chặt chẽ, tốt đẹp và thăm hỏi lẫn nhau.

Đến dịp kỷ niệm 55 năm Khu học xá Việt Nam (2001), để tăng cường tình đoàn kết và tỏ lòng biết ơn những cán bộ, giáo viên Trung Quốc đã làm việc tại Khu học xá Việt Nam trước kia, Chính phủ Việt Nam quyết định tặng Bằng khen cho hai cô giáo Lưu Thiếu Minh và Hùng Đệ Minh; tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục cho 15 cán bộ khác.

Trong lễ đón nhận phần thưởng cao quý của Chính phủ Việt Nam tổ chức tại Đại học Quảng Tây, cô giáo Lưu Thiếu Minh đã xúc động ôn lại những kỷ niệm không thể phai mờ. Ngày ấy, cô Minh xấp xỉ 20 tuổi, dạy môn Trung văn. "Giáo viên, học sinh và các đồng chí lãnh đạo Việt Nam rất nhiệt tình, hữu hảo với tôi. Họ khát khao học nhanh tiếng Trung Quốc, những ánh mắt kỳ vọng của các bạn đã giúp tôi khắc phục mọi khó khăn tìm biện pháp giảng dạy...

Cùng lên lớp với tôi có một người phiên dịch là thầy Trần Văn Giáp, ông là một nhà nho thâm thúy thừa khả năng làm thầy của tôi về Hán ngữ, thế mà một tiếng phổ thông không biết, phát âm tiếng Trung Quốc lại vô cùng khó khăn, thế mới lạ chứ. Mỗi lần trước khi lên lớp, tôi dạy ông phát âm tiếng phổ thông để đến khi  lên lớp ông đối chiếu hai thứ tiếng cho học sinh" - Bà Minh kể lại.

Bà Lưu Thiếu Minh cũng vinh dự được gặp và được Bác Hồ mời cơm, khi Hồ Chủ tịch thăm Trung Quốc năm 1960, đúng vào ngày sinh của Người. Với bà, đây là sự may mắn, hạnh phúc lớn lao. Trong lúc ăn cơm, Bác Hồ hỏi thăm về gia đình, công việc của bà. Người nói: "Các học sinh Việt Nam về nước thường nhắc đến các giáo viên Trung Quốc. Trong thời kỳ Việt Nam kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã giúp đỡ nhân dân Việt Nam rất nhiều. Các bạn đã làm được nhiều việc góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt - Trung". Một phần thưởng thật có ý nghĩa lớn lao với bà Minh, khi Bác Hồ nói: "Học sinh Việt Nam luôn nhắc đến cô giáo họ Lưu tên Minh"...

Những ngày đầu năm 2010 này, khi chúng tôi liên hệ với đại diện Ban liên lạc Khu học xá trung ương, ông Huỳnh Ngọc Chung, Phó Ban liên lạc cho biết: Chúng tôi và các bạn Trung Quốc đang bàn những việc cụ thể cho dịp kỷ niệm 60 năm Khu học xá Trung ương, tức "Quảng Tây Nam Ninh Dục tài học hiệu" vào năm sau. Năm tháng qua đi, cuộc sống có nhiều đổi thay, song những tình cảm và tinh thần đoàn kết, hữu nghị vẫn là điều rất quan trọng cho sự phát triển đi lên của hai nước

Trần Duy Hiển
.
.