Những anh hùng thầm lặng của cuộc Vạn Lý Trường Chinh

Thứ Sáu, 22/08/2008, 09:30

Tháng 10/1934, do sai lầm của đường lối lãnh đạo tả khuynh nên Hồng quân Trung Quốc  (TQ) đã phải trải qua một năm chiến đấu khó khăn và khổ cực. Tại khu Xôviết trung ương ở Giang Tây, lực lượng Hồng quân đã không thể phá được chiến dịch bao vây thứ 5 của quân đội Quốc dân đảng và bắt buộc phải tiến hành cuộc Vạn Lý Trường Chinh nổi tiếng thế giới.

Có nhiều nhân tố dẫn đến quyết định tiến hành cuộc Vạn Lý Trường Chinh của Hồng quân Trung Quốc nhưng trong đó có vai trò của thông tin tình báo tuyệt mật đã giúp ban lãnh đạo lâm thời của Trung ương Đảng Cộng sản (ĐCS) TQ đưa ra quyết định thực hiện cuộc Vạn Lý Trường Chinh - cuộc hành quân chiến lược với một lực lượng lớn, mang tính quyết định đối với cách mạng TQ lúc đó.

Cuối tháng 9/1934, Tưởng Giới Thạch đã tổ chức một Hội nghị quân sự bí mật tại Lư Sơn trên cơ sở 5 lần tiến hành bao vây khu Xôviết trung ương nhằm bố trí lại lực lượng. Dưới sự cố vấn của viên tướng người Đức Hans Von Seeckt, Tưởng Giới Thạch đã vạch ra một kế hoạch tiêu diệt toàn bộ ban lãnh đạo tối cao của Hồng quân TQ mang tên Kế hoạch “Chiếc thùng sắt”.

Kế hoạch này tập trung lực lượng lên đến 1,5 triệu quân, 270 máy bay và 200 khẩu pháo theo chiến lược “chia ra để bao vây và hợp lại để tấn công” tạo thành bức tường sắt bao vây lực lượng chủ đạo của Hồng quân và Trung ương ĐCS TQ. Lấy mục tiêu trung tâm là Thụy Kim, trung tâm lãnh đạo của khu Xôviết trung ương, các đơn vị quân đội Quốc dân đảng tham gia chiến dịch này sẽ thực hiện chiến lược tấn công hướng tâm nhằm hình thành một vòng vây kín cách Thụy Kim 150km. Sau đó, mỗi ngày sẽ tấn công giành thêm 5km và đào công sự kiên cố hình thành nên 30 hệ thống hàng rào dây thép gai cùng tuyến phong tỏa bằng hỏa lực mạnh khắp bốn phía của Thụy Kim.

Mục đích đặt ra của kế hoạch “Chiếc thùng sắt” là cắt đứt các tuyến giao thông, phong tỏa tất cả các nguồn thông tin và hậu cần của Hồng quân cuối cùng dồn lực lượng chủ lực của Hồng quân vào một khu vực hẹp rồi tổng tấn công. 

Để đề phòng Hồng quân đột phá vòng vây, quân đội Tưởng Giới Thạch còn chuẩn bị sẵn 1.000 xe vận tải quân sự để có thể nhanh chóng vận chuyển quân đội tiến hành tấn công cơ động nhằm mục đích trong vòng 1 tháng có thể tiêu diệt lực lượng Hồng quân tại khu Xôviết trung ương. Để che giấu ý đồ tác chiến, Tưởng Giới Thạch đã huy động lực lượng tiền phương của 14 sư đoàn tiến hành nghi binh xung quanh khu vực Xôviết trung ương trong thời gian chưa hình thành được vòng vây theo Kế hoạch “Chiếc thùng sắt”.

Tưởng Giới Thạch hy vọng rất nhiều vào kế hoạch này. Các loại tài liệu quân sự liên quan đến Kế hoạch “Chiếc thùng sắt” bao gồm lệnh tổng động viên, trình tự tham gia chiến sự của các đơn vị, bố trí lực lượng, khu vực tấn công, thời gian tác chiến và bản đồ tác chiến... được chuẩn bị rất chi tiết, trên mỗi tài liệu đều có đóng dấu “Tuyệt mật” và sắp xếp theo thứ tự. Tất cả các sĩ quan chỉ huy phải đăng ký và ký nhận vào sổ theo dõi mới được tham khảo một cách hạn chế những phần tài liệu có liên quan.

Hồng quân trước cuộc vạn lý Trường Chinh.

Tuy nhiên, ngay sau khi Hội nghị quân sự kết thúc không lâu, Trung ương ĐCS TQ đã có được toàn bộ các tài liệu tuyệt mật về nội dung của kế hoạch này. Và Tưởng Giới Thạch không thể ngờ rằng người đã mạo hiểm cung cấp những thông tin tình báo thuộc Kế hoạch “Chiếc thùng sắt” vốn được bảo mật ở mức độ cao nhất cho trung ương ĐCS TQ chính là Mạc Hùng - Tư lệnh an ninh Nam Xương, người mà Tưởng Giới Thạch mới bổ nhiệm chưa lâu.

Mạc Hùng (1891-1980) là người huyện Anh Đức thuộc tỉnh Quảng Đông. Ông đã qua lớp đào tạo về quân sự và đã từng tham gia cuộc khởi nghĩa Hoàng Hoa Cương, chống Viên Thế Khải, thảo phạt Trần Đồng Minh và cuộc chiến tranh Bắc phạt.

Sau khi chiến tranh Bắc phạt kết thúc, Mạc Hùng được Tưởng Giới Thạch phong hàm Thiếu tướng nhưng không có thực quyền. Mang tâm trạng bất mãn, Mạc Hùng đã từng hai lần bí mật tham gia hành động chống Tưởng Giới Thạch cùng với Trương Phát Quế.

Năm 1930, nhờ quan hệ với Tống Tử Văn, Mạc Hùng được vào làm việc tại Bộ Tài chính trong chính phủ Quốc dân đảng. Khi ở Thượng Hải, Mạc Hùng đã được giới thiệu với Hạng Du Niên - đảng viên ĐCS TQ đồng thời là thành viên của Cơ quan Tình báo thuộc Trung ương ĐCS TQ. Sau đó Mạc Hùng liên lạc được với Chu Ân Lai, Lý Khắc Nông và đề nghị xin gia nhập ĐCS TQ. Tuy nhiên, một số lãnh đạo của Trung ương ĐCS TQ đã thuyết phục Mạc Hùng tiếp tục hoạt động ngoài Đảng.

Tháng 1/1934, Mạc Hùng đến làm việc ở Nam Xương tại Bộ chỉ huy Lộ quân thứ hai của Quốc dân đảng và được tiến cử vào vị trí Tư lệnh an ninh.

Trước khi nhậm chức, Mạc Hùng đã đến Thượng Hải và liên lạc với tổ chức ĐCS TQ. Sau đó, Mạc Hùng đã sắp xếp hơn 10 đảng viên ĐCS TQ trong đó có Hạng Du Niên làm việc trong bộ phận an ninh của Bộ Tổng chỉ huy quân đội Quốc dân đảng tại Nam Xương. Vỏ bọc của Hạng Du Niên là một nhân viên cơ yếu. Và cùng với nhóm tình báo này, Mạc Hùng đã lập nên chiến công góp phần làm thay đổi vận mệnh của cách mạng TQ.

Tháng 9/1934, Tưởng Giới Thạch tổ chức Hội nghị Lư Sơn và tiến hành sắp xếp, bố trí lực lượng chi tiết phục vụ cho Kế hoạch “Chiếc thùng sắt”. Mạc Hùng cũng được tham gia hội nghị này. Ngay sau khi Hội nghị quân sự Lư Sơn kết thúc, Mạc Hùng đã tìm cách có được toàn bộ những nội dung chính của kế hoạch và giao cho Hạng Du Niên chuyển cho Ban lãnh đạo Trung ương ĐCS TQ. Nhóm tình báo đã sử dụng loại mực đặc biệt để sao chép lại tất cả các nội dung chính của Kế hoạch “Chiếc thùng sắt” về tình hình bố trí lực lượng và hỏa lực, kế hoạch tấn công, cơ cấu chỉ huy, bản đồ tác chiến... do Mạc Hùng cung cấp vào 4 quyển từ điển của học sinh.

Hạng Du Niên là thành viên trong lực lượng tình báo của Trung ương ĐCS TQ, có kinh nghiệm hoạt động lâu năm trong lòng địch nên được giao nhiệm vụ chuyển những tài liệu tình báo về Kế hoạch “Chiếc thùng sắt” ra khu Xôviết trung ương. Tuy nhiên do tất cả các ngả đường tới khu Xôviết trung ương đều bị lực lượng quân đội của Tưởng Giới Thạch canh gác nghiêm ngặt nên Hạng Du Niên đã phải ẩn mình trong núi nhiều ngày để tìm cách vượt qua hệ thống an ninh dày đặc đó. Để qua mắt các trạm gác của quân đội Quốc dân đảng, Hạng Du Niên đã phải tự làm gãy 4 chiếc răng cửa của mình và hóa trang giống như một kẻ hành khất.

Ngày 7/10/1934, Hạng Du Niên đã mang được những tài liệu tình báo ra đến Cơ quan Trung ương ĐCS TQ tại Thụy Kim. Những tài liệu tình báo trên đã được giao tận tay Chu Ân Lai và Lý Khắc Nông.

Lúc này, Ủy ban Quân sự cách mạng trung ương cũng liên tiếp nhận được tin báo: quân đội Quốc dân đảng đã tiến công đồng loạt vào Hưng Quốc, Ninh Đô, Thạch Thành, Hội Xương. Khu vực phòng ngự trọng yếu của Hồng quân ở Cổ Long Cương đã bị quân đội Quốc dân đảng chiếm được. Trong toàn bộ khu Xôviết trung ương, lực lượng Hồng quân chỉ còn kiểm soát 5 huyện nhưng cũng đang bị quân đội Quốc dân đảng uy hiếp.

Sau khi những thông tin về Kế hoạch “Chiếc thùng sắt” của quân đội Quốc dân đảng được Tổ 3 người (Ban lãnh đạo lâm thời của Trung ương ĐCS TQ bao gồm Lý Đức lãnh đạo về quân sự, Bác Cổ phụ trách chính sách chính trị và Chu Ân Lai phụ trách thực hiện các kế hoạch quân sự) xem xét, họ nhanh chóng nhận thức được nguy cơ mà cách mạng Trung  Quốc phải đối diện mà nếu không kịp thời có biện pháp đối phó thì sẽ gặp nguy hiểm trong vòng vây của quân đội Quốc dân đảng.

Tình hình cho thấy, quân đội Quốc dân đảng đang từng bước thực hiện Kế hoạch “Chiếc thùng sắt”. Vì vậy các lãnh đạo của Trung ương ĐCS TQ quyết định phải nhanh chóng thoát ra khỏi vòng vây của quân đội Quốc dân đảng trước khi nó khép lại theo như Kế hoạch “Chiếc thùng sắt” bằng không hậu quả sẽ hết sức nghiêm trọng.

Từ trước đó Trung ương ĐCS TQ cũng đã nhận thức được rằng không thể thực hiện được việc phá vòng vây từ bên trong. Vì vậy, Ủy ban quân sự cách mạng trung ương đã ra lệnh cho 3 quân đoàn Hồng quân số 6, 7 và 25 bắt đầu thực hiện cuộc hành quân di chuyển một lực lượng lớn lên phía bắc đồng thời trên đường hành quân tiến hành tăng cường quân số lên đến 3 vạn người bổ sung cho lực lượng chủ lực chuẩn bị cho cuộc Vạn Lý Trường Chinh của toàn bộ Hồng quân. Đây cũng là những lực lượng đầu tiên thực hiện cuộc Vạn Lý Trường Chinh.

Ngày 8/10, các đơn vị Hồng quân địa phương được lệnh tiếp quản hệ thống phòng ngự từ các đơn vị Hồng quân chính quy còn lực lượng chủ lực được lệnh tập trung về Hưng Quốc, Vu Đô và Thụy Kim.

Ngày 11/10/1934, Bộ Tổng tư lệnh Hồng quân và các đơn vị trực thuộc được biên chế thành Lữ đoàn dã chiến số 1, các cơ quan trung ương biên chế thành Lữ đoàn dã chiến số 2 và thành lập Phân cục trung ương do Hạng Anh, Trần Nghị lãnh đạo ở lại chỉ huy lực lượng Hồng quân địa phương duy trì chiến tranh du kích. Chu Ân Lai cũng đã đạt được một thỏa thuận bí mật với Trần Kế Đường - Tư lệnh Mặt trận phía tây của quân đội Quốc dân đảng về việc mượn đường cho Hồng quân đi qua trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh.

Ngày 16 đến 18/10/1934, hơn 8,6 vạn quân chủ lực của Hồng quân đã tập trung khẩn cấp tại Vu Đô sau đó qua sông Vu Đô theo bốn đường và đến ngày 21/10 bắt đầu chiến dịch phá vây khởi đầu cuộc Vạn Lý Trường Chinh.

Sau khi lực lượng chủ lực của Hồng quân phá vây và rút đi được 10 ngày thì các đơn vị quân đội Quốc dân đảng thực hiện Kế hoạch “Chiếc thùng sắt” đã tấn công Vu Đô, Hội Xương, Trường Đinh... Khi tiến sát đến Thụy Kim, quân đội Quốc dân đảng mới biết rằng lực lượng chủ lực của Hồng quân đã rút đi từ lâu.

Tưởng Giới Thạch nhận được thông tin này khi đang điều trị tại Quân y viện ở Bắc Bình. Tưởng Giới Thạch đã rất tức giận và đã ra lệnh điều tra xem thông tin về Kế hoạch “Chiếc thùng sắt” đã bị tiết lộ như thế nào. Tuy nhiên cho đến khi bỏ chạy sang Đài Loan năm 1949, Tưởng Giới Thạch vẫn không biết nhờ đâu mà Trung ương ĐCS TQ đã nhanh chóng nắm được những thông tin về kế hoạch tuyệt mật này để kịp thời thực hiện cuộc di chuyển lực lượng chiến lược Vạn Lý Trường Chinh.

Do những thông tin tình báo tuyệt mật khi đó chỉ được tiết lộ hạn chế trong một số lãnh đạo của Trung ương Đảng được biết và cuộc Vạn Lý Trường Chinh khi đó được quyết định và thực hiện rất nhanh chóng nên một số nhà lãnh đạo như Mao Trạch Đông cũng chưa được biết ngay lúc đó. Sau này trong những văn kiện lịch sử của ĐCS TQ cũng không đề cập nhiều đến Mạc Hùng và Hạng Du Niên.

Sau khi biết được chiến công lấy được thông tin tuyệt mật về Kế hoạch “Chiếc thùng sắt” của Tưởng Giới Thạch dẫn đến cuộc Vạn Lý Trường Chinh, Mao Trạch Đông đã rất khen ngợi công lao của nhóm tình báo và đích thân chỉ thị cho Diệp Kiếm Anh tìm kiếm Mạc Hùng.

Không chỉ đóng góp thông tin tình báo dẫn đến cuộc Vạn Lý Trường Chinh lịch sử, Mạc Hùng còn giúp đỡ Hạ Long, một trong mười vị nguyên soái đầu tiên của quân đội Trung Quốc sau này thoát khỏi sự truy lùng của Tưởng Giới Thạch và ra được khu cách mạng an toàn. Mạc Hùng cũng đã giúp giải phóng gần 100 đảng viên ĐCS TQ bị chính quyền Quốc dân đảng giam giữ. Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, Mạc Hùng đã từng đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Chính hiệp tỉnh Quảng Đông, Ủy viên Chính hiệp toàn quốc, Ủy viên Ủy ban cách mạng nhân dân trung ương...

Nhân dịp Quốc khánh năm 1956, Thượng tướng Lý Khắc Nông khi đó là Phó tổng Tham mưu trưởng Giải phóng quân TQ đã cho đón Mạc Hùng đến Bắc Kinh tham gia lễ mừng Quốc khánh. Nguyên soái Diệp Kiếm Anh cũng đã thay mặt lãnh đạo trung ương tiếp đãi Mạc Hùng và Hạng Du Niên đồng thời khẳng định công lao to lớn của họ đối với sự nghiệp cách mạng Trung Quốc. Chiến công của nhóm tình báo Mạc Hùng, Hạng Du Niên đã được dựng thành bộ phim mang tên  “Những anh hùng thầm lặng” vào những năm 90 của thế kỷ XX

Quang Hải (Theo The World Military)
.
.