Những lần bảo vệ Bác Hồ đi công tác ở nước ngoài
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ đi cảm ơn các nước XHCN đã tận tình giúp đỡ ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và cũng tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác đoàn kết, hữu nghị với bầu bạn trên thế giới. Phần lớn công tác bảo vệ Bác được các nước chủ nhà chuẩn bị chu đáo nhưng cũng không ít lần lực lượng cảnh vệ của ta phải "thót tim".
Rất ít cảnh vệ theo Bác đi nước ngoài
Chuyến đi công tác nước ngoài đầu tiên và dài ngày nhất của Bác (từ 22/6 - 22/7/1955) kể từ sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc là chuyến thăm hữu nghị chính thức 3 nước: Trung Quốc, Mông Cổ, Liên Xô. Tại mỗi nước đến thăm, chương trình của Bác diễn ra gần như khép kín, với phạm vi rộng và liên tục.
Vì quy định của đoàn công tác, cán bộ cảnh vệ chỉ được có 2 người đi theo. Mặc dù Bác đi thăm 3 nước trong phe XHCN, tình hình an ninh của các nước bạn đều ổn định nhưng cũng không loại trừ bọn phản động lợi dụng cơ hội này để thực hiện âm mưu ám hại Người. Bài toán này đã làm cho các đồng chí lãnh đạo Cục Cảnh vệ - Bộ Công an phải căng ra suy nghĩ, tính toán để xây dựng kế hoạch phù hợp, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Bác.
Ngoài triển khai các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng cảnh vệ của ta đã phối hợp với các lực lượng của bạn để nắm tình hình có liên quan đến công tác bảo vệ Bác ở 3 nước Trung Quốc, Mông Cổ, Liên Xô. Trên cơ sở đó đề nghị an ninh bạn có phương án phối hợp, tối ưu nhất, an toàn nhất. Bộ Công an Việt Nam đã có những cuộc trao đổi với cơ quan an ninh các nước mà Người đến thăm về trách nhiệm phối hợp để bảo đảm an toàn tuyệt đối mọi hoạt động của Bác. Bác đến thăm nước nào thì an ninh và cảnh sát ở nước đó trực tiếp chịu trách nhiệm công tác bảo vệ.
Đi bảo vệ Bác lần đó là đồng chí Hoàng Hữu Kháng, lúc đó là Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ và đồng chí Long Văn Nhất. Về kỷ niệm bảo vệ Bác đi thăm 3 nước Trung Quốc, Mông Cổ, Liên Xô, đồng chí Hoàng Hữu Kháng kể lại: "Lực lượng an ninh bạn nói với chúng tôi, đất nước các đồng chí vừa trải qua cuộc chiến tranh gian khổ và tàn khốc. Bây giờ các đồng chí đi cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm đất nước chúng tôi, các đồng chí cứ yên tâm tham quan và rút kinh nghiệm. Đảm bảo an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh là trách nhiệm của chúng tôi. Chúng ta đều là anh em trong đại gia đình các nước XHCN cả". Đến nước nào an ninh bạn cũng nói như vậy. Đồng chí Long Văn Nhất kiêm nhiệm vụ phục vụ Bác, nên thường xuyên bên cạnh Bác. Còn đồng chí Hoàng Hữu Kháng thường đi cùng với một sĩ quan chỉ huy của bạn.
Ở Trung Quốc, an ninh bạn tổ chức bảo vệ với một lực lượng dày đặc, thường xuyên có 2 cận vệ tháp tùng bên cạnh. Những lần Bác đi thăm nhà máy, công nhân đón tiếp đông, bao giờ ông Vụ trưởng Vụ Lễ lân của Chính phủ cũng đi trước, cách Bác chừng 10 mét. Còn 2 sĩ quan cận vệ thì mỗi người đi một bên. Mỗi khi xe Bác đi trên đường thì có tới 14 xe môtô hộ tống. Đó là chưa kể ôtô cảnh sát dẫn đoàn đi trước.
Khi Bác sang Mông Cổ, nước bạn cử tới 4 sĩ quan cận vệ bảo vệ, tháp tùng Bác. Lực lượng Cảnh sát đi ngựa làm trật tự nơi quần chúng hai bên đường vẫy chào đoàn. Mỗi bên có 5 sĩ quan cưỡi ngựa làm nhiệm vụ. Khi Bác sang Liên Xô, nước bạn tổ chức đón rất long trọng và cũng huy động lực lượng rất đông. Lực lượng giữ trật tự cũng dùng ngựa. Ngựa đi hai bên phía quần chúng nhưng cách xa chỗ Bác khoảng 30 mét. Ở Liên Xô cũng bố trí 2 sĩ quan cận vệ bảo vệ Bác.
Cùng những người dân XôViết (1955). |
Những lần "thót tim" của cảnh vệ
Đồng chí Hoàng Hữu Kháng kể lại: "Đến mỗi nước, khi nhìn thấy Bác mặc bộ quần áo dạ đen, đứng trên bục danh dự cùng với nguyên thủ nước bạn, rồi 21 phát đại bác rền vang tiếp theo Quốc ca nước ta vang lên mà lòng tôi rộn ràng, hãnh diện lẫn tự hào. Tâm trạng tôi cứ lâng lâng cảm động đến chảy nước mắt. Những lần ở mỗi nước như vậy tôi lại nghĩ về quá khứ một thời. Đó là những ngày Bác cháu cùng "cháo bẹ, rau măng". Những hôm Bác cháu cùng cuốc đất trồng rau, cùng xuống suối bắt cua đá, tìm từng ngọn rau dền hay hái những mớ rau rừng ở núi rừng Việt Bắc. Càng nghĩ tôi càng thương Bác".
Ngoài chuyến thăm các nước XHCN, từ ngày 4 đến 17/21958, Bác còn dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta đi thăm các nước láng giềng anh em, các nước châu Á như Miến Điện (Myanmar), Ấn Độ, đồng chí Phan Văn Xoàn lúc đó là Trưởng phòng Bảo vệ Chuyên gia của Cục Cảnh vệ (Sau này là Thiếu tướng - Tư lệnh Cảnh vệ), đi bảo vệ Bác kể lại: "Khi Bác đến Miến Điện, Tổng thống nước này và Bác nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh không cần phiên dịch. Trong chương trình hoạt động ngày thứ hai có nội dung Bác và Tổng thống Miến Điện đến thăm thắng cảnh và giải khát tại một bờ hồ. Nói là hồ nhưng nó rộng không kém Biển Hồ ở Campuchia. Hai nguyên thủ ngồi nói chuyện gì đó rất vui. Bỗng có 4 chiếc canô của cảnh sát tuần tra xung quanh nơi hai nguyên thủ đang ngồi. Không rõ ngài Tổng thống Miến Điện nói gì, tôi bỗng thấy cả Bác và ngài Tổng thống đứng lên vẫy một ca nô cảnh sát và trèo lên canô.
Đâu có chương trình này! Tôi đang làm nhiệm vụ cạnh đó hoảng quá, đành liều nhảy xuống chiếc canô. Hai sĩ quan tháp tùng Bác thấy vậy cũng nhảy xuống theo. Viên sĩ quan tháp tùng ngài Tổng thống Miến Điện không kịp nhảy xuống đành phải đứng lại trên bờ. Anh cảnh sát Miến Điện cũng rất nhạy cảm, không dám lướt canô nhanh. Tôi ngồi bên cạnh Bác đề phòng. Quê tôi ở Cà Mau, là người sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước, bơi lội không đến nỗi tồi nên cũng vững dạ phần nào. Chiếc canô chạy một vòng ra giữa hồ rồi quay lại. Cả hai nguyên thủ lên bờ nhưng vẫn còn luyến tiếc điều gì đó. Hôm đó tôi thót tim, nhưng mọi việc đều an toàn".
Thăm một đơn vị Hải quân của Liên Xô.
Đồng chí Phạm Lê Ninh, Trưởng phòng 40 (sau này là Phó cục trưởng Cục Cảnh vệ) bảo vệ Bác Hồ đến Ấn Độ kể lại: "Đi thăm Ấn Độ lần đó Bác đi đôi dép cao su mà hàng ngày vẫn dùng. Báo chí Ấn Độ thi nhau nói về một vị Chủ tịch nước khiêm tốn, giản dị, thương dân. Hôm ngài Tổng thống Ấn Độ đưa Bác đến thăm một ngôi chùa cổ của Ấn Độ. Nguyên tắc của nhà chùa là phải để giày dép ở bên ngoài.
Khi ngài Tổng thống mời Bác lên sảnh chùa, lễ tân Ấn Độ ra lễ phép: "Xin mời ngài Chủ tịch và ngài Tổng thống cứ đi dép vào chùa cũng được ạ!". Bác nghe lễ tân nói vậy liền xua tay và nói bằng tiếng Anh: "Nhập gia tùy tục, các bạn cứ để tôi làm theo đúng quy định ở đây". Nói rồi Bác cởi dép để lại. Ngài Tổng thống thấy vậy cũng sai tùy tùng cởi đôi giày da bóng loáng, đi chân tất theo Bác vào trong chùa.
Khi hai vị nguyên thủ vào trong chùa, một bất ngờ xảy ra làm cho tôi và an ninh Ấn Độ thật lúng túng. Nhiều phóng viên phục sẵn từ trước lao ra, chen lấn chĩa ống kính chụp ảnh và quay phim đôi dép cao su của Bác. Rồi những người dân ở đây cũng ùa xuống, xô đẩy, chen lấn nhau để cố sờ được vào đôi dép cao su của Bác. Công tác bảo vệ đôi dép cao su của Bác bỗng trở thành nhiệm vụ trọng điểm. Cảnh sát đặc nhiệm của bạn được điều đến. Phải mất gần một tiếng sau các lực lượng tham gia bảo vệ mới giải tán được đám đông trước cửa chùa. Bạn còn cử hẳn 4 cảnh sát bảo vệ đôi dép cao su của Bác"