Những lớp học An ninh đặc biệt đầu tiên ở Miền Nam

Thứ Ba, 28/11/2017, 08:36
Ông là một trong những cán bộ công an đầu tiên đã sống và chiến đấu của huyện Liên Huyện, Ty Công an Chợ Lớn trong kháng chiến chống Pháp với nhiều nhiệm vụ đặc biệt được tổ chức giao.

Tổ chức giữ ông ở lại hoạt động, không ra Miền Bắc tập kết, nhưng ông cũng đã có một chuyến vượt Trường Sơn ra Hà Nội vào cuối năm 1974 do Trung ương Cục Miền Nam cử đi. Ông là một trong những cán bộ đầu tiên của Công an Nam bộ, Ban An ninh Miền Nam, Miền Đông… là một trong những người soạn giáo án đào tạo cán bộ an ninh đầu tiên của Miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Hòa bình, ông có suốt 17 năm làm Phó Chánh án TAND Tối cao phía Nam với sự tham gia, chỉ đạo xét xử nhiều vụ án nổi tiếng sau ngày giải phóng như: vụ Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh, vụ Đường Sơn quán, Nghệ sỹ Thanh Nga, Cimexcol… Ông là Huỳnh Việt Thắng (Tư Thắng, Mười Qùy) - một quan tòa "Bao Thanh Thiên" của Việt Nam.

Thầy và trò lớp cán bộ An ninh đầu tiên của Nam bộ

Sau khi nghiên cứu Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng tại Trảng Chà Dơ, là căn cứ chiến khu của xứ ủy Nam bộ nằm phía Bắc Tây Ninh vào dịp khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3 tại Hà Nội ngày 5-9-1960, trong buổi bắt đầu làm việc, đồng chí Trần Bạch Đằng thay mặt cán bộ Xứ ủy đọc bản điện văn của hội nghị gửi chúc mừng Đại hội. Đồng chí mở đầu buổi làm việc với câu nói vui: "Hôm nay chúng ta binh tôm tướng cá của Xứ ủy  có mặt 50 đồng chí…". 

Lực lượng An ninh T4 trước giờ giải phóng Miền Nam.

Trong đó có những cán bộ như các đồng chí Cao Đăng Chiếm, Tư Nha, Tư Thế, Bảy Dự, Ba Cao, Chín Đào, Tư Thắng (Huỳnh Việt Thắng), Ngô Liên, Sáu Chiêu, Bảy Xụi (Nguyễn Văn Đậu), Bs Võ Cương, Tám Thanh, Lê Thị Riêng… Sau khi quán triệt Nghị quyết 15, Xứ ủy Nam bộ chia thành 3 đoàn cán bộ đi công tác chiến trường, phá ấp chiến lược, xây dựng xã ấp chiến đấu và xây dựng chi bộ Đảng, đoàn thể… Trong đó, có nhiệm vụ rất đặc biệt của lực lượng An ninh là xây dựng đặc tình chiến lược và xây dựng lại Công an Nam bộ.

Theo hồi ký của đồng chí Huỳnh Việt Thắng kể lại: Một buổi chiều vào cuối năm 1960, ông cùng đoàn công tác Nghị quyết 15 đang công tác ở xã Nhuận Đức (Củ Chi), thì bất ngờ đồng chí Sáu Hoàng (Nguyên cố Thượng tướng- Thứ trưởng Bộ Công an Cao Đăng Chiếm) đến gặp và tổ chức cuộc họp khẩn cấp để nghe báo cáo Quyết định của đồng chí Bí thư Xứ ủy Nam bộ Nguyễn Văn Linh. Đồng chí Sáu Hoàng trịnh trọng tuyên bố: "Chắc các anh chị cũng đã biết về Chỉ thị số 01 của anh Nguyễn Văn Linh. Nay anh phân công tôi xuống báo cáo với đoàn xin rút anh Tư Thắng về cùng tôi lo xây dựng lại tổ chức Công an Nam bộ trực thuộc Xứ ủy". Chỉ thị 01 mà đồng chí Bí thư Xứ ủy Nam bộ Nguyễn Văn Linh ký vào tháng 7-1960 về việc thành lập Ban Bảo vệ an ninh trật tự Xứ ủy và Ban An ninh các cấp. Sau này thường gọi là Ban Bảo vệ An ninh Xứ ủy. Cho đến khi thành lập Trung ương Cục Miền Nam, tổ chức Công an Nam bộ được chính thức mang tên là Ban An ninh Trung ương Cục Miền Nam.

Trở về căn cứ R, các đồng chí Sáu Hoàng, Tư Thắng, Ba Khá, Hai Bê cùng một tiểu đội chiến sỹ xây dựng căn cứ mới. Có thể nói đây là căn nhà đầu tiên của Công an miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tổ chức lại bộ máy theo hệ thống Công an Nam bộ thời Pháp, theo cơ cấu dọc từ tỉnh thành, quận huyện, xã ấp… 

Khó khăn nhất vào giai đoạn này là con người công an. Cùng với việc xây dựng đặc tình chiến lược và mở lớp đào tạo cán bộ An ninh cho công an Nam bộ lúc này là hai nhiệm vụ rất bức bách và dù muốn hay không cũng phải củng cố, phát triển nhanh chóng lực lượng theo chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bộ Công an tại Hà Nội.

Trước tình hình cán bộ công an Nam bộ sau Hiệp định Geneve 1954, phần lớn đã tập kết ra Miền Bắc. Số ở lại đã được bí mật chuyển sang công tác xây dựng lực lượng bí mật hoặc làm giao liên bí mật. Trong giai đoạn khốc liệt của tình hình, với máy chém anh em nhà Ngô Đình Diệm lê khắp Miền Nam, cùng với phong trào tố cộng, xây dựng chính quyền Đệ nhất Cộng hòa, đã có rất nhiều cán bộ, chiến sỹ công an mật và công khai bị địch bắn giết và tù đày.

Có rất nhiều đồng chí thà hy sinh, giữ vững tinh thần, khí tiết người cộng sản, nhưng cũng có không ít những người hèn nhát đã ly khai, đầu hàng, tố cộng khiến cho cả chính trường Miền Nam cực kỳ căng thẳng. 

Đây cũng là cơ hội tốt, là thời cơ để ta cài cắm lực lượng sâu vào các cơ quan đầu não của địch. Nhiều cán bộ tình báo tài ba của cách mạng như: Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo… Do đó, nếu quy tụ những cán bộ còn lại về căn cứ R chắc cũng không nhiều, nên lúc bấy giờ công tác tham mưu cấp trên mở lớp đào tạo cán bộ An ninh Miền Nam là cực kỳ quan trọng đối với Sáu Hoàng, Tư Thắng, Chín Nghĩa. Nhưng mở lớp đào tạo phải có kế hoạch, giáo án và một loạt các công việc liên quan khác. 

Các đồng chí cán bộ khung đầu tiên của Công an Nam bộ vừa xây dựng căn cứ và soạn thảo kế hoạch, giáo trình và báo cáo xin ý kiến đồng chí Phạm Thới Bường (Ba Bường) lúc này là Ủy viên thường trực Xứ ủy Nam bộ, phụ trách công tác quân sự, an ninh, binh địch vận. 

Trước mắt, đồng chí Ba Bường đồng ý cho mở lớp cấp tốc đào tạo cán bộ An ninh cấp tỉnh thành, quận huyện cho cán bộ chủ chốt khu vực Nam tỉnh Tây Ninh và Sài Gòn - Gia Định tại căn cứ Bời Lời. Nhưng đặc biệt quan tâm đến nội dung, giáo trình cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, thực tế.

Giáo án "An ninh đặc biệt" giữa rừng Tây Ninh

Khó khăn lớn nhất đối với Tư Thắng lúc này là xây dựng đề cương giáo án để phục vụ cho công tác huấn luyện cán bộ An ninh mà hầu như không ai có trong tay một tài liệu hướng dẫn nào. Nên khổ nhất lúc này là làm sao xây dựng được những căn bản của đề cương về công tác công an trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt. May mắn hơn nhiều đồng chí khác, Tư Thắng đã từng học lớp Chính trị 4 tháng với 5 môn học, tổ chức  tại Mỹ An (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) do Xứ ủy triệu tập trước 1954. 

Môn học "Triết học Chủ nghĩa Mác - Lênin" và "Duy vật biện chứng phép" do đồng chí Hà Huy Giáp truyền đạt. Môn "Chiến tranh nhân dân" do đích thân Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn giảng bài. Các môn "Công an nhân dân" do đồng chí Phạm Hùng - Phó Bí thư Xứ ủy giảng và "Chính quyền nhân dân" do đồng chí Ung Văn Khiêm truyền đạt… Học xong chính trị về, Tư Thắng lại được Ty Công an Chợ Lớn cử đi học lớp đào tạo cán bộ pháp lý cho ngành Toà án Nam bộ do Sở Tư pháp Nam bộ mở tại Rạch Giá…

Quá nửa đêm, tiếng chim ăn đêm kêu lạc lõng giữa khu rừng già tĩnh mịch của căn cứ, đã khiến Tư Thắng giật mình như tỉnh hẳn giữa dòng suy nghĩ miên man về những kinh nghiệm, thực tế tích lũy từ khi làm Công an Chợ Lớn thời kháng Pháp và những kinh nghiệm bao năm theo dõi công tác địch tình, giao liên từ Campuchia về Tây Ninh; vận dụng những điều đã biết với Chủ nghĩa Mác - Lênin, Triết học về Duy vật biện chứng và từ các bài giảng về Công an nhân dân, Chính quyền nhân dân, Tuyên truyền quần chúng…

Tư Thắng cảm thấy đỡ nhẹ lòng hơn một chút, khi quyết tâm vận dụng bài giảng lớp cán bộ an ninh đầu tiên này phải là việc quan trọng đặc biệt, xây dựng đường lối, phương châm, chính sách, biện pháp công tác công an phù hợp với thực tế tình hình chính trị, xã hội, quân sự tại Miền Nam. 

Đặc biệt, phải xây dựng lực lượng an ninh đủ mạnh để đối phó với những âm mưu thủ đoạn của đế quốc Mỹ trong từng giai đoạn chiến tranh đã và đang diễn ra tại Miền Nam với kế hoạch Mỹ đưa quân vào Việt Nam. Lúc sang Campuchia tránh địch và xây dựng đường giao liên quốc tế, Tư Thắng đã dành khá nhiều thời gian đọc sách, báo và tìm hiểu sâu về công tác tình báo của các nước Liên Xô, Đức, Trung Quốc, Ba Lan, Tiệp Khắc… 

Những kinh nghiệm tích lũy và vốn tri thức đó cũng đã được ông đưa vào giáo án nhằm làm phong phú thêm công tác đặc thù của Công an, đặc biệt là an ninh.

Bài học đầu tiên của cán bộ An ninh ngày đó…

Lúc sinh thời, ông Tư Thắng từng kể lại: Ngày đó mọi người, mọi công việc đều diễn ra rất khẩn trương, chuẩn bị tốt nhất cho ngày khai giảng lớp với sự lo lắng, hồi hộp cao độ nhưng cũng chưa thể đến với các trò được. Chuyện là, mấy anh em tuần tra đã bắt được một người tại khu vực biên giới Cà Tum đang tìm đường theo cách mạng. 

Theo lời khai và giấy tờ thì người này tên Nguyễn Văn Vinh, quê Quảng Ngãi, từng là trung úy quân đội Sài Gòn, bị tù 6 tháng vì tội đào ngũ và quyến rũ người khác đào ngũ. Với tính cảnh giác và phát hiện nhiều dấu hiệu hoài nghi về sự xuất hiện của người thanh niên này, Tư Thắng cử trinh sát đi xác minh lai lịch và âm thầm theo dõi, báo cáo cho đồng chí Ba Bường. 

Nghe xong, Ba Bường đùng đùng nổi giận ra lệnh: "Nó là thằng gián điệp. Tính cẩn thận và chu đáo, Tư Thắng đã điều tra đúng 7 ngày sau, tên Vinh đã cúi đầu nhận tội là gián điệp do Đỗ Mậu - Giám đốc an ninh Sài Gòn tung vào chiến khu cách mạng để hoạt động nắm tình hình.

Cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng trao huân chương cho đồng chí Huỳnh Việt Thắng.

Giải quyết xong việc gián điệp đột nhập căn cứ, Tư Thắng cùng hai chiến sĩ bảo vệ tức tốc hành quân suốt 4 ngày sau mới đến căn cứ Bời Lời khai giảng lớp. Trước đó vài ngày, anh Sáu Hoàng đã viết giấy giới thiệu Tư Thắng đến gặp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh và trao quyết định điều động đồng chí Chín Nghĩa (cố Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa - nguyên GĐ Công an Tây Ninh), đang công tác tại Sóc Thiết, căn cứ Lò Gò, Trảng Bàng (Tây Ninh) để cùng về tham gia phụ trách lớp đào tạo cán bộ an ninh đầu tiên.

Tháng 6-1961, gần 50 học viên đầu tiên của lớp đào tạo cán bộ an ninh thuộc khu vực Nam Tây Ninh và Sài Gòn- Gia Định đã có mặt khai giảng. Các học viên từ nhiều nơi đến, thường sử dụng bí danh, không cần biết đơn vị nào, chức vị và cấp bậc gì, ai ai cũng tự mình dựng rạp làm lớp, dựng nhà đào hầm để tránh trú, làm bàn ghế ngồi. 

Nhiều học viên lớp đầu tiên là những cán bộ công an, an ninh nổi tiếng như: Năm Tấn (Huỳnh Văn Bánh - Trưởng Ban An ninh T4), Hai Mõ (Bùi Quang Hảo, sau giải phóng làm PGĐ Công an TP Hồ Chí Minh), Tư Thông, Sáu Giò… đồng chí Tư Thắng phụ trách soạn giảng bài, còn đồng chí Chín Nghĩa viết chữ đẹp, nên được phân công phụ trách in ấn tài liệu cho học viên phục vụ việc học và tham khảo sau này. 

Nhiều học viên là cán bộ an ninh trong lớp đầu tiên đã phát biểu rất chân tình rằng: Tài liệu giảng dạy trong lúc ấy rất có giá trị thực tiễn, áp dụng có hiệu quả thiết thực cả về đường lối, phương châm và chính sách cụ thể của lực lượng Công an trong công tác tấn công địch và bảo vệ ta.

Mở lớp đào tạo cán bộ an ninh và tuyển quân xây dựng lực lượng Công an Nam bộ là hai nhiệm vụ song song đối với Ban An ninh TW Cục Miền Nam lúc bấy giờ. Sau khi bế giảng lớp, quân số đã tăng lên một Trung đội, ngày đến chỉ 4 cán bộ, 2 chiến sĩ thì giờ đã có trên 30 người trong đoàn, bắt đầu rời căn cứ Bời Lời để hành quân đến địa điểm mới là chiến khu D (rừng Mã Đà, Đồng Nai). 

Đây cũng là nơi ra đời Ban An ninh Trung ương Cục Miền Nam. Thầy trò đoàn công tác vượt suối, băng rừng, đội mưa dầm ròng rã hơn 10 ngày, với ba lô mang 20kg gạo và đầy rẫy tai mắt địch, cuối cùng đã về đến rừng Mã Đà, chiến khu D an toàn. Nơi được coi là Lam sơn khí chướng với "Mã Đà anh hùng tận" suốt ngày không thấy mặt trời, ẩm ướt và lạnh lẽo quanh năm do rừng cây rậm rạp.

Lúc này Hội nghị thành lập Trung ương Cục Miền Nam vừa thành công tốt đẹp, do đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) làm Bí thư. Hai Phó Bí thư là đồng chí Võ Chí Công, Phan Văn Đáng (Hai Văn) cùng hai Ủy viên Trần Nam Trung, Nguyễn Văn Xô. Ban An ninh Miền Nam cũng ra đời từ đó, do đồng chí Hai Văn làm Trưởng ban,  thay thế đồng chí Ba Bường tổ chức phân công về làm Bí thư T3, còn đồng chí Sáu Hoàng làm Phó ban và đồng chí Tư Thắng làm ủy viên.

Mở lớp đào tạo cán bộ an ninh lần thứ hai cho cán bộ an ninh các tỉnh thành miền đông Nam bộ và các tỉnh cực Nam Trung bộ được Thường vụ Trung ương Cục Miền Nam chấp thuận vì lúc này tình hình đào tạo cán bộ an ninh cho 2 khu vực này rất cần. Ban giảng dạy cũng dựa trên tài liệu đã có từ lớp trước, các đồng chí Tư Thắng, Chín Nghĩa, Mười Thạnh, Ba Khá… lại hăm hở bước vào phụ trách khóa đào tạo mới có số lượng đông người hơn rất nhiều nhưng ít vất vả hơn.

Tại khu rừng Bờ Cảng, cạnh bờ sông Thị Tính, thuộc xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một cũ (Bình Dương), trên 70 cán bộ an ninh Đông Nam bộ và Cực Nam Trung bộ đã diễn ra đa phần học viên là cán bộ chủ chốt các tỉnh thành, quận huyện. 

Nhưng đây cũng là lớp học cuối cùng tại chiến khu D Mã Đà do tình hình chiến sự đang vào giai đoạn gay gắt, quyết liệt. Do đó, chỉ một thời gian ngắn, Trung ương Cục Miền Nam, Ban An ninh Miền Nam lại băng rừng, vượt suối gần nửa tháng trời để dời toàn bộ cơ quan Trung ương về căn cứ C Tây Ninh.

Nam Yên
.
.