Những ngày cuối cùng của một sắc lính

Thứ Bảy, 05/05/2012, 23:10

Trong tất cả những quân, binh chủng của quân đội Sài Gòn cũ, có một sắc lính được Nguyễn Văn Thiệu đặc biệt tin tưởng. Mặc dù quân số ít - chỉ khoảng 3.000 người nhưng nó được trang bị rất hùng hậu và thường được tung vào những chiến trường khốc liệt nhất. Đó là Liên đoàn 81 Biệt cách nhảy dù (gọi tắt là BCD).
Thế nhưng, những ngày cuối cùng của tháng 4/1975, Liên đoàn này không đánh mà tan…

1. Tiền thân của BCD là Lực lượng đặc biệt, thành lập năm 1957 và nằm dưới quyền điều động của Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa (VNCH) để thực hiện những công tác đặc biệt và tối mật: Chẳng hạn như xâm nhập miền Bắc thu thập tin tình báo, phá hoại, thám sát hệ thống tiếp vận trên đường mòn Hồ Chí Minh. Đến năm 1961, Lực lượng đặc biệt thành lập thêm một số đại đội BCD biệt lập để hỗ trợ, ứng cứu cho những toán biệt kích nhảy qua Lào hoặc những vùng biên giới. Năm 1964, các đại đội BCD kết hợp thành Tiểu đoàn 91 BCD. Năm 1968, nó được cải danh thành Tiểu đoàn 81 BCD rồi tiếp theo, năm 1970, Trung tâm hành quân Delta sáp nhập với Tiểu đoàn 81 để trở thành Liên đoàn 81 BCD, quân số lên đến 3.000 người và được chia ra làm ba bộ chỉ huy chiến thuật.

2. Ngày 26/4/1975, sau khi nhận lệnh từ Bộ Tổng tham mưu (TTM) quân đội Sài Gòn, Chỉ huy trưởng Liên đoàn 81BCD là đại tá Phạm Văn Huấn, đã ra lệnh cho Phan Châu Tài, thiếu tá, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy chiến thuật số 3 đưa toàn bộ quân lính gồm khoảng 1.000 người về phòng thủ Bộ TTM. Phan Châu Tài nhớ lại: "Đón tiếp tôi là đại tá Tòng, chỉ huy trưởng Tổng hành dinh Bộ TTM. Sau đó, hắn ta bàn giao tôi cho trung tá Đức để phối hợp phòng thủ rồi… biến mất!".

Kế hoạch phòng thủ do trung  tá Đức vạch ra, là toàn bộ quân lính của Tài sẽ nằm trong vòng thành để cố thủ. Tài than trời: "BCD sở trường với lối đánh cơ động. Bây giờ nằm co cụm một chỗ như vậy, khác gì bỏ con chim ưng vào trong lồng". Thế nên, một mặt Tài làm ra vẻ chấp hành ý kiến của Đức. Mặt khác, ông ta bí mật ra lệnh cho các thuộc cấp tự do bố trí lực lượng.

Sáng 27/4, Phan Châu Tài được lệnh trình diện trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Biệt khu thủ đô. Sau cuộc tiếp xúc kéo dài chừng 10 phút, Minh yêu cầu Tài cùng phối hợp với Châu Văn Tiên, đại tá tỉnh trưởng tỉnh Gia Định để lo việc phòng thủ. Tài kể: "Giao nhiệm vụ cho tôi xong, ổng lên máy bay trốn luôn. Lúc ấy, tôi đã nhìn thấy sự sống chỉ còn thoi thóp của chính quyền Sài Gòn". Chưa hết, sáng 28-4, trong lúc đang thị sát các vị trí phòng thủ thì một sĩ quan thuộc Phòng 3, Bộ TTM cho Tài biết: "Thằng Cao Văn Viên đã bỏ chạy".

Việc một sĩ quan cấp thấp gọi sĩ quan cao cấp bằng "thằng" làm Tài điếng người bởi dẫu sao, Cao Văn Viên cũng là Tổng tham mưu trưởng quân đội. Vội vã quay lại Bộ TTM, Phan Châu Tài càng tá hỏa hơn nữa khi tận mắt chứng kiến một quang cảnh vô cùng hỗn loạn. Hàng loạt sĩ quan vội vã chất đồ đạc lên xe, có người cởi cả áo lính, chỉ mặc độc cái áo thun trắng. Người ta chạy tứ tung, gọi nhau í ới như mê sảng. Đám quân cảnh bố trí ở hai vọng gác cũng bất lực. Phòng làm việc của Cao Văn Viên trống trơn, lá cờ ba sọc cùng cờ hiệu 4 ngôi sao của Viên nằm đổ nghiêng trên bàn. Hẳn là khi vội vã tháo chạy, Cao Văn Viên chẳng còn kể gì đến quân phong, quân kỷ. Tài chua chát khi nghĩ đến hình tượng con rắn mất đầu. Trong hoàn cảnh đó, Phan Châu Tài dù có muốn xin một cái lệnh, cũng chẳng biết xin ai.

Trưa 28/4, Phan Châu Tài điện thoại cho Phạm Văn Huấn, Liên đoàn trưởng Liên đoàn 81BCD, lúc đó đang đóng quân ở Suối Máu, Biên Hòa để báo cáo về những việc xảy ra tại Bộ TTM. Tài kể: "Xế chiều, lúc tôi đang đứng trên một cao ốc thì thấy 1 phi đội A37 lướt ngang đầu. Tôi tưởng máy bay bên không quân vừa đi đánh ở đâu về nhưng lập tức, tôi thấy nó lần lượt lao xuống, ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất. Phản ứng đầu tiên của tôi là ra lệnh cho toàn thể lính tráng chĩa hết tất cả mọi loại súng lên trời, bắn bất kể. Mấy tiếng đồng hồ sau, qua đài phát thanh, tôi mới biết đó là máy bay của ông Nguyễn Thành Trung".

Người dân Sài Gòn đổ ra đường đón mừng Quân Giải phóng.

Ngày 29/4, Bộ TTM quân đội Sài Gòn có một tổng tham mưu trưởng mới. Đó là trung tướng Vĩnh Lộc. Do Cao Văn Viên đã ca bài tẩu mã nên không hề có lễ bàn giao mà thay vào đó chỉ là một buổi tiếp tân nhỏ. Phan Châu Tài nhớ lại: "Trong buổi tiếp tân ấy, ngoài tôi, ông Vĩnh Lộc, còn có trung tướng Nguyễn Hữu Có, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh cùng hơn chục sĩ quan cấp tá. Nguyễn Hữu Có bắt tay tôi dặn: "Em ráng giữ Bộ TTM nguyên vẹn đến ngày mai. Đã có giải pháp (?!)".

3. Mờ sáng ngày 30/4/1975, Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn từ nhiều hướng. Phan Châu Tài nhớ lại: "Tôi biết giờ phút cuối cùng đã điểm vì qua máy truyền tin, tôi nhận được tin xe tăng của bộ đội đã tràn qua các cứ điểm một cách dễ dàng". Tại Trung tâm huấn luyện Quang Trung, những người lính Sài Gòn "chưa kịp ra lò" thì đã bị ấn súng vào tay, đẩy ra chống đỡ. Thế nên nhiều người chưa kịp bắn, đã cởi cả quần lẫn áo, cởi cả giày để tháo chạy cho nhanh. Ở khu vực ngã tư Bảy Hiền, một trận đánh ác liệt đã nổ ra giữa quân của Tài và Quân giải phóng. Hạ sĩ Đức, người có mặt trong trận đánh này kể: "Có vẻ như bộ đội chẳng thèm để ý đến chúng tôi. Xe tăng của họ vừa bắn, vừa nhắm hướng trung tâm Sài Gòn thẳng tiến".

Khoảng 9h, xe tăng, bộ đội đã vây kín Bộ TTM. Ngay lúc này, Phan Châu Tài nhận được lệnh từ một sĩ quan Phòng 3 Bộ TTM, đề nghị ngưng chống cự. Đến 10 giờ, Tài nghe trên Đài phát thanh truyền đi lệnh của đại tướng Dương Văn Minh, yêu cầu tất cả sĩ quan, binh lính quân đội Sài Gòn ai ở đâu thì ở yên đó để chờ bàn giao cho Cách mạng. Tài kể: "Tôi vào phòng, điện thoại sang dinh Độc Lập. Người nghe máy là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh. Tướng Hạnh cho tôi biết hiện tại, ông là quyền Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH. Tôi đề nghị được nói chuyện trực tiếp với ông Dương Văn Minh".

15 phút sau, giọng ông Minh vang lên ở đầu giây. Khi nghe Phan Châu Tài hỏi về lệnh ngừng bắn, ông Minh trả lời: "Mình không còn một cái gì để đánh cả. Em chuẩn bị bàn giao cho phía bên kia". Phan Châu Tài vớt vát: "Thưa đại tướng, nếu đầu hàng, đại tướng có bảo đảm cho những con người đang còn ở Bộ TTM không?". Một phút im lặng trôi qua, điện thoại chỉ còn những tiếng tút... tút ...tút.

Buông điện thoại xuống, Phan Châu Tài thẫn thờ đi qua một số phòng ban. Tất cả chỉ còn là sự im lặng đến rợn người. Đúng lúc đó, giọng ông Dương Văn Minh lại vang lên trên Đài phát thanh, và lần này thì đầu hàng vô điều kiện. Một nhóm lính BCD ở một vị trí phòng thủ len lén nhìn Phan Châu Tài rồi vài giây sau, có người cất tiếng: "Hết đánh nhau rồi. Về nhà đi anh em".

Phan Châu Tài ra lệnh tập họp binh sĩ. Mệnh lệnh cuối cùng của ông ta ban ra cho một đơn vị nổi tiếng là thiện chiến nhất của quân đội Sài Gòn chỉ gồm có ba chữ: "Tan hàng thôi!".

4. Sáng 28/4/1975, thời điểm mà Phan Châu Tài đang bố trí binh lực thuộc Bộ chỉ huy chiến thuật số 3, Liên đoàn 81BCD để bảo vệ Bộ TTM quân đội Sài Gòn, thì Bộ chỉ huy 1 chiến thuật dưới quyền trung tá  Vũ Xuân Thông, Bộ chỉ huy chiến thuật số 2 dưới quyền thiếu tá  Nguyễn Sơn và Bộ chỉ huy Liên đoàn 81 BCD do đại tá Phạm Văn Huấn chỉ huy với quân số vào khoảng 2.000 người, đang đóng quân ở phía bắc sân bay Biên Hòa.

12h trưa ngày 28/4, Phạm Văn Huấn được trực thăng đón vế Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 để họp khẩn cấp. Huấn nhớ lại: "Chủ tọa buổi họp là trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3; đại tá Lưu Yểm, Tỉnh trưởng Biên Hòa; trung tá Lô, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 nhảy dù và tôi cùng khoảng 20 sĩ quan nữa".  Không khí buổi họp trở nên căng thẳng khi Nguyễn Văn Toàn ra lệnh: "Ngày mai (29/4/1975) chúng ta rút khỏi Biên Hòa để về phòng thủ tuyến Thủ Đức, các đơn vị tuần tự rút nhưng phải có trật tự, không được lộn xộn như ở Vùng I và Vùng II. Liên đoàn 81BCD đi sau cùng, có nhiệm vụ phá hủy cầu Mới gần sân bay Biên Hòa".

Đêm 28/4/1975, Phạm Văn Huấn cho Liên đoàn 81BCD di chuyển vào sân bay Biên Hòa rồi bố trí ở đó. Trung sĩ Minh kể: "Sư đoàn 3 không quân đã rút khỏi sân bay từ mấy ngày trước nên quang cảnh hoang vắng như bãi tha ma khiến tinh thần lính tráng xuống rất thấp. Ai cũng mong cho trời mau sáng để về Thủ Đức. Mà về tới Thủ Đức thì có nghĩa là đã về tới Sài Gòn".

Sáng 29/4, sĩ quan, binh lính nhốn nháo tranh nhau qua cầu, rút khỏi thành phố Biên Hòa. Khi đơn vị sau cùng qua cầu và nhóm kỹ thuật đang hoàn tất việc đặt chất nổ phá cầu thì bộ phận truyền tin tình cờ nghe được lệnh của ông Vũ Văn Mẫu, người vừa lên làm thủ tướng thay cho Trần Thiện Khiêm đã bỏ chạy sang Đài Loan, yêu cầu người Mỹ rút ra khỏi miền Nam Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Phạm Văn Huấn chết điếng. Cái lệnh ấy như một nhát dao cuối cùng, thọc vào cơ thể đang hấp hối. Trước sự việc này, Huấn ra lệnh cho Liên đoàn chạy vào khu rừng cạnh núi Châu Thới để tìm cách liên lạc, nắm lại tình hình. Huấn kể: "Suốt đêm hôm đó, bộ chỉ huy và ban truyền tin của chúng tôi đã cố gắng bắt liên lạc với các đơn vị bạn qua các tần số nhưng không có kết quả!.

Sáng 30/4, chúng tôi men theo xa lộ, di chuyển dần về hướng Thủ Đức với hy vọng gặp được một vài cánh quân khác nhưng hoàn toàn tuyệt vọng". Trên đường di chuyển, lính Liên đoàn 81BCD mặt xanh như tàu lá chuối khi nhìn thấy từng đoạn dài trên xa lộ, ngổn ngang súng ống, quần áo, giày, ba lô, nón sắt của đủ mọi sắc lính. Thỉnh thoảng, từng đoàn xe chở đầy bộ đội Giải phóng lại vụt qua, cán bừa lên cái mớ hỗn độn ấy. Huấn nói: "Tôi cho họp các cấp chỉ huy. Tôi hỏi "Liên đoàn đã cố gắng liên lạc với cấp trên và các đơn vị bạn nhưng tất cả đều vô vọng. Bây giờ tình hình như thế này xin anh em cho biết ý kiến". Huấn vừa dứt lời, cả đám nhao nhao: "Hơn 1 triệu quân còn không làm được trò trống gì, huống chi loe ngoe dăm mạng chúng ta. Nếu bây giờ mà tiếp tục chiến đấu nhưng không còn ai yểm trợ thì cuối cùng ta sẽ bị tiêu diệt. Vì vậy, ta chỉ còn cách làm theo lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh".

Theo lệnh Phạm Văn Huấn, Liên đoàn 81BCD xếp thành hàng 4, cờ trắng đi đầu, tiến ra xa lộ để đầu hàng Quân giải phóng. Đi được một đoạn, sĩ quan, lính tráng Liên đoàn nhìn thấy hàng trăm thanh niên kẻ mặc áo thun, người cởi trần, đi chân không, trên tay ai cũng cầm một mảnh giấy nhỏ, chạy ngược về hướng Biên Hòa. Phạm Văn Huấn ra lệnh cho bộ phận đi đầu chặn lại hỏi thì được biết họ cũng là lính, sau khi trình diện cách mạng, họ được khuyên nên cởi quần áo lính và được cấp giấy cho về nhà làm ăn. Những chiếc xe tải chở bộ đội lướt ngang và hầu như chẳng ai để ý đến đám tàn quân đang thất thểu bên vệ đường. Một chiếc xe con đang chạy bỗng dừng lại, 2 anh bộ đội nhảy xuống cầm máy quay phim. Một anh hỏi: "Đơn vị nào thế?". Chừng biết đó là Liên đoàn 81BCD, anh cầm máy quay phim cười: "Chà, thứ dữ đây" rồi lia máy dọc theo đám tàn quân.

Xế trưa, Liên đoàn 81BCD trình diện một đơn vị Quân giải phóng. Sau khi khai báo cấp bậc, có 2 chiếc xe đưa các sĩ quan cấp tá về Sài Gòn nhưng không ai áp tải. Lúc đến Làng đại học Thủ Đức, Phạm Văn Huấn nói với anh bộ đội lái xe: "Sĩ quan chúng tôi đều có nhà ở trong khu này".

Xe dừng lại. Cả bọn bước xuống. Không ai tin là mình còn sống vì tất cả họ đều nghĩ rằng với cấp bậc và sắc lính của họ thì khi trình diện, họ sẽ bị xử bắn ngay. Đợi chiếc xe chạy khuất, Huấn nói hai tiếng với những sĩ quan dưới quyền: "Tan hàng".

Và Liên đoàn 81BCD, một trong những đơn vị thiện chiến nhất, con cưng của chế độ Sài Gòn đã tan hàng như thế đó

C.V.
.
.