Những ngày cuối cùng của Trại Đa-vít

Thứ Tư, 06/05/2015, 16:05
Trại Đa-vít (Tân Sơn Nhất - Sài Gòn) chính thức là trụ sở của Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự 4 bên và 2 bên Trung ương từ ngày Hiệp định Paris có hiệu lực (28/1/1973).

Trước đây, trại Đa-vít là một trại lính cũ của Mỹ, nằm lọt giữa bốn bề lô cốt, ụ súng, dây thép gai, kề sát đường băng và khu sửa chữa máy bay. Bố trí trụ sở của 2 đoàn ở tại vị trí này, mục đích của đối phương muốn cô lập, cản trở và giam lỏng các cán bộ, chiến sĩ của ta. Nhưng với nỗ lực của đoàn, nơi này đã trở thành “một hàn thử biểu báo thời tiết chính trị, quân sự, đặt ngay trong lòng địch”, một lãnh thổ bất khả xâm phạm của quân ta giữa lòng thành phố Sài Gòn.

Trại Đa-vít, trụ sở của 2 đoàn đại biểu quân sự.

Mặc dù Mỹ, ngụy thường xuyên uy hiếp và gây muôn vàn khó khăn nhưng các cán bộ chiến sĩ của hai đoàn đại biểu quân sự đã trụ vững tại vị trí này trong suốt 823 ngày đêm, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh ngoại giao quân sự.

Trung tướng Trần Văn Trà, Phó tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã khẳng định: "Bên cạnh 5 mũi tiến công quân sự vào Sài Gòn, Đoàn xứng đáng được coi là mũi tiến công thứ 6; đó là mũi tiến công ngoại giao quân sự, một nét hết sức độc đáo và đặc sắc của chiến tranh nhân dân".

Những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, nơi này đã trở thành một trận địa cách mạng kiên cường. Sau ngày 30/4/1975, trại Đa-vít là địa điểm an toàn nhất của cách mạng tại Sài Gòn và là nơi đặt chân đến đầu tiên của các đồng chí trong Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, trong đó có 3 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị là Lê Đức Thọ, Phạm Hùng và Văn Tiến Dũng, cùng các tướng lĩnh chỉ huy 5 cánh quân họp bàn phương án bảo vệ vùng giải phóng.

Chuyến bay liên lạc Sài Gòn - Lộc Ninh cuối cùng

Theo sự  thỏa thuận của các bên trong Ban Liên hợp quân sự 4 bên và 2 bên Trung ương, hằng tuần có 2 chuyến máy bay trực thăng HU1A liên lạc giữa Sài Gòn và Lộc Ninh, chở người và hàng hóa phục vụ cho Đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong trại Đa-vít. Các chuyến bay này được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, phía Việt Nam Cộng hòa không được phép khám xét người và hàng hóa.

Cuối tháng 3/1975, sau khi quân ta liên tiếp giải phóng từ Đà Nẵng đến Nha Trang, Đà Lạt, Ban lãnh đạo đoàn phán đoán về thời cơ giải phóng Sài Gòn đã tới gần nên đã thống nhất đề nghị với Bộ Tổng tư lệnh xin được trang bị cuốc xẻng để đào hầm, vũ khí để chiến đấu khi cần thiết. Lúc này, số vũ khí mà đoàn có chỉ là một số khẩu AK trang bị cho các đồng chí làm công tác bảo vệ theo quy định của Hiệp định Paris. Đề phòng trường hợp địch dùng xe tăng liều lĩnh xông vào trại, đoàn cần được trang bị thêm lựu đạn, vũ khí chống tăng.

Cấp trên đồng ý cấp vũ khí cho trại Đa-vít nhưng vận chuyển vũ khí vào trại như thế nào để địch không nghi ngờ. Khó hơn nữa, tại thời điểm này, khi quân ta đánh và giải phóng tỉnh Phước Long, phía Sài Gòn đã đơn phương cắt các chuyến bay liên lạc hằng tuần giữa Sài Gòn - Lộc Ninh nhằm gây sức ép đối với phái đoàn của ta.

Một tình huống may mắn bất ngờ đã đến, hai vị đại sứ Indonesia và Iran đã đến nhờ trưởng đoàn can thiệp để trao trả cho họ 2 đại úy của tổ Ủy ban Quốc tế đang bị phía ta giữ trong trận đánh giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975. Đây là một dịp may hiếm có để ta có lý do bí mật vận chuyển vũ khí, đồng thời đưa một số đồng chí đã xong nhiệm vụ ra vùng giải phóng.

Cuộc họp báo ngày 12/1/1975 tại trại Đa-vít về sự kiện giải phóng thị xã Phước Long.

Theo kế hoạch, Ủy ban Quốc tế sẽ thực hiện hai chuyến bay Sài Gòn - Lộc Ninh, chuyến thứ nhất vào ngày 15//1975 làm công tác chuẩn bị, chuyến thứ hai vào ngày 17/4/1975 để thực hiện việc trao trả và đón 2 sĩ quan người Indonesia và Iran về Sài Gòn. Trong chuyến bay thứ nhất ta đã mang trót lọt "2 valy ngoại giao" với đầy vũ khí chống tăng mà không bị phía Sài Gòn khám xét. Khi các chiến sĩ của ta khênh 2 valy từ máy bay lên xe về trại, các sĩ quan ngụy còn kháo nhau: "Hàng ngoại giao" gì đâu, chắc lại toàn mì Lộc Ninh đó thôi, mấy ông này ăn mì (sắn) quen rồi… Và chuyến bay thứ hai, việc trao trả 2 sĩ quan và đưa người của ta ra vùng giải phóng cũng diễn ra an toàn và suôn sẻ.

Chuẩn bị công sự phòng thủ - sẵn sàng chiến đấu

Đầu tháng 4/1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Miền đã truyền đạt ý định khi cuộc tấn công vào Sài Gòn nổ ra, sẽ có một lực lượng đặc công vào trại đưa các thành viên ra nơi an toàn. Ban lãnh đạo của đoàn đã họp phân tích tình hình và kết luận: "Trong lúc này, nhất là trước tình hình kẻ thù đang tan rã, ta vẫn có đủ yếu tố chiến đấu bám trụ tại chỗ và đề nghị Bộ Tư lệnh và Quân ủy Miền cho phép ở lại chiến đấu". Đề nghị này được cấp trên chấp thuận.

Quan sát thấy rất nhiều máy bay của địch tập trung về Tân Sơn Nhất, ngay sát trại Đa-vít, Ban lãnh đạo đoàn đã gửi một bức điện cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đề nghị khi cuộc tiến công nổ ra, quân ta cứ bắn pháo mạnh vào sân bay, không vì sợ ảnh hưởng đến sự an toàn của đoàn mà bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt địch. Các cán bộ, chiến sĩ trong đoàn hạ quyết tâm chuẩn bị mọi mặt như dự trữ lương thực, thuốc men, thiết kế hệ thống công sự phòng thủ, lập kế hoạch tổ chức phân công lực lượng trên từng vị trí để bước vào  giai đoạn chiến đấu cuối cùng.

Từ ngày 18/4/1975, toàn đoàn bước vào cuộc chuẩn bị chiến đấu khẩn trương, âm thầm lặng lẽ mà căng thẳng. Phương án khả thi và duy nhất để lập công sự phòng thủ đó là đào hầm ngay dưới các phòng sinh hoạt trong trại. Đêm đêm, mọi người  chui vào lòng đất đào chiến hào công sự. Thiếu xẻng, cuốc, các cán bộ chiến sĩ dùng tất cả các vật dụng có thể đào được đất như cọc màn, tuốc-nơ-vít, lưỡi lê, dao găm, các thanh sắt rơi vãi quanh trại… Đất đào lên được đổ vào gầm giường, tôn cao nền nhà. Mọi hoạt động đều phải diễn ra trong im lặng để giữ bí mật.

Thức đêm đào hầm nhưng ban ngày các cán bộ chiến sĩ vẫn phải giữ nếp sinh hoạt như bình thường để tránh con mắt nghi ngờ của quân địch ở ngay bên kia hàng rào sắt. Giờ thể thao, các cầu thủ vẫn phải thi đấu nhiệt tình, khán giả vẫn phải hò reo hăng hái… dù tất cả đang mệt nhoài.

Mười ngày đêm trôi qua, 7 khu vực chiến đấu nối nhau bằng hệ thống hào giao thông có nắp dày gần như địa đạo, 2 hầm ngầm chỉ huy, hầm quân y, hầm làm kho dự trữ nước, lương thực... được hoàn thành. Tất cả đã sẵn sàng "chiến đấu và chiến thắng" trong những tình huống khó khăn và gay cấn nhất.

Trại Đa-vít được an toàn trong những trận đánh Tân Sơn Nhất

Chiều ngày 28/4/1975, một tốp máy bay A-37 (loại máy bay oanh tạc của quân đội Sài Gòn) bất ngờ ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất, mảnh bom bay rào rào sang khu vực trại Đa-vít. Các cán bộ chiến sĩ lập tức xuống hầm trú ẩn, sau vài phút bình tĩnh lại, tất cả mọi người đều suy xét đây chỉ có thể là phi công Sài Gòn phản chiến hoặc chính là trận tấn công của quân ta. Mọi người hiểu rằng, đại sự đã đến. Đêm hôm đó, tất cả các bộ phận được lệnh của chỉ huy đoàn xuống ngủ dưới hầm theo đội hình chiến đấu đã được chuẩn bị từ trước, triển khai canh gác theo kế hoạch tác chiến, vận hành mạng điện thoại từ Sở chỉ huy đến các đầu mối, trạm quân y sẵn sàng đón thương binh, điện đài cơ yếu sẵn sàng đón mệnh lệnh của cấp trên.

Đêm 28/4 trôi qua trong yên tĩnh, cho đến 3 giờ sáng ngày 29/4, tiếng đạn pháo và hỏa tiễn nổ vang, bay tới tấp vào khu vực Tân Sơn Nhất. Pháo binh của ta đã tấn công, cả khu vực sân bay chìm trong khói lửa. Những tiếng nổ sát gần trại, những mảnh đạn pháo văng rào rào. Mặc dù có hệ thống địa đạo nhưng đoàn cũng không tránh khỏi những thương vong, hai đồng chí làm nhiệm vụ canh gác đã hy sinh, ba đồng chí bị thương nặng. Tổn thất này đã được đoàn dự báo từ trước nhưng khó tránh được vì đoàn đang ở sâu trong lòng địch.

Trong buổi sáng ngày 29/4, một ngày rất căng thẳng và sôi động, Đại sứ Mỹ Martin đã nhiều lần đề nghị gặp Trưởng đoàn Đại biểu Quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời. Nhận thấy tình hình lúc này không còn gì để bàn bạc, đoàn từ chối gặp. Buổi trưa, một đoàn khách tự giới thiệu là "phái viên của Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền" đến để bàn việc giao chính quyền.

Không thể tiếp, lãnh đạo đoàn từ chối với lý do không được ủy quyền bàn bạc vấn đề gì, mọi điều cần thiết đã được nêu rõ trong Tuyên bố ngày 26/4/1975 của Chính phủ Cách mạng lâm thời. 17 giờ 30 phút, lại một đoàn khách gồm luật sư Trần Ngọc Liễn, Châu Tâm Luân (người vừa được Dương Văn Minh cử làm Bộ trưởng) cùng linh mục Chân Tín đến thiết tha xin gặp để bàn việc quân ta đánh Sài Gòn sao cho bớt đổ máu và tổn hại vật chất. Xét đây là những người thuộc lực lượng thứ ba, lãnh đạo đoàn đồng ý tiếp với tư cách cá nhân họ chứ không đại diện một tổ chức nào. Phó trưởng đoàn Võ Đông Giang đã tiếp 3 người khách tại hầm Sở chỉ huy dự bị.

Đoàn khách vừa vào đến hầm thì một loạt pháo cấp tập bắn vào Tân Sơn Nhất. Dự đoán tiếng súng sẽ không yên trong suốt đêm nay, lãnh đạo đoàn đã khuyên 3 vị khách ở lại qua đêm tới lúc xong trận để đảm bảo an toàn. Vậy là lần đầu tiên, trong một Sở chỉ huy quân cách mạng ở ngay tại Sài Gòn, một sĩ quan Cộng sản đã thức trắng đêm tiếp 3 vị khách - người của phía bên kia - là một giáo sư, một linh mục, một luật sư. Bốn người cùng trò chuyện và theo dõi nhịp độ tấn công thần tốc của cuộc Tổng tiến công. Đồng chí Võ Đông Giang cũng giải thích cho họ cặn kẽ mọi vấn đề về cách mạng mà họ đang băn khoăn nghi ngờ.

Mặc dù đồng ý cho đoàn tổ chức chiến đấu tại chỗ, Bộ chỉ huy chiến dịch vẫn cho chỉ định một cánh đặc công và xe tăng có nhiệm vụ đặc biệt phải tới trại Đa-vít sớm nhất để bảo vệ đoàn hoặc đưa bớt lực lượng ra vùng an toàn. Nhưng tốc độ các trận đánh vào Sài Gòn diễn ra nhanh chóng và thuận lợi, mọi kế hoạch thay đổi, đoàn đặc công và xe tăng có nhiệm vụ bảo vệ đoàn đã được lệnh nhận nhiệm vụ khác. Nhận tin đội đặc công và xe tăng sẽ không vào trại nhưng không ai trong đoàn tỏ ra lo lắng, tất cả đều hân hoan phấn khởi vì trận quyết chiến cuối cùng tưởng cam go, mà trái lại, thuận lợi và nhanh chóng vô cùng.

Lá cờ độc lập đầu tiên tại Sài Gòn tung bay trên tháp nước Trại Đa-vít

6 giờ ngày 30/4/1975, thông tin từ đài chỉ huy pháo binh cho biết họ sẽ bắn cấp tập từ 7 giờ đến 8 giờ để yểm trợ cho các đơn vị tổng công kích vào Sài Gòn. Tất cả các cán bộ chiến sĩ được lệnh ở nguyên dưới hầm. 9 giờ ngày 30/4/1975, nhận lệnh của Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - Trưởng đoàn, đồng chí Mười Sương - Trưởng ban chính trị, gọi đồng chí Phạm Văn Lãi, nhân viên tổ chiếu phim, giao nhiệm vụ trèo lên tháp nước của trại Đa-vít để cắm lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Tháp nước trong trại Đa-vít là một trong những điểm cao của Sài Gòn, lá cờ được cắm ở đây sẽ khiến quân ta biết hướng tiến công và quân địch đóng trong sân bay sẽ hoang mang, không còn khả năng chiến đấu. Đồng chí Phạm Văn Lãi vào kho tìm một lá cờ lớn nhất, ôm chặt trước ngực, băng qua sân tới cổng trại, leo lên tháp nước cắm cờ. 9 giờ 30 phút, lá cờ căng gió phần phật bay, đón chờ giờ toàn thắng.

10 giờ 40 phút, đồng chí trưởng đoàn Hung-ga-ri trong Ủy ban quốc tế đã lách qua đám đông ngoài phố vào trong trại chúc mừng chiến thắng. Bỏ qua tất cả các thông lệ ngoại giao, ông bế bổng đồng chí Đoàn phó Võ Đông Giang, đi một vòng từ đầu nhà tới cuối nhà.

11 giờ 30 phút, xe tăng của ta và bộ binh đã chiếm lĩnh Dinh Độc Lập. Qua Đài Phát thanh và Truyền hình, cán bộ chiến sĩ trong trại Đa-vít biết rằng Sài Gòn đã được giải phóng. Tất cả ôm lấy nhau mừng vui khôn xiết!

Với thắng lợi ngày 30/4/1975, nhiệm vụ của 2 đoàn tại trại Đa-vít đã chấm dứt, kết thúc 832 ngày đêm đấu tranh kiên cường trong lòng địch. Trung tướng Trần Văn Trà đến thăm các cán bộ chiến sĩ của đoàn vào ngày 3/5/1975 đã tuyên bố: Quân ủy Miền công nhận đơn vị trại Đa-vít "là một tiền tiêu của chiến dịch Hồ Chí Minh". Ngày 4/5/1975, các thành viên của 2 đoàn chia tay nhau, đoàn B chuyển sang tham gia lực lượng thuộc Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, trở về đơn vị cũ hoặc nhận nhiệm vụ mới, đoàn A trở lại thủ đô Hà Nội.

Minh Khôi
.
.