Những người bảo vệ Bác Hồ từ sau ngày độc lập

Thứ Hai, 15/08/2016, 17:20
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, các tổ chức phản động tăng cường hoạt động ráo riết, táo tợn gây ra những vụ ám sát, bắt cóc cán bộ lãnh đạo của Việt Minh nên thời gian làm việc tại Hà Nội, Bác thường xuyên thay đổi chỗ. Người chuyển vào ở trong Bắc Bộ Phủ nhưng Trung ương vẫn bố trí cho Người một chỗ ở bí mật tại số 8 Vua Lê (sau nhà Thủy Tạ).

Khi biết Người ở đây, bọn phản động đã theo dõi, bám riết mọi hoạt động hằng ngày của Người. Xe đưa Người đi đến đâu, bọn chúng lẵng nhẵng theo đến đấy. Đồng chí lái xe phải chạy vòng vo các phố, đến địa điểm khác xa hơn để đánh lạc hướng, cắt đuôi chúng, còn đồng chí bảo vệ thì luôn sẵn sàng sử dụng vũ khí đề phòng chúng làm càn.

Trước tình hình đó, từ giữa tháng 12/1945, anh em bảo vệ đã đưa Người về một ngôi nhà ở Quần Ngựa - đường Bưởi trong khi đặc vụ Quốc dân đảng và mật thám Pháp chỉ chú ý theo dõi, bám sát ngôi nhà số 8 phố Vua Lê là nơi ở trên danh nghĩa công khai của Người và mục tiêu chính là chiếc xe màu đen hằng ngày đưa Người đến Bắc Bộ Phủ rồi lại đón về. Trong chiếc xe này luôn thấy bóng “Người” ngồi ghế sau, có chiếc rèm che còn đồng chí bảo vệ thì ngồi ghế trước nhìn rất rõ nhưng thực chất ghế sau là bóng của một đồng chí cảnh vệ ngồi nghi binh.

Công tác bảo vệ lãnh tụ do Trung ương trực tiếp chỉ đạo, trong đó có một bộ phận chuyên trách bảo vệ Bác. Đồng chí Trần Đăng Ninh tham gia bảo vệ Bác từ Thái Nguyên về Hà Nội năm 1945 sau đó được cử vào Trung bộ làm phái viên. Cuối năm 1946, đồng chí quay về Hà Nội nhận nhiệm vụ cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng bí mật chọn địa điểm làm việc và nơi ở cho Bác và Trung ương Đảng.

Bác Hồ cùng đội bảo vệ trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Bảo vệ tiếp cận Bác trong thời gian này vẫn là các đồng chí trong đội vệ binh từ Tân Trào, thêm hai đồng chí Vũ Đình Huỳnh và Vũ Kỳ mới vào giúp việc Bác. Đặc biệt đồng chí Nguyễn Lương Bằng được Trung ương giao trách nhiệm bảo vệ và trông nom việc ăn ở của Người, đồng chí đã tự học lái xe, nhiều lần đưa Bác về nghỉ ở những địa điểm bí mật.

Các đồng chí bảo vệ trực tiếp Bác thì ban ngày ngồi bên cạnh phòng Bác làm việc, tối ngủ ở phòng liền ngay lối vào buồng ngủ của Bác. Công tác bảo vệ thời gian này vô cùng khó khăn và vẫn còn nhiều sơ hở, phiên hiệu không có, quân phục không thống nhất, ai có gì mặc nấy, cũng chưa có điều lệnh quy định, tất cả chỉ dựa vào nhiệt tình cách mạng và quyết tâm trung thành bảo vệ an toàn cho Bác bằng mọi giá.

Mỗi khi đi đến chỗ gặp phái bộ Đồng minh hoặc quân Quốc dân đảng, Bác không cho anh em bảo vệ đi theo nhiều, thường chỉ hai người và Bác cũng nhắc không được mang theo súng dài lộ liễu, chỉ mang súng ngắn giấu trong bụng. Dù bận trăm công ngàn việc nhưng Bác vẫn quan tâm sâu sát, động viên góp ý vào kế hoạch của anh chị em bảo vệ, phục vụ.

Bác phân chia khu vực trên bản đồ rồi quy định đánh số 5 cửa ra vào của Bắc Bộ Phủ, tổ chức luân phiên các chiến sỹ trong các tiểu đội gác cửa đến nhận diện xe của Bác, làm quen với màu sơn, số xe, tiếng còi để tiện thao tác mở cửa. Buổi tối, Người cùng tập võ với anh em.

Từ cuối năm 1945, các đồng chí lái xe cho Bác thường được phát cả súng để kiêm nhiệm vụ bảo vệ. Các đồng chí kể lại, Bác luôn chỉ bảo giúp đỡ cho anh em mau tiến bộ. Khi các địa phương gửi quà cho Bác, bao giờ Bác cũng chia đều cho anh em cảnh vệ.

Đợt góp gạo cứu đói, Bác và cơ quan nhịn ăn một bữa vào ngày thứ 7 hằng tuần nhưng riêng anh em lái xe, bảo vệ thì Bác không cho nhịn. Người giải thích: “Các chú phải ăn để bảo vệ sinh mệnh các cán bộ của đoàn thể, trong lúc cán bộ vô cùng quý giá”. Mỗi khi anh em mắc khuyết điểm hay lỗi nghiệp vụ, Người đều ôn tồn giảng giải chứ không bao giờ nóng giận.

Để thể hiện quyết tâm kháng chiến của toàn quân và dân ta và cũng là để giữ bí mật, Người đã đổi tên cho đội bảo vệ tiếp cận thành đội Thanh niên tuyên truyền xung phong và đổi tên cả 8 anh em là: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Trong 8 người được Bác đặt tên thì người trẻ tuổi nhất là đồng chí Chiến, mới 21 tuổi, người nhiều tuổi nhất là đồng chí Kháng - ngoài 30.

Nhưng điều thú vị là 4 đồng chí đầu tiên đều là người dân tộc Kinh và 4 đồng chí sau đều là người các dân tộc miền núi. Từ đó khi ai chuyển đổi công tác, đồng chí khác vào đội cũng được mang tên của người đã ra đi.

Đồng chí Trường đầu tiên là Võ Chương, quê gốc ở Huế, có thành tích chiến đấu tốt nên được anh Cả (đồng chí Nguyễn Lương Bằng) chọn làm bảo vệ Bác từ tháng 10-1945. Đồng chí Trường thứ hai là Nhất Văn Lâm người dân tộc Tày, từng chiến đấu ở Cao Bằng, có tài bắn súng trăm phát trăm trúng.

Đồng chí Trường thứ ba là Phạm Văn Nền, lái xe cho Bác từ cuối năm 1946 đến năm 1947, sau kiêm cả làm liên lạc và được thay vào tên Trường từ năm 1954 đến năm 1969.

Đồng chí Kỳ còn gọi là Vũ Kỳ tên thật là Vũ Long Chuẩn từng tham gia phong trào thanh niên phản đế ở trường Bưởi, bị bắt giam rồi vượt ngục, được đồng chí Trần Đăng Ninh giới thiệu làm thư ký cho Bác từ tháng 8-1945. Đồng chí Kháng là Nguyễn Đăng Cao hay còn gọi là Lý, từng theo học một võ sư nổi tiếng ở Thái Bình. Là một người giỏi côn, quyền, đao thuật và võ, từng làm bọn thực dân khiếp sợ bởi nhiều chiến công dũng cảm, được chọn bảo vệ Bác từ tháng 10-1945.

Bác Hồ đi chiến dịch cùng đội bảo vệ trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Đồng chí Chiến là Tạ Quang Chiến đã từng hoạt động trong phong trào Thanh niên cứu quốc Hà Nội và được đồng chí Trần Quốc Hoàn giới thiệu bảo vệ Bác từ tháng 10-1945.

Đồng chí Nhất đầu tiên là Hồ Văn Trường, người dân tộc Tày, đã bảo vệ Bác từ trước năm 1945. Người thứ hai tên Nhất là Long Văn Nhất, dân tộc Tày ở Ba Bể, là một thanh niên khoẻ, nhanh nhẹn, dũng cảm, bắn giỏi, đặc biệt có tài đi ngựa luồn lách qua rừng rậm và núi cao, được đồng chí Võ Nguyên Giáp giới thiệu bảo vệ Bác từ năm 1948.

Đồng chí Định tên là Chu Phương Vương, cũng người dân tộc Tày, từng là chiến sỹ quân giải phóng có kinh nghiệm chiến đấu ở vùng rừng núi nên được đồng chí Đàm Quang Trung giới thiệu bảo vệ Bác từ tháng 7-1945.

Đồng chí Thắng thứ nhất là Nguyễn Quang Chí hay Huy, phục vụ bên Bác trong một thời gian ngắn rồi chuyển công tác khác khi Bác đến Tuyên Quang. Đồng chí Thắng thứ hai là Triệu Hồng Thắng hay Văn Cắt hoặc Tiến Thọ, người dân tộc Dao ở Thái Nguyên, là người nhanh nhẹn thông thạo địa hình rừng núi vì nhiều năm là giao liên và đặc biệt có quan hệ rất tốt với đồng bào các dân tộc. Đồng chí Lợi là Trần Đình, dân tộc Nùng, Cao Bằng, từng bảo vệ Bác từ khi Người về nước năm 1941. Chị Thanh cấp dưỡng của đội, được Bác đặt tên là cô Chín.

Ngoài ra cũng một số đồng chí tuy nhiệm vụ khác nhau, nhưng cùng trong lực lượng cảnh vệ vinh dự được giúp việc, phục vụ và bảo vệ Bác Hồ từ những ngày đầu độc lập trải qua suốt cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm, đó là những người trung thành, dũng cảm, khôn khéo, cương quyết, linh hoạt như:

Ông Nguyễn Văn Lưu, nguyên là Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch từ năm 1945-1947, cuối năm 1945 được giao trách nhiệm tổ chức Văn phòng Bộ Ngoại giao (lúc này Bác Hồ là Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ lâm thời). Ông cùng làm việc bên Bác khi soạn thảo các văn bản ngoại giao.

Ông Lê Văn Cần (Lê Văn Nhượng), năm 1950 được phân công chuyên làm lán cho Bác. Kháng chiến thắng lợi, từ năm 1954, ông về Hà Nội phục vụ Bác trong việc ăn uống nghỉ ngơi, sinh hoạt thường ngày.

Ông Nguyễn Kiên (Nguyễn Nga) phục vụ Bác Hồ từ tháng 10-1947 đến năm 1951. Ông Lê Văn Chánh là bác sĩ bảo vệ sức khỏe của Bác Hồ từ năm 1947 được Bác đặt tên là Tâm.

Bà Dương Thúy Liên (vợ của bác sĩ Chánh) là người nấu ăn, khâu vá và tập hợp tặng phẩm của các nơi gửi đến Bác và tặng phẩm của Bác gửi đi từ 1949 đến 1954.

Ông Nguyễn Văn Liêm (Nguyễn Viết Ngụ): tháng 5-1951 được về cơ quan phục vụ Bác. Thời kỳ đầu chăn bò, vắt sữa, trồng trọt và tham gia đưa thư từ, công văn cho Bác. Năm 1953 chuyển sang công tác khác.

Ông Nguyễn Việt Dũng bảo vệ Bác từ trước năm 1945 đến suốt những năm kháng chiến chống Pháp.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định học nghề ảnh đồ bản ở Trường bay Bạch Mai, Đồng Hới từ năm 16 tuổi. Sau đó ông làm công nhân tại nhà ảnh Belphoto, một hiệu ảnh lớn ở phố Hàng Bài, Hà Nội. Sau lễ Độc lập, ông là một trong bốn nhà nhiếp ảnh Hà Nội được chọn vào Bắc Bộ Phủ chụp ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An hoạt động nhiếp ảnh rất sớm. Tháng 8/1945, ông đã có mặt tại Hà Nội và ghi lại nhiều tấm ảnh quý giá. Đặc biệt, ngày 3-9-1945 ông đã chụp được bức chân dung Bác Hồ nổi tiếng mà sau này Người thường ký tặng nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới và bạn bè của Người.

Ông Nguyễn Mạnh Đàn sinh tại thành phố Huế trong một gia đình trí thức nghèo. Sớm tham gia lực lượng vũ trang, năm 1946 là Trung đội trưởng trung đội bảo vệ vòng ngoài nơi Bác Hồ ở cho đến năm 1950.

Bà Nguyễn Thị Bích Thuận (vợ đồng chí Lê Văn Lương) phụ trách công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Nhiêu bảo vệ Bác Hồ từ tháng 9-1952, ông là một trong 8 người trong tiểu đội bảo vệ Bác Hồ thời kỳ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai.

Gia đình ông bà Nguyễn Ngọc Cẩn, Lưu Thị Tính được tiếp cận bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của Bác Hồ trong 14 năm. Bà Hoàng Thị Minh Hồ (vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô) sinh tại Hà Nội, trong một nhà nho chuyên nghề thuốc và dạy học. Gia đình bà là một cơ sở hậu cần của Đảng, đã đóng góp nhiều tiền bạc trong những ngày mới có chính quyền cách mạng.

Bà có nhiều lần được gặp và làm việc bên Bác Hồ, đặc biệt là thời gian Người ở 48 Hàng Ngang để viết bản Tuyên ngôn độc lập. Sau, bà rời Hà Nội lên Việt Bắc, tham gia kháng chiến. Bà được giao nhiệm vụ bảo quản quỹ tài chính của Ban Kinh tế.

Ông Đỗ Đình Thiện theo học ở Pháp nhưng bị trục xuất về nước vì hoạt động cách mạng. Ông kinh doanh và là một điền chủ yêu nước. Trong thời gian Bác Hồ đi Pháp năm 1946, ông đảm đương nhiệm vụ thư ký cho Người.

Ông Đinh Văn Cẩn (tức Đinh Văn Hộ) nấu ăn cho Bác từ năm 1952. Khi về khu Phủ Chủ tịch năm 1954, ông vẫn tiếp tục nấu ăn cho Bác Hồ cho đến khi Bác qua đời.

Đỗ Hoàng Linh (PGĐ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)
.
.