Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2010):

Những người sống mãi với đất nước

Thứ Tư, 20/01/2010, 14:55

Lê Hồng Phong, thuở nhỏ được bố mẹ đặt tên là Lê Văn Dục, lúc đi học lại được cải tên là Lê Văn Duyện. Sinh năm 1902 trong một gia đình rất nghèo ở xóm Đông Cửa, thôn Đông Thông, làng Đông Lạng, xã Thông Lạng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Lúc nhỏ, theo cha làm thầy đồ lang thang nay đây mai đó để có chỗ ngồi dạy học.

Mười sáu tuổi, thôi học, anh đổi tên là Lê Huy Doãn, ra Vinh kiếm việc làm trong nhà máy diêm, nơi anh làm quen và kết thân với Phạm Đài, một thanh niên hơn anh hai tuổi, người mà sau này đổi tên là Phạm Hồng Thái.

Cuối năm 1923, hai anh em rủ nhau trốn sang Xiêm và đầu năm 1924 lại cùng Phạm Hồng Thái đi tàu 10 ngày đáp sang Hồng Công, rồi Quảng Châu, tại đây hai anh lại quen thêm Lê Văn Phan, tức Lê Tản Anh, sau này đổi tên là Lê Hồng Sơn đã sang đây trước hai năm. Cả ba người đồng tâm cùng với một tổ chức để hoạt động cách mạng và chính Lê Tản Anh, tháng 4/1924, đưa hai người bạn mới vào tổ chức Tâm Tâm xã (1). Lúc này Tâm Tâm xã chủ trương bí mật dùng một tên bên trong gọi là Tân Việt Thanh niên Đoàn, nhưng bên ngoài vẫn giữ liên hệ với Việt Nam Quang Phục Hội của các cụ Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thiện Thuật.

Để tránh nguy cơ chia rẽ về học thuyết, Tâm Tâm xã chủ trương không đề ra việc sau này xây dựng nhà nước kiểu gì mà chỉ tập trung vào việc tiêu diệt được nhiều tên thực dân đế quốc. Chính vì thế, nhóm Tam Hồng ba người Hồng Thái - Hồng Phong - Hồng Sơn chủ trương ném bom giết chết tên toàn quyền M.Méc-lanh đêm 18/6/1924.

Nhà lưu niệm - nơi sinh ra và lớn lên của đồng chí Lê Hồng Phong tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Tên tuổi Phạm Hồng Thái có tiếng vang mạnh mẽ trong các giới hoạt động chính trị ở Quảng Châu, và đây cũng là lúc ông Nguyễn Ái Quốc xuất hiện ở Quảng Châu với vị trí là nhân vật trung tâm của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Hồng Phong được ông Nguyễn đưa vào học Trường Hoàng Phố, rồi sang Liên Xô mang tên mới là Livinov vào học Trường Không quân Lêningrát và Trường Đào tạo phi công máy bay chiến đấu Bôritxôlêbếc, rồi khóa dài hạn Trường đại học Phương Đông. Sau đó, Hồng Phong quay về hoạt động ở Thái Lan và Trung Quốc trong bí danh Vương Dật Dân.

Năm 1932, tại Nam Ninh, vì Trung ương của Trần Phú bị bắt gần hết, Hồng Phong đứng ra lập ra Ban Chấp hành trung ương lâm thời, triệu tập Đại hội lần thứ nhất đầu 1935, ông mang bí danh mới là Hải An (Khai-en), làm trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương tham gia Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản, ông được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Năm 1937, ông về nước hoạt động ở Sài Gòn. Giữa năm 1938, bị Pháp bắt quản thúc ở quê nhưng ông vẫn tiếp tục hoạt động nên tháng 9/1939, lại bị bắt và đày đi Côn Đảo. Vì bị thực dân Pháp hành hạ kiệt sức, ông chết trong tù Côn Đảo ngày 6/9/1942.

Đồng chí Phùng Chí Kiên.

Phùng Chí Kiên là một cán bộ chỉ huy quân sự hiếm hoi của cách mạng Việt Nam trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai, được huấn luyện quân sự có bài bản ở cả hai nước Trung Quốc và Liên Xô. Ông sinh năm Tân Sửu 1901, tên thật là Nguyễn Vĩ, quê ở làng Mỹ Quang Thượng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Cha mẹ chỉ là nông dân bình thường, quanh năm cày cuốc một vụ lúa một vụ màu, gọi là đủ ăn.

Số phận may mắn đưa chú bé nhà quê này đến học một thầy giáo nghèo, cả mấy xã mới có một trường, trường chỉ có một thầy, thầy dạy luôn cả 3 lớp đồng ấu, dự bị và sơ đẳng (tức lớp 1, lớp 2 và lớp 3 của hệ sơ học yếu lược ngày xưa) và kiêm luôn hiệu trưởng của tổng cộng hơn 20 đứa học trò của 3 lớp cộng lại. Thầy giáo thổi vào tâm hồn các trẻ nhỏ hơi nóng của âm vang Phan Đình Phùng, Đề Thám, của làn sóng Đông Du của Phan Bội Châu đi tìm đồng chí đồng hướng.

Mùa xuân năm Ất Mão (1915), chú bé bỏ nhà đi xuống Vinh, xin vào làm "cu li" hót rác và dọn dẹp trong nhà máy xe lửa Trường Thi. Để kiếm sống ư? Cũng đúng thôi. Nhưng cũng còn ngầm một toan tính tìm bạn kết thân đi đường lâu dài cứu dân, cứu nước. Thuở này, con đường đó còn mù mịt lắm. Nghệ An thiếu chi người nhiệt huyết bò lên Cửa Rào, Mường Xén để qua nước Lào, qua Xiêm La nữa, một đi mãi chẳng hồi âm.

Lớn vọt lên, 20 tuổi rồi, lẽ nào sống mãi kiếp làm thuê, cho dù bây giờ “thằng cu li" đã vác được búa tạ, quai liền hàng trăm nhát xuống đe lớn, đánh bật ra hàng ngàn vạn tia lửa đỏ từ các cục sắt đỏ lừ. Từ Bến Thủy, chàng trai xứ Nghệ nhảy xuống thuyền gỗ của mấy người "khách trú"  buôn bát đĩa ngoài Móng Cái, vờ làm chân sào để vượt biển ra tạm ẩn ở mấy hòn đảo nhỏ bên ngoài vịnh Bái Tử Long, từ đó lại nhảy sang thuyền chài Lôi Châu tìm đường đến thành phố Quảng Châu. Dưới bí danh Mạch Văn Liễu, anh thanh niên xứ Nghệ bắt liên lạc ngay được với bạn đồng hương lúc này khá đông ở Hồng Công và Quảng Châu.

Hai người thân nhất là anh Lê Huy Doãn (sau này lấy bí danh là Lê Hồng Phong và là Ủy viên Ban Chấp hành Cộng sản Quốc tế) quê làng Thông Lạng, huyện Hưng Nguyên và Phạm Đài, tức Phạm Thành Tích, con trai cụ huấn đạo Phạm Thành Mỹ (sau này lấy bí danh là Phạm Hồng Thái, tác giả vụ ném bom vào viên Toàn quyền Đông Dương M. Méc-lanh đêm 18/6/1924). Tất cả những chàng trai mang bầu máu nóng đều là những thành viên đầu tiên của Tâm Tâm xã, do Hồ Tùng Mậu cầm đầu.

Được biết Tích (tức Phạm Hồng Thái) chế tạo bom để mưu sát  bọn thực dân đầu sỏ, ông không tán thành nhưng không có lời can ngăn  vì sợ bạn hiểu lầm là mình làm nguội lạnh lòng căm giận mà bạn nung nấu bao năm. Vụ ném bom vào  bữa tiệc nghênh đón Toàn quyền Méc-lanh đã gây dư luận rất sôi động trong nước, trong vùng Hoa Nam và có tiếng vang sang tận Pháp; nhưng ông đau xót thương tiếc người  bạn quý Phạm Thành Tích đã phải mất mạng sống cho một chủ trương sai lầm; ông và các bạn còn lại quyết tìm cách giải phóng Tổ quốc bằng con đường làm chiến tranh cách mạng vũ trang khởi nghĩa. --PageBreak--

Rất may mắn là năm 1926, ông được vào dự lớp huấn luyện chính trị đầu tiên của Lý Thụy (bí danh của Nguyễn Ái Quốc) mở tại thành phố Quảng Châu cho các đoàn viên ưu tú nhất của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Các lớp này được Chính phủ cách mạng Trung Hoa, đứng đầu là Tổng thống Tôn Dật Tiên coi như một phân hiệu của Trường Quân chính Hoàng Phố. Năm sau, ông nói thành thạo tiếng Trung Quốc, viết báo xuất sắc, chính thức thi và được nhận vào là  học viên chính thức của Trường Quân chính Hoàng Phố. Tốt nghiệp xong, ông tham gia ngay vào  cuộc khởi nghĩa ngày 12/12/1927 của công nông Quảng Đông và thành lập Công xã Quảng Châu, do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo.

Công xã thất bại, ông rút lui cùng  lực lượng vũ trang cách mạng về lập chiến khu Hải Phòng ở phía bắc tỉnh Quảng Đông và tham gia thành lập Khu Xôviết Lục Phong, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bành Bái, lãnh tụ kiệt xuất miền Hoa Nam của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trên cương vị là cán bộ chỉ huy trong Hồng quân Công nông Trung Hoa, Mạch Văn Liễu nổi tiếng là một chỉ huy quân sự tài giỏi, thường xuyên nêu tấm gương sáng về sự chịu đựng gian khổ, kiên trì bảo vệ chân lý và thành quả cách mạng, nhiều lần được ban lãnh đạo khu Xôviết biểu dương trong toàn quân và trong mấy chục triệu nhân dân khu Xôviết Lục Phong.

Khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, phân bộ hải ngoại lập tức coi ông như đảng viên thực thụ của đảng và bắt đầu giao công tác liên lạc với những người Việt Nam chiến đấu trên các mặt trận ở Trung Quốc. Năm 1931, ông được cử sang Liên Xô học tập; nhưng trên đường sang Liên Xô, ông bị Nhật bắt giam; ông tập hợp nhiều người cùng bị giam giữ, tổ chức trốn khỏi trại giam. Và sau đó, ông lại tiếp tục lên đường sang Liên Xô học Trường đại học Phương Đông và Trường Sĩ quan lục quân, cho đến năm 1935 quay về Hương Cảng (tức Hồng Công), cùng với Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập... tham gia việc triệu tập Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương (sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Tại đại hội, họp tại Ma Cao, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, và được phân công phụ trách công tác Đảng ở nước ngoài. Năm 1936, ông bị bắt ở Hồng Công, rồi bị thực dân Anh trục xuất khỏi thuộc địa này. Ông chuyển sang hoạt động ở địa bàn tỉnh Vân Nam, trở thành người lãnh đạo chủ chốt ở đây, củng cố phong trào Việt Kiều yêu nước và tăng cường vai trò và sự lãnh đạo của Đảng bộ ở đây, lúc đó gọi là Hải ngoại Bộ.

Tháng 4/1940, ông đón Nguyễn Ái Quốc (2), trong vai "nhà báo Hồ Quang, đại diện biên tập báo Đồng Thanh ở Hồng Kông", đến Vân Nam lấy tài liệu. Và chính ông đứng ra tổ chức cuộc gặp mặt đầu tiên giữa đồng chí Nguyễn Ái Quốc với đồng chí Dương Hoài Nam (bí danh lúc đó của Võ Nguyên Giáp) mới ở trong nước ra hoạt động hải ngoại. Cùng dự cuộc họp này còn có đồng chí Lâm Bá Kiệt (bí danh lúc đó của Phạm Văn Đồng). Theo yêu cầu của hai đồng chí trong nước mới ra, nhà báo Hồ Quang đã viết giấy giới thiệu để hai đồng chí này lên Diên An, thủ đô đỏ của cách mạng Trung Hoa.

Sau đó, theo yêu cầu của "đồng chí hải ngoại", ông Phùng Chí Kiên đưa nhà báo Hồ Quang (đóng vai người ở trong nước mới ra đi kiếm việc làm) đi khá nhiều nơi trong tỉnh nhằm nắm tình hình và củng cố cơ sở. Gặp lúc máy bay Nhật ném bom đường xe lửa, người Việt ở ga Xì Xuyên chết nhiều lắm, bà con nhờ anh Kiên và người đi cùng, đến cúng giúp trong đám chay; hai "thầy cúng" nhận lời, đến trước bàn thờ, tuy giở sách cúng ra, nhưng lại ê a đọc thơ cách mạng:

Nam mô Phật tổ Như Lai
Chúng sinh nheo nhóc dưới trời Tây phương
Trăm tầng áp bức thảm thương
Thân gầy như củi, xác nhường thây ma
Thù nhà, nợ nước đôi đường
Đã vì người chết càng thương giống nòi
Đừng tin vào số mệnh trời
Mà do quân Nhật giết người gây nên
Hồn ơi, hồn có linh thiêng
Hãy cùng người sống báo đền nước non
Người còn thì nước phải còn...

Dân chúng hoan nghênh và bái phục hai ông “thầy cúng”, dần dần nhiều người giác ngộ tham gia hoạt động Việt Minh. Sau đó, nghe tin thủ đô Paris của Pháp đã rơi vào tay phát xít Đức, ông Phùng Chí Kiên đưa ra ý kiến nên chuyển cả Hải ngoại Bộ  về nước, chuẩn bị cơ sở cho rộng, cho sâu, tiến lên vũ trang khởi nghĩa từng phần rồi đón thời cơ mà giành chính quyền. "Đồng chí Hải ngoại" đồng ý, nhưng cụ còn vòng lên thành phố Trùng Khánh để gặp Chu Ân Lai, đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc ở đây

(Còn nữa)

(1) Nhóm người đầu tiên thành lập Tâm Tâm xã vào mùa xuân 1923, gồm có Lê Tản Anh, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu (tên thật là Hồ Bá Cự), Đặng Xuân Hồng, Trương Quốc Huy, Lê Cầu, Nguyễn Công Viễn, Nguyễn Giảng Khanh (con nuôi cụ Nguyễn Thiện Thuật), tại nhà riêng của Nguyễn Giang Thanh ở Quảng Châu, và lấy đây làm trụ sở của Tâm Tâm xã; sở dĩ lấy tên như thế này là để đi theo con đường của Tâm xã Trung Quốc lập năm 1916 ở Quảng Châu có xu hướng đi lên chủ nghĩa cộng sản (thành viên tổ chức này sau hầu hết đều vào Đảng Cộng sản Trung Quốc).

(2): Ngày 29/9/1938, Nguyễn Ái Quốc rời khỏi Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, bỏ dở luận văn "Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam Á" để tìm đường về nước. Mùa xuân năm 1940, về tới Côn Minh, Nguyễn mang tên là Hồ Quang, ở nhà số 67, đường Hoa Sơn Nam, trụ sở của một nhà xuất bản của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tại ngôi nhà này, Nguyễn viết báo cáo 17 trang, đề ngày 12/7/1940, văn bạch thoại, giấy nến đã ngả màu vàng, kèm theo bản dịch ghi ngày 27/7/1942, ký tên người dịch là Lý Tuấn (hồ sơ lưu trữ trong Kho lưu trữ Quốc tế Cộng sản, mang ký hiệu 490-10A-140, đánh máy dưới tên là Tư liệu về Đông Dương). Trong báo cáo này, Nguyễn nói rõ mình rời Liên Xô với ý định sẽ về nước và chuyển hướng hoạt động cách mạng ở vùng biên giới Việt - Trung, tạo một địa bàn vững chắc cho khu giải phóng Việt Bắc làm căn cứ cho các lực lượng vũ trang trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

*Trích từ cuốn “Những câu chuyện tình báo phản gián” - NXB CAND - Đầu bài do ANTG đặt.
Mai Thanh Hải
.
.