Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2010):

Những người sống mãi với đất nước

Thứ Tư, 20/01/2010, 14:55
Tháng 12/1940, ông Kiên đón Bác Hồ về tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), đến một làng cách thị trấn Tĩnh Tây khoảng 50 km, dừng lại đó, mở lớp huấn luyện cho 50 cán bộ và thanh niên tiến bộ sẵn sàng về nước chiến đấu. Ba ông Phùng Chí Kiên, Lâm Bá Kiệt, Dương Hoài Nam chịu trách nhiệm soạn thảo chương trình và đứng ra giảng dạy, huấn luyện.

Cuối mỗi bài, đều có câu hỏi: sau này về địa phương, sẽ làm như thế nào? Bước một làm gì? Bước hai làm gì? Ông Kiên đứng ra tổ chức lễ bế giảng rất cảm động, cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện, phấp phới bay trên trời cao; mọi người đứng quay mặt về hướng nam, nhớ về Tổ quốc; cùng nhau hô vang lời thề thẳng tiến không lùi, quyết mang lá cờ này nêu cao giữa thủ đô... Sau hơn một tháng mưu mẹo và gian truân, ông Kiên đưa Bác Hồ cùng toàn bộ 60-70 cốt cán về nước an toàn, vào tỉnh Cao Bằng lập căn cứ tại Pắc Bó.

Đầu tháng 5/1941, ông tham gia Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương họp ở Pắc Bó, một cuộc họp có ý nghĩa lịch sử lớn lao đối với cao trào đi tới Cách mạng Tháng Tám. Hội nghị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì, có 14 người dự, nhưng phải mất bao công sức để có mặt được đủ đại biểu trong, ngoài nước, Bắc, Trung, Nam. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh; hội nghị hoàn chỉnh việc chuyển hướng chiến lược cách mạng của Đảng, từ đấu tranh chính trị tiến lên đấu tranh vũ trang và chuyển hình thức tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng làm nòng cốt cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Sau hội nghị - đúng với mong mỏi của ông Phùng Chí Kiên - nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng, bước sang thời kỳ mới. Hội nghị tiến cử lại Ban Chấp hành Trung ương gồm 9 đồng chí, trong đó ông Phùng Chí Kiên là một trong các ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Sau hội nghị, ông dẫn đoàn đại biểu cấp cao của Trung ương Đảng về khu căn cứ quân sự Bắc Sơn và tại đây, lần đầu tiên, Đảng ta tổ chức một lớp học về đường lối, chủ trương chính sách của Đảng trong lực lượng vũ trang cách mạng. Đội du kích Bắc Sơn được đổi tên thành Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn; các đồng chí Phùng Chí Kiên làm chỉ huy trưởng; Lương Văn Tri làm chính trị viên; cùng với Phùng Chí Kiên, nhiều đồng chí đã từng được huấn luyện về quân sự như Bế Sơn Cương, Mã Thành Kính, Đặng Văn Cáp, Trần Văn Phấn, được bổ sung cho Trung đội Cứu Quốc quân số 1.

Chiến sĩ của đội gồm 37 người, tiến về củng cố, mở rộng khu căn cứ Bắc Sơn, Vũ Nhai. Tháng 7/1941, địch tập trung hơn 4.000 lính lê dương, khố đỏ, khố xanh, cùng nhiều mật thám, lính dõng... mở ba hướng tiến đánh khu căn cứ Bắc Sơn. Thực hiện chủ trương chung, đội phân tán ra ba cánh đi ba ngả; ông dẫn đầu cánh quân thứ hai xuyên rừng băng về Cao Bằng. Ngày 19/8/1941, cánh quân đến Pò Kép, xã Văn Học, châu Na Rì thì bị phục kích và bị tổn thất nặng. Cả hai ông Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri bị thương nặng và bị giặc Pháp bắt, ông Tri bị chết trong nhà tù, đến ngày 21/8/1941, giặc đưa ông Phùng Chí Kiên ra chặt đầu và bêu ở đầu cầu Ngân Sơn hòng khủng bố tinh thần cách mạng của vùng này.

Ông hy sinh năm 40 tuổi, đang độ chín của đời hoạt động cách mạng. Tin xấu đưa về căn cứ Pắc Bó, Già Thu - Bác Hồ lặng người đi, nức nở khóc thương người cán bộ tận tụy, giỏi giang, người đồng chí thân thiết, tin cậy. Trước đông đảo cán bộ và đồng bào khu căn cứ, Già Thu thống thiết đọc lời điếu: "Đồng chí Phùng Chí Kiên suốt đời chiến đấu cho lý tưởng cao quý, xứng đáng là một cốt cán trung thành và giỏi giang của Đảng, thật sự là một đảng viên trung dũng".

Hơn 60 năm đã qua đi, con người và núi rừng Việt Bắc luôn luôn nhớ tiếc người chỉ huy dũng cảm, người đảng viên dày dạn ý chí chiến đấu và anh dũng hy sinh thân mình trong thầm lặng. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Phùng Chí Kiên được Nhà nước truy tặng quân hàm cấp tướng, và đây là trường hợp tưởng thưởng duy nhất trong lịch sử vẻ vang hình thành và chiến thắng của các lực lượng vũ trang cách mạng của nước ta.

Du kích Bắc Sơn.

Đoàn đại biểu Việt Nam đi dự Đại hội lần thứ 7 của Quốc tế Cộng sản họp năm 1935 tại Mátxcơva, có 3 người, 2 người đã ít nhiều được sách báo nói đến là anh Lê Hồng Phong và chị Nguyễn Thị Minh Khai, còn người thứ ba là ai? Đó là anh Hoàng Văn Nọn, sinh năm 1910, người dân tộc Tày, quê ở bản Nà Toàn, xã Xuân Khánh (nay thuộc xã Đề Thám, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng). Khi được cử đi sang Liên Xô để tham gia đoàn đại biểu của Đảng ta dự Đại hội lần thứ 7 Quốc tế Cộng sản, anh Nọn mới 25 tuổi, mang giấy thông hành một mình đi tàu biển sang nước Pháp, từ Pháp qua nhiều nước khác ở châu Âu, để tới được Liên Xô. Sau đó, anh về nước, nhiều năm liên tục làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ của Đảng, làm Thanh tra Bộ Nội vụ 1945-1950.--PageBreak--

Bản Nà Toàn tuy là chốn khuất nẻo, nhưng vốn từ lâu có truyền thống học hành và tham gia các phong trào chống Pháp, hưởng ứng hịch Cần Vương của Tôn Thất Thuyết, lập căn cứ đánh Pháp năm 1886-1890, tẩy chay Pháp năm 1887-1894, đi nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám, theo Hoàng Đình Kính xây dựng căn cứ ở Bắc Sơn - Hữu Lũng, và sau này là các phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu, để tang Phan Châu Trinh... Đây cũng là quê anh Hoàng Đình Giong, từ nhỏ, anh Giong đã rời quê về Hà Nội theo học Trường Kỹ nghệ thực hành, nơi đào tạo tay nghề cho công nhân trẻ (trường sở cũ nay còn lại ở phố Quang Trung, Hà Nội).

Còn Hoàng Văn Nọn ở lại làng, học chữ nho của một thầy đồ dưới xuôi lên đây dạy. Cho tới mãi sau này, khi lớn lên, anh Nọn vẫn kể lại rằng ngay từ bé, anh đã được thầy đồ dạy cho những câu như: "Mộc hữu bản - Thủy hữu nguyên" (Cây có gốc, nước có nguồn) hoặc là câu: "Ẩm hà đương tư nguyên - Ái quốc mạc vong tổ" (Uống nước cần nhớ nguồn - Yêu nước chớ quên tổ).

Thầy đồ dạy cho thuộc mặt chữ, giải sang nghĩa nôm, rồi gợi ý xem học trò hiểu như thế nào trong đời sống hằng ngày, và cứ thế, mầm mống yêu nước được khơi dậy trong đám trẻ nhỏ ở cái bản hẻo lánh này. Lớn lên, hằng ngày anh Nọn  đi bộ hơn 10km để học chữ quốc ngữ và các lớp sơ học. Khi 16 tuổi, anh Nọn thấy anh Giong từ Hà Nội bỏ học trở về quê, thì bắt thân hỏi tỉ mỉ các câu chuyện nơi đô hội dưới xuôi. Anh Giong kể các chuyện học sinh và thanh niên biểu tình bãi khóa để tang cụ Phan Châu Trinh. Anh Giong còn trao cho anh Nọn nhiều văn thơ như "Chiêu hồn nước", "Lưu cầu huyết lệ thư" của các sĩ phu yêu nước làm ra để khơi gợi lòng yêu nước của toàn dân.

Nọn nghiền ngẫm, trong lòng dậy lên khí chí yêu nước, lập tức cùng anh Giong nối kết anh chị em thanh niên Tày, Nùng, tổ chức các cuộc họp bàn chống Pháp. Ít lâu sau, các nhóm thanh thiếu niên yêu nước ở châu Hòa An (nay gọi là huyện) được tập hợp theo sự hô hào của Hoàng Đình Giong, Lê Đình Chu, Nông Văn Đô và Hoàng Văn Nọn. Khi lực lượng đã lên đến hàng trăm người, họ bàn nhau kín đáo vận động nhân dân các bản đồng loạt chống Pháp bắt đi phu đắp đường, xẻ núi. Nhưng rồi đế quốc và quan lại tìm mọi cách khủng bố và chia rẽ phong trào, khiến cho một số người chán nản. Anh Giong bàn với anh Nọn: "Nghe nói có tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội kết nạp thanh niên yêu nước và tổ chức các lớp huấn luyện cách mạng ở bên Trung Quốc, ta phải đi học để biết cách chống Pháp".

Thế là các anh lần lượt vượt biên giới sang bên Long Châu thuộc tỉnh Quảng Tây để được dự các lớp học của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, và ở đây các anh làm quen thêm với nhiều anh em tỉnh Lạng Sơn, như anh Hoàng Văn Thụ. Anh Hoàng Văn Thụ là một thanh niên rất sáng dạ, đã được về Hà Nội nhiều năm học ở Trường Bưởi (ngày nay là Trường Chu Văn An, đường Thụy Khuê). Và kết quả là đến đầu năm 1930, cả 3 người bạn thân Hoàng Văn Thụ, Hoàng Đình Giong và Hoàng Văn Nọn đều cùng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đổi tên là Đông Dương Cộng sản Đảng. Sau đó, theo sự phân công của Đảng, anh Nọn về Cao Bằng, gây cơ sở, còn anh Giong ở lại Long Châu làm "công tác Chi bộ hải ngoại".

Vài ba tháng sau, ngày 1/4/1930, anh Nọn, trong bí danh là Tú Hưu, đã kết nạp hai người bạn thân là anh Đô và anh Chu vào Đảng, và như thế là xuất hiện chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản trong người dân tộc Tây tỉnh Cao Bằng: nơi tổ chức thành lập chi bộ là khe suối Nặm Lìn bên rìa làng Kẻ Chặng; anh truyền đạt lại cho các đảng viên mới những gì anh đã được tiếp thu ở "hải ngoại".

Từ đó, ngọn lửa Nặm Lìn lan rộng ra toàn châu Hòa An, rồi lan nhanh sang các châu khác: Nguyên Bình, Hà Quảng... Cờ đỏ búa liềm xuất hiện ngày càng nhiều, truyền đơn cách mạng rải khắp cả mỏ thiếc Tĩnh Túc, thị xã Cao Bằng, thị trấn Nước Hai và nhiều châu lị trong tỉnh, nhất là vào các dịp kỷ niệm mồng 1 tháng 5, Cách mạng Tháng Mười, Công xã Quảng Châu... Bọn thực dân và quan lại hoảng sợ khi thấy phong trào cộng sản lan ra quá nhanh chóng.

Đến cuối năm 1934, Trung ương Đảng cử một đoàn đại biểu đi dự Đại hội Quốc tế lần thứ 7, trong đoàn có Bí thư tỉnh Cao Bằng; tại sao lại chọn Bí thư Cao Bằng? Vì đây là người lãnh đạo một tỉnh có phong trào đấu tranh mạnh, lại đang có 200 đảng viên, chiếm một phần ba lực lượng toàn Đảng; thế là anh Hoàng Văn Nọn nhận được giấy thông hành, hộ chiếu và tiền đi đường, đàng hoàng xuống tàu biển qua Pháp rồi qua Đức, qua Đan Mạch, sang Phần Lan, vào Liên Xô đến được Mátxcơva.

Giấy tờ làm từ bên Pháp nên không giữ tên cũ là "Tu Hưu" mà đặt tên mới cho anh là Hoàng Lương Hữu nhưng thẻ đại biểu lại ghi tên là Văn Tân. Ngoài "đại biểu Văn Tân", đoàn đại biểu Việt Nam đến dự Đại hội, còn có trưởng đoàn là đồng chí Lê Hồng Phong từ Trung Quốc đi tắt sang Liên Xô; và chị Minh Khai đang làm việc ở Đông phương Bộ quốc tế tại Thượng Hải đã đi tàu biển sang Liên Xô đến thẳng đại hội.

Đại hội lần thứ 7 của Quốc tế Cộng sản đã rất chú ý đến phong trào cách mạng ở các thuộc địa, trong đó đánh giá cao phong trào cách mạng ở Việt Nam, chỉ mấy năm đã gây dựng được cơ sở khắp cả nước, đã có nhiều cuộc đấu tranh có tiếng vang mạnh mẽ sang Trung Quốc, Pháp và nhiều nước khác. Vì vậy, Đại hội đã dành thì giờ bố trí cho cả ba đại biểu Việt Nam đều đọc tham luận quan trọng trong đại hội.

Biên bản và kỷ yếu của Đại hội đều ghi đại biểu Văn Tân đọc tham luận mang đầu đề: "Các dân tộc thiểu số Đông Dương tham gia cách mạng và thành lập Mặt trận đoàn kết các dân tộc". Bản tham luận này cho đến nay vẫn được lưu trữ trong Kho tư liệu của Quốc tế Cộng sản.

(Còn nữa)

* Trích từ cuốn “Những câu chuyện tình báo, phản gián” - NXB CAND - Đầu bài do ANTG đặt.
Mai Thanh Hải
.
.