Kỷ niệm 42 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Những nguồn tin A Cộng (A+)

Thứ Năm, 27/04/2017, 16:00
Đó là quy ước của chúng tôi - những người làm công tác cơ mật ở một lực lượng bí mật, hoạt động tại chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Nó khác với những bản tin ngày nay mà các cơ quan chức năng tập hợp, cung cấp phục vụ công tác nghiên cứu của các vị lãnh đạo mà người ta có thể phân chia thành bản tin A, B hoặc C, tùy theo đối tượng để chuyển giao. Thông thường thì bản tin A là quan trọng nhất.

Với lực lượng tình báo, những bản tin của điệp viên gửi về căn cứ, tùy theo nội dung mà cán bộ nghiên cứu, xác định chất lượng trước khi chuyển về Trung tâm (cơ quan cấp trên của các Cụm tình báo chiến lược)

Căn cứ chất lượng của mỗi bản tin mà chỉ định chế độ bảo mật theo 3 cung bậc: mật, tối mật, tuyệt mật.

Tuyệt mật ví như bản tin loại A.

Cũng căn cứ đặc điểm của mỗi bản tin mà chọn hình thức chuyển tài liệu về cấp trên. Tài liệu bình thường, chỉ có ý nghĩa tham khảo, với số lượng nhiều, có thể chuyển bằng đường giao liên riêng của đơn vị; tài liệu quan trọng, nhất thiết phải sử dụng VTĐ (vô tuyến điện), qua kỹ thuật mã hóa. Dẫu vậy, vẫn phải phân loại để chỉ định chế độ ưu tiên chuyển trước hoặc sau. Thông thường được phân chia thành 3 loại: Khẩn, thượng khẩn, tối khẩn.

Trinh sát H67 sử dụng máy PCR25 theo dõi hoạt động của địch tại căn cứ An Phước năm 1972.

Những bản tin tối khẩn, được ví như bản tin loại A.

Tuy vậy, thực tế ở chiến trường, có những thời điểm báo cáo của nhiều lưới điệp báo chuyển về căn cứ mà trong đó nhiều bản tin thông qua mã hóa thành hàng chục bức điện đều xếp loại A (tối khẩn) có nghĩa là bằng mọi giá phải điện gấp về trung tâm. Đặc điểm ấy thường diễn ra vào những mốc chiến sự quan trọng như: Chiến dịch Gian Sơn Si ti (địch tập trung tới 45.000 quân tấn công vào chiến khu Dương Minh Châu của quân Giải phóng; Chiến dịch Sê Đa phôn (địch tập trung 30.000 quân, hàng nghìn xe tăng,  máy bay trực thăng, hàng trăm máy bay cường kích và nhiều trận địa pháo… tấn công vào khu "Tam giác sắt" (khu vực Bến Súc thuộc Bến Cát, tỉnh Bình Dương) rồi tới chiến dịch tết Mậu Thân (1968), chiến dịch Đường Chín - Nam Lào (1971) và đặc biệt là chiến dịch mùa xuân năm 1975.

Vào những giai đoạn lịch sử ấy, tin tức của các điệp viên tới tấp gửi về căn cứ. Toàn những thông tin nóng hổi. Cố nhiên các đơn vị đều sử dụng đường liên lạc tối ưu là điện đài để báo cáo về trung tâm. Song, đó lại là khâu liên lạc rất ngặt nghèo về quy chế. Nếu không nghiêm túc thực hiện, chỉ mấy phút sau, bằng phương pháp giao hội, đối phương sẽ phát hiện chính xác tọa độ phát sóng và cũng chỉ ít phút sau, căn cứ bám trụ sẽ tan tành bởi hàng chục tấn bom dội xuống.

Thời đó, bầu trời chiến trường miền Nam, bất kể ở vùng nào, ngày cũng như đêm, luôn luôn có máy bay trinh thám của địch túc trực trên không. Thịnh hành nhất là máy bay cánh bằng L19. Dân chiến trường chúng tôi thường gọi là "đầm già".

Nhiệm vụ của nó là phát hiện mục tiêu đối phương bằng 2 hình thức: Quan sát trực diện bằng ống kính; thông qua máy dò tín hiệu sóng VTĐ phát đi từ mặt đất. Nó chỉ cần bay qua, bay lại 3 lần là có thể chấm định trên bản đồ tọa độ phát sóng chính xác tới từng mét. Khi phát hiện chính xác mục tiêu, L19 thông báo cho máy bay phản lực lao tới. Nhiệm vụ của  nó là hạ độ cao, bắn một pháo điểm khói vàng đánh dấu mục tiêu. Khi nó cất cánh lên cao là phản lực đua nhau nhào xuống dội bom.

Sở dĩ tác giả bài viết phải nêu những chi tiết rườm rà trên để nói tới cái quy chế ngặt nghèo của một đài phát sóng mặt đất. Khi hiệu thính viên mở máy liên lạc, dứt khoát phải có tổ trinh sát cảnh giới phía trên. Khi phát hiện L19 có dấu hiệu bay qua căn cứ, khi khoảng cách chừng năm trăm mét là phát tín hiệu "tắt máy". Khi nó vượt qua căn cứ với khoảng cách trên mới được phát tín hiệu "mở máy".

Nhiều khi bám trụ ở vùng "căn cứ lõm", rừng nhỏ, máy bay trinh thám địch lượn qua lượn lại nhiều lần là liên tục phải báo động. Vì vậy, một bản tin ngắn với chưa đầy một trăm nhóm điện, hiệu thính viên lành nghề, chỉ sau 5 phút đã chuyển xong. Vậy mà có khi cả tiếng đồng hồ vẫn còn dang dở.

Trong khi trên bàn đài trưởng vẫn còn cả sấp điện loại A - loại ưu tiên số 1. Quán triệt chỉ đạo của cấp trên, bộ phận nghiên cứu chúng tôi có thể xác định được loại bản tin ưu tiên của ưu tiên. Như thế sẽ quá rườm rà, dễ lộ, nên chúng tôi "sáng chế" thêm một từ, thực ra là một dấu… dấu cộng (+) và thống nhất với anh em VTĐ: Những bức điện loại A có thêm dấu Cộng (A+) phải chuyển ngay khi bắt được liên lạc với Trung tâm.

Ông Năm Tuyến (người đứng), Cụm phó Cụm tình báo H67 (đơn vị anh hùng) gặp mặt cán bộ giao thông nội thành Sài Gòn sau ngày giải phóng miền Nam.

Thời đó, ở chiến trường vùng yếu, rất nhiều việc không tên. Ngoài công tác chuyên môn, còn phải bố trí thời gian tiếp xúc quần chúng làm công tác dân vận, gặp gỡ cơ sở bí mật, họp với địa phương bàn công tác phối hợp chống càn giữ đất… rồi tăng gia sản xuất tự túc một phần lương thực, thực phẩm góp phần cải thiện đời sống đơn vị. Cố nhiên, công tác chuyên môn vẫn phải ưu tiên hàng đầu.

Lần ấy, địa phương tổ chức cuộc họp "liên cơ" (các cơ quan, đơn vị bám trụ tại địa bàn xã An Phước, Châu Thành, Bến Tre) bàn công tác phối hợp tấn công bức hàng, bức rút đồn bót địch. Cuộc họp mới triển khai được phân nửa nội dung thì có một cán bộ địa phương vào và dúi vào tay tôi một mẩu giấy nhỏ với dòng chữ: "Kính gửi anh Ba! Mời anh về đơn vị ngay. Có A Cộng tới".

Tôi trình bày với đồng chí chủ trì cuộc họp "đơn vị có việc gấp tôi phải về. Xin thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ địa phương phân công". Dọc đường đi cứ cười thầm trong bụng,  hẳn ông cán bộ địa phương sẽ nghĩ rằng "Anh Cộng" nào đó chắc là cán bộ cỡ bự tới đơn vị nên Ba Dương (tên của tôi thời ở chiến trường) phải bỏ dở cuộc họp ra về.

Việc phân loại nguồn tin để chỉ định độ khẩn loại C, B, A hay A+, đòi hỏi sự nhạy cảm của cán bộ nghiên cứu  mới tránh khỏi nhầm lẫn dẫn tới "xếp nhầm chỗ". Tuy nhiên, những thời điểm quan trọng, phần lớn đã có chỉ định độ khẩn từ cấp trên. Ví như chiến dịch mùa xuân 1975 (cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975).

Ngày 4 tháng 3, mở màn chiến dịch ta tấn công vào cao nguyên Trung phần, ngày 14 tháng 3 Tổng thống "Việt Nam cộng hòa" Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố "tùy nghi di tản" rút khỏi Tây Nguyên. Điềm báo không lành cho chế độ Sài Gòn vì, theo một nhà chiến lược phương Tây thời kháng chiến chống Pháp đã nhận định rằng: "Ai chiếm được cao nguyên Trung phần sẽ làm chủ toàn bộ Nam phần". Ngày 24 tháng 3 ta giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên. Trước đó, ngày 19-3 giải phóng Quảng Trị.

Tác giả (thứ 2 từ trái qua) cùng Trần Minh Tâm (bìa phải), cán bộ Cụm H67, ngày 30-4-2012 tới thăm phu nhân điệp viên H3 (Ba Lễ) đã từng là Nghị sĩ Quốc hội Sài Gòn cuối thập niên 70.

Ngày 26-3 giải phóng Huế. 29-3 giải phóng Đà Nẵng. Ngày 1-4 giải phóng Bình Định, Phú Yên. Ngày 3-4 giải phóng Khánh Hòa. Vùng giải phóng mở rộng toàn bộ khu 5 và gần hết lãnh thổ khu 6. Quân lực "Việt Nam cộng hòa" co cụm về tạo tuyến phòng thủ vòng cung Phan Rang - Xuân Lộc - Tây Ninh để bảo vệ Sài Gòn và phần đất gọi là còn lại là Nam bộ, bao gồm khu 7, khu 8 và khu 9. Giao cho viên tướng con cưng của Nguyễn Văn Thiệu là Lê Minh Đảo, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 18 án ngữ vị trí trọng yếu của tuyến phòng thủ là cửa ngõ Xuân Lộc.

Với khí thế yêng hùng: "tử thủ Xuân Lộc". Trận giao chiến ở đây có thể nói là khốc liệt nhất trong toàn chiến dịch. Với "VNCH", Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã cho dồn lực lượng tinh nhuệ về đây, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của Lê Minh Đảo, phía Hoa Kỳ, chi viện tối đa bom đạn. Thậm chí cho sử dụng cả bom CBU - loại bom khổng lồ chưa từng xuất hiện ở chiến trường Nam Việt Nam. Người ta ví đó là em của bom nguyên tử. Phải sử dụng máy bay vận tải DACOTA (loại to nhất lúc bấy giờ) mới chở nổi.

Không những thế phải dùng dù để thả bom xuống. Khi trái bom cách mặt đất chừng một trăm mét, nó tự nổ. Trong phạm vi một cây số vuông (km2), chỉ cần một trái bom rơi xuống là ôxy bị đốt sạch. Con người nằm trong vùng phong tỏa của nó đều bị tiêu diệt vì thiếu không khí. Đó là một trong những yếu tố tạo nên sự khủng khiếp của phòng tuyến Xuân Lộc là như vậy. Nhiều chiến sĩ của ta hy sinh ở đây thi thể nguyên vẹn dẫu rằng không trúng một viên đạn, một miểng bom.

Sau hơn một tháng tổng tiến công, dẫu là chiến thắng như chẻ tre, song tổng hành dinh chỉ huy của quân Giải phóng rất thận trọng, yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, đặc biệt là lực lượng hoạt động bí mật trong lòng địch giải đáp câu hỏi: "Chừng nào quân đội Mỹ sẽ trở lại chiến trường  Nam Việt Nam?". Cố nhiên những thông tin liên quan câu hỏi ấy của các lưới điệp báo phải xếp vào loại "A+".

Như chúng ta đều biết, chiến thắng Mậu Thân của quân và dân ta đã tạo cớ để quốc hội Mỹ, nhân dân tiến bộ Mỹ gây áp lực với Lầu Năm Góc phải rút quân đội Mỹ về nước, buộc các nhà chiến lược Hoa Kỳ chuyển hóa chiến lược từ "chiến tranh cục bộ" sang "Việt Nam hóa chiến tranh". Có nghĩa là ta đã thực  hiện được vế đầu của "Nhà tiên tri" Hồ Chí Minh - "Đánh cho Mỹ cút…".

Một đòn cân não với Bộ chỉ huy chiến dịch là ta phải đánh như thế nào để quân Mỹ không trở lại chiến trường Nam Việt Nam. Theo chỗ hiểu biết của tác giả bài viết này, đã có một số báo cáo khẩn cấp gửi về Trung tâm với nội dung tóm tắt: "Gần 20 năm sa lầy vào cuộc chiến tranh Việt Nam, quân đội Hoa Kỳ đã chịu thất bại nặng nề, đặc biệt là chiến thắng của Cộng quân trong tết Mậu Thân, buộc Hoa Kỳ phải rút quân về nước trong danh dự. Nay, không có lý gì trở lại, cho rằng Sài Gòn thất thủ".

Đó là một trong những yếu tố quan trọng để cấp trên quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh tiếp tục tấn công, chọc thủng phòng tuyến Xuân Lộc, phòng tuyến Tây Ninh, chiếm Sài Gòn vào ngày 30-4-1975, Nội các Dương Văn Minh đầu hàng, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Chấm dứt hàng trăm năm đô hộ của thực dân, đế quốc, tạo mốc son chói ngời chủ nghĩa anh hùng Cách mạng, non sông quy về một mối.

Chiến công đó thuộc về Đảng Cộng sản quang vinh, của nhân dân Việt Nam anh hùng, ý chí kiên cường bất khuất của các lực lượng vũ trang, trong đó có những cán bộ hoạt động bí mật trong sào huyệt địch.

Thiếu tướng Khổng Minh Dụ
.
.