Những thông tin bất ngờ mới về lăng mộ Vua Quang Trung
>> Giải mã bí ẩn lăng mộ Vua Quang Trung
Những dấu hiệu của Lăng mộ Vua Quang Trung bị quật phá
Ngày 29/7 năm Nhâm Tý (tức 16/9/1792) Vua Quang Trung băng hà. Để đối phó với nhiều lực lượng thù địch từ nhiều phía, cái chết đột ngột của Vua Quang Trung được giữ bí mật tuyệt đối.
Theo các tư liệu lịch sử, mãi đến tháng 11 năm Tân Dậu (1801), sau khi Nguyễn Ánh khôi phục được Phú Xuân, đã cho quật phá mộ Vua Quang Trung, bổ săng (hòm) phơi thây. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long, ông và các đời vua con cháu ông đã “tận pháp trừng trị” nhà Tây Sơn bằng nhiều biện pháp.
Cung điện, lăng mộ của Vua Quang Trung đã biến mất cùng tất cả những gì liên quan và cũng bí ẩn từ bấy đến giờ... Suốt 20 năm ròng rã đi tìm dấu tích lăng mộ Vua Quang Trung, nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân, vừa công bố công trình nghiên cứu “Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương, Sơn Lăng của Hoàng đế Quang Trung”.
Công trình nghiên cứu đã chỉ rõ Lăng Đan Dương - lăng mộ Vua Quang Trung đích xác tọa lạc ở đâu trong phường Trường An, TP Huế. Tác giả chủ yếu sử dụng Văn bản học làm phương pháp luận để truy tìm vị trí lăng mộ của Vua Quang Trung trước và trong thời điểm các kiến trúc này cùng các tài liệu liên quan bị Vua Gia Long và các Vua Nguyễn sau đó đã tiêu hủy toàn bộ.
Tác giả đã lưu ý đặc biệt đến những bí ẩn chồng chất xung quanh chùa Thiền Lâm (Huế) đang tọa lạc trên một khu đất đã từng vùi lấp một cung điện lớn nào đó đã bị triệt phá. Chứng minh cung điện này chính là Phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn được Vua Quang Trung chuyển thành Cung điện Đan Dương để ở, sau này chuyển thành Đan Lăng, Đan Dương Lăng, hay Sơn Lăng.
Những viên đá táng cột và trang trí của một kiến trúc cung điện lớn được phát hiện xung quanh chùa Thiên Lâm. |
Sau khi Nguyễn Ánh nắm được quyền ở Phú Xuân đã cho “tận pháp trừng trị” phá sạch, chôn dưới lòng đất sâu. Đồng thời, tác giả khẳng định: tìm được dấu tích Cung điện Đan Dương là tìm được tọa độ Lăng Đan Dương!
Qua nhiều cuộc điền dã, nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân còn phát hiện ở gần chùa Thiền Lâm, dưới nền nhà của chị em bà Nguyễn Thị Liên (nay là 10/17 kiệt 120 Điện Biên Phủ) và ông Nguyễn Hữu Oánh (nay là 9/17 kiệt 120 đường Điện Biên Phủ), chứa đựng nhiều bí ẩn và phát lộ nhiều hiện vật (gạch vồ, đá lát khổ 30x30cm, dày 4cm) của một huyệt mộ.
Ông Oánh cho biết, vào khoảng năm 1925, cụ thân sinh ra ông đào đất làm vườn đã gặp 4 tấm đá lớn, có kích thước lớn: dài 2,72m, rộng 0,67m, dày 0,035m. Cụ đã bán cho dân Phủ Cam 1 tấm, cho một người thân ở Bến Ngự 1 tấm và tặng chùa Vạn Phước 2 tấm.
Nay chỉ còn lại 1 tấm được dùng làm mặt bàn nhà bếp chùa Vạn Phước. Tấm đá này thuộc loại đá granite, mặt trên được mài trơn nhẵn, mặt dưới xô xảm còn hằn rõ vết đẽo của một loại dụng cụ thô sơ.
Qua nghiên cứu, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng tấm đá này là bọc chung huyệt mộ bảo vệ quan tài Vua Quang Trung. Cụ thân sinh ông Oánh còn đào được nhiều tượng đá, phải chăng đó là những bức tượng trang trí trong Đan Dương Lăng?
Bà Liên và ông Oánh còn kể, năm 1945, khi đào đất trong vườn nhà, gia đình bà gặp một đường hầm bê tông vôi lấp đầy đất. Qua nghiên cứu, ông Nguyễn Đắc Xuân đã đặt dấu hỏi: Phải chăng cái đường hầm ấy là huyệt mộ của Vua Quang Trung?
Để trả lời câu hỏi này, ngày 17/12/1988, nhóm nghiên cứu gồm Phan Thuận An (chuyên viên Công ty Quản lý di tích lịch sử văn hóa Huế, nay đã hưu trí), Lê Đình Liễn (khoa Sử, Đại học Tổng hợp Huế, nay dạy Đại học dân lập Phú Xuân), Đỗ Bang (chuyên viên về Tây Sơn, Đại học Tổng hợp Huế nay là Tiến sĩ - Hội trưởng Hội Sử học Thừa Thiên - Huế), Phạm Thanh Tùng (Báo Bình Trị Thiên, Trưởng đại diện Báo Tiền Phong tại miền Trung), Võ Xuân Trang (khoa Văn, Trường cao đẳng Sư phạm Huế, nay đã qua đời), Nguyễn Hữu Oánh (người chủ khu vực khảo sát), Nguyễn Đắc Xuân (chủ đề tài), bác sĩ Dương Văn Sinh (“thầy địa”, hiện nay làm Trưởng phòng Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế), ông Nguyễn Hữu Thứ (một trí thức đã từng nghiên cứu lăng Ba Vành, nay đã qua đời), đã tiến hành khai quật thử để thăm dò đường hầm.
Qua cuộc khai quật thăm dò, nhóm nghiên cứu tạm kết luận: tấm đá lớn còn giữ được và đang làm mặt bàn trong nhà bếp chùa Vạn Phước và bức thành bên ngoài đường hầm ở phía chái tây nhà bà Liên là những dấu hiệu của một cái huyệt mộ đã bị quật phá...
Có thể lăng mộ Vua Quang Trung chưa bị Gia Long quật phá
Đây có thể nói là thông tin bổ ích, bất ngờ nhất. Nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Định sau khi nghiên cứu những ghi chép về quá trình Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, lấy lại kinh đô, cũng như việc khai quật mộ, phơi xác, bêu đầu Vua Quang Trung... trong “Đại Nam thực lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn đã phát hiện nhiều điều vô lý và công bố tại Hội thảo “Tây Sơn - Thuận Hóa và Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung” trong Festival Huế 2008: Thứ nhất, trong tháng 11 năm Tân Dậu (1801) đang có chiến sự cấp bách, phía nam Phú Xuân đang có quân Tây Sơn uy hiếp ở vùng Quy Nhơn, phía bắc đang có hơn 3 vạn quân của Quang Toản và Bùi Thị Xuân kéo vào đến tận Sông Gianh để chuẩn bị tái chiếm Phú Xuân và Vua Gia Long đang tính đến chuyện thân chinh.
Tấm đá được cho là bọc chung huyệt mộ bảo vệ quan tài Vua Quang Trung, hiện ở trong chùa Vạn Phước. |
Tình hình cấp bách như thế mà cùng lúc, Vua Gia Long lại có đủ tâm trí và thời gian để đi tìm mộ Vua Quang Trung và tìm ra được để quật phá. Có chăng, đó chỉ là ngụy tạo quật phá mộ ai đó để bá cáo làm yên lòng gia nhân và quân sĩ còn ở Gia Định.
Thứ hai, tái chiếm Phú Xuân mới 6 tháng mà lo ngay việc tìm và quật phá mộ Vua Quang Trung, và mãi một năm sau mới lo việc lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long. Hóa ra việc quật phá lăng mộ để trả thù quan trọng hơn việc lên ngôi vua? Thứ ba, là về mặt sinh học.
Vua Quang Trung đã chết qua gần 10 năm, vậy mà khi quật mộ vẫn còn thây để phơi, còn đầu lâu chưa biến dạng đáng kể để bêu? Và rất nhiều điều vô lý khác khiến các nhà nghiên cứu nghi ngờ. Từ những vô lý trên, cùng với nhiều bằng chứng khác, ông Hoàng Xuân Định cho rằng: “Rất có thể mộ Vua Quang Trung chưa bị Vua Gia Long quật phá”