Những tình tiết mới nhất về sự kiện "bè lũ bốn tên" bị bắt giữ năm 1976

Thứ Năm, 05/07/2007, 09:00

Sau khi đã tranh thủ được sự ủng hộ của mọi người trong Bộ Chính trị, Hoa Quốc Phong bắt tay ngay vào việc lập phương án cụ thể để giải quyết “bè lũ bốn tên”.

TIẾN HÀNH BẮT GIỮ

Ngày 21/9, Diệp Kiếm Anh tìm đến nhà Hoa Quốc Phong.

Từ ngày 13/9, khi nhận được thông tin của Hoa Quốc Phong đến ngày 21/9, đây thật sự là thời gian dài đằng đẵng đối với Diệp Kiếm Anh, bởi ông không biết có nên trả lời Hoa Quốc Phong hay không và trả lời thì sẽ trả lời như thế nào.

Ông tỏ ra hết sức cẩn trọng trước sự việc trọng đại này, nếu không sự nghiệp, tính mạng của ông và gia đình sẽ coi như chấm dứt. Ông liên tục tính toán lợi hại, được mất, lặng lẽ quan sát mọi hành động của Hoa Quốc Phong.

Sau 9 ngày suy nghĩ, cuối cùng ông quyết định sẽ ủng hộ Hoa Quốc Phong, đánh tan “bè lũ bốn tên”. Với ý nghĩ thôi thúc đó, Diệp Kiếm Anh đã có cuộc nói chuyện bí mật mang tính lịch sử với Hoa Quốc Phong.

Khi bàn về vấn đề biện pháp xử lý “bè lũ bốn tên”, ban đầu hai người đều thống nhất phương án thẩm tra cách ly, và quyết định bí mật thăm dò ý kiến của những đồng minh trong lãnh đạo cao cấp.

Tối ngày 26/9, Hoa Quốc Phong tiến hành cuộc họp kín với Lý Tiên Niệm và Ngô Đức về phương án giải quyết “bè lũ bốn tên”.

Ngô Đức ủng hộ phương án của Hoa Quốc Phong, nói rằng có hai biện pháp để giải quyết “bè lũ bốn tên”, một là bắt rồi bàn tiếp, hai là mở cuộc họp để bỏ phiếu bãi miễn.

Triệu tập cuộc họp lại có hai cách: một là triệu tập Bộ Chính trị, sau đó bỏ phiếu quyết định, “bè lũ bốn tên” nhiều lắm cũng chỉ được 4 phiếu rưỡi, nửa lá này chính là chỉ Ngô Quế Hiền, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, không có quyền biểu quyết; trong khi đó phe của Hoa Quốc Phong lại chiếm đa số; hai là triệu tập cuộc họp toàn trung ương, rồi tiến hành bỏ phiếu quyết định.

Hoa Quốc Phong cùng Lý Tiên Niệm và Ngô Đức đã tiến hành phân tích một cách toàn diện tình hình, và đi đến nhận định: “Vấn đề giải quyết “bè lũ bốn tên”, nếu mở cuộc họp Bộ Chính trị để bỏ phiếu, chúng ta sẽ thắng thế, còn nếu triệu tập cuộc họp toàn trung ương, chúng ta sẽ không nắm chắc phần thắng. Do vậy, phương án thẩm tra cách ly mới là thượng sách”.

Buổi tối cùng ngày, Hoa Quốc Phong, Lý Tiên Niệm, Ngô Đức bắt đầu bàn bạc về thời gian giải quyết “bè lũ bốn tên”.

Hoa Quốc Phong đề xuất phương án “đánh nhanh, gây bất ngờ”, cách thức này được hai người còn lại tán thành, thời gian tiến hành là 10 ngày sau ngày lễ Quốc khánh, hành động sẽ kết thúc trước 5 giờ sáng ngày hôm sau.

Hoa Quốc Phong một lần nữa ủy thác cho Lý Tiên Niệm thông báo kết quả cuộc họp cho Diệp Kiếm Anh, Diệp Kiếm Anh sau khi nhận được thông báo cũng hoàn toàn đồng ý.

Trong cuộc chiến với “bè lũ bốn tên”, một cuộc họp nhỏ ngày 26/9 cuối cùng đã xác định được phương án và thời gian giải quyết “bè lũ bốn tên”. Sau khi đập tan được bọn chúng, Hoa Quốc Phong nói với Lý Tiên Niệm và Ngô Đức: “Chính cuộc họp này mà tôi mới quyết tâm áp dụng biện pháp cuối cùng là bắt giữ rồi thẩm tra cách ly”.

Lúc này, bọn bốn tên cũng đang hoạt động rất ráo riết. Trương Xuân Kiều đã hai lần đến Trung Nam Hải gặp Giang Thanh.

Ngày 28/9, Giang Thanh đến Sở chỉ huy quân ở Xương Bình, Vương Hồng Văn đến Sở chỉ huy quân ở Bảo Định - Hà Bắc, Trương Xuân Kiều đến Sở chỉ huy quân Thông Huyện. Hành động này của “bè lũ bốn tên” khiến Hoa Quốc Phong, Uông Đông Hưng chú ý, cảnh giác cao độ.

Tối ngày 30/9, diễn ra cuộc tọa đàm Quốc khánh gồm đầy đủ nhân vật trong các giới tại Thiên An Môn. Sau buổi đó, Hoa Quốc Phong, Lý Tiên Niệm và Ngô Đức đến phòng chiếu phim tại Quốc Vụ viện. Xem hết bộ phim, 3 người ở lại tiến hành bàn về thời gian và những vấn đề có thể phát sinh trong việc giải quyết “bè lũ bốn tên”.

15 giờ ngày 2/10, Diệp Kiếm Anh đến phòng làm việc của Uông Đông Hưng tại Trung Nam Hải.

Do “bè lũ bốn tên” làm náo loạn Bộ Chính trị vào đêm 29/9, hai bên đã tranh cãi kịch liệt. Lúc này, trận tuyến giữa hai bên đã rõ rệt, do đó Diệp Kiếm Anh đã biết lập trường của Uông Đông Hưng. Hai người nhanh chóng đi vào vấn đề chính.

Diệp Kiếm Anh chỉ rõ: “Bè lũ bốn tên” thâu tóm quyền lực trong Đảng, hại nước hại dân, không thể đứng nhìn chúng mãi được nữa. Chúng ta hãy lấy nhanh đánh chậm”. Sau khi bàn bạc với Uông Đông Hưng, Diệp Kiếm Anh lại vội vã tới chỗ Hoa Quốc Phong để bàn bạc thêm, nhằm nhanh chóng ra tay hành động.

Buổi tối, Uông Đông Hưng tới nhà Hoa Quốc Phong, hai người trao đổi nội dung cuộc họp với Diệp Kiếm Anh, và yêu cầu nhanh chóng đưa ra biện pháp thực hiện cụ thể.

Uông Đông Hưng đồng ý hai ngày sau sẽ có câu trả lời cụ thể.

Cùng ngày hôm đó, Hoa Quốc Phong đến nhà Ngô Đức. Hoa Quốc Phong, Ngô Đức, Uông Đông Hưng cùng nhau bàn bạc, yêu cầu Thị ủy Bắc Kinh tích cực phối hợp hành động với Trung ương giải quyết “bè lũ bốn tên”; Ngô Đức đề xuất ý kiến cách ly những tên tay chân  như Trì Quần, Tạ Tĩnh Nghi, Kim Tổ Mẫn ra xa khỏi "bè lũ bốn tên", ý kiến này được những người có mặt lúc đó tán thành tuyệt đối.

Cần phải nhổ tận gốc “bè lũ bốn tên”, phải đảm bảo nắm được lực lượng cảnh vệ trung ương và lực lượng bảo vệ Bắc Kinh, bởi thắng bại phụ thuộc một phần rất lớn vào chính những lực lượng vũ trang này.

Muốn huy động được hai lực lượng này, điều quan trọng nhất là phải tranh thủ được sự ủng hộ của hai người, đó là Uông Đông Hưng, Đoàn trưởng Đoàn cảnh vệ trung ương, hai là Lệnh Ngô Trung, Tư lệnh Quân khu Cảnh vệ Bắc Kinh. Đối với Hoa Quốc Phong, Uông Đông Hưng tuyệt đối đáng tin tưởng, còn Lệnh Ngô Trung đến nay vẫn là một ẩn số. Thế nhưng, Ngô Đức lại nói với Hoa Quốc Phong rằng: “Ngô Trung là người có thể hoàn toàn tin tưởng được”.

Cuối cùng, Hoa Quốc Phong bí mật cho gọi Ngô Trung đến, nói rõ tình thế hiện nay và ý định của Trung ương. Ngô Trung tỏ ý sẽ tuyệt đối nghe theo trung ương và sự sắp xếp của Hoa Quốc Phong.

Thực ra, trước Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh cũng đã thông qua Tô Trấn Hoa, Chính ủy Hải quân và cũng là cấp trên trước đây của Ngô Trung để làm công tác tư tưởng cho Ngô Trung. Ngô Trung nhờ Tô Trấn Hoa nói với Diệp Kiếm Anh rằng, chỉ cần Ngô Trung còn sống, ngoài lệnh từ Hoa Quốc Phong và Nguyên soái Diệp Kiếm Anh ra, những người khác đừng hòng điều động được một người lính nào trong lực lượng của ông.

Trưa ngày 4/10, Hoa Quốc Phong gọi Ngô Đức đến nhà riêng, hai người bàn bạc thêm một lần nữa công tác chuẩn bị và những chi tiết nào chưa được hoàn thiện để bổ sung kịp thời.

Cùng lúc, Diệp Kiếm Anh cũng đến phòng làm việc của Uông Đông Hưng tại Trung Nam Hải như đã hẹn, bí mật thảo luận về phương án hành động bắt giữ “bè lũ bốn tên”.

17 giờ ngày hôm đó, Ngô Đức rời khỏi nhà Hoa Quốc Phong, không ai ngờ rằng khi Ngô Đức vừa về tới nhà riêng, Hoa Quốc Phong đã gọi điện tới bảo ông quay lại nhà mình. Ngô Đức vội vã đến nhà Hoa Quốc Phong thì đã thấy Uông Đông Hưng ở đó rồi.

Uông Đông Hưng báo cáo với Hoa Quốc Phong và Ngô Đức về phương án hành động mà mình đã bàn bạc với Diệp Kiếm Anh.

Tiếp đó, 3 người đi đến quyết định, Hoa Quốc Phong và Diệp Kiếm Anh sẽ đứng lên triệu tập một cuộc họp Thường vụ Bộ Chính trị trên danh nghĩa là nghiên cứu vấn đề xuất bản cuốn thứ 5 trong “Mao Trạch Đông tuyển tập” tại Trung Nam Hải, thông báo cho Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên đến dự, Uông Đông Hưng sẽ phụ trách việc bắt giữ “bè lũ bốn tên”; đồng thời Ngô Đức và Ngô Trung sẽ bắt giữ những đồng bọn của chúng là Trì Quần, Tạ Tĩnh Nghi, Kim Tổ Mẫn và những người khác, rồi nhanh chóng đưa một bộ phận quân cảnh Bắc Kinh tới chiếm lĩnh trụ sở các phương tiện thông tin như Nhân dân nhật báo, Tân Hoa xã, Đài Phát thanh nhân dân Trung ương cùng các cơ quan trung ương, Trường đại học Bắc Đại, Thanh Hoa... kiên quyết không được để bất cứ việc bất ngờ nào phát sinh.

Sau đó, theo đúng phương án và kế hoạch đã đề ra, lực lượng do Hoa Quốc Phong, Ngô Đức, Uông Đông Hưng dẫn đầu đã lật đổ thế lực của “bè lũ bốn tên”, kết thúc thời kỳ lịch sử Đại cách mạng văn hóa khủng khiếp kéo dài tới 10 năm ở Trung Quốc, cứu đất nước và nhân dân Trung Quốc thoát khỏi thế lực hắc ám, mở ra một thời kỳ mới huy hoàng và thịnh vượng cho nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

Anh Tiến (Theo Bí ẩn lịch sử)
.
.