Những “vết sẹo” của nước Mỹ

Chủ Nhật, 07/06/2020, 11:10
Trong khi vụ bạo động liên quan đến cái chết của thanh niên da đen George Floyd đang thu hút sự chú ý của cả thế giới, người ta lại nhớ tới một vụ việc từ cách đây 35 năm trước.

11 người, trong đó có 5 trẻ em đã chết và cả một khu phố Philadelphia, Mỹ bị thiêu rụi trong vụ cảnh sát ném bom nhóm hoạt động xã hội Move. Sự việc xảy ra như một tiếng rên đau xót về câu chuyện phân biệt chủng tộc ngay giữa nước Mỹ, để rồi sau đó, một nỗ lực hòa giải vẫn đang được tiến hành.

Lời xin lỗi muộn mằn và nỗ lực hòa giải

Frank Powell, một sĩ quan cảnh sát Philadelphia giữ chức trưởng đội xử lý bom của thành phố vào năm 1985, nhớ rất rõ thời điểm ông nhận chỉ thị đặc biệt từ cấp trên. Vào ngày 13/5/1985 Powell được trao một chiếc túi màu xanh lá cây có chứa một quả bom làm bằng chất nổ nhựa C-4 và leo lên một chiếc trực thăng của lực lượng cảnh sát bang. Vào lúc 5 giờ 27 phút khi chiếc trực thăng bay qua một khu dân cư chủ yếu là người Mỹ gốc Phi ở phía tây Philadelphia, Powell thả quả bom C-4 xuống phía dưới.

Những ngôi nhà ở Philadelphia bị cháy sau khi trụ sở của nhóm Move bị ném bom vào tháng 5/1985.

Vụ ném bom đã gây ra sự phẫn nộ và sau đó bị lãng quên trong nước Mỹ hiện đại. Mục tiêu của Powell là căn nhà số 62 trên Đại lộ Osage lúc đó có 13 công dân Mỹ bên trong. Họ đều là thành viên của Move - một nhóm giải phóng người da đen hoạt động ở Philadelphia. Nhóm được thành lập bởi John Africa (tên khai sinh Vincent Leaphart) vào năm 1972.

Nhóm này sống theo cộng đồng và thường xuyên tham gia vào các cuộc biểu tình công khai chống lại nạn phân biệt chủng tộc, sự đàn áp của cảnh sát, và các vấn đề khác.

Trong nhiều năm, họ thường xuyên đối đầu với chính quyền Philadelphia mà đỉnh điểm là tháng 5 năm đó với các lệnh bắt giữ, vì một loạt các hành vi phạm tội bao gồm: "mối đe dọa khủng bố", "bạo loạn" và "hành vi gây rối" và kết thúc là quả bom của Powell ném xuống căn nhà trụ sở của nhóm.

Một đám cháy lan rộng. Đến sáng hôm sau, 61 ngôi nhà đã bị san bằng thành tro, khiến 250 người trở nên vô gia cư. Chỉ có hai trong số 13 cư dân của ngôi nhà nhóm Move sống sót. 11 người còn lại, bao gồm năm trẻ em từ 7 đến 13 tuổi, bị cháy thành tro. Đó là một trong một số vụ hiếm hoi trong lịch sử nước Mỹ khi thường dân bị tấn công trên đất liền bằng cách ném bom từ trên không.

Wilson Goode, thị trưởng da đen đầu tiên của thành phố, người đã phê chuẩn cuộc tấn công năm 1985, đã nói xin lỗi trong nhiều trường hợp. Nhưng chưa bao giờ có một lời xin lỗi chính thức từ chính quyền thành phố. Không ai liên quan đến việc vạch kế hoạch và thực hiện vụ ném bom bị truy tố.

Trong một bài bình luận trên tờ Guardian, Goode lập luận rằng giờ là lúc Philadelphia phải noi gương ông và đưa ra lời xin lỗi chính thức. Lặp đi lặp lại những lời hối hận "sâu sắc và chân thành", Goode kêu gọi các quan chức cũ và hiện tại cùng với ông nói lời xin lỗi vì những hành động "không thể bào chữa được" đã dẫn đến một hậu quả kinh khủng.

Goode viết: "Sau 35 năm, lời xin lỗi sẽ hữu ích cho việc chữa lành vết thương của tất cả những người liên quan, đặc biệt là nạn nhân của sự kiện khủng khiếp, nếu có một lời xin lỗi chính thức của thành phố Philadelphia. Nhiều người trong thành phố vẫn cảm thấy nỗi đau của ngày hôm đó - tôi biết tôi sẽ luôn cảm thấy đau". Bài báo trên tờ Guardian của Goode là một phần trong nỗ lực kéo dài 2 năm nhằm cố gắng lôi kéo các bên đối lập trong vụ ném bom trên đường Osage cùng tham gia tiến trình hòa giải.

Các cuộc thảo luận hòa giải bắt đầu từ tháng 9/2018 và đang tiếp tục diễn ra. Các cuộc đàm phán liên quan đến cả thành viên Move và chức sắc thành phố. Về phía thành phố bao gồm: Goode và Ed Rendell, luật sư quận Philadelphia năm 1985 (sau đó ông trở thành thống đốc bang Pennsylvania). Rendell  đã phê chuẩn một dự thảo nghị quyết về một lời xin lỗi của thành phố "cho các quyết định dẫn đến sự tàn phá thảm khốc vào ngày 13/5/1985".

Về phía nhóm Move, các cuộc thảo luận được dẫn dắt bởi Mike Africa Jr. Ông giữ một vị trí đặc biệt trong nhóm Move vì được sinh ra trong một nhà tù - mẹ của ông, Debbie, đã sinh ra ông ngay sau khi bà bị bắt cùng với cha là Mike Africa Sr. trong một cuộc đột kích trước đó của cảnh sát vào một ngôi nhà nhóm Move năm 1978. Cha mẹ của Mike Africa Jr. thụ án 40 năm tù vì bị kết tội bắn chết sĩ quan cảnh sát James Ramp trong cuộc đột kích, mặc dù họ cùng với tất cả thành viên nhóm Move bị giam giữ luôn tuyên bố vô tội.

Sự nghi ngờ

Mike Africa Jr. cho biết nhiều cuộc gặp mặt trực tiếp của ông với Goode trong các cuộc đàm phán bí mật là "điều khó khăn nhất mà tôi từng phải làm". 

Người chú vĩ đại của ông là John Africa (người sáng lập Move) và anh em họ Frank Africa đều chết trong trận hỏa hoạn năm 1985. Mike Africa Jr. nói: "Đối với tôi, Wilson Goode luôn là kẻ đáng sợ Sau một vài cuộc gặp gỡ, tôi đã nôn ra theo nghĩa đen. Ông ta là gương mặt của quả bom đã giết chết gia đình tôi. Vì vậy, để ngồi trong một căn phòng với ông ta, cho dù vào nhiều thập niên sau đó, tôi đã rất đau đớn".

Các thành viên Move khi đó.

Mike Africa Jr. cho biết ông không thích cụm từ "hòa giải", mà chỉ muốn "công lý được phục hồi". Yêu cầu ban đầu từ Move là có tất cả 7 thành viên còn lại trong số 9 thành viên Move bị tống giam sau khi cuộc bao vây năm 1978 được trả tự do - một tham vọng được thực hiện vào tháng 2/2020. Bây giờ Mike Africa Jr. muốn cộng sự của Move là Mumia Abu-Jamal  - một cựu thành viên Black Panther - được thả ra, người đã bị tống giam từ năm 1981 vì tội giết một sĩ quan cảnh sát Philadelphia. Mike cũng muốn nhìn thấy một số hình thức khiển trách đối với những người ra lệnh và tham gia vụ ném bom năm 1985.

Các thành viên Move khác hoài nghi về giá trị của các cuộc đàm phán. Một trong những người nghi ngờ là Ramona Africa, người trưởng thành duy nhất thoát khỏi căn nhà nhóm Move vào tháng 5/1985 sau khi Powell thả bom. Ramona nói với tờ Guardian rằng bà và 12 người khác trốn dưới tầng hầm của Đại lộ Osage khi ngôi nhà bị tấn công liên tục bằng vòi rồng, lựu đạn cay và phía trước ngôi nhà bị nổ tung bởi chất nổ. Sau đó, hơn 10.000 viên đạn bắn ra từ súng tiểu liên của cảnh sát. Và đó là trước khi quả bom được thả xuống.

Ramona nói: "Chúng tôi bị ngộp thở bởi nước và khói cay. Khi mọi biện pháp tấn công đều không có tác dụng đẩy chúng ta ra khỏi nhà, họ đã thả quả bom xuống. Cả căn nhà rung chuyển".

Ramona đã chạy trốn qua một lối ra tầng hầm cùng với chỉ một đứa trẻ tên là Birdie Africa. Ramona kể lại 11 người lớn và trẻ em khác đã cố gắng đuổi theo họ nhưng bị buộc phải quay lại dưới trận mưa đạn từ phía cảnh sát, mặc dù báo cáo đó đã bị cảnh sát Philadelphia tranh cãi trong nhiều năm qua. Ramona bị bỏng nặng trong đám cháy. Ramona bị bắt, bị buộc tội bạo loạn và âm mưu, và trải qua 7 năm tiếp theo sau song sắt - người duy nhất từng bị kết tội phát sinh từ vụ tấn công.

Với những trải nghiệm tàn khốc của mình, Ramona nghi ngờ về triển vọng hòa giải. Bà nói: "Chúng tôi không muốn lời xin lỗi bởi vì họ không thể bù đắp cho những gì họ đã làm. Họ không thể làm sống lại những người mà họ đã giết".

Janine Africa, một trong số 9 thành viên Move (Move-9) bị cầm tù sau cuộc bao vây năm 1978, mất đứa con trai 12 tuổi tên Little Phil trong vụ đánh bom. Janine mô tả cậu bé là một đứa trẻ rất hướng ngoại, rất thích phiêu lưu và truyện tranh. Janine cay đắng nhớ lại cách mà bà biết tin đứa con của mình đã chết trong khi cô bị giam giữ đơn độc (bà được thả ra cách đây một năm).

Janine nhớ lại: "Người bảo vệ mở cửa phòng giam của tôi và nói: 'Con trai của bà đã chết', rồi đóng cửa lại. Đúng như vậy đó. Không có lời giải thích. Không có gì". Janine Africa cũng không muốn nghe lời xin lỗi: "Thật sự xúc phạm khi bây giờ phát đi lời xin lỗi. Sau ngần ấy năm".

Bất chấp sự nghi ngờ như vậy, Ulysses Slaughter - một chiến lược gia hòa giải, người đã hòa giải các cuộc đàm phán - vẫn chắc chắn rằng quá trình này là cần thiết để chữa lành vết thương vẫn còn mở cho rất nhiều người Philadelphia. Ông bình luận: "Sự kiện năm 1985 tiếp tục âm thầm làm tổn thương mọi người. Người dân cần phải tự hỏi, chúng ta trở thành con người như thế nào khi chúng ta cho phép các khu phố của chúng ta trở thành khu vực chiến tranh".

Nỗi ân hận

Nguồn gốc của sự kiện 1985 là từ năm 1978 khi một cuộc đối đầu giữa Move và cảnh sát đã khiến sĩ quan James Ramp thiệt mạng. Một số thành viên của Move dù vô tội nhưng đã bị kết án giết người. Điều này kích động các thành viên còn lại. Thủ lĩnh của Move, John Africa, đã bắt đầu cuộc phản công vào đêm Giáng sinh năm 1983.

Con cái của các thành viên Move giơ khẩu hiệu tại cuộc họp báo ở Philadelphia vào ngày 12/5/2010.

Nguy hiểm hơn, Move bắt đầu lắp ráp vũ khí và xây dựng các hầm chứa trong tòa nhà của họ. Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 5/1985 khi Thị trưởng W. Wilson Goode ra lệnh cho cảnh sát tấn công trụ sở Move. Các nhà chức trách sớm nhận ra rằng họ gần như chẳng thể làm gì để loại bỏ các thành viên của Move khỏi vị trí cố thủ của họ.

Khoảng 5 giờ 30 phút chiều ngày 13/5, một quả bom nhỏ đã được thả xuống trên mái nhà của tòa nhà nhằm phá huỷ hầm chứa. Điều này hóa ra lại rất tai hại, vì phần mái nhà đã được phủ bằng hắc ín và có khí gas, và một vụ cháy nhanh chóng lan ra. Tình hình sau đó đã vượt khỏi tầm kiểm soát.

Giống như cuộc tấn công vào nhóm tôn giáo Branch Davidians tại Waco, Texas 8 năm sau đó, chính phủ đã bị chỉ trích nặng nề vì xử lý yếu kém trong vụ đối đầu. Năm 1986, một bồi thẩm đoàn đã quyết định trả 1,5 triệu USD cho 3 người sống sót trong cuộc đột kích Move.

Một số trong số hơn 500 sĩ quan cảnh sát tham gia cuộc bao vây vào ngày 13/5/1985, kể cả lính cứu hỏa, cũng đã tham gia vào các cuộc đàm phán hòa giải. Jim Berghaier đang làm nhiệm vụ cảnh sát ở Đại lộ Osage ngày hôm đó và giúp Birdie Africa thoát khỏi đám cháy.

Ông nói với tờ Guardian rằng ông luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh cậu bé đi qua một bức tường lửa: "Năm đứa trẻ chết, và những người hàng xóm mất tất cả. Chúng tôi đã thất bại, và nó ám ảnh tôi. Dường như không ai có vẻ quan tâm". Berghaier cho biết chỉ sau đó ông mới phát hiện ra rằng trẻ em có mặt trong căn nhà. "Ngay cả cho đến ngày nay tôi cũng mang nhiều tội lỗi vì 5 đứa trẻ đó. Tôi chỉ là một bức tường cách xa họ. Chúng đã chết một cái chết khủng khiếp".

Linn Washington, người báo cáo sự kiện cho tờ Philadelphia Daily News, tin rằng đã quá lâu để thành phố chính thức thừa nhận sai lầm nghiêm trọng được thực hiện ngày hôm đó. Bạn không thể tiến lên một cách hiệu quả cho đến khi bạn tìm thấy sự hòa giải đó. "Họ đã giết chết 5 đứa trẻ. Ủy viên cảnh sát gọi chúng là 'chiến binh' - trong khi chúng thực sự chỉ là những đứa trẻ!" Jamie Gauthier, thành viên hội đồng thành phố đại diện cho khu vực Đại lộ Osage ngày nay, là một trong một số quan chức được bầu hiện tại ủng hộ một lời xin lỗi.

Bà nói: "Đến tận ngày nay, điều này thể hiện một trong những hành động tàn bạo nhất được thực hiện bởi chính quyền thành phố chống lại chính người dân của họ - không chỉ ở Philadelphia, mà là trên toàn nước Mỹ".

Nghịch lý thay, người duy nhất đã không phải vật lộn với sự ám ảnh trong 35 năm qua chính là người đàn ông thả bom. Frank Powell tin rằng vụ hỏa hoạn đã giết chết 11 người và tàn phá khu vực không phải do chất nổ C-4, mà bởi những người dân Move, trong lời kể của anh ta, đã đốt cháy nhà của họ trong một mong muốn tự tử về sự tử vì đạo.

Powell nói: "Những gì chúng tôi đã làm ngày hôm đó chưa bao giờ ám ảnh tôi. Tôi đã leo lên chiếc trực thăng với ý định chân thật nhất là khiến những người đó không bị tổn thương. Nhưng đó không phải là lỗi của chúng tôi. Tôi có thể sống với điều đó".

Duy Ân (tổng hợp)
.
.