Nỗi đau Khâm Thiên và ký ức 40 năm...

Thứ Bảy, 29/12/2012, 11:20

Trong câu chuyện hôm nay, những người dân Khâm Thiên vẫn nhắc nhớ những ngày đau thương mà thật hào hùng ấy. Nhang đèn cắm dọc con phố, người còn sống trở về kìm nén nỗi đau xông vào đống đổ nát cứu người bị sập, cấp cứu người bị thương, kiếm tìm từng mảnh thi hài người chết, gom nhặt của cải, giấy tờ vương vãi trả lại cho người bị mất. Họ lại nhắc đến những nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố kịp thời có mặt cùng bà con trong hoạn nạn, những chiến sĩ dân phòng, công an hết lòng vì dân.

Ký ức Khâm Thiên

22 giờ 45 phút đêm 26/12/1972, Hà Nội chìm trong biển lửa.

Hàng chục tốp máy bay B52 của Mỹ từ đảo Guy Am, từ sân bay Cò Rạt – Thái Lan như những quái vật lừ đừ  bay vào cắt bom rải thảm xuống khu phố Khâm Thiên và khu Bệnh viện Bạch Mai.

Cả khu phố nổi tiếng sầm uất và đông dân, những con ngõ mang những cái tên thân thương, những ngõ Hòa Bình, ngõ Đại Đồng, ngõ Đoàn Kết... đã bị gần như san phẳng. Các khối phố 42, 43, 45, 47 chỉ còn là đống gạch vụn. Nhà dân, cửa hàng, nhà trẻ, trạm y tế… bị đổ nát hoàn toàn. 534 ngôi nhà đổ sập, 1.200 căn nhà khác bị phá hỏng, 577 người chết và bị thương… Hiệu đàn Nhạc Sơn trong ngõ Sân Quần bị san phẳng. Người trong nhà đi sơ tán hết chỉ còn những cây đàn Tây Ban cầm thủng nát lăn lóc trên đống gạch đổ…

Ngày hôm ấy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội - bác sĩ Trần Duy Hưng có mặt nơi đây tham gia đào bới tìm người bị bom vùi dưới đống đổ nát. Sáng hôm sau, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng cực lực phản đối không quân Mỹ đánh phá Hà Nội, trung tâm đầu não của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Đài Hoa Kỳ phát đi lời biện minh của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng Mỹ chỉ đánh vào khu vực thuộc tỉnh... Hà Đông (?!). Họ đã ngụy biện bằng cách đưa ra sự nhầm lẫn quá lố bịch.

Ở số 1 Khâm Thiên nơi đóng Tổng Công ty Xăng dầu, ông Giám đốc Nguyễn Văn Đạt đã chết tại bàn làm việc khi đang chỉ huy điều phối xăng dầu cho mặt trận. Bây giờ chỗ sân công ty, cạnh bậc tam cấp dẫn lên trụ sở chính có tấm biển đá khắc ghi sự kiện bi hùng cuối tháng 12/1972… Sau trận bom đã thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến hiện trường, bà con phố Khâm Thiên thấy ông biểu lộ vẻ xúc động trước nỗi đau quá lớn.

Sáng 27/12/1972, từ trên tuyến đường chiến lược Trường Sơn, chúng tôi lặng người khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi bản tin đau đớn: Giặc Mỹ dùng B52 ném bom vào Hà Nội. Bản tin nhói lòng người ra trận, thổi bùng thêm ngọn lửa căm thù và ý chí quyết tâm đánh thắng hoàn toàn quân xâm lược… Cả nước hướng về Hà Nội, trái tim Việt Nam để dõi theo, cùng đau đớn hướng về Hà Nội với tất cả tình cảm thiêng liêng.

Đêm đó, nhà văn Tô Nhuận Vĩ từ Huế ra được điều động tăng cường cho báo Hà Nội mới, trong bài “Thủ đô đêm nay không ngủ” với  đề tựa: Tô Thế Quảng từ Hà Nội gửi Nguyễn Khoa Điềm ở Huế đã viết: Ôi, cha mẹ tôi, anh  em tôi ai nằm đó bất động suốt vỉa hè dài ngổn ngang? Những sọt rau cải su hào bầm nát biến thành màu đất trước cửa hàng rau quả số 15. Mấy trăm chăn bông sắp về những gia đình lao động ngày rét buốt đã toe tướp, chôn vùi. Hợp tác xã may đo áo quần đàn bà, ông lang Bảo bắt mạch kê đơn, cái đàn ghi ta Epspanhon có tội gì?

Những câu hỏi 40 năm trước của anh như xoáy vào lương tri nhân loại.

Đi tìm ký ức Khâm Thiên, tôi đã gặp lại những chứng nhân ngày ấy và cả những người sinh đúng đêm đau thương tại nhà hộ sinh nổi tiếng trong ngõ Thổ Quan. Trong câu chuyện hôm nay, những người dân Khâm Thiên vẫn nhắc nhớ những ngày đau thương mà thật hào hùng ấy. Nhang đèn cắm dọc con phố, người còn sống trở về kìm nén nỗi đau xông vào đống đổ nát cứu người bị sập, cấp cứu người bị thương, kiếm tìm từng mảnh thi hài người chết, gom nhặt của cải, giấy tờ vương vãi trả lại cho người bị mất. Họ lại nhắc đến những nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố kịp thời có mặt cùng bà con trong hoạn nạn, những chiến sĩ dân phòng, công an hết lòng vì dân.

Những tấm lòng của bà con Hà Tây và các nơi khác đem đến cho bà con những mái nhà che tạm bên hố bom cạnh cánh đồng Si. Không một người nào thiếu bữa, đói rét dù tan hoang nhà cửa. Tết Quý Sửu ấy, các gia đình bị bom vẫn có bánh chưng, kẹo mứt, thịt cá. Các cháu nhỏ mồ côi có những cá nhân và tổ chức nhận về nuôi dưỡng. Phố phường vẫn đảm bảo an ninh trật tự không có tệ nạn trộm cắp. Các gia đình đi sơ tán trở về vẫn còn nguyên vẹn tài sản, dù nhà không kịp khóa… Những thanh niên trai tráng mang khăn tang vẫn sẵn sàng lên đường ra tiền tuyến cầm súng trả nợ nước, thù nhà. Tình người Hà Nội qua lửa đạn đẹp hơn bao giờ hết.

Đài tưởng niệm ở phố Khâm Thiên.

Nỗi đau gia đình người lính Khâm Thiên trong tim tướng Giáp

Đi tìm ký ức Khâm Thiên những ngày cách nay 40 năm, tôi tìm đến nhà nữ Bí thư Khu Đống Đa năm ấy, bà Lê Thúy Hạnh. Căn nhà trên phố Tôn Đức Thắng giờ đã vắng bà cách nay 2 năm. Chị Oanh, anh Tuấn con bà Hạnh ngậm ngùi: Mẹ chúng tôi mất rồi. Giá anh đến 2 năm trước sẽ có nhiều chuyện được kể lại... Chị Oanh nhớ lại: Đúng như vậy,  thời ấy, mẹ tôi là Bí thư Khu ủy Đống Đa. Mẹ kể rằng bác Giáp đi cùng bác Duẩn, bác Đồng đến làm việc về tổn thất của Khâm Thiên, mẹ tôi báo cáo với bác Duẩn, bác Đồng, với Đại tướng về tổn thất người và tài sản. Đến đoạn có gia đình cụ Thuyết bị giết chết cùng lúc 6 người dưới hầm, chỉ còn một người con trai đang ở chiến trường...

Nghe đến đây, bác Giáp cắt lời: Đồng chí ấy tên gì? Mẹ tôi trả lời: Dạ anh ấy tên là Trung. Nghe đến đây, bác Giáp vẫy người trợ lý của mình lại và dặn: Nhớ bảo điều ngay Trung ra Bắc. Vâng lời Đại tướng, người sĩ quan tuân lệnh trở ra và chỉ tuần lễ sau, đơn vị của Trung từ mặt trận Vĩnh Linh đã đưa anh  trở về Hà Nội theo lệnh của Đại tướng. Trung đã được trở về, nhưng Khâm Thiên đổ nát, không còn nhà, không còn cha mẹ, anh em thân thích. Anh được bà  Bí thư Khu ủy nhận làm con nuôi và đưa về nhà ở Hàng Bột cho ăn ở cùng gia đình. Sau đó, anh được Nhà nước cho đi học nghề tại Bungari. Sau thời gian học, Trung về nước và làm việc tại Công ty Xây dựng số 3 Hà Nội.

Mỗi năm vào ngày 26/12, trong dịp cùng cả phố Khâm Thiên làm ngày giỗ chung cho người đã mất bởi  trận bom Mỹ hủy diệt, Trung lại nhớ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với tấm lòng bao la của vị tướng cao nhất, dù bận trăm ngàn công việc quốc gia đại sự, vẫn canh cánh đến số phận một gia đình, một người lính. Cả khu phố Khâm Thiên ai cũng ca ngợi Đại tướng và nói rằng: Không có "cụ" Giáp cho về, thì gia đình ấy có thể coi như..."cụt". Nhưng chiến tranh cũng đã để lại cho cuộc đời anh Trung một đoạn kết buồn: Do dư chấn nỗi đau mất mát quá lớn mà anh đâm ra lẩn thẩn. Về sau bệnh tâm thần ngày mỗi nặng, anh ít lui tới thăm viếng mẹ nuôi Thúy Hạnh. Lâu không thấy anh Trung về, sau chị Oanh và gia đình mới hay anh đã mất…  

Khâm Thiên năm 1972...

Nhà báo - Anh hùng Phạm Khắc của "Điện Biên Phủ trên không"

Hình như lịch sử có những lựa chọn bất ngờ nhất, người góp phần giữ  lại những hình ảnh lịch sử về Hà Nội cuối năm 1972 ấy lại là một nhà báo, nhà quay phim nổi tiếng từ chiến trường Nam Bộ. Ngày anh Phạm Khắc còn sống, khi ấy anh là Giám đốc Đài Truyền hình  TP HCM, tôi đã có dịp trò chuyện cùng anh về những bộ phim chiến trận của anh. Và một trong những bộ phim được quay bởi lòng quả cảm  của nhà báo chiến trường này là Hà Nội 12 ngày đêm cùng những thước phim hiếm hoi đêm kinh hoàng phố Khâm Thiên ngày ấy. Nhà quay phim kiêm nhà báo Phạm Khắc hình như sinh ra để làm cái công việc có tính chất lịch sử, ấy là có mặt trên chiến trường ác liệt để ghi lại hình ảnh chiến đấu ngoan cường của quân dân miền Nam.

Không chỉ có thế, anh còn là người chứng kiến sự khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh trên bầu trời Hà Nội năm 1971 - 1972.  Trong trận Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm ở Hà Nội, Phạm Khắc lại được may mắn làm người quay phim ghi lại thời khắc oanh liệt bậc nhất của cuộc chiến với không lực Hoa Kỳ. Dưới tầm bom Mỹ, Phạm Khắc leo lên nóc những ngôi nhà Hà Nội quay cảnh máy báy Mỹ vào hủy diệt Thủ đô. Những cảnh quay lửa đạn đỏ trời, cảnh Hà Nội chìm trong đổ nát và cạnh đó là cảnh máy bay Mỹ bị bắn hạ. Tất cả những thước phim vô giá ấy chỉ có thể thực hiện tại chỗ, trên bờ chiến hào, dưới bom đạn…

Bộ phim “Năm ngày đọ sức” của anh có mặt kịp thời tại Hội nghị quốc tế Paris về Việt Nam, góp phần vào thành công của đàm phán hòa bình và ký kết Hiệp định Paris vào đầu năm 1973 và đoạt Huy chương Bạc... Phim “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không” đã đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan Phim quốc tế Praha.  Chỉ có lòng dũng cảm và tư cách nhà báo chiến trường mới đem lại cho anh ý chí mãnh liệt khi xung trận. Hình ảnh Phạm Khắc tiêu biểu cho một thời đại những người cầm máy - cầm bút làm báo chiến trường.

"Lịch sử đã trao cho anh việc ấy, bởi từ năm 1971, anh được điều động ra Bắc theo đường Trường Sơn để học tập chuẩn bị cho giải phóng Sài Gòn và ngày toàn thắng. Ra đến Hà Nội, anh được điều động vào  tổ phóng viên quay phim tham gia quay các trận đánh máy bay Mỹ vào bắn phá Thủ đô..." - Họa sĩ Đặng Ái Việt, phu nhân nhà báo - Anh hùng Phạm Khắc tự hào nhắc đến người chồng quá cố của mình như vậy.

...và Khâm Thiên ngày nay.

Vĩ thanh

Bốn mươi năm vết sẹo Khâm Thiên còn nhức nhối  lòng người. Đài tưởng niệm là tượng bà mẹ trẻ bồng đứa con đã chết trên đôi tay mà chân thì giẫm lên quả bom Mỹ chính là hình ảnh về nỗi đau 40 năm trước. Nơi này đã đón hàng triệu người từ khắp thế giới, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế đến đây tưởng niệm những người đã khuất vì bom Mỹ. Tiến sĩ Kissinger, Ngoại trưởng Hoa Kỳ dưới thời Nixon ném bom Hà Nội cũng đã đến cúi đầu trước Đài tưởng niệm Khâm Thiên.

Chiều cuối tháng 12 này, lúc tôi vào xem phòng trưng bày trong khu di tích thì có một nhóm các bạn trẻ làm việc tại một ngân hàng trong Khâm Thiên Building gần đó đến viếng Đài tưởng niệm. Nhìn các em thành kính dâng hương lễ bái vong linh người đã khuất, ai cũng cảm thấy rưng rưng. "Hồng phúc đấy". Một cụ bà bảo với tôi thế. Cụ bảo rằng: "Lớp trẻ bây giờ đâu có quên lịch sử. Điều đó thật đáng mừng"…

Khâm Thiên lại sầm uất và nhộn nhịp hơn xưa, nhưng còn đâu đó những mái nhà chắp vá lại những mảnh tường sụp đổ do bom Mỹ đêm 26/12/1972…  Những cây bàng đã lại xanh tốt tỏa bóng xuống hè phố… Và bây giờ 40 năm sau, Khâm Thiên đang đẹp dần lên với vô số nhà mới điểm xuyết vài cao ốc, building. Cửa hàng thực phẩm 57 Khâm Thiên bây giờ vẫn là nơi bán hàng như ngày nào. Tất cả như muốn giữ lại dấu vết như xưa nhắc về một thời máu lửa. Ba căn nhà bị xóa sổ bởi bom Mỹ đêm ấy giờ thành phố để khuyết ba số nhà 47, 49, 51 như để ngỏ một vết thương chiến tranh để nhắc nhớ tội ác của Mỹ ngày nào. Vết sẹo ấy trên con phố hòa bình vẫn còn nhức nhối lương tri con người, nhắc nhớ cho tất thảy về nỗi đau chiến tranh và cũng là để mãi mãi nhen lên ước vọng hòa bình cho nhân loại.

Hà Nội, hạ tuần tháng 12/2012

Tân Linh
.
.