Nỗi đau Lăng Ba Vành

Thứ Tư, 10/10/2012, 02:40

Đến Huế, đến xứ thơ mộng, du khách gần xa thường thì thăm viếng hoàng cung, vãn cảnh chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén và hẳn nhiên, không quên đến nơi an nghỉ của những ông vua triều Nguyễn như Lăng vua Minh Mạng, Lăng Thiệu Trị, Lăng Tự Đức… Được đánh giá là những công trình kiến trúc vĩ đại, độc đáo trên mọi phương diện văn hóa, kiến trúc, lịch sử…,  những lăng vua kể trên gần trung tâm Huế, còn tương đối nguyên vẹn, tiêu biểu cho hệ thống lăng tẩm của các vua triều Nguyễn, bí ẩn, độc đáo đến lạ kỳ nên được nhiều người lui tới.

Nói chuyện lăng tẩm xứ Huế, người ta thường nhắc đến những lăng vua Nguyễn ấy, chẳng mấy ai đề cập đến Lăng Ba Vành vốn được một số người  có tâm huyết khẳng định đó là chốn an nghỉ của Hoàng đế Quang Trung (?), người lập nên vương triều Tây Sơn nhưng đoản mệnh, để lại một vương triều rối rắm và sau cùng bị Vua Gia Long dìm trong bể máu!

Cuộc trả thù thảm khốc

Chuyện lăng tẩm của các vua chúa triều Nguyễn là câu chuyện dài nhiều tập ly kỳ, huyền bí, ngồn ngộn những chuyện được liệt vào dạng thâm cung bí sử mà sau này nhờ sự dày công nghiên cứu của các sử gia, học giả, nhà nghiên cứu, hậu thế mới rõ chuyện vì sao các vua chọn vùng đất này để xây lăng mộ mà không phải là vùng đất khác? Rõ cả quá trình xây dựng "cung điện" cho ngày cưỡi rồng về trời của các vua Nguyễn tốn kém nhân lực ra sao, các vua được an táng vào thời gian nào và vì sao ngoài Lăng Gia Long (người sáng lập triều Nguyễn kéo dài 143 năm với 13 đời vua trị vì) có song mộ trong khi lăng tẩm của các đời vua sau đó chỉ "độc mộ"...

Đến Huế, như bao du khách khác, chúng tôi không bỏ lỡ cơ hội tham quan hệ thống lăng mộ của các vua Nguyễn để hiểu thêm về quan niệm sống chết của người xưa. Và sau khi đi qua các lăng vua tiện đường đi được nhiều người tới lui như Lăng Khải Định, Lăng Tự Đức, Lăng Minh Mạng, Lăng Thiệu Trị và những lăng xa hơn, cách trở hơn, đường đi khó khăn nên ít người lui tới như Lăng Sọ (nơi an táng thân phụ Vua Gia Long), Lăng Gia Long..., trong chúng tôi ngồn ngộn nhiều câu hỏi về hành trình nhập tẩm (hầm mộ) của các ông vua này sau khi băng hà. Rằng quan tài của các vua được làm từ loài gỗ quý gì, đinh, lim, giáng hương hay loại cây gì khác?

Lời đồn sau khi Vua Gia Long và hoàng hậu trút hơi thở cuối cùng, thái giám cận thần sẽ để cho vua và hoàng hậu ngậm một loại ngọc quý để xác được tươi lâu, vậy thứ ngọc ấy là ngọc gì, các đời vua sau có được ngậm ngọc lúc cưỡi rồng về trời hay không, đó là những chuyện thâm cung bí sử rất cần các nhà nghiên cứu hé mở!

Hành trình viếng Lăng vua Nguyễn đã đưa chúng tôi lạc lối đến chùa Thuyền Lâm  ở nội thành Huế, nơi có nhiều di vật gắn liền với triều Tây Sơn như di ảnh Vua Quang Trung, những tấm bia đá bị "trảm quyết" (chém đầu) vì sự trả thù của Vua Gia Long. Từ câu chuyện lịch sử xưa, thầy Thích Pháp Tấn, người gốc Huế đã đưa chúng tôi đến với câu chuyện Lăng Ba Vành nằm ẩn sâu trong đồi Thiên An, nơi gắn liền với lời đồn là chốn an nghỉ của người "Anh hùng áo vải".

“Đại Nam chính biên liệt truyện” chép rằng Vua Quang Trung băng hà vào ngày 29/7 năm Nhâm Tý (tức 15/9/1792) giữa lúc công cuộc xây dựng quốc gia đang tiến hành trôi chảy và giữa lúc cuộc chiến với Chúa Nguyễn Ánh ở Gia Định đang dở dang. Để tránh tai mắt của thế lực thù địch, theo trăng trối của bệ rồng, tướng Trần Quang Diệu và triều thần đã tiến hành chôn cất Vua Quang Trung sơ sài, bí mật. Đến mùa đông năm 1802, Chúa Nguyễn Ánh (sau lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long) tiến công về kinh đô Phú Xuân mở cuộc thảm sát, trả thù tàn khốc nhà Tây Sơn.

Nhiều tư liệu ghi rằng theo lệnh của Vua Gia Long, mộ của Vua Quang Trung bị đào phá, bia đá bị đục chữ và trảm quyết, sọ bị nhốt vào ngục thất và xương cốt bị giã nát rồi đem đổ bỏ. Có tư liệu ghi tro cốt Vua Quang Trung bị trộn vào thuốc súng và bắn bằng đại bác!

Bí ẩn nơi an táng vua Quang Trung   

Câu chuyện về lăng mộ của Vua Quang Trung đến nay vẫn là bí mật vì không được lịch sử ghi chép rõ ràng. Đến nay hậu thế có dư luận lăng mộ Vua Quang Trung được xây dựng ở nhiều địa điểm (Lăng Đan Dương hay Đan Lăng). Điều này được Ngô Thì Nhậm (Ngô Thời Nhiệm, danh sĩ thời Hậu Lê - Tây Sơn) nói rõ trong bài “Cảm hoài”: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta".

Nhưng Đan Lăng ở vùng núi rừng nào thì đến nay điều đó vẫn là bí mật. Sau này một số học giả cho rằng Đan Lăng nằm gần khu vực chùa Thuyền Lâm, gần nơi làm việc của Thượng thư bộ Lễ triều Tây Sơn là Phan Huy Ích (nay thuộc thành phố Huế). Lại có giả thuyết cho rằng mộ Vua Quang Trung nằm trên núi Khuân Sơn, phía nam huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Nằm ngoài quy luật đó, ông Trần Viết Điền (giảng viên Trường đại học Sư phạm Huế), người có gần 30 năm dày công kiếm tìm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung cho rằng lăng mộ của Vua Quang Trung chính là Lăng Ba Vành, thuộc địa phận làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế.

Giữa ông Điền và một số nhà nghiên cứu Huế đã không có điểm chung trong vấn đề Lăng Ba Vành. Dựa vào một số tư liệu, trước đây có học giả khẳng định Lăng Ba Vành là lăng mộ của một vị quan thời chúa Nguyễn là Binh bộ thượng thư Lê Quang Đại. Nhưng ông Điền với những luận cứ, bằng chứng quan trọng đã phản bác điều ấy.

Dựa vào bố cục, cảnh quan phong thủy "tân nguyệt trì, cổng tam quan, nấm mộ hình mai rùa, nhà bia, nhà hộ lăng, mô típ rồng trước trang trí ở Lăng Ba Vành... và dựa vào những biểu hiện lăng bị quật phá, bia bị chặt đầu, rùa đá bị chặt đầu, đường minh tuyền bị chắn ngang... để trị tội và trấn yểm, ông Điền khẳng định Lăng Ba Vành thuộc về thời Tây Sơn và chủ nhân cổ mộ này không ai khác chính là Hoàng đế Quang Trung. Ông Điền tin lập luận của mình có cơ sở, nhất là khi ông dấn sâu vào việc nghiên cứu khảo cổ, phong thủy, kinh dịch...

Từ tất cả những điều ấy, ông Điền đi đến kết luận Lăng Ba Vành là lăng của một hoàng đế từng được nhà Thanh phong An Nam quốc vương và tâm huyết này của ông như đã nói, chẳng được công nhận.

Tấm bia đá bị "bêu đầu", đục chữ và cổ mộ hoang phế giữa rừng già bị moi móc.

Cần nhấn mạnh rằng ông Điền không phải là người đầu tiên quan tâm đến chủ nhân của Lăng Ba Vành cũng như đưa ra khẳng định chủ nhân Lăng Ba Vành chính là Hoàng đế Quang Trung. Năm 1928, chủ bút tập san "Đo thành hiếu cổ" là ông L.Cadière, một học giả người Pháp sau chuyến khảo sát công phu 317 ngôi mộ ở vùng phụ cận Huế khi dừng trước Lăng Ba Vành đã thắc mắc chẳng rõ vì sao giữa vùng rừng âm u ở làng Cư Chánh lại có ngôi cổ mộ hoành tráng nhưng mộ bị bới đào và bia bị đục xóa. Nhưng qua quá trình xác minh khảo sát, học giả này không kết luận đó là mộ Vua Quang Trung.

Vài thập niên sau, dựa vào gợi ý của cha Cadière (nhà khảo cứu người Pháp) "Lăng Nguyễn - Huê ở trong miền núi, phía tây thành phố Huế", năm 1941, cố GS Nguyễn Thiệu Lâu (giáo viên môn sử Trường Quốc học Huế) sau quá trình khảo sát, nghiên cứu đã khẳng định Lăng Ba Vành (có 3 thành bằng đá ong bao bọc) là công trình kiến trúc thời Tây Sơn bị Vua Gia Long cho quật phá như sử sách ghi lại và chủ nhân của nó là Vua Quang Trung.

Trong một chia sẻ với báo giới gần đây, ông Điền cho biết, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế là PGS-TS Sử học Đỗ Bang cũng từng phát biểu công khai tại một buổi hội thảo rằng căn cứ trên những tư liệu hiện có mà ông Điền thu thập cho thấy nếu không phải là lăng của Hộ bộ Lê Quang Đại thì phải là lăng của Vua Quang Trung.

Nỗi đau cổ mộ!         

Do sở học non kém nên khi điểm lại những điều này, chúng tôi không có ý tranh luận hay ủng hộ ông Điền hay ai khác chuyện đúng sai. Là hậu nhân nhiều đời, ấn tượng của câu chuyện lăng mộ Vua Quang Trung bị Gia Long sai người quật mồ, đập bia, hài cốt cho vào chum và xiềng xích... nên khi biết thông tin Lăng Ba Vành có liên quan đến Vua Quang Trung, để chứng xem thực hư cũng như chia sẻ với nhiều người quan tâm đến câu chuyện ấy, chúng tôi điểm lại những chuyện liên quan đến mộ phần Vua Quang Trung và tìm đường đến ngôi mộ đang gắn liền với nhiều tranh cãi. Chuyện chỉ đơn giản như vậy thôi. Nhưng khi xuyên rừng tìm đến nơi rồi, mới biết quanh câu chuyện Lăng Ba Vành xứ Huế, có những điều tưởng giản đơn nhưng hóa ra vô cùng rối rắm, lắm nỗi buồn!

Trong tấm ảnh chụp nhiều năm trước về Lăng Ba Vành được công bố gần đây của ông Trần Viết Điền cho thấy nấm mồ của người nằm dưới mộ ở Lăng Ba Vành được bao bọc bởi vòng thành tròn khép kín còn khá nguyên vẹn. Bên trong vòng thành ấy, nấm mồ được đắp bằng chất liệu đặc biệt đã và đang tiếp tục gây nhiều tranh cãi có hình tròn nhô cao. Trước vòm thành là tấm bia đá dựng đứng bị chặt tai, đục chữ, mặt hướng về phía trước. Nói tóm lại, nhìn vào tấm hình người ta có thể biết đó là ngôi cổ mộ trăm năm của bậc vương giả ngày trước.

Ấy nhưng khi vượt dặm đường xa tìm đến Lăng Ba Vành, những gì chúng tôi chứng kiến rất phũ phàng. Lăng Ba Vành nằm khuất sâu trong đỉnh đồi Thiên An, đường vào lăng rất khó đi, phải len lỏi qua nhiều con đường mòn xuyên rừng, cây cỏ rậm rạp che khuất đầu người. Đường vào lăng không có bảng chỉ dẫn, heo hút người nên chúng tôi nhiều lần lạc lối, phải hỏi nhiều bận mới tìm được đường đến. Và khi đến nơi, lặng người khi thấy lăng mộ mà cố GS Nguyễn Thiệu Lâu và ông Điền đoán chắc là lăng mộ Vua Quang Trung hẩm hiu đến lạ. Các bờ thành sụp đổ, cỏ dại phủ đầy, cây rừng rậm rạp xanh um. Những vòng thành lăng vụn vỡ…

Vạt lối vào cổ mộ, lại xao lòng khi thấy nấm mồ hình mai rùa gần như muốn sụp đổ, một vòng hang sâu hun hút ăn sâu xuống đáy mộ, vết tích của cuộc thanh trừng hàng trăm năm trước và cũng có thể là vết tích của những kẻ đào bới cổ mộ kiếm tìm báu vật. Cách ngôi mộ bị quật xới là tấm bia đá bị đục chữ ngã sóng soài. Hỏi chuyện ông Nguyễn Mão, một người dân thuộc dòng vương thất sinh sống ở khu vực này, chúng tôi được ông cho biết theo thời gian, đã có quá nhiều kẻ tìm đến nơi này những mong kiếm tìm báu vật. Chẳng biết họ kiếm được gì nhưng cổ mộ bị đào bới với miệng rộng hoang hoác. "Trước đây còn có một tấm bia đá cũng bị đục chữ nằm phía sau mộ nhưng nay cũng mất rồi" - ông Mão trầm giọng.

Những gì mà chúng tôi ghi nhận ở Lăng Ba Vành là như thế. Thật buồn và đau lòng trước cảnh ngôi cổ mộ đến nay vẫn là bí ẩn của lịch sử, phảng phất nét xưa bi hùng với những dấu ấn bị quật mồ, bị trảm bia đá - một chứng tích lịch sử như vậy mà nay tan hoang, chẳng ai đoái hoài, chẳng ai đến thăm, chẳng ai hương khói. Cứ cho lăng mộ này chẳng phải là của Vua Quang Trung nhưng lẽ nào, với 3 vành đai hoành tráng tương ứng với nấm mồ thường thấy của bậc quân vương, và với "bản lý lịch" mộ bị quật bới, bia bị đục chữ chém đầu..., những điều đó lẽ nào không ấn tượng, hấp  dẫn với hậu nhân?!

Tin rằng với những giai thoại lịch sử chưa được giải mã kia, nếu được cơ quan chức năng ở Huế quan tâm, có chiến lược trùng tu, giới thiệu thì hẳn Lăng Ba Vành sẽ được nhiều người tìm đến và thắp nén nhang cho chủ nhân ngôi cổ mộ cho khỏi tủi thân buồn phận! Lúc trò chuyện ông Mão khép lại nỗi niềm bằng tâm sự rằng vì các nhà nghiên cứu, các học giả chẳng ai chịu ai nên Lăng Ba Vành mới bị bỏ bê thảm hại. "Phải chi họ dằn cái tôi xuống và chăm chút cho lăng thì đâu đến nỗi!”

T.Dũng - N.Huyền
.
.