“Nơi quy tụ những gì vĩ đại nhất của một dân tộc anh hùng”

Thứ Sáu, 17/05/2019, 14:46
Sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, ngày 15-10-1954 Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Hà Nội, Người ở tạm tại căn phòng gác 2 trong nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Hữu Nghị). Ngày 19-12-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức chuyển về ở và làm việc trong một căn nhà mái ngói, 3 phòng được xây dựng từ năm 1942 cạnh bờ ao mà trước kia là của một công nhân điện...

Nhà này trần thấp và tương đối nóng, không đảm bảo cho sức khỏe của Người. Mặc dù được đề nghị nhiều lần nhưng Người vẫn cân nhắc về quyết định dựng một ngôi nhà khác.

3 năm sau, ngày 18-2-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông Nguyễn Văn Ninh - Cục trưởng Cục Kiến thiết cơ bản Tổng cục Hậu cần, một kiến trúc sư nổi tiếng đã thiết kế nhiều công trình, đến gặp Người để nhờ thiết kế một ngôi nhà nhỏ sao cho tiết kiệm và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước lúc đó. Ngày 1-3-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu các dân tộc khu Việt Bắc tại Phủ Chủ tịch.

Trong cuộc chuyện trò vui vẻ, có đồng chí nhắc đến những kỷ niệm thời kỳ hoạt động bí mật và kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi thăm về những lán trại, nhà sàn trong rừng núi trước kia đã được sử dụng trong thời gian ở ATK (an toàn khu) Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn và nói: “Gặp các cô, các chú, Bác càng nhớ đồng bào và nhà sàn của đồng bào miền núi rất thoáng mát”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bên ngôi Nhà sàn (4-1960).

Sớm hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên. Trên đường từ Thái Nguyên về Hà Nội, Người nói với đồng chí thư ký Vũ Kỳ về ý định muốn dựng một căn nhà sàn nhỏ phía bên kia bờ ao. Cuối tháng 3-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp lại ông Nguyễn Văn Ninh để xem 3 mẫu thiết kế mà kiến trúc sư đã chuẩn bị thuyết trình. Người đã quyết định chọn mẫu nhà sàn, đồng thời căn dặn cụ thể ông Ninh là sử dụng loại gỗ dổi, không dùng cột nhà to quá, thiết kế tầng trên, tầng dưới, hành lang quanh nhà không cần rộng, lan can gỗ bào nhẵn, không chạm khắc hoa lá, phải hết sức tiết kiệm và hợp lý.

Đơn vị đoàn V thuộc Cục Quản lý doanh trại Tổng cục Hậu cần quân đội đã vinh dự được nhận nhiệm vụ làm nhà sàn Bác Hồ. Mọi công việc chuẩn bị và tất cả nguyên vật liệu được tập kết và thi công tại xưởng gỗ Cục Doanh trại trên phố Hoàng Diệu, sau đó khung nhà và các chi tiết kết cấu được đưa vào vị trí đã chọn để lắp, dựng, hoàn thiện.

Nhà sàn bắt đầu lắp ráp từ ngày 15-4-1958, trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang tham dự kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nhưng vẫn tranh thủ đến thăm anh em đang thi công 2 lần để góp ý về một số vấn đề như: làm nhanh gọn từng phần việc, chiều rộng cầu thang lên tầng 2, tận dụng vách ngăn giữa hai phòng làm giá sách, làm thêm bệ xi măng lát gỗ ở tầng dưới để các cháu thiếu nhi vào thăm Người có chỗ ngồi, không cần dùng vecni đánh bóng gỗ mà có thể dùng lá chuối khô...

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh kỷ niệm với cán bộ, chiến sĩ tham gia xây dựng Nhà sàn (5-1958).

Ngày 17-5-1958, ngôi nhà sàn gỗ được hoàn thành trước sinh nhật lần thứ 68 của Người 2 ngày. Hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy tiền lương của mình nhờ Văn phòng tổ chức một bữa liên hoan bánh kẹo, trà thuốc để chiêu đãi đồng chí kiến trúc sư và một số cán bộ, chiến sĩ đã tham gia làm nhà sàn cùng dự nhân dịp khánh thành công trình. Cuối buổi tiệc ngọt, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng mỗi vị khách một chiếc huy hiệu của Người và mời tất cả cùng chụp chung một kiểu ảnh kỷ niệm.

Tầng dưới ngôi nhà sàn để thoáng, xung quanh có mấy chiếc mành tre, ở giữa có 10 chiếc ghế đặt quanh bàn họp lớn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc mùa hè, họp với Bộ Chính trị hoặc tiếp khách. Góc nhà còn đặt thêm chiếc bể cá vàng dành cho các cháu thiếu nhi mỗi khi vào thăm Người thêm vui. Tầng trên có 2 phòng nhỏ, diện tích mỗi phòng chừng 10m2.

Phòng làm việc có vách ngăn đồng thời là giá sách để các tác phẩm của tác giả trong nước và quốc tế tặng Người. Trên bàn còn chiếc bát thủy tinh để thả hoa nhài. Phòng nghỉ của Người có một số vật dụng cá nhân thường ngày: chiếc chổi tre phất muỗi, quạt lá cọ, chiếc mũ cát, chiếc đài bán dẫn để Người nghe tiếng nói của nhân loại...

Ngôi nhà sàn lịch sử này đã chứng kiến 11 năm làm việc và cống hiến quên mình của Người để phục vụ Đảng, phụng sự Tổ quốc và nhân dân trong giai đoạn sôi động của cách mạng Việt Nam: vừa tiến hành đồng thời công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam nhằm thống nhất đất nước và góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc dân chủ hòa bình và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Trong thời gian sống và làm việc trong Khu Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì 600 cuộc họp của Bộ Chính trị và tham dự nhiều phiên họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Người đã có hơn 900 chuyến đi thực tế để trực tiếp thị sát, kiểm tra, chỉ đạo, động viên các đơn vị, cơ sở và nhiều địa phương; Người đã tiếp đón gần 700 đoàn đại biểu trong nước từ các đồng chí trong Bộ Chính trị, các lãnh đạo Bộ, ban ngành đến các tổ chức, đoàn thể, giai tầng xã hội và gặp gỡ, hội đàm, trả lời phỏng vấn  với hơn 500 đoàn ngoại giao, chính khách, phóng viên, nhà báo quốc tế.

Cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định tặng thưởng gần 4.000 huy hiệu của Người cho những tấm gương tiêu biểu làm việc tốt hoặc cá nhân, tập thể có thành tích lao động, chiến đấu xuất sắc. Người cũng viết hơn 1.300 bài báo, bài đọc, tác phẩm lý luận về những đề tài phong phú như: đạo đức cách mạng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, người tốt việc tốt, nhân dân anh hùng, phong trào dựng xây đất nước, ý chí đấu tranh thống nhất Tổ quốc, lên án chiến tranh, bảo vệ hòa bình, nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế và đặc biệt là bản di chúc lịch sử để lại cho muôn đời sau.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu thăm nhà H67 trong Khu di tích Phủ Chủ tịch (1-2-2019).

Ngôi nhà sàn còn là một minh chứng sắc nét và sinh động nhất về tấm gương đạo đức của một người cộng sản mẫu mực cần-kiệm-liêm-chính, chí công-vô tư, một trái tim vĩ đại, bao dung, nhân ái ôm cả non sông mọi kiếp người của lãnh tụ cách mạng - nhà hiền triết phương Đông Hồ Chí Minh.

Sau ngày Người qua đời, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định: Bảo quản tốt khu lưu niệm, các di tích và hiện vật lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch để bày tỏ lòng biết ơn và đời đời nhớ công lao to lớn của Người, để động viên toàn dân học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Từ đó, nhà sàn, ao cá, các nhà di tích như H54, H67, nhà họp Bộ Chính trị, nhà xe ô tô và cảnh quan môi trường xung quanh được mang tên là Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (thường gọi tắt là Khu di tích Phủ Chủ tịch hay nhà sàn Bác Hồ), một di tích lịch sử văn hóa đặc biệt thuộc loại hình bảo tàng lưu niệm sinh hoạt đời sống danh nhân Hồ Chí Minh. Ngày 12-8-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1272 QĐ/TTg xếp hạng Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là Di tích quốc gia đặc biệt.

Sau 50 năm hoạt động bảo tồn và phát huy tác dụng, Khu di tích Phủ Chủ tịch đã đón tiếp, phục vụ hơn 75 triệu lượt khách (trong đó có hơn 11 triệu khách quốc tế từ 150 quốc gia) đến nhà sàn - ao cá Bác Hồ để tham quan, học tập, chiêm ngưỡng, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những năm gần đây, lượng khách ngày càng tăng.

Các hình thức phục vụ, tuyên truyền của Khu Di tích cũng đa dạng, phong phú, hiệu quả, thiết thực hơn như tổ chức các buổi lễ báo công, kết nạp đảng viên, hội thảo, tọa đàm, triển lãm, thi tìm hiểu về Bác Hồ, kết nối tuyến du lịch đỏ về nguồn, quảng bá sách, tài liệu và đưa hình ảnh cuộc đời, sự nghiệp, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là đến các vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo...

Tổng thống Nga V. Putin thăm và ghi cảm tưởng tại Nhà sàn Bác Hồ (3-2001).

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta khẳng định rằng: “Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những tài liệu, hiện vật lưu giữ nơi đây là một di tích văn hóa đặc biệt quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa nước nhà, đây là tài sản văn hóa vô giá của dân tộc ta và có ý nghĩa rất to lớn đối với quốc tế. Những gì Bác Hồ để lại đã phản ánh sự nghiệp cách mạng vĩ đại của một con người trọn cuộc đời mình vì nước vì dân, vì sự đoàn kết quốc tế, biểu thị nhân cách một nhà văn hóa lớn của Việt Nam và của nhân loại”.

Nhiều khách quốc tế sau khi tham quan ngôi nhà sàn lịch sử này đã bày tỏ tình cảm chân thành, xúc động, kính phục cuộc đời giản dị, thanh cao của một anh hùng giải phóng dân tộc - nhà văn hóa kiệt xuất: “Những ai muốn biết thế nào là một con người thực sự, vẻ đẹp của thế giới ở đâu, sự chiến thắng của chân lý trên trái đất ở đâu, ở đâu có mùa xuân, xin hãy đến thăm cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự tồn tại điển hình của một anh hùng thời đại chúng ta”.

Hầu hết các nguyên thủ quốc gia đến Hà Nội đều dành thời gian ghé thăm ngôi nhà sàn nhỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kính cẩn nghiêng mình trước những minh chứng sinh động về phong cách, đạo đức của Người: “Đến thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy được cuộc đời bất tử của một lãnh tụ suốt đời hy sinh vì độc lập dân chủ và hạnh phúc thực sự của nhân dân Việt Nam. Người đã cống hiến hết mình vì dân tộc và Tổ quốc mà không màng đến tiền tài, danh vọng cho bản thân.

Lý tưởng cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng là tấm gương cho các lãnh tụ thế giới và các chính khách học tập bởi nếu như họ phấn đấu được như Người thì nhân loại sẽ có cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Mong rằng những di tích và lý tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được gìn giữ muôn đời như một biểu tượng nhắc nhở, khuyến khích những ai đang nắm quyền lực trong tay cố gắng noi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh - Con người tuyệt vời và nhân đạo nhất địa cầu”(1).

Có thể khẳng định Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một di tích quốc gia đặc biệt bởi nơi đây người Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất đã sống và làm việc trong những năm cuối cùng và là nơi Người vĩnh biệt chúng ta. Trong khu vực này cho đến nay vẫn là nơi làm việc, tiếp đón khách ngoại giao của Đảng, Nhà nước ta và nơi đây cũng chính là điểm hành hương thường xuyên của triệu triệu đồng bào ta cùng bạn bè quốc tế.

Sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và hình ảnh Hồ Chí Minh vẫn trường tồn trong tâm trí nhân loại và ngôi nhà sàn của Người mãi trở thành một biểu tượng lịch sử vì: “Khi đến thăm nhà sàn Bác Hồ, chúng ta thấy lại một vùng đất trời của Tổ quốc Việt Nam, nơi quy tụ những gì vĩ đại nhất của một dân tộc anh hùng”(2).

* (1) và (2) trích từ “Hồ Chí Minh - ánh sáng độc lập tự do”, Nhà xuất bản Sự thật 1985, trang 49.

Đỗ Hoàng Linh PGĐ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
.
.