Kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968:

Nửa thế kỷ vang mãi bản hùng ca

Thứ Ba, 26/12/2017, 10:30
Trong ký ức của những chứng nhân lực lượng CAND và An ninh miền Nam năm nào, cuộc Tống tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 vẫn in đậm trong tâm trí. Trong vòng tay đồng đội, nụ cười và nước mắt cho người còn người Mất. Những đứa con lớn lên giữa thời bình, nghe câu chuyện về mùa xuân hào hùng của cha ông dâng dâng niềm tự hào, xúc động.


Tuổi 20 rực lửa Mậu Thân

Trong hai ngày 15 và 16-12, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị gặp mặt đại biểu nhân chứng lịch sử, thân nhân liệt sĩ CAND tiêu biểu và Hội thảo khoa học “Vai trò của lực lượng CAND trong Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968” tại TP Hồ Chí Minh. Tay bắt mặt mừng, bao thế hệ CAND ở mọi miền của Tổ quốc tề tựu để kể cho nhau nghe về ngày tháng hào hùng. 

Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta nổ ra đồng loạt ở 4 thành phố lớn, 37 thị xã, 64 thị trấn, quận lỵ trên toàn miền Nam, làm tan rã 600 ấp chiến lược, giải phóng hơn 100 xã với hơn 1,6 triệu dân. Những chiến công hiển hách đó có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của lực lượng CAND.

Thiếu tướng Phan Văn Lai phát biểu tại cuộc gặp mặt các nhân chứng lịch sử, thân nhân liệt sĩ CAND tiêu biểu trong Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

Trong tham luận gửi tới hội thảo, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: “CAND là một trong những lực lượng chi viện chiến trường miền Nam sớm nhất, nhiều nhất, đúng lúc, kịp thời và toàn diện về cán bộ, vũ khí, phương tiện kỹ thuật hậu cần… góp phần quan trọng làm chuyển biến tương quan lực lượng, phục vụ kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ miền Nam”.

Từ năm 1965 – 1968, Bộ Công an chi viện gần 2.000 cán bộ chiến sĩ ưu tú cho an ninh miền Nam, riêng năm 1968 chi viện 788 cán bộ, chiến sĩ cho các chiến trường.  Hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ công an thuộc các lực lượng an ninh vũ trang, trinh sát vũ trang, điệp báo an ninh miền Nam… đã được huy động, đóng vai trò nòng cốt trong công tác nắm tình hình, cung cấp thông tin, giao liên mở đường, kết hợp với lực lượng tại chỗ tiến công vào các cơ quan đầu não, bộ máy kiềm kẹp an ninh, cảnh sát, hệ thống giao thông, sân bay, kho tàng, trại giam của địch trong các đô thị.

Lực lượng an ninh cùng với đồng bào tiến hành tốt công tác địch vận, kêu gọi làm tan rã hàng ngũ của địch nên đã có hàng trăm ngụy quân, ngụy quyền, cảnh sát dã chiến bỏ hàng ngũ về với cách mạng. Cán bộ, chiến sĩ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ, vừa bảo vệ an toàn cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam.

Lực lượng an ninh Khu trọng điểm Sài Gòn – Gia Định ngay từ đầu đã tập trung toàn lực lượng cho cuộc tiến công và nổi dậy, tổ chức rà soát, nắm tình hình nội bộ các cơ quan đầu não của địch, phối hợp với các lực lượng tại chỗ mở đường dẫn đường cho các mũi tiến công; trừ gian diệt ác và hỗ trợ phong trào quần chúng nổi dậy…

Toàn cảnh cuộc hội thảo “Vai trò của lực lượng CAND trong Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968”

Đại tá Thái Doãn Mẫn, nguyên Phó ban An ninh T4, nhớ lại: Từ tháng 6-1967, công tác chuẩn bị hết sức khẩn trương, ta tập trung một lực lượng lớn cho Khu Sài Gòn – Gia Định. Năm 1968, các chiến sĩ an ninh vũ trang và trinh sát vũ trang đánh địch nhiều nơi trong nội đô Sài Gòn. Phân đội an ninh vũ trang gồm 12 chiến sĩ trẻ ngoan cường chiến đấu và anh dũng hy sinh để bảo vệ an toàn cho đồng chí Võ Văn Kiệt và các đồng chí khác của Bộ Tư lệnh tiền phương 2.

Trong khi đó, trinh sát vũ trang tấn công sứ quán Philippines, tiêu diệt 11 cảnh sát, một số xe cảnh sát bị cháy, đánh tan hai xe tuần tiễu, một xe bọc thép… Các chiến sĩ trinh sát còn dùng mìn đánh tụ điểm của cảnh sát dã chiến ở góc đường Văn Điển Quang – Trần Quốc Toản, đánh hỏng trạm biến thế điện Hưng Phú, làm mất điện hai giờ liền tạo điều kiện cho bộ đội áp sát mục tiêu ở quận 6 và quận 8.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, qua 3 đợt tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, lực lượng CAND mà trực tiếp là lực lượng An ninh miền Nam đã góp phần to lớn vào thắng lợi chung của quân và dân cả nước, giáng một đòn chí tử vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh trúng vào hệ thần kinh trung ương của bộ máy chính quyền Sài Gòn, làm rung động dư luận quốc tế và chính giới Hoa Kỳ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.

Gặp gỡ tri ân những chứng nhân lịch sử, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an không khỏi bùi ngùi xúc động: “Làm nên thắng lợi đó, 2.000 cán bộ chiến sĩ an ninh và hàng trăm cơ sở của lực lượng an ninh đã hy sinh anh dũng, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt, tù đày. Những tấm gương hy sinh cao cả và chiến công của thế hệ cha anh đã góp phần quan trọng đập tan các chiến lược chiến tranh tàn bạo của địch, cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.

Ngày cha hy sinh, Thượng tá Nguyễn Thị Lan (Công an tỉnh Tiền Giang) còn là một sinh linh bé bỏng trong bụng mẹ. Ra đời không thấy mặt cha, chị chỉ có thể hình dung khuôn mặt ông qua câu chuyện của mẹ, của bà. Cha chị - chiến sĩ an ninh Nguyễn Văn Lợi ngã xuống tháng 2-1968 tại Chợ Gạo, Tiền Giang giữa tuổi 20 phơi phới.

Tuổi thơ của Lan thiếu thốn trăm bề, vắng đi hơi ấm yêu thương khi lần lượt ông nội, ông ngoại, chú, dì, cậu lần lượt ra trận và hy sinh. Lớn lên, tiếp nối màu áo xanh phụng hiến của cha ông, chị trở thành chiến sĩ công an.

“Kể lại chuyện chiến tranh là để thấu hiểu giá trị của hòa bình, đã được đổi bằng xương trắng máu đào của cha ông, trong ấy có cha ông của chính tôi. Những mất mát trong gia đình mình khiến tôi đau xót nhưng cũng cho tôi động lực để phấn đấu trong đời, cho tôi niềm tự hào đã được lớn lên trong hòa bình và nhắc tôi dấn thân trong công việc của mình để bảo vệ từng giờ, từng phút cuộc sống hòa bình của người dân".

Hàng trăm câu chuyện về tuổi 20 sôi nổi, xông pha chia lửa ở khắp chiến trường miền Nam vào mùa xuân 1968 đã được những người lính an ninh đến từ Huế, Quảng Trị,  Khánh Hòa, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bến Tre, Bạc Liêu… ôn lại tại hội thảo. Những câu chuyện bất tử hun đúc lên truyền thống vẻ vang của CAND, là động lực tinh thần to lớn động viên lực lượng CAND phấn đấu, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ mới.

Bài học về thế trận lòng dân

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy để lại những bài học kinh nghiệm quý báu trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược của Đảng ta, cũng như trong nghệ thuật đấu tranh cách mạng. Bài học lớn mà 50 năm trước để lại luôn được thế hệ sau này nhắc nhở mãi chính là thế trận lòng dân.

Các anh hùng LLVT và nhân chứng lịch sử tham dự hội thảo.

Đồng chí Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, tâm đắc: “Sài Gòn là điểm quyết chiến chiến lược, là một chiến trường tấn công địch trên tất cả các mặt và có ý nghĩa quyết định trên toàn miền Nam. Ngay giữa lòng Sài Gòn - trung tâm đầu não, sào huyệt cuối cùng của kẻ thù - đã có một loại hình căn cứ đặc biệt: căn cứ “lõm”. Nơi mà tấm lòng và sự chở che của nhân dân đã biến các căn nhà, xóm ấp trở thành nơi đứng chân và cũng là trận địa chiến đấu của các lực lượng kháng chiến. Lực lượng An ninh Sài Gòn – Gia Định đã xây dựng vùng lõm chính trị khắp các quận nội thành. Không có vùng giải phóng che chở, không có phòng tuyến quân sự bảo vệ nhưng hệ thống các căn cứ “lõm” đã hình thành và phát triển vững chắc nhờ dựa vào lòng dân. Đặc điểm đô thành là nơi chính quyền Sài Gòn kiểm soát hết sức chặt chẽ. Đồng bào bị theo dõi, khủng bố rất ác liệt nhưng họ vẫn luôn hướng về cách mạng, tin vào Đảng, sẵn sàng đối diện với cảnh tù đày, tra tấn dã man để chở che cho chiến sĩ cách mạng”.

Thiếu tướng Phan Văn Lai, Trưởng Ban liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam, nguyên Chánh văn phòng Ban an ninh khu Trị - Thiên – Huế cho rằng nếu không có sức mạnh đoàn kết giữa nhân dân và các lực lượng cách mạng thì ta không thể bảo vệ an toàn các cơ quan của Đảng, bộ chỉ huy chiến dịch toàn khu, xây dựng và bảo vệ được các bộ phận an ninh mật cắm ở địa bàn nông thôn....

Sau thời gian đầu bị động, địch tập trung lực lượng phản kích rất quyết liệt gây cho ta nhiều thiệt hại, trong đó có lực lượng an ninh. Trong bối cảnh vô cùng phức tạp và ác liệt, sức mạnh lòng dân thực sự phát huy. Đến bây giờ vị tướng già vẫn không quên những người dân đã đùm bọc, cứu giúp mình khỏi vòng vây của địch. Một lần ông và đồng đội bị pháo kích khi đang trú ở xã Phú Cường (nay là xã Vinh Thái, huyện Phú Vang).

Thoát vòng vây, họ về đến cơ sở ở thôn Dưỡng Mong A. Vừa xuống hầm bí mật trong vườn của gia đình ông Hoàng Sa thì bọn địch càn đến.

“Suốt 5 ngày đêm chúng chà đi xát lại, chúng tôi phải ở dưới hầm, được gia đình ông Sa che chở, tiếp tế cơm nước. Nằm dưới hầm, chúng tôi nghe rõ tiếng kêu khóc thảm thiết của vợ con ông Sa do bị địch tra khảo, đánh đập dã man, hăm dọa đốt nhà, bắn bỏ nếu không chịu chỉ hầm bí mật. Cái chết cận kề nhưng cả gia đình ông Sa chỉ nói độc một câu: “Gia đình tui không có hầm bí mật, không nuôi Việt cộng trong nhà!”. Ở dưới hầm, anh em nhìn nhau rơi nước mắt” – Thiếu tướng Phan Văn Lai xúc động.

Tiến sĩ Tống Thị Nga, Phó trưởng Khoa Lịch sử Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng thắng lợi của chiến dịch Mậu Thân 1968 để lại bài học về xây dựng "thế trận lòng dân" còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của lực lượng CAND hôm nay.

Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng "thế trận lòng dân" là xây dựng nền tảng chính trị - xã hội của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trên cơ sở đồng thuận, đoàn kết của toàn dân.

Quỳnh Nga
.
.