“Ông trùm” bến Thượng Hải: Máu nhuộm đường quan

Thứ Ba, 25/08/2020, 21:45
Từ năm 1911, gia nhập Bác Cổ bang bảo kê nhà chứa tại nhà nghỉ Thiên Thống, nhờ sự nâng đỡ của Hoàng phu nhân, Đỗ Nguyệt Sênh đã được Hoàng Kim Vinh trọng dụng. Đỗ được giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng, chủ yếu là chỉ huy đám bảo kê trong các cuộc thanh trừng hoặc gây chiến giành lãnh địa với các băng đảng khác. Từ đây, bạo lực đường phố đã trở thành "hệ số pha loãng" những cơ hàn cùng cực trong cuộc đời họ Đỗ.

Ngoài đời thật, Bác Cổ bang một băng con của Thanh Bang hội, chuyên bảo kê, chăn dắt gái và buôn lậu thuốc phiện, dưới trướng của "lão đại" Hoàng Kim Vinh, biệt danh Hoàng "mặt rỗ".

Đa mưu và thủ đoạn, lại nhập cuộc với tâm thế của một kẻ liều mạng bởi không có gì để mất, Đỗ Nguyệt Sênh đã nhanh chóng giành được sự ủng hộ của đông đảo công nhân bốc xếp và phu kéo xe trên bến Thượng Hải. Trong khi Hoàng Kim Vinh nổi tiếng keo kiệt thì Đỗ Nguyệt Sênh, dù chưa thật sự giàu có hay quyền lực, lại luôn tỏ ra hào phóng, nghĩa hiệp với huynh đệ. Gã luôn sẵn sàng và biết cách chủ động đứng ra tham gia vào bất kỳ cuộc tranh chấp nào của các băng nhóm mà gã có quen biết. 

Lỳ lợm, hiệu quả, góp sức nhưng không vội vàng đòi trả công, Đỗ luôn đến với kẻ khác bằng câu cửa miệng: "Không có gì, để tôi giúp người anh em một tay". Đám dân nghèo làm phu kéo xe hoặc bán hàng rong trên phố, mỗi khi bị đám giang hồ hay bị chủ nợ (thường là các chủ tiệm cầm đồ) ức hiếp mà không biết kêu ai cũng thường lân la tìm đến nhờ Đỗ giúp.

Ba ông trùm Thượng Hải.

Đỗ không bao giờ chối từ. Nợ ít, Đỗ sẵn lòng móc tiền túi ra trả hộ. Nợ nhiều, trả không nổi, Đỗ đưa tay chân đến tận tiệm hoặc nhà của chủ nợ gây áp lực, buộc đám này giãn nợ, thư nợ, thậm chí xoá nợ. Những tay chủ nợ có máu mặt cự tuyệt không tuân, Đỗ mượn oai ông chủ Hoàng xuống tay trừng phạt họ rất nặng. Có khi tiệm cầm đồ bỗng dưng bốc cháy. 

Lúc khác, chủ nợ bất ngờ gặp tai nạn gãy chân gãy tay. Cách chơi khôn ngoan, hào sảng nhưng đầy thủ đoạn tàn bạo này đã giúp Đỗ nhanh chóng thu phục được nhiều tay đao tay búa của nhiều băng nhóm nhỏ trong khắp khu tô giới.

Uy tín giang hồ của Đỗ tăng vùn vụt. Kẻ đứng đầu Bác Cổ bang Trần Phật Sinh thấy Đỗ tháo vát, đã tiến cử Đỗ với Hoàng Kim Vinh, lúc này đã là người đứng đầu ngành cảnh sát khu Tô giới Pháp ở Thượng Hải. Vị trí thì cao, quyền lực giang hồ trùm phủ, nhưng chính vì thế Hoàng Kim Vinh lại gặp khó khăn về danh nghĩa khi thể hiện quyền lực. 

Theo quy định, người của cảnh sát tô giới không được dò la, bắt người hay can thiệp vào khu vực Hoa giới do người Trung Quốc quản lý. Do đó, Hoàng cần uy tín giang hồ của Đỗ để sai khiến công việc ở khu vực này. Sau một số thử thách, Đỗ được Đốc sát trưởng Hoàng Kim Vinh, cũng là lão đại Thanh Bang đời chữ Thông thu nhận, trở thành truyền nhân Thanh Bang chính thức, đời  chữ Ngộ. Trong đời thường, Hoàng cũng tỏ ra khá ưu ái Đỗ, cho phép Đỗ gọi chú, xưng cháu như người trong nhà. Đỗ ra sức thi triển năng lực hãn mã, hòng lấy lòng Hoàng, tạo dựng uy tín.

Quá hăng hái, suýt nữa Đỗ Nguyệt Sênh đã mang họa sát thân. Đánh hơi được  có một chuyến thuốc phiện từ Nam Kinh đang chuyển vào Tô giới, Đỗ  đã lên kế hoạch đánh cướp. Đỗ thuê mấy chiếc xe hơi và một đám du thủ du thực chờ sẵn trên bến cảng. Khi chiếc thuyền chở thuốc phiện cập cầu số 16, Đỗ dẫn một đám lưu manh giả danh "cảnh sát  mặc thường phục" xuống khám thuyền. 

Phát hiện dưới thuyền có 50 cân thuốc phiện, Đỗ bèn cho trói nghiến cả đám thủy thủ lại, đoạt hết thuốc phiện mang đi. Y nói với chủ thuyền: "Chúng tôi mang số thuốc phiện này về nộp Đốc sát trưởng. Tất cả ở yên trong thuyền, không được lên bờ. Xin được chỉ thị từ Đốc sát trưởng, chúng tôi sẽ quay lại".

Đám buôn lậu thừa biết đám cảnh sát kia là kẻ cướp giả danh. Nhưng sự thật, số thuốc phiện mà chúng mang đi giao đã đóng thuế và được Hoàng Kim Vinh bảo kê nên chúng yên tâm, cứ tạm chịu trói dưới thuyền chờ lệnh của Đốc sát trưởng, ngỡ rằng đó là một phần trong kế hoạch. Chờ mãi không thấy ai đến giải cứu, chúng mới biết đích thị là bị cướp, vội tự cởi trói, lên bờ tìm người của Hoàng Kim Vinh kêu cứu. Hoàng  điên tiết, gọi ngay Đỗ Nguyệt Sênh đến, giao cho Đỗ "bằng mọi giá phải tìm cho ra lũ cướp táo gan dám vuốt râu hùm"!

Lão đại Hoàng Kim Vinh.

Đỗ mặt cắt không còn giọt máu, đành thú thật chính mình là tác giả, vì không hay biết số thuốc phiện trên là của lão đại nên trót đắc tội. Thuốc phiện nhận lại ngay không thiếu một cân, Hoàng Kim Vinh  đổi giận làm mừng, luôn mồm bảo "không biết không có tội". 

Đốc sát trưởng kiêm sư phụ giang hồ bèn móc ra ít tiền, bảo tên học trò kẻ cướp "chia cho anh em chút lộc, coi như đền bù công lao khó nhọc". Rất khôn ngoan, Đỗ dập đầu lạy như tế sao: "Đền công cho anh em là nghĩa vụ của tiểu điệt. Đã trót mạo phạm thúc  thúc, lộc này thật không dám nhận".

Dám chơi dám chịu, Đỗ Nguyệt Sênh khiến lão đại Hoàng Kim Vinh cũng có phần vì nể. Thấy Đỗ có tố chất thủ lĩnh, Hoàng Kim Vinh đã tin cậy, trọng dụng, xem Đỗ như con cháu trong nhà, nhiều lúc giao luôn cho Đỗ toàn quyền hành động, cho phép Đỗ gọi  mình bằng chú, xưng cháu.

Từ năm 1911, lịch sử Trung Hoa sang trang. Nợ nước ngoài đầm đìa, nhà Mãn Thanh đã phải quốc hữu hoá đường sắt Xuyên - Hán, Việt - Hán để gán nợ cho Anh, Pháp, Đức, Mỹ. Bất mãn, nhân dân các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Quảng Đông, Tứ Xuyên đồng loạt nổi dậy phản đối. Cuộc Cách mạng Song Thập (10/10/1911) đã… tiện tay lật đổ Hoàng đế Phổ Nghi và chính quyền phong kiến Trung Quốc. 

Quyền lực tập trung vào tay Viên Thế Khải lãnh tụ phe Bắc Dương - lực lượng mạnh nhất trong các hệ phái quân sự Cách Mạng. 

Đầy tham vọng, Viên Thế Khải đã trở mặt phản động, bắt tay thỏa thuận với Nhật đàn áp chính các lực lượng nổi dậy và nuôi mưu đồ trở thành Hoàng đế Trung Hoa. Viên Thế Khải đã từ chối Nam Kinh, kéo quân Bắc Dương về Bắc Kinh định đô, lên ngôi Hoàng đế tại đó vào tháng 4/1915 (dự định chính thức tuyên bố đăng quang vào ngày mùng 1/1/1916).

Từ Nhật về nước vào tháng 12/1912, lãnh tụ Quốc dân Tôn Trung Sơn đã phát động cuộc đấu tranh chống lại mưu đồ này. Hàng loạt thủ lĩnh quân sự các vùng ủng hộ Tôn Trung Sơn chống Viên Thế Khải. Tuy nhiên, các lãnh chúa cũng thường xuyên đem quân đánh nhau, không ai phục ai. Đất nước Trung Hoa bị chia thành trăm mảnh, bước vào thời kỳ quân phiệt, chìm trong loạn lạc. 

Tình trạng này kéo dài 17 năm, từ 1911 đến 1928, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn Bắc Dương quân phiệt kéo dài đến khi Viên Thế Khải chết (6/6/1916) có 14 hệ quân phiệt chính; giai đoạn Dân quốc quân phiệt còn lại 13 hệ (quân phiệt Quế hệ của Đường Sinh Trí ở Ninh Ba từng ba lần đánh Tưởng chạy dài nhưng sau đó bị Tưởng Giới Thạch tiêu diệt). 

Cả trăm hệ tiểu quân phiệt cát cứ huyện này châu nọ, nay còn mai mất coi như không tính đến. Các hệ phái quân sự quân phiệt được định danh theo đất Trung Hoa cổ và theo tên tỉnh hiện tại. Đáng kể nhất trong đó là các phái Hoàn (hệ), Hoãn, Trực, Phụng, Triết, Quế, Việt, Tương, Điền, Kiềm, Xuyên, Lệ, An Huy, Chiết Giang….Tưởng Giới Thạch là một lãnh tụ Xuyên hệ.

Nhằm mục đích cát cứ, các hệ phái quân phiệt tất nhiên không coi luật pháp Trung ương là cái đinh gì. Chúng sẵn lòng bắt tay, dung dưỡng để lợi dụng các băng đảng xã hội đen, tìm sức mạnh hậu thuẫn từ các nhóm bạo lực không vũ trang và bán vũ trang. Đây chính là cơ hội cho băng đảng, bang phái giang hồ trỗi dậy khẳng định quyền lực.

Năm 1917, trùm Thanh Bang hội Hoàng Kim Vinh được chính quyền tô giới thưởng huy chương vì có công "bảo đảm trật tự" và giữ chức vụ Đốc sát trưởng, đứng đầu ngành Cảnh sát của toàn Thượng Hải. Đứng ở đỉnh điểm quyền lực, Hoàng lão đại càng mạnh tay triệt hạ các băng hội xã hội đen đối thủ, nhất là băng Tam Hoà Hội của giang hồ Triều Châu - đối thủ chính yếu của nghề buôn thuốc phiện. 

Những chiến dịch "truy tận giết tuyệt", lấy danh nghĩa cảnh sát, điều tra tội phạm để thanh trừng giang hồ đầy gió tanh mưa máu đã khiến đầu lĩnh nhiều bang phái hận Hoàng Kim Vinh tận xương tuỷ, luôn tìm cơ hội để trả thù.

Phục kích giết hay gây thương tích cho Hoàng Kim Vinh bằng dao súng đều không dễ, bởi Hoàng đi đâu cũng có hàng chục vệ sĩ, cả cảnh sát lẫn xã hội đen vũ trang đến tận răng bao quanh. Bản thân Hoàng thì luôn ẩn kín trong xe hơi, chỉ thò chân xuống đất khi đám vệ sĩ đã lập thành một vòng rào vây kín. 

Dàn cảnh gây ra tai nạn cho Hoàng, cài bom, các băng đảng khác cũng không tìm được cơ hội. Hoàng Kim Vinh chỉ ăn uống, tiệc tùng trong những nhà hàng sang trọng bậc nhất do tay chân của y quản lý. Xoa mạt chược, xem hát, y cũng đã có sẵn sòng bạc riêng, nhà hát riêng, không cần phải làm khách bất kỳ ai.

Nhưng mối hận bị tước mất miếng ăn và tàn sát huynh đệ, giang hồ cũng không dễ bỏ qua. Hàng loạt đầu lĩnh giang hồ đã bỏ công nghiên cứu tìm ra yếu huyệt của họ Hoàng để ra đòn chí mạng. Cuối cùng, băng Triều Châu cũng tìm được tử huyệt: Hoàng Kim Vinh cực kỳ mê hát xướng và rất thích chọn nhân tình trong số những cô đào hát sắc nước hương trời.

Lộ Lan Xuân.

Trong số này, đặc biệt có cô ca sĩ kinh kịch lừng danh Thượng Hải tên là Lộ Lan Xuân, tình nhân chim sa cá lặn, vưu vật trong tay áo Hoàng "mặt rỗ”. 

Năm 1917, Lộ Lan Xuân mới 19 tuổi đã được Hoàng Kim Vinh, lúc đó 50 tuổi nhận vào làm nhân viên phiên dịch phòng Tuần Bổ tô giới Pháp, sau đó lại nhận làm nghĩa nữ (con gái nuôi). Thật ra, họ Hoàng nhận không vì trình độ tiếng Pháp tuyệt hảo, mà chủ yếu vì nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn của cô, nuôi để… thịt. 

Lan Xuân thích ca hát, diễn kinh kịch rất hay. Lòng cô đã xiêu đổ khi ông chủ Hoàng xây nguyên nhà hát Thiên Cung, mời thầy về đào tạo, biến cô thành một đào hát nổi danh vang lừng đất Thượng Hải. Vốn tiếng Pháp cô chỉ dùng khi giao đãi tiếp tân cùng các quan khách thượng lưu, không dùng vào việc phiên dịch công việc giấy tờ nữa. Cô vừa là tình nhân, vừa là cây sinh quả tiền của Hoàng lão đại.

Tam Hoà hội quyết định tổ chức giết Lộ Lan Xuân để trả thù Hoàng Kim Vinh!

Như đã nói, quảng giao và chơi đẹp, Đỗ Nguyệt Sênh được giang hồ nhiều băng mến mộ. Từ khi mới làm bảo kê sòng bạc - nhà chứa, Đỗ đã chơi thân và ưa giúp đỡ hai con người sau này sẽ trở thành khét tiếng, là nỗi ám ảnh thời Trung Hoa Dân quốc. Một là Tưởng Giới Thạch. Hai là Đới Lạp, người sau này sẽ trở thành Thiếu tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo - Đặc vụ trong chính phủ do Tưởng đứng đầu.

Một người em kết nghĩa của Đới Lạp là Vương Á Tiều (sinh năm 1897, sau này được tôn xưng là Trung Hoa đệ nhất sát thủ, được văn hào Andre Malraux lấy làm nguyên mẫu cho nhân vật sát thủ trong tác phẩm lừng danh "Thân phận con người") sau đó cũng được Đỗ cưu mang, giúp đỡ đưa vào Bác Cổ bang. Vương Á Tiều rất giỏi võ nghệ, phóng dao, bắn súng, sống bằng nghề giết mướn. Gã chính là thích khách được Tam Hòa hội thuê chỉ huy nhóm tìm giết Lộ Lan Xuân. Biết an nguy của cô đào hát do Đỗ Nguyệt Sênh chịu trách nhiệm, sau khi nhận hợp đồng, Vương Á Tiều đã tìm cách báo cho Đỗ biết.

Thời gian quá gấp, Đỗ Nguyệt Sênh nhận ra nguy cơ Lộ Lan Xuân bị phục kích ngay khi các sát thủ do Tam Hoà hội điều đến sắp ra tay. Đỗ không kịp báo với Hoàng lão đại  để đề phòng. Với một tốp đàn em ít hơn nhiều, Đỗ đã liều mạng tả xung hữu đột gây một trận thư hùng, mở đường máu cho Lộ Lan Xuân chạy thoát. 

Bản thân Đỗ bị đám sát thủ tặng cả chục nhát chém. Mang thương tích nặng, tưởng chừng Đỗ đã vong mạng khi bị bọn côn đồ truy sát. Nhưng rất may, viện binh do Hoàng Kim Vinh điều tới đã xuất hiện đúng lúc. Đỗ lại được chính họ Hoàng cứu sống, coi như trả lễ.

Ân oán giang hồ đã buộc chặt, từ một tên lưu dân vô danh tiểu tốt, Đỗ Nguyệt Sênh được Hoàng Kim Vinh chính thức mời về làm tổng bảo kê các vũ trường, sòng bạc của Thanh Bang trong khu tô giới Pháp, vừa để trả ơn, vừa để tận dụng sức lực cơ bắp của y trong những trận chiến đường phố. 

Trong vị trí này, lần thứ hai Đỗ lại cứu chính ông chủ Hoàng thoát chết vào 4 năm sau đó. Nguyên nhân gây sự biến vong thân lại vẫn bắt nguồn từ cô ca sĩ tình nhân Lộ Lan Xuân.

(Còn tiếp)

Nguyễn Hồng Lam
.
.