Phạm Văn Đồng - Người bạn chân thành của chúng tôi

Thứ Bảy, 07/03/2020, 11:23
Đồng chí Phạm Văn Đồng (1-3-1906 - 29-4-2000) là một nhà cách mạng Việt Nam danh tiếng, một cộng sự rất gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả hai nhà lãnh đạo đều dành được tình yêu lớn của người dân Xôviết, người Nga, những người kính trọng sâu sắc thành tựu cuộc đời của họ.

Tôi từng có may mắn được gặp gỡ với vị Thủ tướng của Việt Nam nhiều lần. Mùa xuân năm 1964, bất ngờ tôi được mời đến dinh thự chính phủ trên đồi Lenin, nơi ông Phạm Văn Đồng đang dừng chân. Trước đó không lâu, tại Kremlin đã diễn ra sự thay đổi lớn và có khá nhiều vấn đề được nhà lãnh đạo Việt Nam quan tâm, trước hết về những triển vọng quan hệ của hai nước. Ông muốn biết ý kiến của cả những người dân thường.

Trò chuyện với tôi là một vị khách có dáng người cao, rõ ràng là ông muốn nói chuyện về đề tài thanh niên, bởi khi đó tôi là chuyên viên của Ban Quốc tế Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Liên Xô và có thể nói được tiếng Việt.

Dĩ nhiên là tôi cảm thấy hồi hộp nhưng ngay từ những lời nói đầu tiên tôi đã hiểu rằng đó là một người rất chân thành, thân thiện và cởi mở. Chúng tôi thong thả dạo bước trên những con đường ở công viên và nói chuyện về các chủ đề khác nhau. Tôi đã hình dung không sai về những gì diễn ra ở Việt Nam. Về sự nghiệp của các nam nữ thanh niên Liên Xô tôi đã cố gắng trả lời đầy đủ và khách quan, nhấn mạnh rằng không có một thế lực nào chia cắt được mối liên hệ giữa chúng ta. Khi chia tay, ông Phạm Văn Đồng đã ôm tôi sau khi nói rằng chúng ta sẽ còn gặp nhau nữa. Và đúng là như vậy.

Cuộc chiến tranh ở Việt Nam do đế quốc Mỹ gây chiến đang nóng lên. Đã có hàng nghìn tình nguyện viên Liên Xô muốn được chiến đấu ở Việt Nam để được kề vai sát cánh với các bạn chống quân xâm lược.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các chuyên gia Liên Xô tại Việt Nam.

Vào năm 1967, tôi được cử đi công tác tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với tư cách là phóng viên thường trú của Hãng thông tấn Liên Xô TACC và Báo KP (Sự thật Thanh niên), đồng chí Phạm Văn Đồng đã sẵn sàng dành cho tôi một cuộc phỏng vấn về tổng kết năm và những triển vọng đối với tương lai và luôn hướng đến thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam chống quân xâm lược và tay sai. Thủ tướng đã bày tỏ sự biết ơn chân thành đối với sự giúp đỡ có hiệu quả của Liên Xô và bạn bè quốc tế.

Trong một buổi trò chuyện như thế, khi sắp kết thúc thì tôi quyết định đọc cho ông Phạm Văn Đồng nghe bức thư của mẹ tôi. Trong thư, bà đã bày tỏ tình yêu và sự kính trọng đối với dân tộc Việt Nam anh hùng, tin tưởng vào thắng lợi trước quân thù, chúc cho mỗi gia đình Việt Nam sớm được đoàn tụ sau nhiều năm xa cách. Tôi đã nói thêm rằng cha tôi đã hy sinh ở Stalingrad, còn mẹ tôi đã bị thương nặng do mảnh bom. Sau đó là sự im lặng. Phạm Văn Đồng đã rất xúc động, thậm chí tôi có cảm giác là những giọt nước mắt đã ứa ra trong đôi mắt ông.

Một lúc sau, ông nói: “Tôi nghĩ rằng trong những năm tháng chiến tranh này nhân dân Liên Xô là một trong những người bạn thân thiết nhất đối với nhân dân chúng tôi. Chính họ đã trải qua chiến tranh và biết được giá trị lòng can đảm của con người và giá trị của sự hy sinh. Tôi tin rằng dân tộc Xôviết đang có những tình cảm sâu sắc và chân thành nhất bởi niềm vui về những thắng lợi của chúng tôi”.

“Tôi còn muốn nói” - Thủ tướng nhấn mạnh - “rằng nhân dân Liên Xô khi lập nên chiến công vĩ đại của mình trong những năm Chiến tranh Vệ quốc đã chiến đấu không chỉ vì đất nước mình, đã chịu những hy sinh không chỉ vì bản thân mình mà còn vì những lợi ích lớn lao của các dân tộc trên thế giới”. “Chúng tôi ở Việt Nam” - ông nói - “đấu tranh và hy sinh cũng không chỉ vì bản thân mình, mà còn vì những lợi ích to lớn như vậy”.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và tác giả bài viết (ảnh chụp năm 1964).

Và thắng lợi đã đến. Sau khi bị thất bại thảm hại, quân đội Mỹ đã rút khỏi Việt Nam vào tháng 3-1973. Rồi đến tháng 4-1975 Sài Gòn được giải phóng và sau đó đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh. Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, thống nhất.

Mùa xuân năm 1975, tôi được chỉ định làm chuyên viên Ban Quốc tế của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Liên Xô và đã được gặp ông Phạm Văn Đồng ở Liên Xô thường xuyên hơn. Theo thường lệ, ông được bố trí ở trong dinh thự riêng. Buổi sáng, Thủ tướng thích nghe điểm báo các báo chí Liên Xô. Trong lúc ăn sáng hoặc ăn trưa, tùy tâm trạng, ông sẽ quan tâm đến các đề tài, chẳng hạn như những vấn đề thời tiết khắc nghiệt ra sao. Biết được điều này, tôi đã đọc trước thông tin các loại và thủ tướng chăm chú lắng nghe tin tức. Thỉnh thoảng ông nói: “Điều này thật là thú vị!”, sau đó ông lại ngập vào công việc.

Đồng chí Phạm Văn Đồng còn có tính cách nhẹ nhàng và tính hài hước đáng ngạc nhiên. Tôi chưa thấy ai dễ vui cười một cách chân thành đến thế trước những đề tài hoặc những câu đùa khác nhau. Vào những lúc đó, vị Thủ tướng trông thật tự nhiên và giản dị đến mức không ai biết được rằng ông đang giữ một chức vụ cao như vậy. Không chỉ một lần tôi bị thuyết phục bởi sự uyên bác và tâm hồn quảng đại của ông.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng, A.Serbin (phóng viên báo Pravda) và S.Afonin (Hãng thông tấn TACC) Tại Phủ Chủ tịch ở Hà nội.

Theo tôi thì chính những con người tài năng, khiêm tốn và tinh tế cần phải cầm lái chính quyền. Ở tuổi của ông tất nhiên là có những vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là vấn đề thị lực nhưng ông không tỏ ra lo lắng mà luôn nhìn nhận cuộc đời theo quan điểm triết học với một sự thông thái. Đặc biệt, ông còn có tính tự trào. Một lần, tại điện Kremlin trong một buổi tiếp tân, chúng tôi đi xuống cầu thang, bỗng nhiên ông bị vấp và suýt ngã nhưng tôi đã kịp đỡ cánh tay Thủ tướng. “Cảm ơn! Nhưng không dám đâu”, ông nói và mỉm cười với tôi trìu mến.

Trên thế giới khi ấy, trong đó khu vực châu Á có những vấn đề cấp thiết mới. Và để củng cố mối quan hệ Liên Xô - Việt Nam, ngày 3-11-1978, trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Liên Xô của đoàn đại biểu CHXHCN Việt Nam do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu, Hiệp định hữu nghị và hợp tác giữa Liên Xô và CHXHCN Việt Nam đã được ký kết. Hiệp định đó là văn kiện chung đầu tiên dạng này trong lịch sử mối quan hệ lâu dài Xô-Việt và đã được bạn bè của chúng ta trên khắp thế giới chào mừng.

Tuy nhiên, đối với thủ đô một số nước, theo nhận định của báo chí thì nó là “rất bất ngờ”, rõ ràng bởi lý do là tại một trong số các điều khoản của Hiệp định có nói: “Trong trường hợp một trong hai bên là đối tượng của cuộc tấn công hoặc bị đe dọa tấn công thì các bên tham gia ký kết ở cấp cao ngay lập tức sẽ tiến hành tham vấn lẫn nhau nhằm loại bỏ mối đe dọa và có biện pháp thích hợp, hiệu quả để đảm bảo hòa bình và an ninh của mỗi nước”.

Lịch sử đã khẳng định tính chất hợp thời của Hiệp định này.

Quãng thời gian từ năm 1989-2003 tôi lại công tác tại Hãng thông tấn ITAR-TASS và tiếp tục quan tâm sát nhịp sống của Việt Nam, tôi đã viết những bài báo khác nhau về cuộc sống của dân tộc anh em. Một sự kiện nữa đó là vào ngày 1-3-2011, đánh dấu kỷ niệm 105 năm ngày sinh của đồng chí Phạm Văn Đồng, cũng là kỷ niệm 10 năm ký kết Tuyên bố về đối tác chiến lược giữa Liên bang Nga và CHXHCN Việt Nam tại Hà Nội, trong chuyến đi thăm chính thức của Tổng thống Liên bang Nga V.Putin.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đoàn đại biểu thanh niên Liên Xô.

Điều này đã mở ra một giai đoạn mới, quan trọng hơn nữa trong sự hợp tác lẫn nhau giữa hai nước chúng ta. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã mất không lâu trước sự kiện quan trọng này nhưng suốt cuộc đời mình, ông đã tích cực thúc đẩy công việc đó và trong văn kiện này có sự đóng góp lớn lao của ông.

Hiện nay, những khi đọc lại các bài phỏng vấn và những bài phát biểu của Phạm Văn Đồng, người bạn chân thành của chúng tôi, thì trong tôi lại trào lên cảm giác ngưỡng mộ con người tuyệt vời này, người đã cống hiến cho sự nghiệp của Tổ quốc mình, cho tình anh em của hai dân tộc chúng ta, cho sự nghiệp chính nghĩa, cho hòa bình và tiến bộ trên hành tinh. Ông đã hoàn thành xứng đáng sứ mạng của người chiến sĩ yêu nước và người theo chủ nghĩa quốc tế.

Tôi sẽ trân trọng gìn giữ những bài phỏng vấn, những tấm ảnh mà tôi được chụp chung với đồng chí Phạm Văn Đồng, cùng những tài liệu về các cuộc gặp gỡ của tôi với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những di vật kỷ niệm quý giá nhất của tôi.

* Bài viết của cựu phóng viên quân sự Nga Sergey Afonin

Bích Nguyễn (theo Báo Cựu chiến binh Nga)
.
.