Pháp và Đức hợp pháp hoá các tệ nạn: Bước thụt lùi về đạo đức
Các nhà chức trách Pháp lần đầu tiên cho phép những người nghiện, mà cụ thể hơn là ở thủ đô Paris sẽ có thể tự chích thuốc tại một địa điểm an toàn. Hành động này tuy được các chuyên gia y tế, nhân viên hoạt động xã hội giám sát theo kế hoạch của dự án mở các phòng tiêm chích tập thể đang gây tranh cãi gay gắt.
Nhìn qua nước Đức, khi nước này tiến hành hợp pháp hóa nạn mại dâm từ năm 2001, các chính trị gia mong rằng nó sẽ tạo điều kiện sống tốt hơn và tự chủ hơn cho những người làm nghề mại dâm. Tuy nhiên, hơn 10 năm trôi qua, cuộc sống của họ không có gì cải thiện. Nạn buôn người và bóc lột lao động tình dục vẫn đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội Đức hiện nay.
Có vẻ như các nhà lập pháp của 2 nước đầu tàu châu Âu đang "bước thụt lùi về mặt đạo đức" khi đã ngớ ngẩn khuyến khích một bộ phận dân chúng tìm vui trong... tệ nạn!
Phòng chích tập thể, chốn "nương thân" cho các đối tượng nghiện ma túy
Ngày 30/5 vừa qua, các quan chức thành phố Paris đã cho phép mở "phòng tiêm chích tập thể" đầu tiên với luận cứ " Đây là một môi trường an toàn dành cho những người nghiện ma túy nặng". Một trong các "cứ điểm" đã được phê duyệt nằm giữa ga tàu khu đô thị Gare du Nord, quận 10 và trạm dừng của tuyến tàu điện ngầm La Chapelle.
Quận trưởng Rémi Feraud cho biết, phòng chích sẽ mở cửa vào mùa thu năm nay. Ông cũng không quên nhấn mạnh rằng khu vực này "đủ cách xa các khu dân cư, trường học và cửa hàng… nên không gây nguy hiểm cho trật tự công cộng". Khi đi vào hoạt động chính thức, phòng chích sẽ cung cấp miễn phí bơm, kim tiêm cho những người nghiện trong môi trường vô trùng, được các chuyên gia chăm sóc y tế giám sát.
Phó quận trưởng Myriam El Khomri còn bổ sung thêm: Tầm quan trọng của dự án là "nhằm mục đích giảm thiểu số lượng người nghiện ma túy dặt dẹo trên đường phố, trong các khu vực thuộc các tòa nhà chung cư, các bãi đỗ xe”. Công ty Điều hành đường sắt SNCF của Pháp là chủ đầu tư, điều hành dự án này, đã thỏa thuận với chính quyền duy trì cơ sở trong thời gian 3 năm.
Được biết, khu vực xung quanh Gare du Nord nổi tiếng với đội quân nghiện ma túy và tội phạm. Trong số 300.000 bơm, kim tiêm dự kiến được cấp phát miễn phí thì có đến một nửa cung cấp cho các địa điểm quanh khu vực Gare du Nord.
Kế hoạch mở "phòng chích tập thể" đã khơi lên không ít mâu thuẫn sâu sắc từ các tổ chức dân sự địa phương, nhiều tầng lớp nhân dân lo sợ những địa điểm như thế này sẽ biến tướng thành một "chợ trời ma túy công khai", tiếp tục gây ra suy đồi đạo đức xã hội. Hội đồng thành phố Paris đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu thăm dò nhanh ý kiến quần chúng vào tháng 4 vừa qua, kết quả cho thấy trong số 300 người dân tham gia bỏ phiếu có đến 93% phản đối việc mở phòng chích.
Phe đối lập liên tục công khai chỉ trích việc Chính phủ Pháp bật "đèn xanh" cho dự án gây tranh cãi này là sự "thất bại về mặt đạo đức" vì cho rằng đó là ý tưởng ngớ ngẩn, điên rồ. Ông Henri Guaino, một nghị sĩ đảng bảo thủ UMP từng trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Pháp năm 2012 đã nêu lên lo lắng xung quanh vấn đề nhạy cảm này: "Tôi thấy diều này chưa hẳn là một thất bại đạo đức. Đó là một sự khích lệ vi phạm pháp luật".
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Marisol Touraine cho biết chính phủ sẽ mạnh tay với nạn buôn bán và tiêu thụ ma túy, đồng thời nói thêm rằng chỉ trích của phe đối lập hoàn toàn xa rời thực tế các chính trị gia đối lập không nên soi mói, khai thác sự việc này để thực hiện ý đồ chính trị của mình. Bộ trưởng Y tế Pháp đưa ra lập luận sắc sảo rằng "dự án này sẽ giúp đỡ người bệnh, người nghiện để họ tìm được lời khuyên từ các chuyên gia y tế, nhân viên xã hội và nhận được hỗ trợ để thoát khỏi ma túy".
Nhưng đảng bảo thủ UPM cương quyết bác bỏ mọi luận điểm nhằm biện hộ cho việc mở các phòng chích ma túy công khai do chính phủ đề ra. Ông Camille Bedine, Bí thư quốc gia đảng bảo thủ đối lập UMP đã từng bày tỏ quan ngại sâu sắc trong một thông cáo báo chí "việc mở các phòng tiêu thụ không giúp chống lại thảm họa ma túy mà còn chủ quan xem thường nạn lạm dụng ma túy và hợp pháp hóa việc sử dụng những chất gây nghiện nhờ vào đối tượng nộp thuế".
Có khoảng 200.000 gái mại dâm ở Đức với doanh thu khoảng 14,5 tỷ euro hàng năm. |
Để trấn án, xoa dịu lo lắng của người dân, đồng thời "hạ nhiệt" những chỉ trích khắt khe từ phe đối lập, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã cam kết sẽ giám sát chặt chẽ việc mở các phòng chích đầu tiên dành cho những đối tượng nghiện các chất gây nghiện ở Pháp. Các bác sĩ Pháp, cũng như các tổ chức phi chính phủ, quốc tế đã tích cực kêu gọi, động viên ông Hollande thực hiện tốt lời hứa của mình.
Theo Trung tâm Giám sát các chất gây nghiện và cai nghiện ma túy châu Âu (EMCDDA), các nghiên cứu về công dụng của các phòng dùng ma túy tuy có mặt hạn chế nào đó nhưng nhìn chung đều đem lại kết quả tích cực: tăng cường tiếp cận chăm sóc y tế, điều trị cho người nghiện và giảm thiểu nạn lạm dụng ma túy công khai.
Có lẽ, việc nước Pháp cho phép mở các phòng tự tiêm chích ma túy tập trung có "nhà nước và xã hội giám sát" là học tập theo mô hình của các nước láng giềng như Đức , Anh và Thụy Sĩ vì theo nghiên cứu trong khoảng thời gian 3 năm từ năm 2006 đến 2009, nước Anh đã chứng minh cho cộng đồng châu Âu thấy rằng: các phòng dùng ma túy "trong khuôn khổ pháp luật" đã giảm được số lượng tội phạm và cướp giật đường phố.
Luật hóa mại dâm được các chủ chứa hoan hô!
Alina là một cô gái nghèo ở ngôi làng Sânandrei của Romania. Cô không có tiền và cũng không có việc làm. Thông qua sự giới thiệu của một người bạn, hè năm 2009, Alina cùng bạn đã lên đường đến Berlin. Hiện Alina đang làm gái bán dâm ở "Airport Muschis" hay còn được gọi là "Airport Pussies", khu nhà thổ chuyên nghiệp gần sân bay Schônefeld của Berlin, Đức.
Tại đây, hàng ngày cô phải phục vụ đủ loại khách làng chơi, trong đó có nhiều kẻ dùng ma túy để tăng cường thú vui bệnh hoạn. Cô và những gái bán dâm khác buộc phải trả cho chủ chứa 800 euro một tuần. Alina và 3 người phụ nữ chung nhau một chiếc giường trong phòng ngủ tồi tàn không có đồ nội thất. Tất cả những gì cô nhìn thấy là một trạm xăng, nơi cô được phép đến mua thuốc lá và đồ ăn nhẹ. Thời gian còn lại cô bị nhốt trong câu lạc bộ. "Tôi không được phép nói không với bất cứ điều gì" Alina nói. Thỉnh thoảng cô được gọi điện về gia đình, cô phải nói dối rằng ở Đức thật tuyệt.
Phòng chích tập trung hạn chế hay sẽ biến tướng thành "chợ trời ma tuý công khai"? |
Năm 2001, Quốc hội Đức đã thông qua luật về mại dâm nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho gái mại dâm. Theo luật mới, phụ nữ có thể kiện về tiền lương, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và có lương hưu. Mục tiêu của luật này làm cho tệ nạn mại dâm trở thành một ngành nghề giống như một nhân viên giao dịch ngân hàng hoặc trợ lý nha khoa. Họ được chấp nhận trong xã hội thay vì tẩy chay như trước đây. Các tổ chức cứu trợ và các chuyên gia ước tính có khoảng 200.000 gái bán dâm tại Đức.
Theo một số nghiên cứu trong đó có Tổ chức Mạng lưới châu Âu về phòng chống HIV/AIDS và tăng cường sức khỏe cho gái mại dâm nhập cư (TEMPEP), có khoảng 65% - 80% các cô gái đến từ nước ngoài trong đó nhiều nhất là từ Romania và Bulgaria. Những chủ chứa dạy gái mại dâm nói với cảnh sát rằng họ đã xem những trang web ở nhà tại Romania hoặc Bulgaria và nhận thấy rằng có thể kiếm được nhiều tiền bằng cách làm việc trong các nhà thổ tại Đức. Sau đó, họ mua một vé xe buýt và đến câu lạc bộ, tất cả hoàn toàn do chính họ quyết định.
Các hoạt động mại dâm được che đậy bằng những mỹ từ tốt đẹp từ sau khi mại dâm được hợp thức hóa. Các chính trị gia cho rằng dưới các quy định của luật mới, những người hành nghề mại dâm được làm những gì mình thích, được hưởng bảo hiểm xã hội, có một tài khoản ở địa phương. Nhưng đằng sau sự hào nhoáng và tưởng như tốt đẹp đó, nạn ma cô bóc lột tình dục, buôn người vẫn đang hoành hành và ngày càng trở nên phức tạp. Và hiệu quả của Luật mại dâm đã xảy ra như thế này: những người đàn ông ở Đức có thể đến nhà thổ mà không cần phải lo lắng hay thận trọng nữa.
Cho đến nay, nhiều nhân viên cảnh sát, các tổ chức phụ nữ và các chính trị gia gần gũi với gái mại dâm đều cho rằng ý nghĩa tốt đẹp trên thực tế của luật thì ít thấy mà nó chủ yếu hỗ trợ cho các chủ chứa và tăng sự hấp dẫn của thị trường buôn người.
Khi Luật mại dâm được ban hành, Luật dân sự Đức cũng được sửa đổi. Theo đó các tội về mại dâm được sửa theo hướng rất khó để chứng minh các yếu tố của một hành vi tội phạm. Một chủ chứa có thể được coi là phạm tội "bóc lột" khi thu về hơn một nửa thu nhập của gái bán dâm. Các nhà chức trách chấp nhận nhà thổ, tô hồng chúng bằng những mỹ từ như "phòng thương mại cho thuê". Tính đến nay đã hơn 11 năm kể từ khi mại dâm được "nâng cấp" theo luật năm 2001,
Hiệp hội Công nghiệp Erotik Gewerbe Deutschland (UEGD) ước tính có khoảng 3.000 đến 3.500 khu "đèn đỏ" được thành lập. Hiệp hội các dịch vụ công The Ver.di ước tính doanh thu hàng năm từ dịch vụ mại dâm đạt khoảng 14,5 tỉ euro. Các công ty du lịch tổ chức các tua du lịch dài ngày đến các nhà thổ ở Đức. Một nhà cung cấp dịch vụ du lịch đã viết những ngôn từ "hợp pháp", "an toàn" trên trang chủ công ty để quảng cáo cho các khách hàng yên tâm. Các khách hàng được hứa hẹn sẽ được "phục vụ chu đáo".
Xem ra mục tiêu tốt đẹp của Luật mại dâm 2001 của Đức đã bị chệch hướng. Người hưởng lợi không phải là gái mại dâm mà là những chủ chứa và các cơ sở kinh doanh nhà thổ