“Phiên tòa” bất đắc dĩ

Thứ Ba, 20/02/2018, 14:39
“Suy tính mãi, cuối cùng tôi chọn cái tít cho bài viết này như thế. Cái tên ngồ ngộ, khó nghe và có phần vô lý so với thời nay. Bởi, người sai phạm, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì đưa ra truy tố trước tòa, cớ sao lại “bất đắc dĩ”? Thế mới nên chuyện.

Chuyện từ thời xa lơ xa lắc ở chiến trường Nam bộ trong kháng chiến chống Mỹ mà tác giả bài viết này cũng “bất đắc dĩ” trở thành người trong cuộc. Bây giờ kể lại, đành phải đưa cặp từ PHIÊN TÒA vào ngoặc kép để tránh sự cười chê của các quan tòa đương đại”. Sự thể như sau:

Sau tết Mậu Thân (1968), địch phản công dữ dội chiến trường Đông và Tây Bắc Sài Gòn. Căn cứ bám trụ của các cụm an ninh, tình báo chiến lược được phép “tùy nghi di tản”, hầu hết về bám trụ địa bàn miền Trung và Tây Nam bộ để đánh lạc hướng theo dõi của địch, nhằm bảo toàn lực lượng và duy trì liên lạc với các lưới điệp báo nội thành.

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, tại địa bàn xã An Phước, huyện Châu Thành, Bến Tre có 2 đơn vị hoạt động bí mật về bám trụ tại đây. Đó là Cụm An ninh “T4” (An ninh Sài Gòn - Gia Định). Hồi đó chúng tôi vẫn gọi là “Cánh Tám Nam, Chín Cường”.

Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi mới biết chính danh của họ. Tám Nam là anh Thái Doãn Mẫn và Chín Cường là Trần Cường. Cả 2 người sau này đều trở thành Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh. Thứ hai, là đơn vị chúng tôi – Cụm Tình báo H67 thuộc Đoàn Tình báo chiến lược J22. Tên ngụy trang lúc đó là Đoàn nghiên cứu địa hình tỉnh Bến Tre.

Đó là 2 đơn vị bám trụ lâu dài nhất ở địa bàn An Phước (từ cuối 1969 tới Ngày Giải phóng miền Nam). Đó cũng là 2 đơn vị gắn bó mật thiết với địa phương trong tất cả các hoạt động: chống càn giữ đất; vây ráp bức rút đồn bốt địch; phối hợp du kích và các cơ quan đoàn thể địa phương phá khu gom dân của địch, vận động quần chúng trở về vườn xưa, nhà cũ; vận động quần chúng đẩy mạnh đấu tranh chính trị chống gom dân vào ấp chiến lược, chống khai quang, phá hoại vườn tược nhằm bảo vệ vùng căn cứ của các cơ quan, đơn vị của ta; tổ chức văn nghệ trong các ngày lễ, tết để tạo điều kiện tiếp xúc nhân dân nhằm tuyên truyền chính sách của Mặt trận giải phóng.

Về chiến trường sông nước, đỡ bom đạn hơn, đỡ căng thẳng hơn, vì địch tập trung đối phó các địa bàn trọng điểm, đặc biệt là đô thành Sài Gòn. Và, còn một cái đỡ nữa, đó là đỡ đói hơn. Nói vậy, song cũng chỉ được vài năm đầu, tới giai đoạn chuẩn bị ký kết Hiệp định Paris thì tình hình cực kỳ căng thẳng.

Thực hiện âm mưu cắm cờ, chiếm đất, địch tăng cường càn quét lấn chiếm sâu vào vùng giải phóng của ta; tăng cường nhiều toán biệt kích, thám báo và đội quân “Thiên nga” vào vùng căn cứ cách mạng nhằm thu thập tin tức tình báo, tuyên truyền chiến tranh tâm lý, ám sát cán bộ của ta, chặt đứt đường giao thông liên lạc giữa các địa bàn... gây cho ta nhiều thiệt hại. Đã có những trận càn tổng lực vào An Phước với thủy - lục - không quân tăng cường: Quân chủ lực, với chiến thuật trực thăng vận đổ quân trong đồng.

Dưới sông Ba Lai (sau lưng căn cứ bám trụ của ta) tàu chiến giăng kín; Lực lượng địa phương quân, từ Chi khu Trúc Giang (phía tây) bí mật hành quân bộ, băng qua xã Phú An Hòa về bao vây An Phước. Trận càn ấy, qua báo cáo của cơ sở nội tuyến chúng tôi nắm được là từ điệp viên nằm vùng của địch báo về Tiểu khu Kiến Hòa rằng “An Phước là căn cứ nguy hiểm của “VC” (Việt Cộng) vì chúng có lực lượng du kích rất mạnh. Bao trận càn đều thất bại là vậy.

Địa bàn An Phước không có quân chủ lực của “VC”. Muốn làm chủ vùng này, phải tiêu diệt bằng được lực lượng du kích”. Vì vậy, mưu đồ của trận càn hôm ấy là đối phương sẽ tiêu diệt và bắt sống toàn bộ du kích An Phước.

Theo chủ trương của lãnh đạo địa phương với các đơn vị đóng quân tại địa bàn là kiên quyết bám trụ chống càn giữ đất, giữ làng. Khi có trận càn lớn, qua bộ phận kỹ thuật của đơn vị chúng tôi nắm được, thông báo thì tạm thời tránh né sang phía bên kia sông Ba Lai để bảo toàn lực lượng. Song, trận này quá bất ngờ nên không thể tránh né mà phải kiên quyết bám trụ chiến đấu.

Tác giả (thứ hai, từ phải qua) gặp lại đồng đội cũ tại Bến Tre năm 2005.

Đơn vị chúng tôi phòng ngự chống càn tại căn cứ số 2 thuộc ấp II tại khu vực Cầu Đình. Ngụy trang là Đoàn nghiên cứu địa hình của tỉnh, nên mọi vũ khí, trang bị chiến đấu đều phải ngụy trang luôn, chỉ lèo tèo mấy khẩu CKC, các bin. Thực ra, chúng tôi được Đoàn J22 trang bị như một đơn vị chủ lực. Có tiểu liên AK47 báng dài, báng gấp với cơ số đạn tối đa, 1 máy bộ đàm PRC25 để theo dõi hoạt động của địch. Rồi lựu đạn, mìn gài, mìn định hướng Claymo (chiến lợi phẩm đem từ chiến trường miền Đông về).

Chưa hết, còn mìn tự tạo loại gài từ vòng xa tới mìn định hướng DH2 do đơn vị anh Hai Hoàng (công binh huyện cung cấp). Chưa hết, điều bí mật bất ngờ nhất là chúng tôi có cả súng chống tăng B41. Cây súng này giao cho Tám Tiến, công tác cùng bộ phận do tôi phụ trách quản lý. Khi cần, do tôi sử dụng. Vì Tiến chưa được tập loại vũ khí này. Hằng ngày, súng được bọc kín trong túi bạt. Hôm ấy phải đưa ra với tư thế sẵn sàng nhả đạn.

Trận càn hôm ấy, địch dùi thẳng vào căn cứ chúng tôi. Theo chỉ đạo chiến thuật của cụm trưởng Bảy Vĩnh, để đánh lừa địch ta chỉ là du kích, nên chỉ được sử dụng mìn, lựu đạn, khi phải dùng súng thì được bắn điểm xạ 2 viên, không được bắn liên thanh.

Trận chiến khai hỏa vào giờ Ngọ. Sau 2 đợt pháo cấp tập thị uy là 4 loạt bom của F105 tàn phá địa hình cho lính bộ binh nhào vô. Cả vùng khói bom mù mịt. Chừng nửa giờ sau, có tiếng mìn phía đông nam căn cứ - hướng phòng ngự của Cụm trưởng Bảy Vĩnh và Cụm phó Năm Tuyến, tiếp đó là tiếng rên la thảm thiết của tụi lính bị thương. Đạn nổ như bắp rang. Tôi đoán, đó là súng yểm trợ cho lực lượng cứu thương.

Hướng phòng ngự phía bắc của tôi, không tiếng mìn nổ, không tiếng súng. Linh cảm chuyện chẳng lành, tôi nhắc nhở Tám Tiến: “Hãy cảnh giác! Sẵn sàng chiến đấu!...”. Tiến day sang tôi, tay chỉ về phía trước. Tôi dõi theo và giật mình trước một dãy mũ sắt đang nhấp nhô bò trên bờ mương về phía chúng tôi, tên đầu tiên đã bò qua điểm đặt mìn ĐH2. Tôi giục Tiến: “Bấm điện! Bấm điện ngay”.

Mặt Tiến biến sắc, đáp lại: “Anh Ba! Mìn không nổ. Chắc pháo làm đứt dây rồi”. Lời Tiến vừa dứt, là tiếng hô của tên chỉ huy từ phía xa: “Xung phong!... Xung phong!... Bắt sống bọn du kích Việt cộng!”.

Không đợi tụi lính đứng lên, tôi chộp khẩu B41, nhằm thẳng gốc dừa nơi có nhiều chiếc mũ sắt ẩn nấp, bóp cò. “Oành oàng”. Một tiếng nổ long trời, tiếp sau là tiếng kêu la thảm thiết của tụi lính quyện cùng tiếng gào thét của tên chỉ huy: “Đụng bọn chủ lực rồi. Rút lui! Rút lui!...”.

Lúc đó khoảng 4 giờ chiều. Trái B41 đã chặn họng tất cả các mũi tiến công của địch. Tới khi trời sẩm tối, theo lệnh của cụm trưởng, chúng tôi bí mật rút ra đường bờ sông, chuyển về căn cứ ấp I, “nhường” trận địa cho đối phương thu dọn chiến trường, giải quyết thương binh, tử sĩ.

Thắng lợi đợt chống càn hôm ấy của chúng tôi đã trở thành nguyên cớ để lính địa phương quân không dám bén mảng vào vùng căn cứ An Phước - “Lính chủ lực còn ôm đầu máu trở về, huống hồ chúng ta! Ngu gì mà lao đầu vào vùng tử địa!”.

Giảm càn quét, địch lại tăng biệt kích, thám báo vào những ngày tháng sau đó, gây cho ta nhiều tổn thất. Nhất là khu vực ấp 5.

Theo trao đổi của ông Năm Quốc Thái - Trưởng ban an ninh huyện thì địa bàn xã An Phước có 2 tên chỉ điểm nguy hiểm. Cơ quan An ninh sẽ có phương án tiêu diệt. Trước mắt, địa phương cần có biện pháp răn đe. Ông Quốc Thái thông báo tóm tắt tình hình an ninh trong huyện, đặc biệt là âm mưu của địch chống phá ta trong dịp tết Nguyên đán sắp tới.

Bọn “Thiên nga”, thám báo... sẽ trà trộn trong dân để tiếp cận vùng căn cứ của ta. Tỉnh lộ 17 sẽ bị phong tỏa, gây khó khăn cho ta về lương thực, thực phẩm. Ông đề nghị lãnh đạo địa phương tổ chức một cuộc họp liên cơ (các cơ quan, đơn vị bám trụ tại địa bàn, để bàn biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.

Yêu cầu của Trưởng ban an ninh huyện được thực hiện vào tuần sau với nội dung: Vận động quần chúng tối 30 tết về khu vườn cũ ở ven đồng ấp I xem biểu diễn văn nghệ mừng xuân. Các tiết mục do đơn vị chúng tôi đảm nhận. Ở vùng ven “đói” văn nghệ nên bà con đi rất đông. Đây là cơ hội để địa phương thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cho quần chúng; Nội dung quan trọng thứ 2, lực lượng vũ trang địa phương xử án vắng mặt một số tên chỉ điểm (mật báo viên của địch) mang ý nghĩa cảnh báo cho quần chúng và răn đe kẻ phạm tội. Đây là nội dung bàn thảo rất lâu hôm họp liên cơ.

Cái khó nhất là ai sẽ thực hiện việc này? Đây là một cái khó đối với anh em tham dự cuộc họp, vì ai cũng có gia đình sống trong khu gom dân, ấp chiến lược, vùng kiểm soát của địch, tránh sao được sự trả thù. Thấu hiểu tâm lý đó, tôi xung phong đảm nhận với đôi lời phi lộ: “Việc này, có thể kẻ bị xử lý sẽ trả thù. Nhưng không sao, có giỏi thì vào căn cứ mà trả thù. Còn với gia đình tôi, ở tít ngoài Bắc, có dũng cảm thì ra ngoài đó mà trả thù”.

Tiếng cười và tiếng pháo tay nổi lên. Ông Trưởng ban an ninh tươi cười, đứng dậy bắt tay tôi: “Rất hoan nghênh, đồng chí gánh cho việc này thì quá tốt”.

Cuộc tiếp xúc quần chúng hôm ấy tổ chức trên một cái sân rộng nơi vườn cũ của một gia đình bị ép vào ấp chiến lược. Tôi mặc bộ quân phục gabadin màu ghi sáng, mũ tai bèo, súng ngắn bên hông.

Sau lời giới thiệu của vị thay mặt ban tổ chức, tôi bước lên thềm hè thực hiện thủ tục “kính thưa kính gửi” đàng hoàng rồi đi vào nội dung luôn: “Trước bà con cô bác hôm nay, tôi thay mặt lực lượng vũ trang địa phương thực hiện phiên tòa xử vắng mặt 2 tên Việt gian làm tay sai chỉ điểm cho địch gây nhiều tổn thất cho cách mạng, là Nguyễn M, Huỳnh K với hình thức cảnh cáo. Nếu 2 tên trên không chịu ăn năn hối cải thì cách mạng kiên quyết trừng trị. Nhân đây, xin thông báo để bà con biết, cơ quan an ninh vừa xác định trong dịp tết, địch gấp rút triển khai “kế hoạch Phụng hoàng” bằng việc tung đội quân “Thiên nga” về các miền quê với danh nghĩa thăm thân, trà trộn vào vùng căn cứ cách mạng để thu thập tin tức và đầu độc, ám sát cán bộ.

Xin bà con cảnh giác với những người lạ mặt về địa phương mình. Phát hiện dấu hiệu nghi vấn, đề nghị thông báo ngay cho lực lượng du kích, an ninh xã. Nhân dịp xuân mới, thay mặt lực lượng vũ trang địa phương kính chúc bà con luôn mạnh giỏi! Chúc tình đoàn kết quân dân ngày càng thắm thiết! Chúc cuộc kháng chiến của chúng ta sớm tới ngày toàn thắng.

Tiếng reo hò nổi lên vang dậy cả rừng dừa.

Chương trình nghị sự gói gọn trong 40 phút. Phần lớn thời gian dành cho biểu diễn văn nghệ. Dẫu là “cây nhà lá vườn” nhưng tiết mục nào cũng được bà con trầm trồ khen ngợi.

Cái tết năm đó trở thành kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời kháng chiến của tôi.

Bến Tre 1973 - Hà Nội, Tết Mậu Tuất 2018

Thiếu tướng Khổng Minh Dụ
.
.