Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh

Thứ Sáu, 20/05/2011, 15:00

Thế giới ca ngợi văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh vì không những Người là một biểu tượng mẫu mực về đạo đức mà phong cách ngoại giao của Người là tấm gương cho lãnh đạo các nước và giới chính khách học tập. Nhà sử học Helen Tourmer đã nhận định: "Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin"...

Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng nói: "Sự ứng xử linh hoạt của Hồ Chí Minh trong giao tiếp ngoại giao đã trở thành những câu chuyện huyền thoại". Có thể nhận thấy phong cách ngoại giao kiệt xuất Hồ Chí Minh bao gồm những đặc điểm chính như sau:  Với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin".

Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng nói: "Sự ứng xử linh hoạt của Hồ Chí Minh trong giao tiếp ngoại giao đã trở thành những câu chuyện huyền thoại". Có thể nhận thấy phong cách ngoại giao kiệt xuất Hồ Chí Minh bao gồm những đặc điểm chính như sau:

1. Tư duy sáng tạo độc đáo, vì mục đích duy nhất là độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân:

Ý tưởng trung thành với Tổ quốc, tận tụy với nhân dân luôn là phương châm sống của Người. Lúc hoạt động ở Pháp, khi được hỏi tại sao bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, Người trả lời: "Rất giản đơn, Đệ tam quốc tế nói sẽ giúp đỡ dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập. Vì vậy tôi đã bỏ phiếu tán thành. Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn".

Thời gian Người hoạt động ở Pháp, trùm thực dân Anbe Xarô đã mời Người đến gặp để phủ dụ và đe dọa: "Nước mẹ đại Pháp rất khoan hồng song cũng không tha thứ cho những kẻ gây rối loạn. Có chí khí là tốt, song còn phải thức thời mới là khôn ngoan. Tôi luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ ông...". Người đáp lại: "Cảm ơn ngài, cái mà tôi cần nhất trên đời này là đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập". Có phóng viên báo Pháp phỏng vấn Người:

- Thưa Chủ tịch, Chủ tịch ghét gì nhất?

- Điều ác.

- Thưa Chủ tịch, Chủ tịch yêu gì nhất?

- Điều thiện.

- Chủ tịch mong điều gì nhất?

- Nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên hoàn cầu.

- Thưa Chủ tịch, Chủ tịch sợ cái gì nhất?

- Chẳng sợ gì cả. Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không  được sợ gì.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu Quốc hội Tiệp Khắc bên nhà sàn của Người (tháng 2/1960).

2. Cách ứng xử linh hoạt, khôn khéo, bản lĩnh, trí tuệ và tự tin:

Cách mạng tháng Tám thành công nhưng chính quyền non trẻ gặp khó khăn trăm bề, thù trong giặc ngoài, thiên tai, giặc đói giặc dốt. Bản thân Người cũng phải chuyển chỗ ở nhiều nơi, luôn cải trang, có khi cần đi sớm về tối để tránh nguy hiểm, nhưng sách lược và chiến lược tài tình của Người đã chèo lái con thuyền cách mạng vượt mọi ghềnh thác. Tận dụng mâu thuẫn giữa Pháp và Tưởng nên lúc nhân nhượng với Pháp để đuổi Tưởng và bè lũ tay sai về nước; lúc thì hòa hoãn với Tưởng để rảnh tay đối phó với Pháp, dành thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến lâu dài. Phương châm của Người là: "Găng nhưng không được bể. Đoàn kết và đoàn kết, đó là quan điểm của chính phủ ta. Chúng ta sẵn sàng nhân nhượng để có một giải pháp chung. Song, độc lập quốc gia và tự do dân tộc thì không được vi phạm".

Trước khi sang Pháp đàm phán, Người dặn lại quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng bí quyết "Dĩ bất biến ứng vạn biến" và kết quả mọi việc đều chu toàn. Trên đường từ Pháp về Việt Nam, Đô đốc Đácgiăngliơ xin gặp Người với mục đích diễu võ dương oai, uy hiếp tinh thần. Đến lúc gặp, Người chủ động ôm hôn Đô đốc Pháp làm các đồng chí cùng đi thắc mắc, Người giải thích: "Đánh nhau thì đánh nhau, mình hôn nó một cái thì có mất gì!". Trong buổi chiêu đãi, Người ngồi giữa, một bên là Đô đốc Hải quân Pháp, bên kia là Thống soái lục quân Pháp ở Viễn Đông, Đácgiăngliơ bóng gió, dậm dọa: "Thưa ông Chủ tịch, ông đã được đóng bộ khung rất đẹp của hải và lục quân đó!". Người mỉm cười: "Giá trị là ở bức tranh chứ không phải bộ khung. Chính bức họa đem lại giá trị cho bộ khung!".

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia khiêu vũ tập thể trên thuyền, khi người thăm sông Ly Giang ở  Quảng Đông, Trung Quốc (tháng 5/1961).

3. Cách giao tiếp giản dị, chân tình, dễ cảm hóa và có tính thuyết phục cao:

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người phi thường và xuất chúng. Những vị khách quốc tế gặp Người bao giờ cũng giữ lại ấn tượng sâu sắc và luôn tìm cách lý giải về sức cảm hóa kỳ lạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi vốn hiểu biết uyên bác, tài trí thông minh tuyệt vời, ý chí nghị lực; hoặc cũng bởi sự giản dị, lạc quan, thẳng thắn, kinh nghiệm và tự tin kết hợp với phong cách lịch thiệp, nho nhã.

Ngày 12/10/1954, nhà văn Ba Lan M.Giulapxky gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Sơn Tây. Người ra hiệu cho đồng chí phiên dịch không phải dịch. Khi nghe phóng viên báo Sự thật hỏi, Người trả lời bằng tiếng Nga. Sau đó Người nói chuyện bằng tiếng Ý với phóng viên Tạp chí UNITA, bằng tiếng Anh với phóng viên báo Công nhân, rồi Người vui vẻ giải thích bằng tiếng Pháp tại sao mình nói được nhiều ngôn ngữ như vậy.

Cứ mỗi lần chiêu đãi khách, khi tan tiệc Người thường nói theo phong tục người Việt, ăn cỗ phải mang phần về cho người ở nhà nên ai cũng được nhận quà của Người. Khi tiếp khách bạn Lào, thấy gió mùa đông bắc tràn về, Người lấy khăn tặng hai đồng chí quàng khỏi lạnh. Ngày 1/1/1960, các đoàn ngoại giao và khách quốc tế tại Hà Nội đến Phủ Chủ tịch chúc tết Bác Hồ. Cuối bữa tiệc, Bác cầm một quả táo to và túi kẹo đi đến chỗ ông đại sứ Ấn Độ: "Ngài đại sứ có đưa phu nhân sang đây không?", vị tướng ngoại giao cảm động, lúng túng trả lời chỉ đưa theo cháu trai 9 tuổi, Bác nói: "Thế thì tôi gửi ông mang về cho cháu quả táo này và gửi cháu những cái hôn", rồi Bác nói với quan khách: "Tết ở nhà các vị chẳng thiếu thứ gì. Nhưng xin các vị hãy cầm lấy chút hoa quả trên bàn và mang về gọi là quà của Bác Hồ tặng các cháu ở nhà". Mọi người ồ lên vui vẻ, nhưng xúc động và cảm phục sự quan tâm của Hồ Chủ tịch.

Charles Fourniau, nhà sử học Pháp hồi tưởng buổi phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 15/7/1969: "Giọng nói của Người rất tự chủ, lúc nào cũng đi thẳng vào vấn đề, không chút nghi thức. Giờ phút được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm ấy là một trong những giờ phút đáng ghi nhớ trong đời tôi. Người không để lộ với tôi những bí mật nhà nước, không tìm cách dạy tôi một bài học về đạo đức hay chính trị nhưng càng nghe tôi càng thấy Người vừa nói về một vấn đề lớn của đất nước, vừa dạy cho tôi một bài học luân lý chính trị".

Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà du hành vũ trụ Titốp, Nga bơi thuyền trên vịnh Hạ Long (tháng 1/1962).

4. Cách viết ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu và mang giá trị thực tiễn cao:

Nhà sử học Italy Pino Perugia đánh giá bức thư Gửi đồng bào toàn quốc của Hồ Chí Minh viết năm 1944: "Là một bản tổng hợp tiêu biểu sự tiến triển chính trị và tư tưởng của cả một dân tộc". Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam do Người đọc ngày 2/9/1945 đã mở đầu bằng câu trích từ Tuyên ngôn độc lập 1776 của Mỹ, sau đó là dẫn ý bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791. Thực dân Pháp trở mặt quay lại xâm lược nước ta, Người ra lời hiệu triệu: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước".

Chủ nghĩa đế quốc thay chân chủ nghĩa thực dân cũ với vũ khí tối tân hơn, nhiều tiền hơn, lắm lính đánh thuê hơn. Người gửi thư cho nhân dân Mỹ: "Chính phủ Mỹ lầm tưởng rằng với sức mạnh tàn bạo, họ có thể bắt nhân dân Việt Nam chúng tôi phải đầu hàng. Nhưng nhân dân Việt Nam quyết không bao giờ khuất phục. Chúng tôi yêu chuộng hòa bình, nhưng phải là hòa bình chân chính trong độc lập, tự do. Vì độc lập tự do, nhân dân Việt Nam quyết không sợ gian khổ, hy sinh và quyết chiến đấu chống bọn xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn".

Trước ý đồ đẩy miền Bắc Việt Nam về thời kỳ đồ đá bằng bom rải thảm, Người kêu gọi: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Nhân dân Việt Nam nhất định thắng! Giặc Mỹ xâm lược nhất định thua". Nhà văn Stanley Karent đã viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tạp chí Time: "Không hề có sự lay chuyển trong niềm tin của ông Hồ, không thể làm nhụt ý chí của Người. Ngay cả khi cuộc chiến tranh tàn phá đất nước của Người, Người vẫn tin tưởng vào ngày độc lập của Việt Nam. Và hàng triệu người Việt Nam đã chiến đấu và hy sinh để giành mục tiêu này".

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết 1.535 bài báo dưới 53 bút danh khác nhau, và Người thường xuyên đọc khoảng 70 loại báo trong và ngoài nước. Jean Lacouture nhận định: "Văn phong kỳ lạ, rõ ràng là thế! Người ta không thấy có giọng văn này ở cả Xtalin, Churchill hay De Gaulle, còn văn Cụ Hồ thì vươn tới tiếng nói của lịch sử".

5. Kết hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp của quân sự, chính trị, kinh tế vào công tác ngoại giao:

Tối ngày 12/5/1947, trong một căn phòng nhỏ giữa thị xã Thái Nguyên, cố vấn Cao ủy Pháp Paul Mus gặp Hồ Chủ tịch đưa ra một bản điều kiện đầu hàng. Người trả lời: "Ông Paul Mus, tôi biết ông đã tham gia cuộc kháng chiến của nhân dân Pháp chống Hítle, vậy nếu ông ở địa vị tôi, ông sẽ có thái độ như thế nào đối với những điều kiện này? Phải là một kẻ hèn mạt mới chấp nhận điều đó. Và tôi nghĩ rằng trong Liên hiệp Pháp, không có chỗ cho những kẻ hèn mạt". Paul Mus thừa nhận và ngạc nhiên khi được mời sâmpanh. Lúc ra về, ông ta nói: "Chúc Chủ tịch dũng cảm". Người bắt tay ông ta và nói: "Luôn luôn như vậy, tất nhiên".

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Nếu tự mình không có thực lực làm cơ sở thì không thể nói gì đến ngoại giao". Có lúc Người ví: "Thực lực như cái chiêng, ngoại giao như tiếng chiêng, chiêng có to tiếng mới lớn". Như vậy là thắng lợi ngoại giao lớn hay nhỏ, hoạt động ngoại giao thuận lợi hay khó khăn tùy thuộc ở nhiều nhân tố, trong đó quyết định chủ yếu là ở thực lực. Rõ ràng nếu không có những chiến thắng to lớn của quân dân ta trong gần 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp thì không thể có Hội nghị và không có Hiệp định Giơnevơ. Nếu không có thắng lợi của quân dân hai miền Nam-Bắc thì không có Hội nghị và Hiệp định Pari. Về điểm này chính Người đã tổng kết: "Ngoại giao ở Hội nghị Giơnevơ thắng lợi là vì Điện Biên Phủ thắng lớn. Bây giờ cũng thế, đánh thắng lớn thì ngoại giao thắng nhiều. Không cứ gì ở ta mà ở nước nào cũng vậy. Cố nhiên ngoại giao là rất quan trọng, nhưng cái vốn chính là mình phải đánh thắng và mình phải có sức mạnh thì ngoại giao sẽ thắng".

Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh là sự kết hợp của nhiều nguồn lực trí tuệ, tinh thần, vật chất, tạo nên một sức mạnh tổng hợp. Đúng như nhà báo Mỹ David Halberstam kết luận trong cuốn sách "Hồ" rằng: "Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại này - hơi giống Gandhi, hơi giống Lênin, hoàn toàn Việt Nam"

Đỗ Hoàng Linh
.
.