Ra đi và để lại

Thứ Ba, 24/06/2008, 17:10
Trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ viết: “Sự lãnh đạo của ông Võ Văn Kiệt đã cải thiện cuộc sống của hàng chục triệu người Việt Nam...”. Trong con mắt thế giới, tên tuổi Võ Văn Kiệt gắn liền với một giai đoạn lịch sử đáng ghi nhớ và sâu đậm của đất nước Việt Nam. Trong con mắt nhân dân, như người dân thường nói “thời ông Kiệt” gắn liền với những công trình lớn lao của đất nước.

Ở đời, không có nhiều những con người khi nằm xuống như một cây đại thụ tỏa bóng giữa đời, đột ngột đổ xuống, để lại cả một khoảng trống mênh mông dường như không thể lấp được, nhất là khoảng trống vắng trong lòng người ở lại.

Ông không phải một nhà văn lớn để lại cho đời những trang sách đau đáu nỗi đau đời. Ông cũng không phải một nhạc sĩ lớn khi nằm xuống mà những lời ca, giai điệu vẫn còn để cho con người vin vào đứng dậy, tin yêu cuộc đời. Ông cũng không phải là một người thầy thuốc giỏi, một danh y cứu mạng, trả lại cuộc sống cho bao người bất hạnh.

Xin hãy lắng nghe lời chia buồn của Bộ trưởng cố vấn Lý Quang Diệu: “Ông Kiệt sẽ được tất cả mọi người nhớ đến”. Nhớ đến, bởi như điện chia buồn của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long: “Dưới sự lãnh đạo của ông, Việt Nam đã mở cửa với thế giới, từng bước tự do hóa thương mại và đầu tư, tạo ra những tiến bộ vượt bậc”. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon bày tỏ nỗi buồn sâu sắc khi nghe tin về sự ra đi của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “...Ông Võ Văn Kiệt đã mở đường cho sự chuyển đổi đất nước từ nghèo đói sang một thập niên phát triển kinh tế ấn tượng”.

Trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ viết: “Sự lãnh đạo của ông Võ Văn Kiệt đã cải thiện cuộc sống của hàng chục triệu người Việt Nam. Những nỗ lực của ông đã mở đường cho bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam”. Trong con mắt thế giới, tên tuổi Võ Văn Kiệt gắn liền với một giai đoạn lịch sử đáng ghi nhớ và sâu đậm của đất nước Việt Nam. Trong con mắt nhân dân, như người dân thường nói “thời ông Kiệt” gắn liền với những công trình lớn lao của đất nước.

Dấu ấn Võ Văn Kiệt tồn tại ở khắp mọi nơi: công trình đường dây 500 KV Bắc - Nam, hàng loạt các công trình thủy điện từ Bắc vào Nam, những đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa... Song, đó chỉ là những gì ông để lại cho dân, cho nước khi gánh trên vai trọng trách nặng nề Thủ tướng Chính phủ.

Nếu chỉ chừng ấy cũng đã đủ để lại dấu ấn Võ Văn Kiệt, để hôm nay ông có thể an giấc ngàn thu. Cái mà ông ra đi và để lại cho tất cả chúng ta, cho đất nước này còn nhiều hơn thế và dường như không thể nhìn thấy mà chỉ có thể cảm nhận thấy.

Một tấm lòng đau đáu về những vấn đề quốc gia đại sự, một trái tim lớn đầy nhiệt huyết, quyết liệt và bao dung, độ lượng; một tiếng nói ấm áp tình người, điềm đạm và chân tình. Không còn giữ bất cứ một cương vị gì chính thức trong xã hội, nguyên Thủ tướng có thể vui thú điền viên, vui vầy với cháu con như bao nhiêu người khác.

Trở về với đời thường như bao ông già Nam Bộ bình dị, chân chất nhưng tâm trí ông lại không chịu... hưu trí. Ông Kiệt, chú Sáu Dân không vắng mặt giữa đời sống kinh tế, đất nước. Hình như trái tim không biết mệt mỏi ấy vẫn cùng nhịp đập với dân, với nước. Lại chợt nhớ tới những cuộc ra đi của những con người mà trong dòng người đưa tiễn lại là những dân bình thường, không quen biết, chưa một lần gặp mặt. 

Ông không thể biết mọi người nhưng mọi người biết ông, kính trọng ông, thương tiếc ông. Nhiều người nghỉ một buổi làm, bỏ một phiên chợ, từ sáng sớm mỏi mắt ngóng đợi trên con đường dài dẫn vào nghĩa trang. Hàng ngàn người dân đứng chật bên đường để tiễn ông đi một đoạn đường, tiễn đưa bằng ánh mắt ngấn lệ. Thật hiếm có những con người như ông về nơi an nghỉ cuối cùng, không phải như lẽ tạo hóa “trở về cát bụi” mà là trở về ở mãi giữa lòng dân như nhân dân thường gọi ông: Chú Sáu Dân.

Vẫn biết quy luật khắc nghiệt của tạo hóa “sinh, bệnh, lão, tử”, dù một vĩ nhân hay một người bình thường cũng không thể cưỡng nổi, vậy mà sự ra đi của ông, ở tuổi đời 86, vẫn để lại sự hụt hẫng trong cõi lòng bao triệu người dân, bao nhiêu người mong chờ, hy vọng ở ông. Có lẽ thẳm sâu ở mỗi con người mà ông biết mặt, biết tên có một sợi dây vô hình nào đó gắn bó với ông. Hay là vì những vấn đề mà ông từng trăn trở, ưu tư, suy ngẫm không chỉ liên quan tới đất nước, tới một sự việc cụ thể nào đó, mà bởi “đồng chí Sáu Dân - Võ Văn Kiệt luôn gắn bó máu thịt với nhân dân” như trong điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong lễ truy điệu ông.

Một nhà văn lớn, một nhà thơ của nhân dân khi ra đời “bóng chữ” còn in đậm trên dòng đời tuôn chảy không ngừng nghỉ và trong lòng người. Một con người ra đi nhưng còn để lại hình bóng, nụ cười, mái tóc hiền triết trong lòng nhân dân thì sự khuất bóng chỉ càng thêm sâu đậm hình ảnh trong tâm trí mọi người. Ra đi và để lại như là một sự tổng kết của một đời người.

Cha mẹ ra đi để lại gì cho con cái? Của nả, tài sản, tiền bạc hay một nhân cách sống, một tấm lòng suốt đời hy sinh cho con cái hay đức độ? Phúc đức để đời cho con cháu có lẽ là lâu bền nhất. Đấy là “của để dành” vô giá đâu chỉ cho một đời.

Người đã ra đi như chú Sáu Dân để lại không chỉ những công trình cho hôm nay và mai sau. Ông để lại nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc. Nhưng điều lớn lao nhất ông để lại là một con người bình dị hết lòng vì dân, vì nước, trọn đời sống vì tình người, vì lẽ đời trong sáng, vì lẽ công bằng bền vững cho đất nước và cho mỗi con người. Con người như thế sống mãi trong lòng dân. Cả nước tiếc thương ông, dòng người dường như bất tận đưa tiễn ông về nơi an giấc ngàn thu.

Báo chí cả nước đã viết: “Một bộ óc đã ngừng tư duy”, “Một trái tim lớn ngừng đập”, “Chú Sáu Dân đã ra đi”... Song chắc hẳn nhiều người dân bình thường cũng biết rằng ông ra đi mà vẫn nặng lòng với đất nước, với nông dân, với bao điều tâm huyết ấp ủ còn dở dang.

Đôi mắt cười hiền từ vẫn lấp lánh ưu tư. Ánh mắt lạc quan tin tưởng và hy vọng thoáng gọn nghĩ suy. Trái tim ngừng đập, bộ óc ngừng tư duy, nhưng lòng chưa được thanh thản. Người già thường nghĩ về quá khứ và sống trong quá khứ. Rất nhiều người sống vì con, vì cháu. Lại có một số người từ khi trẻ đến lúc già chỉ sống cho mình, sống dối già.

Ông Kiệt, chú Sáu Dân sống, nghĩ suy và làm việc vì mọi người, cho hiện tại và cả tương lai. Hòa trong dòng người lặng lẽ tiễn đưa ông, những người không quen biết, thân thuộc, cho đến giây phút cuối cùng vẫn chưa được nhìn thấy gương mặt ông, chợt thấm thía rằng những gì ông ra đi và để lại cho dân, cho nước là lớn vô cùng. Ông là một người con của dân, vì dân. Người mà dân sẽ còn nhớ đến, nhắc đến thì người ấy chỉ là “đi xa” chứ không hề mất đi

Hồng Hạc
.
.