Sách với các nguyên thủ Quốc gia

Thứ Ba, 10/11/2009, 09:05
Có người đã từng ví von rằng, một cuốn sách muốn trở thành best-seller cần phải có những lời tán dương hay ngược lại là những nhận xét tiêu cực từ phía… nguyên thủ quốc gia. Rõ ràng không phải trường hợp nào cũng như vậy, nhưng chắc chắn ở một khía cạnh nào đó, chính trị sẽ giúp hình thành nhu cầu đối với văn học, và ngược lại văn học cũng có thể ảnh hưởng tới sự nghiệp của các chính trị gia.

Các nguyên thủ quốc gia cũng mang nhiều thái cực khác nhau trong quan hệ với văn học: một số tự viết ra những cuốn sách hay hồi ký của riêng mình, một số khác công khai những "đề xuất" hướng độc giả đi theo "khẩu vị văn học" của riêng mình. Như Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể coi là một nhà văn bẩm sinh, còn cựu Tổng thống Pháp Giscard d'Estaing lại có tài năng của nhà văn viễn tưởng.

Thành công từ... khen chê của các chính trị gia

tạp chí Express mới đây đã chỉ ra không ít những ví dụ cho thấy, những nhận xét của các nhân vật hàng đầu quốc gia nhiều khi lại đóng vai trò đòn bẩy tác động thị hiếu chung của độc giả. Nói cụ thể hơn, mức độ nổi tiếng của một cuốn sách phụ thuộc khách quan vào khả năng nó trở thành một chủ đề thời sự trong xã hội, trong số đó tất nhiên có cả chính trị. Điều kiện này có tác dụng không chỉ đối với các nhà văn thông thường, mà với cả những chính trị gia viết văn. Điển hình mới nhất là cuốn sách có tên “The Princess and the President" (Công nương và Tổng thống) của cựu Tổng thống Pháp Giscard d'Estaing.

Theo các nhà phê bình, d'Estaing qua cuốn sách trên đã không ngần ngại đưa mình ra làm trò cười, không ngần ngại kiếm tiền trên những hoài niệm về Công nương Diana. Dù tác giả khăng khăng rằng, cuốn sách hoàn toàn là một câu chuyện hư cấu, nhưng những nhân vật chính trong đó khiến bất cứ ai cũng tin rằng đó chính là d'Estaing và Diana. Dù tác phẩm của cựu Tổng thống Pháp không được các chuyên gia đón nhận một cách nghiêm túc, nhưng nó lại trở thành best-seller từ khi còn chưa được chính thức phát hành nhờ vô số những đề nghị đặt mua từ trước.

Tình huống tương tự cũng xảy ra với tác phẩm "Going rogue: an American life" của Sarah Palin - được coi là một cuốn hồi ký độc đáo, là nơi ứng cử viên phó tổng thống trong liên minh tranh cử với Thượng nghị sĩ John McCain đã kể lại những gì đã làm được và cả những dự định làm trong cuộc sống, những chuyện hậu trường chưa kể trong chiến dịch tranh cử tổng thống của phe Cộng hòa năm 2008. Cuốn sách nhờ đó đã nhanh chóng có mặt trong danh sách những tác phẩm best-seller.

Trong kế hoạch tăng cao lượng phát hành của một cuốn sách, lời khen trực tiếp của một chính trị gia hàng đầu nhiều khi có tác dụng chẳng kém gì tên tuổi của tác giả được in trên trang bìa. Có điều bất kỳ một tác giả nào cũng chỉ có thể hy vọng vào cái vận may mà tiền cũng không thể mua được này.

Chẳng hạn như tháng 4 vừa qua, Tổng thống Barack Obama khi trả lời phỏng vấn của tờ New York Times đã tâm sự, mỗi khi chán ngấy các bản báo cáo và lâm vào tình huống căng thẳng, ông thường thư giãn bằng cuốn tiểu thuyết "Netherland" của nhà văn Joseph O'Neil, viết về những sự kiện của ngày 11/9. Ngay sau những tâm sự trên của ông Obama, cuốn sách của tác giả ít tên tuổi người Ailen nhanh chóng trở thành best-seller. Bản thân Joseph O'Neil cũng không quên "trả lễ" bằng cách tán tụng tài năng văn chương của ông Obama: "Tiểu sử tự thuật của ông ấy khác biệt hẳn so với các hồi ký chính trị thông thường. Trong trường hợp này có thể nói rằng, đó là cuốn sách của một nhà văn. Trong đầu tôi luôn có cảm tưởng rằng, tại Nhà Trắng đang có một đại diện của thế giới nghệ thuật tự do".

Nhưng cũng có trường hợp, đóng vai trò thu hút độc giả lại là những lời chỉ trích kịch liệt của một nhà lãnh đạo. Đó là số phận tiểu thuyết  "La Princesse de Cleves" của nhà văn thế kỷ XVII Madame de La Fayett, cuốn sách vẫn được coi là tiểu thuyết tâm lý điển hình trong lịch sử nước Pháp. Tổng thống Nicolas Sarkozy đã gọi cuốn sách trên là tác phẩm “rầu rĩ chán ngắt”, không xứng đáng lôi kéo sự chú ý của các sinh viên. Kết quả là chỉ một ngày sau, "La Princesse de Cleves" lên cơn sốt, trở thành cuốn sách được tìm đọc nhiều nhất tại Pháp. Để bày tỏ sự phản đối với đánh giá trên của Tổng thống, người ta còn tổ chức đọc công khai tác phẩm trong tàu điện ngầm, nhà hát, tiệm ăn và nhà ga v.v... 

Trả giá vì... văn học

Lời thú nhận thành thật của cựu Thủ tướng Nhật Taro Aso rằng, không có khả năng đọc chữ Kanji (một dạng văn tự của Nhật có sử dụng tượng hình như kiểu tiếng Hoa) một mặt đã làm nâng cao ý thức thông thạo loại chữ trên trong đông đảo người dân Nhật, nhưng mặt khác làm tổn hại đáng kể tới uy tín của ông Aso. Vào đúng thời điểm đảng LDP của ông đang có uy tín rất thấp, nhiều người dân Nhật đã tự trang bị cho mình những cuốn sách dạy tiếng Kanji như một hình thức chế nhạo vị Thủ tướng dù không biết được bao nhiêu chữ tượng hình vẫn tự gọi mình là một người hâm mộ thể loại truyện Manga. Thất bại trong bầu cử sau đó của ông Taro Aso cũng có một phần không nhỏ mà nguyên nhân là từ chuyện "chữ nghĩa sách vở" này.

Một người khác được cho là đã tự đốt cháy sự nghiệp chính trị của mình vì văn học chính là Bộ trưởng Văn hóa Farouk Hosni của Ai Cập. Tất cả những thành công chính trị và văn hóa của ông Hosni - họa sĩ, cố vấn văn hóa tại Paris, Giám đốc Viện Nghệ thuật Ai Cập tại Rome, cùng với thâm niên 22 năm liên tục trên cương vị Bộ trưởng Văn hóa - hầu như bị xóa sổ bởi một câu nói của ông ta hồi năm 2008: "Tôi sẽ tự tay đốt hết những cuốn sách tiếng Ivrit (thứ tiếng chính thức của Israel) mà tôi bắt gặp tại các thư viện của Ai Cập".

Thủ tướng Vladimir Putin tại "cuộc gặp gỡ bàn tròn" với đại diện các nhà văn Nga.

Phát biểu mang tính chống lại Israel này của Hosni còn khiến ông bị mất chiếc ghế Giám đốc UNESCO, cho dù chỉ một thời gian ngắn trước đó ông còn được đánh giá là ứng cử viên sáng giá nhất. Mặt khác những phát biểu của Hosni còn làm tăng thêm sự quan tâm của công chúng đối với văn học Israel, khi nhiều tổ chức nhân quyền đã phát động phong trào đọc sách của nước này như một dấu hiệu phản đối.

Đọc sách theo... màu

Thủ tướng Nga Vladimir Putin được đánh giá có quan hệ rất tốt với giới nhà văn. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 57 của mình, ông đã tổ chức một "cuộc gặp bàn tròn" với nhiều nhà văn Nga, bàn bạc về những vấn đề cốt yếu của văn hóa và giáo dục. Trong cuộc gặp này, ông Putin đã tuyên bố cần thiết phải hỗ trợ tài chính cho nền văn học hiện đại, sau khi đánh giá "văn học luôn là bộ phận cấu thành quan trọng trong cuộc sống và xã hội". Báo chí Nga đánh giá những phát biểu trên có ý nghĩa không chỉ với nền văn học Nga nói chung, mà còn giúp tăng lượng sách phát hành của những nhà văn được mời. Tất nhiên các nhà văn này cũng không bỏ lỡ cơ hội "quảng bá" khi tự tay tặng ông Putin những cuốn sách của mình.

Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela được coi là người tuyên truyền đặc biệt thành công cho các cuốn sách. Tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ tháng 4/2009, ông Chavez đã tự tay tặng cho Tổng thống Mỹ Barack Obama cuốn sách "Las Venas Abiertas de America Latina" của nhà văn Eduardo Galeano, viết về quá trình châu Âu và nước Mỹ đã bóc lột tài nguyên của Mỹ Latinh trong suốt 500 năm qua. Ngay sau khi thông tin về sự kiện này xuất hiện trên mặt báo, cuốn sách của Galeano đang từ vị trí 54.295 đã nhảy vọt lên vị trí thứ 6 trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất trên Internet, tiếp đó là vị trí thứ 2 trong danh sách best-seller của tờ New York Times. 

Ba năm trước đây, ông Chavez cũng từng giúp cuốn sách "Hegemony or Survival: America's Quest for Global Dominance" (Bá chủ hay tồn tại: Cuộc tìm kiếm vị thế thống trị trên toàn cầu của nước Mỹ) của tác giả Noam Chomsky vào danh sách best-seller, sau khi công khai giới thiệu về nó trước toàn thể Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Từ đầu năm 2009, Tổng thống Chavez đã đề xuất về "một kế hoạch cách mạng về đọc sách" trên khắp đất nước. Bản kế hoạch này là danh sách gồm 100 cuốn sách có nội dung khẳng định truyền thống của văn hóa Mỹ Latinh, chống lại chủ nghĩa đế quốc. Danh sách 100 tác phẩm này có nhiều bản tuyên ngôn của các thủ lĩnh chính trị như Che Guevara, Fidel Castro, Simon Bolivar, các công trình nghiên cứu và lý luận của Karl Marx, thơ của Ruben Dario, Jose Martin và cả các tác phẩm của Chavez. Tất cả 100 tác phẩm trên với sự hỗ trợ tài chính của chính phủ ban đầu được in 25.000 bản cho mỗi đầu sách, được phổ biến khắp Venezuela và đề xuất đưa vào nghiên cứu tại các trường học. 

Để dễ dàng và thuận tiện cho việc phổ biến và tiếp cận tới từng người dân, những tác phẩm trong kế hoạch trên được in theo các màu ngoài bìa tùy theo từng chủ đề. Những cuốn sách màu vàng có nội dung tiếp cận phổ cập và dân dã hơn, chẳng hạn như các lá thư của Simon Bolivar gửi cho người bạn gái cũng là đồng chí Manuela Saens của mình. Những cuốn sách màu xanh lá cây mang tính giáo dục, giúp người đọc hiểu rõ hơn thực chất của thế giới tư bản. Còn cuối cùng là những cuốn sách màu đen được coi là "công cụ bằng văn hóa chống lại những tác động tư tưởng của văn hóa đế quốc"

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.